Trần Nam Long - chàng trai vượt lên số phận bằng đam mê hội họa
VOV.VN - Triển lãm "Phố xưa - hè cũ" giới thiệu gần 80 tác phẩm của chàng trai 18 tuổi Trần Nam Long sẽ diễn ra từ ngày 2 - 6/3 tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hà Nội.
Năm nay vừa tròn 18 tuổi, chàng trai trẻ Trần Nam Long đã bước đầu tạo được dấu ấn riêng biệt trong hội hoạ về phố cổ Hà Nội. Những ai đã từng ngắm các tác phẩm hội hoạ của Long, đều vô cùng thích thú bởi kỹ năng vẽ kiến trúc xuất sắc, diễn tả chi tiết sống động không gian về phố Hà Nội.
Chàng hoạ sĩ trẻ tài năng này là một người có số phận đặc biệt. Sau một trận viêm phổi nặng phải uống kháng sinh liều cao, Long bị điếc vĩnh viễn. Chưa dừng lại ở đó, Long còn bị chẩn đoán mắc bệnh tự kỷ thể tăng động. Về thể trạng, Long bị liệt cơ bẩm sinh hai chân, khiến sự đi lại vô cùng khó khăn. Tưởng như những gian nguy đó khiến Long gục ngã nhưng với sự tận tâm, yêu thương vô bờ của mẹ (Long mồ côi cha từ rất sớm) cùng năng khiếu hội hoạ bẩm sinh... Long đã từng ngày kiên cường vượt qua bạo bệnh, trở thành một hoạ sĩ trẻ đầy triển vọng.
Trần Nam Long có năng khiếu hội hoạ từ nhỏ. Long có thể vẽ bất cứ thứ gì một cách chính xác thông qua trí nhớ. Sau này, thông qua việc theo học các lớp hội họa, khả năng ấy càng được rèn dũa để trở nên sắc bén. Long rất chịu khó đi vẽ ký hoạ. Mẹ của Long - chị Phùng Hiếu là người luôn sát bên con, rong ruổi trong các con hẻm, ngõ phố Hà Nội để Long say sưa ký hoạ. Long có thể ngồi lỳ cả buổi để vẽ chính xác các chi tiết của kiến trúc, cây cối, đồ vật... trước mặt mình.
Vì không nghe được nên Long hoàn toàn tập trung, dành toàn bộ tâm trí cho bản vẽ mà không bị sao nhãng bởi bất cứ tác động ngoại cảnh nào. Đó là ưu thế của Long. Nhìn các bức ký hoạ của Long, ta thấy ở đó sự sống động, kỳ công nhưng cảm xúc lại không hề mỏi mệt, đứt quãng. Đây là điều mà hoạ sĩ chuyên nghiệp cũng không dễ đạt được.
Long rất nghiêm túc trong lao động nghệ thuật. Ngày nào Long cũng vẽ. Và đã ngồi vào giá vẽ, Long chỉ biết có toan, bảng màu và những đường nét thôi. Chuyện Long quên ăn, bỏ bữa vì vẽ là chuyện thường xảy ra. Đến nhà Long, không có gì ngoài tranh. Tranh xếp trên giá, treo trên tường, xếp trên tủ, đặt trên ghế sofa... Tất cả cho thấy sức làm việc hăng say, khoẻ khoắn cùng một tinh thần nhiệt huyết Long dành cho hội hoạ.
Long tham gia khá nhiều hội nhóm mỹ thuật cũng như các cuộc thi hội hoạ và đều đạt những thành tích ấn tượng. Điều này thêm hun đúc cho Long mong muốn trở thành hoạ sĩ chuyên nghiệp và trưng bày triển lãm cá nhân.
