Tình yêu với nghề thêu của phụ nữ Dao Thanh Phán
VOV.VN - Với phụ nữ người Dao Thanh Phán ở xã Yên Than, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh, khi công việc đồng áng rảnh rỗi thì cây kim và sợi chỉ thêu luôn là bạn đồng hành. Những hoa văn mang đậm nét văn hóa truyền thống được trao truyền qua các thế hệ bằng đôi bàn tay khéo léo của phụ nữ người Dao Thanh Phán.
Thêu thùa là một trong những công việc gắn liền cuộc sống của phụ nữ Dao Thanh Phán ở xã Yên Than (huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh). Đây là địa phương có trên 90% dân tộc Dao Thanh Phán sinh sống nên văn hóa, nghi lễ được họ giữ gìn và phát huy. Ở đây phụ nữ sử dụng trang phục truyền thống của mình khá phổ biến trong sinh hoạt hàng ngày. Vào lúc rảnh rỗi, các bà, các mẹ ngồi quây quần trước hiên nhà tỉ mẩn với từng đường kim, mũi chỉ. Việc thêu thùa được truyền đời, các thế hệ nối tiếp, nên phụ nữ ở Yên Than gần như ai cũng biết thêu. Chị Chíu Thị Hoa, 35 tuổi cho hay, theo phong tục, các cô gái người Dao Thanh Phán trước khi lấy chồng đều biết thêu, may vá để tự làm trang phục cưới cho mình. Không chỉ vậy họ còn làm trang phục tặng mẹ chồng, các chị em chồng.
Chị Hoa nói: "Của dân tộc truyền thống theo kiểu nối dõi, từ ông bà, bố mẹ xong đến mình. Mình học hỏi dần thì sẽ biết. Cứ kiên trì, học từ đơn giản đến cái khó. Họa tiết ở phần gấu chân quần, ve áo là khó nhất. Phần gấu chân 1 đôi phải thêu mất 2-3 tháng còn áo thêu 2 vạt cũng mất tầm 1 tháng. Hoàn thiện 1 bộ quần áo mất khoảng 5 tháng. Với tầm tuổi tôi ít mặc nên chỉ thêu 2 bộ".
Bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Dao Thanh Phán cầu kỳ gồm: áo, quần, đai, mũ, khăn. Văn hóa, họa tiết trên áo của người phụ nữ Dao Thanh Phán thường được thêu ở vạt áo, trước ngực với bề rộng khoảng 10cm. Hoa văn ở quần được thêu ở vị trí dưới cùng của hai bên ống quần có độ dài khoảng 30cm. Đây cũng là vị trí được thêu nhiều hoa văn nhất trên bộ trang phục của người Dao Thanh Phán. Thắt lưng là một dải vải màu trắng, bản rộng khoảng 5 đến 7cm thường được thêu hoa văn với nhiều họa tiết hài hòa.
Trước trang phục của người Dao Thanh Phán có 2 màu đỏ và trắng. Họ quan niệm màu đỏ tượng trưng cho lửa, màu trắng tượng trưng cho nước. Nơi nào có lửa và nước, nơi ấy có sự sống của con người. Vì thế đỏ, trắng 2 màu chủ đạo trên trang phục của người Dao Thanh Phán, là biểu tượng cho sự thịnh vượng và trường tồn của dân tộc mình. Nhưng nay trang phục của họ có thêm nhiều màu sắc như đen, xanh, hồng, đỏ thẫm. Chị Chíu Thị Hải cho biết, việc thêu thùa không đơn thuần làm ra những bộ trang phục truyền thống mà còn chứa đựng những đặc trưng văn hóa, nếp sống, tín ngưỡng... của người Dao Thanh Phán.
Chị Hải nói: "Những họa tiết này của người Dao họ đều thêu phong thủy và tín ngưỡng của người dân tộc đấy. Mỗi một tầng đều là từng tầng ý nghĩa về tâm linh. Bộ thêu trang phục của người Dao là hình chữ Phạn, hình cây cối, chim muông kết hợp màu sắc rất là hài hòa, nổi bật mà thêu 2 mặt. Đặc biệt là mũ đội đầu của người Dao Thanh Phán cực kỳ là cầu kỳ. Mũ nguyên bản ngày xưa được làm bằng 100 nếp vải, 100 nếp ván mỏng và 32 chiếc kim xuyên từ trên xuống dưới. Em đã chứng kiến một nghệ nhân của dân tộc Dao làm chiếc mũ trong 1 tháng, chiếc mũ đó theo cả đời với người phụ nữ Dao Thanh Phán".
