“Nếu yêu thì phải nói”
Tập thơ đầu tay của tác giả Vũ Quỳnh Hương sẽ ra mắt bạn đọc vào đầu tháng 2/2010
“…Có con chim nào cứ hót mãi trên cao
Lẩn quất trong tàng cây hoa sữa
Dường như mùa thu chỉ còn một nửa
Em đi về mãi phía không anh...
Mùa thu này sao quá hao hanh...
Giữa nắng rát em mơ về một ngày sao đổi ngôi giữa miền băng giá...
Giấc mơ cổ tích có thật
"Chỉ một lần nhìn thấy sao băng, điều ước sẽ thành hiện thực"...
Đã bao giờ anh tin không...?
Những câu thơ được nhiều bạn trẻ yêu thích lưu giữ và chia sẻ trong blog cá nhân của mình, trích từ bài thơ “Chừa cho em một khe nhỏ cánh cửa lách vào cơn mơ của anh đi” của Vũ Quỳnh Hương.
Vũ Quỳnh Hương (còn được biết đến với bút danh Thuỵ Thảo hoặc nick name “neuyeuthiphainoi” ồn ào trên mạng) có tác phẩm đăng báo từ năm 12 tuổi, là một trong những cây bút đầu tiên của Hội bút Hương Đầu Mùa (báo Hoa Học Trò). Năm 2000, Vũ Quỳnh Hương đoạt giải Á khôi cuộc thi Vẻ đẹp học đường học sinh - sinh viên toàn quốc, nên chị còn được gọi là “người đàn bà đẹp viết văn”.
Hiện chị đang là phóng viên báo Lao Động.
Năm 2007 Vũ Quỳnh Hương cho ra mắt cuốn tiểu thuyết đầu tay “Trái tim của sói”, chỉ trong ngày đầu tiên đã bán được hàng trăm bản. Sắp tới, vào đầu tháng 2/2010, chị sẽ trình làng tập thơ riêng đầu tiên của mình với tiêu đề rất cá tính “Nếu Yêu Thì Phải Nói” (NXB Hội Nhà văn và Công ty Sách Bách Việt).
Đây là tập thơ được viết trong 3 năm. Vũ Quỳnh Hương nói, 3 năm là quãng thời gian cơ học để tập thơ ra đời, nhưng là kết quả của sự tôn thờ Chân - Thiện - Mỹ, sự sủng ái nét đa tình, si tình, sự tuyệt đối trong cách đề cao Tình yêu và sự Chung thủy, là những thứ được hình thành từ khi con người bắt đầu có nhận thức, từ những năm tháng tuổi thơ cho đến khi trưởng thành và trải nghiệm của chính bản thân người viết.
* Vì sao chị lại đặt tên cho tập thơ là“ Nếu Yêu Thì Phải Nói” ?
Có người cho rằng tựa đề này khá “gây sốc”, “bạo” – nếu so với quy chuẩn e ấp dịu dàng của phụ nữ Á Đông, nhưng tôi nghĩ “gây sốc” không phải là một hiệu ứng mà tôi muốn nhìn thấy ở người đọc. Bởi lẽ văn, cũng như thơ và cả con người của tôi vốn đề cao sự quyến luyến, thủy chung và sâu nặng. Vậy nên cả tập thơ đều là những đoản khúc tình mặn mà mải mướt, yêu có nồng nàn cũng êm ái, đau có sâu sắc cũng dịu dàng - có gì đó trái với “Nếu yêu thì phải nói”…
Nhưng thật ra, không hề có một sự mâu thuẫn nào ở đây cả. Chữ "Nói" trong câu “Yêu thì phải Nói” này không phải là những lời Nói nhạt nhẽo được thể hiện bằng lời. Mà đó là toàn bộ những gì mà một con người khi Yêu phải thể hiện ra, bất kể đó là dạng thức “Yêu” nào (tình phụ tử, mẫu tử, anh chị em, bè bạn, thậm chí là tình cảm với con vật nuôi hay cây cối gieo trồng), khi có tình cảm với một đối tượng bất kỳ, cần phải có sự chăm sóc, sự hy sinh, bằng công sức, bằng tâm trí, kinh tế, sức lực... của mình vì niềm vui, sức khỏe, sự no đủ, hạnh phúc... của người đó. Chứ “Yêu” không mất gì, không vất vả gì, không đau đớn gì, tuyệt đối không hy sinh gì ... thì tuyệt đối không có giá trị. Không chỉ là không có giá trị với người được yêu, mà còn không có giá trị với chính bản thân mình nữa.
