Tiếc thương thầy Trần Bảng, cụ trùm chèo

VOV.VN - Khi thầy vừa nằm xuống ở tuổi 98, các thế hệ học trò dành những lời yêu kính, tiếc thương nhất để tưởng nhớ thầy.

Hiếm có nghệ sĩ chèo nào trong sân khấu chèo cách mạng lại được làng chèo kính nể, trọng vọng như GS, NSND Trần Bảng. Từ những bậc thượng lão của làng chèo như nhà viết kịch, Ts Trần Đình Ngôn hay "thầy chèo" nổi tiếng như NSND Diễm Lộc, Thanh Hoài, Khắc Tư, Minh Thu, Thúy Mùi, Thúy Ngần, Thanh Ngoan... đến  học sinh chèo mới ra trường đều một lòng tôn kính gọi "thầy". Khi thầy còn khỏe, ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, ngày Tết, hay mừng sinh nhật, lúc nào cũng có nhiều thế hệ học trò tìm đến thăm hỏi, chúc mừng và đón nghe những lời tâm sự chân tình về đời, về nghề của thầy.

Thầy Trần Bảng là ai? Vì sao thầy lại được kính trọng, tôn vinh đến thế...

Trần Bảng - một trong những thành viên đầu tiên thành lập Đoàn văn công nhân dân Trung ương

GS, NSND Trần Bảng sinh năm 1926, trong một gia đình dòng dõi thi thư. Bố ông là nhà văn Trần Tiêu, bác ruột ông là nhà văn Khái Hưng (Trần Giư). Từ nhỏ Trần Bảng được học chữ quốc ngữ bên cạnh chữ Hán, thấm nhuần, tiếp nhận giáo lý Nho gia, am tường nhiều ngoại ngữ Anh, Pháp, Nga, Đức… đặc biệt thông thạo tiếng Pháp. Rời vùng quê Vĩnh Bảo (Hải Phòng), năm 1948 ông lên chiến khu Việt Bắc tham gia kháng chiến và bén duyên với Đoàn văn công nhân dân Trung ương.

Sau này, nhiều lần NSND Trần Bảng tâm sự với học trò, ông cũng không hiểu sao mình là trí thức Tây học, lại say mê sân khấu, rồi lại được phân vào tổ chèo. Sau khi được nghe, được xem các nghệ nhân chèo như Năm Ngũ, Dịu Hương, Cả Tam... biểu diễn, giảng giải, Trần Bảng dần thấm, ngấm chèo. Trần Bảng nung nấu nghĩ suy để có một vở diễn mới. Vở chèo "Chị Trầm" (về nữ chiến sĩ cách mạng kiên trung) ra đời trong chính thời điểm "nghỉ ngơi" này. Đoàn mang 2 vở (1 kịch nói, 1 chèo) về ATK duyệt tiết mục phục vụ hội nghị và vở chèo "Chị Trầm" được chọn.

Vở chèo "Chị Trầm" được biểu diễn phục vụ Hội nghị Trung ương tại ATK đêm giáp Tết 1953. Khán giả hàng ghế đầu có Bác Hồ và các đồng chí: Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt. Đạo diễn Trần Bảng được Bác Hồ mời cơm. Bữa cơm thân mật cùng Người ở chiến khu Việt Bắc khiến ông miên man niềm xúc động đến mãi sau này. Lời dặn dò ân tình của Người giúp nghệ sĩ Trần Bảng tự tin hơn trên con đường nghiên cứu, bảo tồn, phát huy nghệ thuật chèo truyền thống. Năm đó, Trần Bảng 27 tuổi.

Đoàn văn công nhân dân Trung ương về Thủ đô, chia ra nhiều lĩnh vực: âm nhạc, kịch, múa, chèo… NSND Trần Bảng được giao nhiệm vụ Trưởng ban Nghiên cứu chèo.

Là người làm nghệ thuật, ông yêu công việc chuyên môn và được bổ nhiệm làm lãnh đạo. Chưa đầy 30 tuổi, ông được giao nhiệm vụ Trưởng ban Nghiên cứu, Trưởng đoàn Chèo Trung ương. Tin tưởng giao nhiệm vụ, nhưng cũng thấy được bao băn khoăn, lo lắng của ông, nhà văn Hoài Thanh đã khuyên và động viên: "Chèo là của quý của dân tộc. Cậu cứ làm đi. Tôi tin cậu sẽ mê nó và nó sẽ mang lại sự nghiệp cho cậu".

Mấy chục năm làm Trưởng đoàn chèo Trung ương, GS-NSND Trần Bảng đã cống hiến hết mình để gìn giữ viên ngọc chèo càng mài càng sáng.

