Thiền sư Pháp Loa: Sự nghiệp tu hành, Thiền học và dấu ấn lịch sử
VOV.VN - Hội thảo khoa học về Thiền sư Pháp Loa là hoạt động thiết thực, thể hiện thái độ trân trọng, ghi nhận và nỗ lực bảo tồn, phát huy những giá trị trong sự nghiệp và di sản của Thiền sư Pháp Loa nói riêng, Thiền phái Trúc Lâm nói chung.
Sáng nay (11/12), tại thị xã Đông Triều, Đại học Quốc gia Hà Nội (đầu mối là Viện Trần Nhân Tông) phối hợp Ủy ban Nhân dân Tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội thảo khoa học: “Thiền sư Pháp Loa: Sự nghiệp tu hành, Thiền học và dấu ấn lịch sử - kỷ niệm 690 năm Đệ nhị tổ Pháp Loa viên tịch”.
Thiền sư Pháp Loa (1284 - 1330), tục danh Đồng Kiên Cương, là Tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Với 47 năm trụ thế, 26 năm tu đạo - hành đạo, Thiền sư Pháp Loa kế thừa và phát triển sự nghiệp mà Sơ tổ Trúc Lâm - Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã tạo lập, góp phần quan trọng trong việc truyền bá, mở rộng Phật pháp, phát triển Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, có đóng góp to lớn với Phật giáo Việt Nam và lịch sử - văn hóa dân tộc Việt Nam.
Hội thảo khoa học “Thiền sư Pháp Loa: Sự nghiệp tu hành, Thiền học và dấu ấn lịch sử - kỷ niệm 690 năm Đệ nhị tổ Pháp Loa viên tịch” tập trung thảo luận về: sự nghiệp tu hành và vai trò vị trí của Thiền sư Pháp Loa trong Phật giáo Trúc Lâm đời Trần và Phật giáo Việt Nam nói chung; Thiền học của đệ Nhị tổ Pháp Loa; Thiền sư Pháp Loa với Phật giáo Trúc Lâm truyền thống và hiện đại.
Hội thảo nhận được gần 100 bài tham luận trong đó có nhiều bài viết đề xuất giải pháp bảo tồn, quảng bá các di sản, di tích liên quan đến Thiền sư Pháp Loa, các giá trị di sản tư tưởng - văn hóa của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử; tư vấn, kiến nghị chính sách khai thác, phát huy nguồn lực lịch sử - văn hóa đặc sắc, phục vụ phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, văn hóa - con người.
Thượng tọa, Tiến sỹ Thích Đức Thiện - Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Hội Phật giáo Việt Nam cho rằng: “Những di sản của Đệ nhị tổ trong sự nghiệp hoằng truyền chính pháp điều hành và phát triển Giáo hội Trúc Lâm thế kỷ XIII vẫn là bài học còn nguyên giá trị cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong lòng dân tộc, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Hội thảo ngày hôm nay chính là giúp cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát huy những giá trị của sư tổ, của Phật giáo Trúc Lâm, một dòng thiền đặc sắc của Việt Nam”.
Hội thảo là hoạt động thiết thực của chính quyền, các tầng lớp nhân dân, giới nghiên cứu, các nhà tu hành, thể hiện thái độ trân trọng, ghi nhận và nỗ lực bảo tồn, phát huy những giá trị trong sự nghiệp và di sản của Thiền sư Pháp Loa nói riêng, Thiền phái Trúc Lâm nói chung.
Giáo sư Tiến sỹ khoa học Vũ Minh Giang cho biết: “Sự nghiệp của Đệ nhị tổ Pháp Loa gắn liền với ngôi chùa Quỳnh Lâm nổi tiếng. Pháp Loa đã thành lập Quỳnh Lâm Viện với các kiến trúc đồ sộ và hoàn chỉnh vào năm 1317 trên cơ sở chùa Quỳnh Lâm cũ. Đây có thể coi là Trường Đại học Phật giáo đầu tiên mang tầm vóc Quốc gia của Việt Nam, đây là nơi truyền kinh giảng đạo và đào tạo đội ngũ sư tăng cho đạo Phật và tổ chức nhiều sự kiện lớn của Phật giáo. Nếu như Trần Nhân Tông là người có công quy tụ Phật giáo về một mối thì công lao to lớn của Đệ nhị tổ Pháp Loa là phát triển và lan tỏa Phật giáo đậm bản sắc Việt Nam”.
Hội thảo Kỷ niệm 690 năm Nhị tổ Pháp Loa viên tịch được tổ chức đúng vào dịp Tưởng niệm 712 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn. Dịp này, UBND tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh tổ chức khánh thành dự án tôn tạo chùa Quỳnh Lâm, động thổ, tu bổ và tôn tạo chùa Thượng - Ngọa Vân... Đây là chuỗi hoạt động lớn nhằm quảng bá sâu rộng các giá trị văn hóa của Khu di tích nhà Trần ở thị xã Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh) đến đông đảo quần chúng nhân dân và du khách thập phương./.