* Chị từng nói mình “viết văn làm thơ lúc ở đáy của nỗi buồn hay đỉnh của niềm vui”, vậy trong 3 năm qua hẳn là 3 năm đầy ắp vui buồn của chị ?
Thế nên từ khi hãy còn là một đứa trẻ, tôi đã hăm hở lao vào cuộc sống và khám phá mọi thứ xung quanh mình với một ngọn lửa đam mê chưa bao giờ lụi tắt. Mọi con người, cây cối, cảnh vật... đều là những câu chuyện sống động, những thế giới bí ấn luôn chứa đựng những góc khuất khơi gợi xúc cảm bùng nổ. Tôi vẫn luôn tin rằng cảm xúc là một món quà rất đặc biệt tạo hóa ban cho con người, thứ quà tặng hết sức ngẫu hứng đến rồi đi lúc nào không ai biết trước. Vậy nên nếu tạo hóa ban cho tôi khả năng yêu ghét, nhớ quên, quyến luyến, tức giận... bất kể là cảm xúc gì ... thì cũng đều là quý giá! Còn hơn sống trong tình trạng lờ đờ tồn tại, chẳng khổ đau, nhưng cũng không hạnh phúc.
3 năm, đó chỉ là một lát cắt nhỏ tôi gom nhặt trong kho tàng cảm xúc của mình. Thật may, đó – dù đầy ắp cung bậc - nhưng chưa phải là tất cả!
*Nhiều người thích câu thơ trong bài “Chừa cho em một khe nhỏ cánh cửa lách vào cơn mơ của anh đi” trong tập thơ của chị: " Nơi nào có trời đêm/Nơi ấy có tinh tú.../Dù mây có che khuất hay không/Dải ngân hà vẫn còn ở đó…”. Chị luôn tin là sẽ tìm thấy tình yêu tuyệt đối cho mình ?
Trong câu chuyện tình như một ánh sao băng soi sáng suốt mạch yêu của mình, tôi – một phụ nữ dù duy tâm nhưng vô thần - vẫn luôn luôn tự hỏi: “Em có tin vào điều kỳ diệu không?”...
Cuộc sống hiện tại là những ngặt nghèo thử thách niềm tin, sự lãng mạn và cả tính kiên định của con người trong tình cảm. Thế nhưng bản thân tình yêu là gì nếu không phải là điều kỳ diệu của cuộc sống này? Chỉ cần con người tin rằng trên đời quả thực có tình yêu tồn tại, thì trong tim người đó, điều kỳ diệu còn có chốn nương thân. Mà bản thân hai chữ Tình Yêu viết hoa, đã là đầy đủ của hai từ Tuyệt Đối đi kèm. Không Chung, không Chia, không Dối Gian, không Bội Phản.
Là một câu quá cũ nhưng vẫn luôn đúng nếu nói rằng Tình yêu thì chỉ có một, nhưng những cái bóng của tình yêu thì rất nhiều. Thiếu hai chữ Tuyệt Đối sóng đôi, thì chữ Tình Yêu đương nhiên chỉ còn là một cái bóng vô giá trị!
Nếu ai cũng đòi “truy” đến tận cùng nguồn cội gốc gác của các “nàng thơ, chàng thơ” thì chắc thi nhân, nhạc sĩ, nhà văn hết “dám” sáng tác!