Trần Bảng - nhà quản lý, nhà nghiên cứu, biên kịch, đạo diễn chèo 

Có thể nói, cả cuộc đời của GS, NSND Trần Bảng dành hết cho chèo. Suốt từ năm 25 tuổi (1951) cho đến khi qua đời, ông dành thời gian cho chèo. Khi làm quản lý ông là người lãnh đạo tận tụy với công việc, hết sức nhân ái với anh em bạn bè đồng nghiệp. Yêu kính, quý trọng các nghệ nhân. Tôi còn nhớ, khi tôi mới vào trường Đại học sân khấu Điện ảnh, được làm quen, được dắt bà Dịu Hương (NSND Trần Thị Dịu) sang trường, sang nhà hát chèo Việt Nam chơi, gặp GS Trần Bảng vào trường giảng bài. Hai chị em ríu rít trò chuyện, bà Dịu lúc nào cũng "cậu Bảng, cậu Bảng", còn ông Trần Bảng thì gọi "chị Dịu" rất chân tình như chị em trong nhà.

Gắn bó với Nhà hát chèo từ khi bắt đầu hình thành, phát triển, sau này, dù có lên Vụ trưởng Vụ Nghệ thuật Sân khấu (Bộ Văn hoá-Thông tin) thì ông vẫn đau đáu với sự phát triển, hưng thịnh của nhà hát. Từ chỗ chưa biết về chèo, NSND Trần Bảng học các nghệ sĩ của Đoàn chèo Trung ương rồi bắt đầu viết chèo. Vở chèo đầu tiên của sân khấu chèo cách mạng "Chị Trầm" do chính Trần Bảng viết kịch bản. Sau này ông còn viết rất nhiều vở diễn thành công như: Con trâu hai nhà, Đường đi đôi ngả, Cô gái và anh đô vật, Tình rừng, Chuyện tình 80 năm, Máu chúng ta đã chảy...

Năm 1956, khi Ban nghiên cứu chèo ra đời, ông làm trưởng ban. Lúc ấy công việc về chèo còn ngổn ngang trăm mối. Các nghệ nhân nghệ chèo tuy còn mạnh khỏe, nhưng các tích diễn thì mỗi nơi mỗi khác. Ông đã cùng với ban nghiên cứu mời các nghệ nhân về Đoàn chèo Trung ương, nhờ các nghệ nhân diễn lại, đọc lại các vở diễn, các đoạn diễn mà mình đã đi diễn trong nhiều năm, sau đó tập hợp, chuốt lại, lược bỏ những đoạn thừa, đắp thêm nhưng đoạn thiếu, rồi cắt, gọt dần hình thành 7 vở chèo cổ quý giá như ngày nay. Không chỉ dừng ở mức ghiên cứu GS, NSND Trần Bảng còn cùng các cộng sự của mình trực tiếp dàn dựng các vở chèo cổ. Việc chỉnh lý, chau chuốt các vở chèo cổ "Quan Âm Thị Kính", "Súy Vân" - chuốt lại từ vở chèo Kim Nham... hàng chục năm trời, qua nhiều lần đã giúp cho các vở diễn trở thành những vở chèo kinh điển, mẫu mực cho đến ngày nay.

Với kinh nghiệm đúc rút qua công việc nghiên cứu, sáng tác, đạo diễn, sau nay NSND Trần Bảng đã viết nên những cuốn sách rất cơ bản, rất sâu sắc về nghệ thuật chèo như: Khái luận về chèo, Kỹ thuật biểu diễn Chèo, Chèo - một hiện tượng sân khấu dân tộc.

Có thể khẳng định, làng chèo chuyên nghiệp hiện nay không có ai là không chịu ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp từ thầy Trần Bảng. Cả cuộc đời mình GS, NSND Trần Bảng dành cho chèo. Ông không chỉ là nhà quản lý, tác giả, đạo diễn, nhà nghiên cứu mà là một người thầy, người thầy lớn của sân khấu chèo Việt Nam đương đại. Suốt từ khi thành lập Đoàn chèo Trung ương, rồi trường Nghệ thuật sân khấu cho đến nay ông dành hết tâm huyết cho việc đào tạo diễn viên chèo. Có những khóa học ông trực tiếp tuyển sinh, làm chủ nhiệm, rồi đào tạo. Có những khóa ông chỉ giảng dạy và về sau, khi già yếu ông không lên lớp được thì ông gặp các thầy cô, ông nhắn nhủ, truyền bảo học sinh qua các thầy. Những buổi lên lớp của thầy Bảng không học sinh nào quên bởi thầy nói cuốn hút, giảng sâu, say sưa, thầy truyền nghề, truyền kiến thức và truyền cả lửa đam mê cho học trò của mình.

Những kỷ niệm không quên với thầy

Chúng tôi, thể hệ sau không may mắn được học thầy Bảng nhiều, nhưng được nghe thầy nói chuyện, được gặp thầy càng yêu quý hơn trân trọng hơn “tinh thần chèo” của thầy.

