Phim điện ảnh đề tài chiến tranh cách mạng: Cần bản lĩnh, tài năng của đạo diễn
VOV.VN - Khởi đầu của điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim về chiến tranh cách mạng xuất sắc, nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, lượng phim về đề tài này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Phải chăng, dòng phim chiến tranh đã không còn phù hợp thị hiếu công chúng?
Doanh thu không đồng nhất với chất lượng nghệ thuật
PV: Là người viết kịch bản cho “Thầu Chín ở Xiêm” - bộ phim nhận được nhiều giải thưởng điện ảnh - trong đó có giải biên kịch xuất sắc nhất, ông có thể nói đôi điều về quá trình thực hiện bộ phim này?
Nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc: Khoảng thời gian hơn 30 năm hoạt động ở nước ngoài của Bác Hồ, khi Bác hoạt động ở Pháp, Nga, Trung Quốc… được đề cập nhiều qua sách báo tư liệu, đặc biệt mảng phim tài liệu, phim truyện cũng có. Nhưng riêng thời gian Bác hoạt động ở Thái Lan (khi đó gọi là Xiêm) thì ít được nhắc đến. Khi tìm hiểu, tôi thấy khoảng thời gian này cực kỳ quan trọng. Lực lượng Việt kiều ở Xiêm rất đông, là nòng cốt của những hạt giống cách mạng.
Ví dụ tổ chức Tâm Tâm xã thì 7 người đầu tiên là từ Xiêm đi, và cũng chính từ lực lượng này Bác lập nên tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội. Khi Bác báo cáo Quốc tế cộng sản để quay lại hoạt động, họ muốn Bác quay lại Trung Quốc. Tuy nhiên, Bác vẫn trình bày nguyện vọng trở về Xiêm để phát triển căn cứ thứ hai (căn cứ thứ nhất lúc ấy ở Quảng Châu). Trong khoảng thời gian chưa đầy 2 năm, hiệu quả hoạt động của Bác rất lớn. Chính ở Xiêm là nơi xuất phát để Bác sang Hồng Kông hợp nhất ba lực lượng cách mạng, tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
PV: “Thầu chín ở Xiêm” khá hấp dẫn về mặt kịch bản. Từ kịch bản lên phim có điều gì khiến ông chưa hài lòng?
Nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc: Mấy tháng trước, tôi từ Hà Nội đi Nha Trang, trên chuyến bay của hãng hàng không Vietnam Airlines có chiếu phim “Thầu chín ở Xiêm”. Ngồi cạnh một số bạn trẻ, tôi hơi “khoe” một tí, giới thiệu mình là tác giả kịch bản. Họ bắt tay tôi và cảm ơn, tỏ ý tiếc là những phim tốt như thế này lại không được chiếu rộng rãi. Khi xem phim, tôi cũng rất hài lòng về âm thanh, âm nhạc, bối cảnh quay. Đoàn làm phim đã dựng bối cảnh khá chân thực, mặc dù nhiều cảnh quay ở Nghệ An chứ không phải ở Thái Lan. Tuy nhiên có hơi tiếc một chút, diễn viên đóng vai Thầu Chín (bí danh hoạt động của Bác Hồ ở Thái Lan) về ngoại hình chưa toát lên được vẻ cao minh hiền triết và hóm hỉnh của Bác. Nét diễn của nhân vật chính hơi hiền, ngoại hình cũng hơi béo tốt.
PV: “Thầu Chín ở Xiêm” nằm trong số lượng ít ỏi phim truyện về đề tài chiến tranh cách mạng được sản xuất trong khoảng 10 năm trở lại đây. Nếu đưa phim này ra rạp chiếu, ông có nghĩ sẽ thành công về doanh thu thương mại?
Nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc: Nếu xét ở góc độ phim là một sản phẩm công nghiệp điện ảnh thì nó cần có doanh thu. Nhưng doanh thu không đồng nhất với chất lượng nghệ thuật, càng không đánh giá sự trường tồn của bộ phim. Với những phim đề tài chiến tranh cách mạng thuộc dòng phim Nhà nước đặt hàng, trong chừng mực nào đó Nhà nước đã hình dung độ khó của doanh thu. Cái khó này không chỉ riêng ở nước ta, thế giới cũng thế thôi. Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc… khi họ làm phim chiến tranh lịch sử, có những phim doanh thu rất tốt, nhưng cũng có phim kén khán giả, mặc dù phim có thể đạt hết giải này giải khác. Kể cả bây giờ chúng ta đưa phim đoạt giải Cannes, giải Oscar về, nhiều phim cũng vắng khách tới rạp. Cho nên tiêu chí lấy doanh thu để đánh giá một bộ phim hay dở hoặc thế nào đó thì còn tùy quan niệm của từng người, tùy quan niệm của từng tầng lớp khán giả.
