Công diễn trực tuyến vở nhạc kịch kinh điển thế giới "Chuyện người lính"
VOV.VN - Do tình hình dịch bệnh kéo dài với nhiều chương trình văn hóa, nghệ thuật bị hủy bỏ, Viện Pháp tại Hà Nội - L’Espace, Dàn nhạc giao hưởng Quốc gia Việt Nam và Trường kịch và nghệ thuật ATH quyết định công chiếu trực tuyến vở kịch "Chuyện người lính".
"Chuyện người lính", tác phẩm của nhà soạn nhạc người Pháp gốc Nga vĩ đại Igor Stravinsky đã chính thức ra mắt công chúng Hà Nội ngày 16 và 17/4 vừa qua. Vở opera thính phòng nhỏ gọn này được sáng tác dành cho 7 nhạc công và 3 giọng kể qua lời văn của Charles-Ferdinand Ramuz.
Sau thành công của hai đêm diễn, theo dự kiến, "Chuyện người lính" sẽ được lưu diễn tại một số tỉnh và thành phố tại Việt Nam để công chúng có cơ hội tiếp cận một tác phẩm kinh điển của thế giới và thưởng thức tài năng nghệ thuật của các nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế. Tuy nhiên do tình hình dịch bệnh kéo dài với nhiều chương trình văn hóa, nghệ thuật bị hủy bỏ, Viện Pháp tại Hà Nội - L’Espace, Dàn nhạc giao hưởng Quốc gia Việt Nam và Trường kịch và nghệ thuật ATH quyết định công chiếu trực tuyến vở kịch "Chuyện người lính".
Theo đó, vở kịch sẽ được công chiếu vào 20h ngày 23/10 tại trang Facebook của Viện Pháp tại Hà Nội - L'Espace, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, ATH, Viện Pháp tại Huế, Viện Pháp tại Đà Nẵng, Viện Pháp tại TP.HCM, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Việt Nam, Phap.fr, France Alumni Vietnam, Hanoi Grapevine, Youtube: Phap.fr.
Đượm sắc màu của jazz và tango, có thể nói "Chuyện người lính" giữ một vị trí hết sức đặc biệt trong kho tàng tác phẩm của Stravinsky. Phần trình tấu của các nhạc công tài năng của Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Honna Tetsuji hòa điệu cùng giọng kể của các diễn viên sân khấu kịch ATH sẽ dẫn dắt khán giả vào một không gian vũ trụ khác, nơi sử thi gặp gỡ khoa học viễn tưởng.
Nếu màn biên đạo đầy tính thể nghiệm của Giám đốc nghệ thuật Marcelino Martin Valiente phá vỡ hoàn toàn cấu trúc thời không của câu chuyện thì phần trình chiếu các bức vẽ minh họa đầy huyền ảo của Nguyễn Mỹ Anh sẽ mang tới một bối cảnh vị lai cho câu chuyện. Trong phiên bản "Chuyện người lính" lần này, cũng đồng thời là câu chuyện về ác quỷ, cái ác trở nên vô hạn độ, vợi xa, bất định, không thể nắm bắt, không ngừng truy vấn lại sự vô thường của kiếp nhân sinh.
Trước đó, trong 2 đêm diễn vào tháng 4/2021 tại Hà Nội, vở kịch "Chuyện người lính" đã để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng khán giả. Tăng Thị Sinh, một khán giả tại Hà Nội chia sẻ: "Tôi cảm thấy rất hài lòng khi được xem một vở kịch đầy ý nghĩa như vậy. Trước khi đến xem, tôi đã tìm hiểu khá kỹ nội dung cũng như công tác chuẩn bị cho vở kịch.
Tôi rất khâm phục tài năng cũng như tinh thần của của ban tổ chức và các nghệ sĩ, đặc biệt khi họ phải làm việc với nhau trong điều kiện khoảng cách địa lý xa như vậy. Vậy mà đạo diễn cùng các nghệ sĩ đã có thể chuẩn bị một chương trình rất công phu và thành công. Sự kết hợp đầy sáng tạo giữa hình ảnh thị giác, DJ, nhạc cổ điển và giọng kể đã thu hút được khán giả, nhất là khán giả trẻ như tôi".
Bà Caroline Mandrion, quốc tịch Pháp-Thụy Sĩ chia sẻ: "Tôi rất thích cách chuyển thể và dàn dựng vở kịch này. Tôi đã từng xem nhiều phiên bản "Chuyện người lính" ở Thụy Sĩ, cổ điển hơn nhiều. Có một chi tiết rất trùng hợp là vở diễn này ra đời cách đây hơn 100 năm, ban đầu không được công diễn do dịch cúm Tây Ban Nha. Và lần này, "Chuyện người lính" lại được dựng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hoành hành.
Sự kết hợp độc đáo và đầy sáng tạo giữa các loại hình nghệ thuật (hình họa, DJ, kịch…) đã khiến một tác phẩm cũ, ra đời từ năm 1918 trở nên hết sức đương đại và hoàn hảo. Tôi đặc biệt ấn tượng với những hình họa của nghệ sĩ trẻ Mỹ Anh và phần lời kể do nghệ sĩ Hứa Thanh Tú và Quentin Delorme (ATH) thể hiện. Giọng kể của nghệ sĩ Quentin Delorme mạnh mẽ và truyền cảm còn giọng kể của Hứa Thanh Tú lại rất tròn vành, rõ nét và đầy cảm xúc. Nói chung đây là một vở kịch tuyệt vời, rất đáng xem”./.