“Hiếu để tặng mẹ!”
Ai đã làm cho mẹ cha vui lòng khi còn sống thì đấy là Hiếu đạo. Sự hiếu nghĩa của chúng ta cũng là để xã hội ngày càng tốt đẹp hơn…
Các con viết tặng Mẹ
“Khi mẹ còn tôi còn tất cả
Mẹ đi rồi tất cả cùng đi.
Mẹ đi tôi chẳng còn gì
Bơ vơ đến cả khi đi lúc về”
Đấy là nỗi đau được thốt lên của một bậc hoà thượng đáng kính khi mất mẹ. Nỗi đau này đã khiến chúng tôi xúc động nhớ đến câu chuyện cảm động của hoà thượng Thích Viên Trí giảng trong bài giảng về “Tình người”.
Chuyện rằng: “…Nhà sư Nhất Định đưa mẹ lên am tranh để nuôi dưỡng. Một hôm mẹ già cảm cúm, vị tu sĩ rất lo lắng. Người ta bảo phải nấu cháo cá với hành. Vị tu sĩ mua cá ở chợ về nấu cháo cho mẹ anh. “Thầy tu gì mà mua cá?”, mọi người chỉ trích, châm biếm ngài, cười ngài… Tu sĩ không phản ứng. Sau một tuần lễ nhờ ăn cháo cá, mẹ của tu sĩ đã lành bệnh. Khi ấy, người đời biết được vì sao thầy tu đó lại đi mua cá, mới biết được tấm lòng hiếu thảo của người con đó. Câu chuyện được lan truyền trong dân gian. Vua Tự Đức nghe được rất xúc động, đích thân mình đến am tranh đó. Ngài viếng thăm và tặng tiền để xây dựng một ngôi chùa trên mảnh đất có am tranh. Sau này, nhân gian gọi là chùa Từ Hiếu.” Mới hay:
“Tu đâu cho bằng tu nhà
Thờ cha kính mẹ mới là chân tu”
Và sáng rõ:
“Nhìn trên trời thấy cặp cu đang đá
Nhìn xuống nước thấy cặp cá đang đua
Em về lập miếu thờ vua
Lập trang thờ mẹ
Lập chùa thờ cha”
Chuyện xưa là vậy, nay cũng không thiếu gì những câu chuyện hiếu nghĩa…
Có một chàng trai nọ, từng là phóng viên báo chí, sau trở thành một giám đốc trẻ đang vươn lên để thành đạt trên con đường doanh nhân. Hôm nọ, anh ta chợt nhớ ra ngày sinh nhật mẹ. Đánh xe ô tô ra cửa hàng chuyên phát hoa tươi. Khi anh ta đi chiếc xe sang trọng đến trước cửa tiệm hoa, vừa bước xuống chợt nhìn thấy một cô bé tầm khoảng 10 tuổi đang đứng khóc. Anh tiến lại gần, gạn hỏi. “Sao cháu lại khóc?”. Cô bé vừa nấc vừa trả lời: “Thưa chú, hôm nay là sinh nhật mẹ con, bông hoa 20 ngàn đồng, nhưng con chỉ có 6 ngàn đồng, còn thiếu 14 ngàn đồng, con không thể đủ tiền, còn bông hoa rẻ nhất cũng đã 10 ngàn, nhưng cũng không đẹp!”.
“Thôi được rồi, cháu cứ chọn lấy một bông hoa cháu thích, chú sẽ gửi tiền giùm”, “Vậy nhà cháu ở đâu? Đi cùng đường để chú chở con đi”, anh dỗ dành.
“Đi đường này thì sẽ tới nhà mẹ con”, cháu bé dễ thương trả lời!
