Thầy giáo trẻ truyền lửa bảo tồn giá trị văn hoá dân tộc Thái
VOV.VN - Mặc dù không phải là người Thái, nhưng với niềm đam mê văn hóa dân tộc, thầy giáo trẻ Lê Thanh Tùng, ở thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) đã không ngừng học hỏi, tìm hiểu về văn hóa Thái và có nhiều đóng góp cho công tác bảo tồn giữ gìn văn hóa của người Thái.
Việc làm ý nghĩa trên của thầy giáo Lê Thanh Tùng đã góp phần thực hiện hiệu quả nội dung "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch" (Dự án 6 - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030).
Thầy giáo Lê Thanh Tùng (sinh năm 1988) sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh đã về công tác và giảng dạy môn thể chất tại Trường Tiểu học và THCS Lý Tự Trọng, thị xã Nghĩa Lộ (tỉnh Yên Bái).
Thầy Tùng chia sẻ, dù không phải là người dân tộc Thái nhưng được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất của người Thái Mường Lò - Nghĩa Lộ. Ngay từ khi còn nhỏ, tiếng nói, chữ viết và những phong tục tập quán, lễ hội đặc sắc của người Thái đã “thấm” vào tâm trí anh khiến niềm đam mê tìm hiểu văn hóa dân tộc Thái lớn lên trong anh ngày càng mãnh liệt. Những việc làm của thầy giáo Lê Thanh Tùng là minh chứng hết sức cụ thể góp phần triển khai hiệu quả mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch (dự án 6) trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Để thỏa mãn niềm đam mê này, từ khi còn là sinh viên, anh luôn dành nhiều thời gian để tìm hiểu, sưu tầm các bài hát, câu đố đồng dao, các luật tục trong văn hóa dân tộc Thái. Năm 2010, anh được giới thiệu vào Hội Bảo tồn tri thức dân tộc Thái, tỉnh Yên Bái, trực thuộc mạng lưới bảo tồn tri thức dân tộc Thái Việt Nam. Qua đây, anh có cơ hội được tham gia các lớp tập huấn để tìm hiểu kỹ hơn, nhiều hơn về văn hóa Thái như: lớp tập huấn thanh niên với tri thức bản địa, các lớp đào tạo nâng cao tri thức Thái.
Không chỉ đam mê tìm hiểu về văn hóa Thái, thầy Tùng còn say mê tìm hiểu về chữ Thái cổ. Thầy đã tìm đến nghệ nhân Lò Văn Biến ở bản Cang Nà, phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ để xin được học chữ. Do kiên trì, đam mê và quyết tâm nên chỉ hơn một tháng theo học, thầy đã nắm được kỹ năng ghép âm, nhớ các mặt chữ và đọc được các bài văn cổ.
Khi đã biết đọc, thầy giáo Tùng đã mượn những cuốn sách Thái cổ của nghệ nhân Lò Văn Biến để đọc và tìm hiểu. Càng đọc, càng hiểu, người thầy giáo trẻ càng say mê hơn với những giá trị phi vật thể một nền văn hóa vô cùng đặc sắc.
“Tôi say mê văn hóa Thái bởi ở đây có những làn điệu dân ca, bài hát giao duyên, những câu tục ngữ, câu nói cổ rất hay, sâu sắc và thấm đậm cái tình, cái nghĩa của người Thái Tây Bắc. Vì yêu văn hóa Thái nên tôi muốn góp phần lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Thái trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ nói riêng và dân tộc Thái nói chung”, thầy Lê Thanh Tùng chia sẻ.
Khi đã sử dụng thành thạo chữ Thái cổ rồi, thầy Tùng còn tổ chức mở lớp dạy chữ Thái cổ miễn phí ở trường vào năm 2015. Vừa dạy học, thầy vừa truyền cảm hứng và khuyến khích các em học sinh trong trường, những người yêu văn hóa, học, tìm hiểu để lan tỏa niềm yêu thích văn hóa Thái. Những ngày đầu lớp học chỉ có 10 học viên, sau đó con số tăng dần lên, đến nay thầy đã truyền dạy, hướng dẫn cho khoảng trên 100 học viên về văn hóa Thái. Qua đó, nhiều người đã biết đọc, biết viết chữ Thái cổ của dân tộc mình và được nghe thầy kể về những câu chuyện, sự tích, những phong tục tập quán đặc sắc cần được lưu giữ.