18 tuổi mà đã có triển lãm hội hoạ cho riêng mình là điều không nhiều người làm được. Trong suốt hai năm qua, Long miệt mài vẽ cho dự định đẹp đẽ đó. Và giờ đây, Long có hàng trăm bức tranh sẵn sàng cho triển lãm. Các tác phầm hội hoạ của Long chia ra làm hai mảng: tranh sáng tác và ký hoạ. Ở mảng sáng tác, Long sử dụng hai chất liệu acrylic và sơn dầu. Acrylic là chất liệu Long đã làm quen trước đó còn sơn dầu, Long mới tiếp cận một năm trở lại đây. Nhưng dù mới mẻ, Long vẫn cho thấy khả năng sử dụng chất liệu nhuần nhuyễn, phần nào làm chủ kỹ thuật. Có những bức tranh, khi xem thật khó để phân biệt Long vẽ bằng acrylic hay sơn dầu. Điều đó cho thấy rằng, với Long, chất liệu chỉ là công cụ, phương tiện để truyền tải hình ảnh. Long không bị chất liệu chi phối hay làm choáng ngợp. Sự vô tư ấy khiến Long dễ dàng vẽ các con phố, từ góc rộng đến góc hẹp... theo ý đồ của mình.
Long rất giỏi vẽ luật xa gần nên cả một góc phố rộng, Long vẽ rất chuẩn xác, không sai lệch về không gian. Các chi tiết đồ vật cũng được Long tả cặn kẽ, từ cửa hàng bán đồ ăn với nhiều nồi niêu xoong chảo đến những chiếc xe đạp, xe máy dựng bên vỉa hè hay những khung tranh bóng loáng còn nguyên bọc giấy bốn góc ở một cửa hàng tranh nào đó... Chính vì khả năng vừa bao quát vừa chi tiết này mà Long vẽ cả một con phố lớn nhưng vẫn liền mạch cảm xúc, và khi mô tả một góc cận cảnh như một khung cửa sổ, một lối lên cầu thang... trong tranh của Long cũng đều rất đẹp. Người xem như cảm nhận được chút nắng ban mai rơi vào nơi cánh cửa hay mùi ẩm mốc cũ kỹ của từng bậc cầu thang. Ở loạt tranh sáng tác này, người xem thấy đâu đó dáng dấp của các hoạ sĩ hiện thực đương thời, nhưng không thể phủ nhận rằng Long vẫn có cách nhìn của riêng mình. Đó là một tư duy trẻ trung, giàu năng lượng. Nó khiến các sáng tác của Long tràn đầy nhiệt huyết, tươi vui, hớn hở. Năng lượng này khiến người xem tranh cảm nhận được sự ấm áp, như một vòng tay yêu thương vậy.
Long vẽ khoẻ, cần mẫn như một chú kiến thợ. Hầu như không có con phố, danh thắng kiến trúc nổi tiếng nào của Hà Nội mà Long không đến xem và vẽ. Từ khu nhà tập thể Phương Mai đến các ngôi biệt thự nổi tiếng trên phố Nguyễn Thái Học, Trần Hưng Đạo hay toà nhà Đại học Tổng hợp, Nhà hát Lớn... đều được Long vẽ kỹ càng. Quan trọng nhất là Long vẽ ra được tinh thần của các kiến trúc nổi tiếng ấy. Nó toát lên vẻ đẹp văn hoá nhưng cũng chứa đựng những biến cố, câu chuyện lịch sử trong đó.
Triển lãm lần này, Long bày ra tất cả những gì mình vẽ trong hai năm qua như một tâm sự gan ruột của người yêu phố Hà Nội và yêu vẽ. Trên hết, mọi người yêu mến tranh Long, không hẳn vì nghị lực vượt khó của Long mà chính xác là Long vẽ đẹp. Ai đó có thể mua tranh của Long vì cảm mến nhưng tranh Long được sưu tập nhiều ắt hẳn phải vì giá trị thẩm mỹ. Tương lai hội hoạ của Long còn dài, nhiều dự định đẹp đẽ đang chờ Long. Chúng ta có quyền hy vọng, tin tưởng rằng với niềm nhiệt huyết, tình yêu cháy bỏng mà Long đã và đang dành cho hội hoạ, Long sẽ còn tiến xa. Còn giờ đây, chúng ta cảm ơn Long vì em đã không chỉ vẽ những bức tranh đẹp mà còn truyền một nguồn cảm hứng bất tận về nghị lực sống, về niềm đam mê sáng tạo, về những rung động dành cho thiên nhiên, con người, những nơi Long sống và đi qua. Nếu mỗi khi chúng ta gặp khó khăn, hãy ngắm tranh của Long, nghĩ về chàng hoạ sĩ tài năng và vượt khó đầy khôi ngô và yêu đời ấy, chắc hẳn mọi trở ngại sẽ vơi đi ít nhiều./.