Ngoài trời mưa lâm thâm. Đi mãi đi mãi và gần như càng đi thì nhà cửa càng vắng. Phía trước là cổng nghĩa trang. Anh hoảng hốt. Sao nhà cháu bé lại ở đây? Anh vừa nghĩ bụng vừa tò mò đi theo sau cô bé. Chợt cô bé dừng lại: “Thưa chú, đây là nhà mẹ con”, rồi nhẹ nhàng, cung kính đặt bông hoa lên một ngôi mộ còn xanh màu cỏ non. “Mẹ ơi, con mừng sinh nhật mẹ”, những giọt nước mắt trên má cô bé chợt lăn đều…
Anh sửng sốt một lúc lâu, rồi chợt như bừng tỉnh, vỡ oà nhận ra một điều gì đó. Đôi chân anh vội vã bước rồi lái xe về phía cửa hàng và cầm lấy bó hoa đang định chuyển nhanh về cho mẹ. Suốt đêm ấy, từ Hà Nội, anh tức tốc lái xe một mình vượt hơn 300 km để trở về Tp. Vinh và gõ cửa lúc 5h sáng. Mẹ mở cửa, ôm chầm lấy đứa con trai thân yêu, “Con đã về, con chúc mừng mẹ nhân ngày 8/3”…
Anh chợt nhận ra, sau những bộn bề toan lo kiếm tiền, chăm lo cho sự nghiệp, người ta chỉ tặng một bông hồng cho anh, anh tặng một bông hồng cho người yêu, còn lại hàng ngàn bông hồng là cho những ai đang còn mẹ còn cha. Hãy hiếu nghĩa với mẹ cha, đừng để phí hoài những giây phút hạnh phúc ngắn ngủi trong cuộc đời này giành cho mẹ cho cha. Lúc đi học, điểm 10 sẽ là bông hoa tặng mẹ, giờ mỗi một hành động đúng, cũng sẽ là bông hồng tặng mẹ. Một lần con thi đỗ, con mừng một ngày. Cha mẹ lại mừng cả tháng. Một lời nói quan tâm, một hành động tốt, sự chia sẻ dù rất nhỏ cũng là những bông hồng tặng mẹ tặng cha. Bởi, “Mẹ còn thì gọi là trăng sang tỏ, Mẹ mất rồi nghĩa là trăng đã khuất”. Mẹ cha như hiện thân của ánh sáng. Thứ ánh sáng mang tới sự sống, niềm tin, sự dỗ dành, an ủi, khoan dung, vị tha, huyền diệu và thiêng liêng, vĩnh cửu.
Nàng Kiều ngày xưa trong “Truyện Kiều” sau 15 năm đoạn trường lưu lạc trong khổ đau và tủi nhục, gặp lại Kim Trọng là người yêu của mình. Thấy xấu hổ vì bản thân đã đánh mất đi cái “Trinh” trước Kim Trọng, vậy mà Kim Trọng an ủi:
“Như nàng lấy hiếu làm trinh
Bụi nào cho đục được mình ấy thay”
Con gái xem chữ “trinh” quan trọng, thế mà Kim Trọng đã xem “chữ Hiếu còn quan trọng hơn Trinh”. Âu cũng là nhân quả. Phật dạy, muốn con mình hiếu đạo với mình thì chính mình phải hiếu đạo với cha mẹ. Gieo cái nhân hiếu, thì quả gặp sẽ là hiếu đạo.
“Nếu mình hiếu với mẹ cha
Chắc con cũng hiếu với ta khác gì
Nếu mình ăn ở bất nghì
Đừng mong con hiếu làm gì hoài công”
Hiếu đạo là thế. Ai đã làm cho mẹ cha vui lòng khi còn sống thì đấy là Hiếu đạo. Ước vọng của cha mẹ được lồng vào trong cuộc sống của chúng ta, trong mỗi bước chân của chúng ta, trong mỗi bước đường của chúng ta, kể cả những lúc ta lầm lạc, sai sót.
Thành công của chúng ta sẽ là niềm vui và hãnh diện của cha mẹ. Sự hiếu nghĩa của chúng ta là để mẹ cha vui lòng, cũng là để xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Để thực sự gia đình là bệ phóng của mỗi người. Làm sao, để đến khi “Trăng đã khuất” ta vẫn có thể tự hào, mà thưa với mọi người, với con cái của chúng ta rằng: “Tôi không khóc khi áo tôi cài hoa trắng, Vì trong hoa tôi thấy mẹ tôi cười”./.