Thăng trầm điện ảnh Việt
VOV.VN - Phim chiếu rạp Việt năm 2020 gặp khó từ khâu sản xuất cho đến khâu phát hành, khán giả không thể đến rạp, số lượng phim phát hành và doanh thu đều sụt giảm.
Phim chiếu rạp Việt năm 2020 gặp khó từ khâu sản xuất cho đến khâu phát hành, khán giả không thể đến rạp, số lượng phim phát hành và doanh thu đều sụt giảm. Tuy vậy, trong khúc nhạc trầm buồn của điện ảnh Việt 2020 vẫn lóe lên những nốt thăng rộn rã, báo hiệu một năm 2021 khởi sắc.
Những “nốt thăng” ngoài mong đợi…
Nhiều phòng chiếu đóng cửa một thời gian dài, số ít hoạt động cầm chừng với những quy định chặt chẽ về giãn cách xã hội và hạn chế tập trung đông người, an toàn vệ sinh cho khán giả. Với thời gian chiếu giảm nhiều so với trước, năm 2020 ghi dấu ấn thất bại của phim Việt khi chỉ có 22 phim ra rạp so với khoảng 40 - 45 phim trong những năm trước. Phim ra rạp năm nay tập trung chủ yếu mùa Tết do thời điểm này tình hình dịch Covid-19 cơ bản được khống chế, giãn cách xã hội được gỡ bỏ.
Mặc dù vậy, năm 2020 vẫn xuất hiện những phim chiếu rạp có nội dung tốt, doanh thu cao. “Gái già lắm chiêu 3” của đạo diễn Nam Cito và Bảo Nhân được nhiều khán giả yêu thích và đạt doanh thu hơn 100 tỷ đồng. Phim chủ đề mẹ chồng - nàng dâu vốn không mới lạ, nhưng cách tiếp cận có phần khác biệt khi lồng ghép những tranh giành của những phụ nữ giàu có, thượng lưu. Phim có sự pha trộn lối sống hiện đại và văn hóa cung đình, trở thành một “món ăn” mới lạ cho người xem.
“Tiệc trăng máu” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng và nhà sản xuất Phan Gia Nhật Linh may mắn ra rạp vào cuối tháng 10/2020, ngay sau khi đợt giãn cách xã hội lần thứ 2 được gỡ bỏ và nhanh chóng đạt doanh thu hơn 167 tỷ đồng với 2 lượt triệu khán giả đón xem chỉ trong thời gian ngắn, trở thành phim Việt ăn khách nhất năm 2020.
“Tiệc trăng máu” là phim remake phim nước ngoài nhưng được thể hiện khá tinh tế và diễn xuất của dàn diễn viên có khả năng phối hợp, tung hứng, biến hóa tốt như Thái Hòa, Thu Trang, Đức Thịnh hay Kaity Nguyễn đã giúp phá vỡ những ước lệ mang tính sân khấu trước đó để tiếp cận với ngôn ngữ điện ảnh mang màu sắc hậu hiện đại.
Một thành công khác trong năm 2020 là phim nghệ thuật “Ròm” của đạo diễn Trần Thanh Huy, đạt doanh thu hơn 60 tỷ đồng. Phim khai thác chủ đề về nạn đánh đề, vay nặng lãi của người lao động nghèo ở đô thị, cuộc sống của những đứa trẻ đường phố trong thế giới “cò đề”. Mặc dù đề tài được đánh giá khó xem, không thuộc dạng thương mại, giải trí thông thường nhưng phim đã được phủ sóng ở khắp các cụm rạp cả nước với suất chiếu dày, khung giờ vàng, được đẩy mạnh quảng bá, tạo được hiệu ứng truyền thông.
Cuối 2020, phim chiếu rạp Việt sôi động hơn với bộ phim “Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử” của vợ chồng nghệ sĩ Thu Trang - Tiến Luật. Theo Boxoffice, bộ phim này đang đứng vị trí nhất bảng trong danh sách doanh thu theo ngày và tổng doanh thu.
Tiếp tục khai thác đề tài giang hồ nhưng chứa đựng nội dung hấp dẫn và gai góc hơn phần 1 nhờ cốt truyện chặt chẽ, nhiều bất ngờ với những pha rượt đuổi, đánh đấm chân thực, được đầu tư hoành tráng, Chị Mười Ba vượt qua khó khăn, thử thách để qua 3 ngày sinh tử, bảo vệ những người thân yêu.