Đặc biệt, ngoài việc mở lớp dạy chữ Thái cổ, thầy Tùng còn tích cực sưu tầm các bài hát, nhạc cụ truyền thống, câu đố đồng dao, đồ dùng sinh hoạt của dân tộc Thái như: trang phục thổ cẩm, hòm, rổ, nón,… Đến nay, anh đã sưu tầm được trên dưới 20 nhạc cụ truyền thống, 100 bài hát, câu đố đồng dao và hơn 100 loại đồ dùng, sinh hoạt.
Bên cạnh đó, anh còn tự tìm tòi, học cách chơi, cách làm các loại nhạc cụ dân tộc Thái từ các nghệ nhân, già làng trên địa bàn. Hiện, anh đã sử dụng thành thạo các nhạc cụ: Pí Tam Tặn, Pí Pặp và nhiều loại nhạc cụ khác.
Thầy Tùng cho biết thêm, trường Tiểu học và THCS Lý Tự Trọng nơi anh đang công tác, việc giữ gìn, bảo tồn phát huy văn hóa Thái luôn được nhà trường quan tâm, chú trọng. Vốn là người tâm huyết với nền văn hóa này, thầy đã hướng dẫn các em học sinh làm các sản phẩm của người bản địa, giúp các em thêm hiểu, thêm yêu văn hóa của dân tộc mình.
“Để gìn giữ, truyền bá những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc trong trường học, tôi đã tham mưu giúp Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Nghĩa Lộ đưa chương trình học múa xòe vào học ngoại khóa vào trong các nhà trường. Môn học ngoại khóa này đã giúp các em học sinh cảm nhận những giá trị văn hóa đặc sắc của quê hương Mường Lò - Nghĩa Lộ”, thầy Tùng nói.
Năm 2013, thầy Tùng cùng nghệ nhân Lò Văn Biến và các nghệ nhân khác ở Mường Lò tham gia màn nhạc cụ để tạo nên màn biểu diễn 6 điệu xòe cổ của đồng bào dân tộc Thái Nghĩa Lộ xác lập Kỷ lục Guinness Việt Nam. Năm 2014, tham gia cùng với nghệ nhân Lò Văn Biến sưu tầm và biên soạn cuốn ca dao, tục ngữ, đồng dao và câu đố Thái tỉnh Yên Bái và tham gia Đề án phục dựng hội Hạn khuống, hoàn thành hồ sơ xét công nhận hội Hạn Khuống là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia…
Thầy Tùng chia sẻ, tình yêu với văn hóa Thái luôn cuộn chảy trong con người anh và lớn dần mãi không thôi. Trong bối cảnh hội nhập văn hóa, nhiều người không còn mặn mà với văn hóa dân tộc, nhưng anh tin với lòng yêu nghề, yêu văn hóa, anh sẽ quyết tâm lưu truyền lại mạch nguồn văn hóa đặc sắc này cho các thế hệ trẻ để họ thêm yêu, thêm gắn bó với văn hóa của dân tộc mình.
Bằng sự say mê, tâm huyết với văn hóa Thái, thầy giáo Lê Thanh Tùng đã góp phần không nhỏ trong việc gìn giữ những giá trị văn hóa Thái đặc sắc của vùng đất Mường Lò – Nghĩa Lộ, cùng với chính quyền địa phương và người dân bản địa lưu giữ, làm sống lại những giá trị văn hóa dân tộc Thái cho thế hệ sau. Thầy đã đưa những di sản văn hoá Thái vào việc dạy học của mình một cách sáng tạo để di sản được sống động và lưu truyền. Có thể nói, đây là tấm gương, là mô hình mẫu sáng tạo dành cho các thầy cô giáo công tác ở miền núi vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cách làm, cách bảo tồn văn hoá thiết thực và đầy hiệu quả.