Có một điều rất thú vị, rất đặc biệt là ở tuổi ngoài 90, rồi tiến dần tới 100, GS, NSND Trần Bảng vẫn rất minh mẫn, thầy rất công nghệ, vào youtube, lướt Facobook hàng ngày. Tuổi cao nhưng trí tuệ thầy vẫn rất mẫn tiệp. Gần 10 năm qua tôi lăn xả vào chèo, viết lời mới, đăng tải chèo trên không gian mạng và đặc biệt là tổ chức gần 10 cuộc giao lưu chèo toàn quốc. Thầy Trần Bảng theo dõi hết. Tôi mừng khi nhận được những cái "like" bài của thầy, càng mừng hơn khi thầy comment "Tốt lắm, cố lên em".

Sau này khi có dịp gặp lại thầy tôi TS, nhà viết chèo Trần Đình Ngôn, hay NSND Thanh Bình, NSND Minh Thu... thầy Trần Bảng đều nhắn nhủ động viên tôi, mong tôi tiếp tục phát huy để giữ gìn nghiệp tổ. Mới đây, ngày 21/5/2023, khi NS Phó Kim Dung của Nhà hát chèo Việt Nam đến thăm, thầy bảo Dung gọi Videocall cho tôi. Hai thầy trò nói chuyện, tiếng thầy yếu, nhưng tôi vẫn nghe rõ. Thầy bảo "thầy biết con đã cố gắng rất nhiều, thầy theo dõi hết. Con làm được, làm tốt lắm, nhưng nghệ thuật chèo không chỉ có hát mà còn có kỹ thuật diễn, con cố gắng để làm sao duy trì cả phần diễn song song với phần hát con nhé". Tôi bất ngờ, hạnh phúc và lo lắng. Lo lắng bởi đây là lời dậy rất tâm huyết của thầy nhưng khó thực hiện vô cùng vì hát chèo khó 1 thì diễn chèo khó 10.

Thầy ơi! Biết thầy ốm, con cứ nghĩ như mọi lần, thầy đi rồi thầy lại về, không ngờ thầy đi mãi.

Nhớ thầy! Kính tiễn thầy! Con sẽ cố gắng để không phụ sự mong muốn của thầy ạ!

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

NSND Trần Bảng qua đời ở tuổi 97
NSND Trần Bảng qua đời ở tuổi 97

VOV.VN - Do tuổi cao, sức khỏe yếu, NSND Trần Bảng - bố NSƯT Trần Lực đã qua đời sáng nay (19/7).

NSND Trần Bảng qua đời ở tuổi 97

NSND Trần Bảng qua đời ở tuổi 97

VOV.VN - Do tuổi cao, sức khỏe yếu, NSND Trần Bảng - bố NSƯT Trần Lực đã qua đời sáng nay (19/7).

“Lời ru bên tượng đài liệt sĩ” qua tiếng hát chèo của cô giáo Hà Nội
“Lời ru bên tượng đài liệt sĩ” qua tiếng hát chèo của cô giáo Hà Nội

Sinh ra và lớn lên ở quê hương của những làn điệu chèo Thái Bình mượt mà, cô giáo Đào Thị Bích Ngọc - giáo viên Ngữ văn trường THCS Nguyễn Trường Tộ, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội đã mang âm hưởng dân gian ấy vào bài giảng.

“Lời ru bên tượng đài liệt sĩ” qua tiếng hát chèo của cô giáo Hà Nội

“Lời ru bên tượng đài liệt sĩ” qua tiếng hát chèo của cô giáo Hà Nội

Sinh ra và lớn lên ở quê hương của những làn điệu chèo Thái Bình mượt mà, cô giáo Đào Thị Bích Ngọc - giáo viên Ngữ văn trường THCS Nguyễn Trường Tộ, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội đã mang âm hưởng dân gian ấy vào bài giảng.

Nghệ sĩ chèo 10x Thanh Huyền: "Tôi luôn ngưỡng mộ và biết ơn vợ ca sĩ Tấn Minh"
Nghệ sĩ chèo 10x Thanh Huyền: "Tôi luôn ngưỡng mộ và biết ơn vợ ca sĩ Tấn Minh"

VOV.VN - Thanh Huyền hiện đang thuộc quân số Nhà hát Chèo Hà Nội, cô đang được đánh giá là một trong những nhân tố sáng giá của nghệ thuật truyền thống nói chung và chèo nói riêng.

Nghệ sĩ chèo 10x Thanh Huyền: "Tôi luôn ngưỡng mộ và biết ơn vợ ca sĩ Tấn Minh"

Nghệ sĩ chèo 10x Thanh Huyền: "Tôi luôn ngưỡng mộ và biết ơn vợ ca sĩ Tấn Minh"

VOV.VN - Thanh Huyền hiện đang thuộc quân số Nhà hát Chèo Hà Nội, cô đang được đánh giá là một trong những nhân tố sáng giá của nghệ thuật truyền thống nói chung và chèo nói riêng.