Nhìn toàn cảnh, thành công của những phim ra rạp trong năm 2020 đã vượt ra ngoài mong đợi: “Gái già lắm chiêu 3” kịp có giải thưởng Cánh diều vào tháng 5 và giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc cho Hồng Vân; “Ròm” lập kỳ tích doanh thu của dòng phim độc lập tại Việt Nam từ trước đến nay (60 tỷ đồng); “Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử” chỉ sau 2 ngày ra mắt đã thu về hơn 17 tỷ đồng, hứa hẹn hết đợt công chiếu sẽ xô đổ kỷ lục của “Tiệc trăng máu” trước đó.
…trong khúc nhạc trầm buồn
2020 là năm điện ảnh Việt có số lượng phim ra rạp giảm mạnh dẫn tới doanh thu sụt giảm theo. Các năm trước, doanh thu phim Việt lần lượt chinh phục hết kỷ lục này đến kỷ lục khác, từ con số trăm tỷ đồng ban đầu của “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” cho đến các mốc lần lượt bị xô đổ như 171 tỷ đồng của “Em chưa 18”, 180 tỷ đồng của “Mắt biếc”, 191,8 tỷ đồng của “Cua lại vợ bầu” và 200 tỷ của “Hai Phượng”… Năm nay, theo con số mà đoàn làm phim cung cấp, phim Việt đạt doanh thu cao nhất là “Gái già lắm chiêu” với hơn 165 tỷ đồng, tiếp sau là “Tiệc trăng máu”, “Ròm”, “Màu cỏ úa”...
Theo thống kê từ trang Box Office Vietnam (trang thống kê doanh thu phim độc lập uy tín của Việt Nam), phim “Tôi là não cá vàng” (đạo diễn Lê Hướng Nam) ra rạp có doanh thu 1,6 tỷ đồng và là “phim thảm họa” của điện ảnh Việt 2020 bởi nội dung nhạt nhẽo, nhiều tình tiết phi lý. 2 tác phẩm “Bằng chứng vô hình” và “Đỉnh mù sương” thể loại hình sự pha chút kinh dị, được quảng bá rầm rộ nhưng vẫn thất bại về mặt doanh thu. Sau đợt công chiếu, “Bằng chứng vô hình” thu về 7,5 tỷ đồng, còn “Đỉnh mù sương” chỉ thu được gần 900 triệu đồng.
Đặc biệt, thảm họa “Võ sinh đại chiến” với chi phí sản xuất 25 tỷ đồng, là phim chốt năm 2020 và mở màn 2021, khi ra rạp vào thời điểm vàng là kỳ nghỉ Tết dương lịch, sau 6 ngày trình chiếu chỉ thu được chưa đầy 1,4 tỷ đồng. Trước đó, “Người cần quên phải nhớ” cũng thất bại nặng nề khi chỉ thu được 1,9 tỷ đồng. Theo nhà sản xuất Charlie Nguyễn, bộ phim thua lỗ 1 triệu USD.
Trong năm 2020, khán giả cũng chứng kiến không ít tác phẩm “dở tệ” như “Sắc đẹp dối trá” được đánh giá là kịch bản lỏng lẻo, không trọng tâm, ôm đồm quá nhiều chủ đề (chuyển giới, thi hoa hậu, truy sát); “Bí mật đảo Linh Xà” với phần kỹ xảo quá tệ và nội dung kém hấp dẫn; “Tiền nhiều để làm gì?” là sự tổng hợp của một chuỗi tiểu phẩm hài ồn ào, kém duyên được chắp vá vụng về cho đủ thời lượng chiếu rạp.
Poly, một nhà sản xuất phim lâu năm cho rằng, sau thời gian đóng băng vì dịch, khi rạp mở cửa, tình trạng doanh thu phim Việt sẽ bị phân hóa rõ rệt. Khán giả có xu hướng quan tâm hơn đến nội dung phim. Phim nào chất lượng tốt, giờ chiếu đẹp sẽ được đón nhận, phim tệ sẽ bị thẳng thừng chê bai trên mạng xã hội. Từ truyền thông, báo chí và hiệu ứng truyền miệng, phim sẽ được quyết định số phận, hoặc doanh thu cao ngất, hoặc lỗ vốn nặng./.