Chị Chíu Thị Huệ cho biết để thêu hoàn thiện 1 bộ trang phục mất rất nhiều thời gian nên giờ đây nhiều người không biết thêu, đặc biệt là các cô gái trẻ: "Cũng có 1 số người trẻ trẻ không biết thêu. Bây giờ nhiều người không học nên không thêu được. Em biết thêu từ năm 12-13 tuổi, do mẹ dạy em. Do em thích nên ngày đêm lấy ra thêu. Bản thân chúng em cũng thích, nhiều lúc tự xem vạt áo của mẹ rồi thêu, cái gì không biết thì hỏi mẹ. Con gái em học lớp 8, em chưa dạy vì em chưa có thời gian dạy con".
Cuộc sống hiện đại, nhiều nguyên nhân khiến cho các cô gái trẻ người Dao Thanh Phán không biết thêu. Họ không thường xuyên mặc trang phục truyền thống, việc học hành bận rộn và các bà mẹ mải làm việc mưu sinh nên cũng không có thời gian dạy con. Rồi việc thêu thùa cần sự tỉ mỉ, cầu kỳ, các họa tiết lại rất khó nên cũng khiến lớp trẻ nản, không kiên trì. Để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, trong đó có nghê thêu, huyện Tiên Yên cũng đã thành lập những CLB bảo tồn nghề thêu của các đồng bào dân tộc Dao Thanh Phán, Dao Thanh Y, Sán Chỉ…
Bà Dương Thị Hậu, Phó Phòng văn Hóa huyện Tiên Yên cho hay: "Với những bộ trang phục dân tộc của người dân tộc thiểu số ở Tiên Yên được làm rất cầu kỳ thủ công đòi hỏi tính thẩm mỹ, sự kia tỉ mỉ cao của phụ nữ. Trong xã hội hiện đại thì cái nghề này ngày càng mai một. Tuy nhiên, để bảo tồn truyền dạy lại cho lớp trẻ thì hiện nay là Tiên Yên xây dựng rất nhiều đề án, trong đó ưu tiên và dành nguồn lực để tuyên truyền quảng bá cho người dân cũng như là để bảo tồn những câu lạc bộ thêu. Biến sản phẩm thêu trở thành sản phẩm cho khách du lịch. Không phải 100% đều biết hết nhưng khi phát triển câu lạc bộ này, các bạn trẻ đều được bố mẹ truyền dạy nghề thêu. Hiện nay ít nhất là họ tự thêu trang phục cho mình để mặc".
Nghề thêu là thế mạnh của Yên Than nên với định hướng bảo tồn bản sắc văn hóa gắn với phát triển du lịch, chính quyền xã luôn đồng hành cùng với bà con trong việc gìn giữ nghề thêu. Ông Phạm Văn Hưng, Phó Bí Thư Thường trực, chủ tịch HĐND xã Yên Than cho biết chính quyền xã luôn đồng hành với bà con trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, đặc biệt là nghề thêu.
"Chúng tôi ra mắt được 2 câu lạc bộ giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó là chia ra 1 CLB văn hóa, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Dao Thanh Phán, CLB Dao Thanh Y. Những ngày Lễ Tết, ngày hội tuyên truyền, vận động nhân dân, nhất là chị em phụ nữ mặc trang phục dân tộc. Chị em rất tự hào mong những ngày lễ ngày hội này để được mặc bộ quần áo mang đậm bản sắc dân tộc của mình", ông Hưng nói.
Việc thành lập CLB văn hóa, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Dao Thanh Phán giúp chị em ý thức và tự hào về nghề thêu của dân tộc mình. Những buồi truyền dạy dường như đông vui hơn, lớp trẻ cũng quan tâm và nghiêm túc học từng đường kim mũi chỉ. Họ tự hào nói rằng “Họ bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa một phần là vì thói quen, điều quan trọng đó là tình yêu với từng hoa văn, với từng bộ trang phục rực rỡ họa tiết nhưng chứa đựng cả 1 thế giới nhân sinh quan của dân tộc Dao Thanh Phán”.