Vấn đề nằm ở cách khai thác...
PV: Tuy nhiên vẫn có những bộ phim đạt được cả hai tiêu chí: nghệ thuật và doanh thu?
Nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc: Phim đạt được cả hai tiêu chí đó thì rất đáng khâm phục. Và phim như thế đã có rồi. Ví dụ phim “Đại thủy chiến” của Hàn Quốc, hay phim “Giải cứu binh nhì Ryan” của Mỹ, đạt doanh thu rất lớn. Chiến tranh hiện ra cực kỳ khốc liệt với những thông điệp thấm đẫm tính nhân văn. Thời đổi mới, ta có phim “Cô gái trên sông” của đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh. Đó là bộ phim tạo hiệu ứng xã hội và hiệu ứng phòng vé cực tốt. Nếu tôi nhớ không nhầm, tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 8 diễn ra ở thành phố Đà Nẵng, doanh thu của bộ phim đủ trang trải toàn bộ liên hoan phim. Thì đó. Đề tài không có lỗi. Vấn đề nằm ở cách khai thác. Cần khai thác như thế nào để kéo được các tầng lớp khán giả đến rạp. Đây thực sự là một thử thách đối với điện ảnh nước ta hiện nay.
Một trong những nguyên nhân khiến phim truyện đề tài chiến tranh cách mạng của chúng ta thiếu hấp dẫn, đó là thiếu những đại cảnh lớn và thiếu tiền để thực hiện kỹ xảo. Chưa kể các hạn chế khác lặp đi lặp lại: Chọn diễn viên chưa phù hợp, diễn xuất chưa tới, lỗi phục trang, lỗi hóa trang, bối cảnh đơn điệu…
Thiếu tiền là một chuyện. Nhưng để dàn những đại cảnh hoành tráng và hiệu quả đòi hỏi người làm phim phải có tài năng và chừng mực nào đó có cái thiên bẩm. Anh có thể làm phim tâm lý rất hay, nhưng nếu làm cảnh bom đạn chiến trường chưa chắc anh đã làm được. Tức là chúng ta không chỉ thiếu tiền mà còn thiếu kinh nghiệm, thiếu tài năng. Thời buổi kinh tế thị trường, diễn viên chạy sô liên tục, nay đóng phim điện ảnh, mai đóng phim truyền hình. Để hóa thân vào nhân vật, đầu tiên cần sự dấn thân của diễn viên. Sau đó là các yếu tố như diễn viên có đủ năng lực, đủ tâm đắc, đủ say mê hay không. Bây giờ có kịch bản về Nguyễn Trãi chẳng hạn. Diễn viên đóng Nguyễn Trãi phải hiểu được tầm vóc, tài năng, thần thái của Nguyễn Trãi, phải học kinh, học sử, học đi đứng nói năng. Có như vậy mới làm toát lên thần thái nhân vật. Tiếp đến là những yếu tố phụ trợ khác để tạo hình nhân vật như phục trang thế nào, hóa trang ra sao. Hóa trang và phục trang của điện ảnh Việt Nam cũng là một điểm yếu. Và tất tần tật những điểm yếu đó cộng lại, cuối cùng là nhân vật không ra nhân vật. Thế nên đương nhiên bộ phim đó không đủ sức hấp dẫn.
PV: Phải chăng lỗi lớn nhất vẫn nằm ở khâu kịch bản. Chúng ta thiếu những kịch bản hay, thiếu những góc nhìn mới mẻ?
Nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc: Ngày trước phim về chiến tranh cách mạng phải qua nhiều cấp duyệt. Đầu tiên là kịch bản. Để an toàn, người viết kịch bản thường đi theo công thức là ta thắng địch thua, ta rất tốt còn kẻ địch rất xấu. Mô típ ấy lặp đi lặp lại, trở thành một rào cản vô hình. Trước những rào cản đó, nếu người nghệ sĩ bằng vốn sống, tài năng, tâm huyết của mình sẽ tự tạo con đường đi riêng và họ sẽ thành công. Ví dụ với phim “Thị xã trong tầm tay” hoặc “Cô gái trên sông” của đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh, cũng là cái nhìn về chiến tranh, nhưng đặt ra nhiều vấn đề nhức nhối, ám ảnh, với những thông điệp chưa bao giờ cũ. Thế nên ở đây là bản lĩnh và tài năng của người sáng tạo. Nếu đã tin vào những điều là chân lý, là lẽ phải, phục vụ cho cái đẹp, phục vụ cho sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc thì phải dũng cảm đi đến tận cùng và dũng cảm bảo vệ đến tận cùng.
PV: Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này./.