Mặc dù tác phẩm nào càng phản ánh cảm xúc mãnh liệt chân thực bao nhiêu, thì những lời từ trái tim càng dễ dàng đi vào trái tim độc giả bấy nhiêu, nhưng không phải cứ bê nguyên hiện thực vào thi ca mà bột tốt gột nên hồ nhuyễn được!
Bản thân tôi là một người duy mỹ, yêu thích và tôn thờ cái Đẹp, cho nên thứ cảm xúc và tình yêu trong thi ca cũng là một giấc mơ đáng yêu đẹp đẽ. Không nên “đồng hóa” hình ảnh của một người đàn ông bất kỳ nào trong thực tế vào những tác phẩm văn học. Bởi lẽ có duy mỹ đến mấy, bay bổng đến mấy thì cũng phải tỉnh táo mà nhận thức đầy đủ rằng con người – cũng như vạn vật – là không – hoàn – hảo. Rất nhiều khi, cảm xúc cá nhân làm cho con người chủ động gán ghép cho đối tượng mà họ yêu thương những đức tính tốt đẹp hoặc tô vẽ lên những câu chuyện phi thực mà bản thân chủ thể không hề có, và “cuối cùng cho một tình yêu” của những thứ cảm xúc “tự tô vẽ, tự vỡ mộng” đấy hòan toàn chỉ là một bức tranh vẽ hỏng làm xám xịt tâm trí của kẻ lãng mạn.
Người làm thơ, viết văn, hay sáng tác nhạc – theo tôi – cũng giống như những nhà nhiếp ảnh, nhà nhiếp ảnh giỏi biết nắm bắt những điểm giao thời đặc biệt trong thiên nhiên, những xúc cảm thoáng qua cực nhanh trên gương mặt nhân vật. Cảnh vật trước đó và sau đó chắc chắn thay đổi, gương mặt cũng như xúc cảm con người trước đó và sau đó chắc chắn khác biệt, nhưng những tấm ảnh thì sẽ còn lại. Cũng như vậy, thi sĩ, văn sĩ, nhạc sĩ là người biết “chụp ảnh” cảm xúc của mình bằng ngôn từ, âm nhạc. Đôi khi chỉ là một cái chạm tay run rẩy mà vấn vương, một cử chỉ quân tử chăm sóc, một ánh mắt chính trực chia sẻ, một vẻ chịu đựng phong trần mà quật cường... cũng đủ để làm nên hình ảnh một người đàn ông hoàn hảo để hướng đến trong thơ ca.
Những người đàn ông (hoặc phụ nữ) trong thực tế, bằng cách này hay cách khác, có thể trở thành một phần trong lịch sử cuộc đời của thi sĩ, đến rồi đi, chỉ có thi ca là còn ở lại. Cái “dại” nhất của người đọc thơ là cứ đi tìm mẫu hình thật của người trong thơ là thế!
* Tôi đã theo dõi nhiều diễn đàn thi ca trên mạng nơi đăng tải thơ của chị và thấy có nhiều phản hồi từ độc giả…Chị có nghĩ tập thơ sẽ của mình sẽ bán chạy ?
Những lời chia sẻ, những món quà nho nhỏ nhưng bất ngờ trong các dịp lễ tết đến với tôi có rất nhiều từ những người chưa từng gặp mặt, chỉ là tìm được chút tri âm đồng cảm trong cảm xúc mà quý mến người viết thơ.
Thi ca không phải là thứ để có thể ầm ĩ xủng xoẻng kiểu “lên gồng”, hay hô hào chạy theo lợi nhuận và con số sách bán được…
Vậy hãy cứ để những gì là cảm xúc khơi gợi cảm xúc, để quyến luyến mang quyến luyến đến vấn vương. Nếu nghĩ cảm xúc là một món quà đặc biệt của tạo hóa, thì tôi tin mình sẽ tìm được tri âm trong những tâm hồn yêu thơ, bởi lẽ đã biết yêu Thơ, biết yêu Người, thì không ai lại không trân trọng cảm xúc!
* Cảm ơn chị và chúc chị thành công hơn nữa trên con đường báo chí và văn chương của mình.
|