"Chị hai" Thân Thúy Hà đen nhẻm, quê mùa trong phim ngắn cuối tuần
VOV.VN - Thân Thúy Hà cho biết, "Chị hai" là hình ảnh người phụ nữ Việt Nam “kiểu mẫu”, luôn biết chăm lo vun vén cho gia đình, chấp nhận hy sinh, chịu nhiều thiệt thòi về phía mình.
Chia sẻ về cơ duyên tham gia trong serie phim ngắn cuối tuần, Thân Thúy Hà cho biết trong quá trình quay phim “Lưới trời”, đạo diễn Nguyễn Phương Điền ngỏ lời mời cô tham gia một số tập phim ngắn cuối tuần.
“Hà đã nhận lời tham gia phim “Chị hai” và phim “Chồng muộn”. Đây đều là hai tập phim ngắn mà nhân vật do Hà thủ vai thuộc tuýp nhân vật Hà rất thích hóa thân: hình ảnh người phụ nữ chân quê đậm chất miền Tây với những đức tính hy sinh, tảo tần, chịu thương chịu khó” - Người đẹp bày tỏ.
Chia sẻ về công việc hiện tại, Thân Thúy Hà cho biết do dịch Covid-19, công việc của cô ít nhiều bị ảnh hưởng. Hiện tại chủ yếu cô ở nhà chăm sóc gia đình nhỏ và phải tạm ngưng các dự án phim ảnh. Nữ diễn viên cho biết cô dành thời gian này ở bên con và chăm lo cho gia đình, xem như cũng là cách để bù đắp lại những khoảng thời gian trước đó cô rong ruổi theo đoàn phim.
Nói về tập phim ngắn “Chị hai” và nhân vật chị Hai mà Thân Thúy Hà thủ vai, cô chia sẻ đây là hình ảnh người phụ nữ Việt Nam “kiểu mẫu”: luôn biết chăm lo vun vén cho gia đình, chấp nhận hy sinh, chịu nhiều thiệt thòi về phía mình.
Thân Thúy Hà hào hứng cho biết, cô mong: “Khi gánh trên vai trách nhiệm của người làm chị, người phụ nữ phải “vất vả” để trở nên mạnh mẽ và bản lĩnh. Vậy nên nếu may mắn là một phần trong trách nhiệm đó, hãy nhớ rằng “sự vất vả” ấy chỉ có những người nào tự nguyện, đầy ấp tình yêu thương mới đủ kiên trì để gánh vác. Đó là thông điệp của phim và cũng là điều mà Hà – thông qua nhân vật của mình – muốn khắc họa và nhắn nhủ đến khán giả hãy biết yêu thương những người chị cả như nhân vật trong phim”.
Chuyện phim xoay quanh Nhân (Thân Thúy Hà), người chị lớn trong gia đình có 2 người em trai là Lễ ( Luân Nguyễn) và Trí ( Đoàn Minh Tài). Từ nhỏ cha mất sớm, Nhân trợ thành trụ cột chính trong gia đình, một mình vất vả nuôi mẹ và 2 em khôn lớn thành tài. Nhiều năm sau, khi tất cả đều đã có gia đình, công ăn việc làm ổn định, thì hình ảnh của người chị hai là Nhân cũng dần mờ nhạt đi.
Ngày giỗ cha, Nhân lặn lội từ quê lên Sài Gòn, tay xách nách mang theo những món quê nhà mà ngày xưa cha Nhân rất thích ăn. Cái cổng lớn sang trọng mở ra, tưởng chừng như là sự vui mừng đón tiếp của em út, nhưng đổi lại là thái độ chê bai, dè bỉu các kiểu của cô em dâu, vợ của Trí (Hồng Vân). Sự sang trọng, hiện đại của vợ Trí chính là hình ảnh đối lập với Nhân, minh chứng ở hầu hết mọi hành động, lời nói, cử chỉ của Nhân đều làm cho vợ Trí bất mãn và không hài lòng.
Trong ngày giỗ, khách khứa đến rất đông, ai cũng đầm váy, sơ mi sang trọng, Nhân nhìn và cảm nhận được bản thân không phù hợp bầu không khí của hiện tại. Chị cảm thấy sự xuất hiện của mình sẽ làm ảnh hưởng đến nhiều thứ, nên đã lặng lẽ về quê dù trong lòng không chút buồn giận em út. Khi ai cũng cười nói vui vẻ, thì bà Tư (NSƯT Phi Điểu) nhận ra không có sự hiện diện của Nhân, cô con gái đáng thương của bà. Hơn ai hết bà Tư là người cảm nhận rõ nhất sự hy sinh của Nhân ra sao.
Bà Tư không kiềm chế được cảm xúc trước sự vô tâm của Trí, Lễ và vợ Trí đối với Nhân. Bà nghẹn ngào nhắc lại từng chuyện trong quá khứ mà nước mắt cứ tuôn trào. Đó là những ngày tháng một mình làm lụng vất vả của Nhân để lo cho cả gia đình mà không hề than vãn, là sự hy sinh cả tuổi thanh xuân của người con gái, không màng đến tình yêu, hôn nhân, để giờ đây cô đơn trong cảnh không chồng con. Từng lời, từng chữ như vết dao khứa vào tim của Lễ, Trí và vợ Trí, nhưng cũng nhờ vậy mà mọi người mới thấm thía hết sự hy sinh lớn lao của Nhân.
Cuối cùng, điều mà bà Tư và cả Nhân luôn mong ước, chính là sự quây quần, cười nói bên nhau của cả gia đình đã thành hiện thực. Những người em của Nhân đều nhận ra lỗi lầm và sự vô tâm của mình đối với chị. Ngôi nhà nhỏ giữa vùng quê bình dị sau đó lại đầy ấp những giá trị của tình yêu thương./.