Trào lưu xấu xí "tấn công" người nổi tiếng qua mạng từ chuyện tình cảm của Sơn Tùng M-TP
VOV.VN - Không dừng lại ở những câu chuyện tò mò, bàn tán về đời tư mà hành vi tấn công trên mạng xã hội đã can thiệp thô bạo vào đời sống cá nhân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến người nổi tiếng.
Những ngày qua, câu chuyện tình cảm của Sơn Tùng M-TP và Thiều Bảo Trâm trở thành đề tài thảo luận trên khắp các trang thông tin, mạng xã hội. Mọi chuyện bắt đầu từ những động thái rất nhỏ như bỏ theo dõi trên mạng xã hội rồi bạn bè nữ ca sĩ bất ngờ đăng tải những câu nói bóng gió, ẩn ý về sự chia ly của cặp đôi hay nghi vấn có sự xuất hiện của người thứ ba.
Dù nội tình chỉ người trong cuộc mới rõ nhưng ngay lập tức, công chúng đã thêu dệt thành câu chuyện tình tay ba gay cấn, quy chụp người xen vào mối quan hệ tình cảm trên không ai khác chính là nữ diễn viên mới trong công ty của Sơn Tùng.
Thế là chỉ trong một đêm, Sơn Tùng M-TP và nữ diễn viên 9x là mục tiêu tấn công, chỉ trích của người dùng mạng xã hội. Hàng trăm nghìn bình luận khó nghe, xúc phạm xuất hiện tràn lan, dày đặc trên trang cá nhân của cả hai ở mọi nền tảng.
Cộng đồng mạng còn chia thành các phe, người bênh vực, kẻ chỉ trích, miệt thị dù những người trong cuộc luôn giữ im lặng, không lên tiếng về chuyện này. Và đến thời điểm này, khi những tranh cãi về câu chuyện đời tư của nam ca sĩ vẫn chưa đi đến hồi kết thì sự việc ngày càng bị đẩy đi quáxa, nghiêm trọng.
Soi mói đời tư kích hoạt thành bạo lực mạng
Lâu nay, chuyện đời tư của giới nghệ sĩ luôn là đề tài “nóng hổi”, thu hút sự chú ý của công chúng. Sơn Tùng M-TP là một trong những ca sĩ có tầm ảnh hưởng cũng như sở hữu lượng người hâm mộ đông đảo. Chính vì vậy, chuyện riêng tư của nam ca sĩ khó có thể giữ làm bí mật riêng mình.
Thế nhưng, những hành vi này không còn dừng lại ở sự tò mò, bàn tán hay đưa chuyện nữa mà đã biến thành sự xâm phạm quyền riêng tư, can thiệp thô bạo vào đời sống cá nhân, gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Cụ thể là, nữ diễn viên kia phải hứng chịu cơn thịnh nộ vô căn cứ từ cộng đồng mà không thể thanh minh, lên tiếng. Những bộ ảnh nghệ thuật cũ, hình chụp chung với bạn trai cũ bị “đào” lại để đánh giá ngoại hình, lối sống của cô với thái độ quy chụp, lan truyền tin đồn thất thiệt. Phụ nữ có vẻ ngoài trong sáng, hồn nhiên vốn đều gian xảo, giả nai là nhận định của nhiều người.
Những hội, nhóm anti-fan được thành lập với số lượng thành viên tăng nhanh đến chóng mặt, nhóm đông nhất đạt đến 250.000 người. Thậm chí, người dùng mạng còn dùng nút dislike làm vũ khí. Hàng loạt sản phẩm có sự góp mặt của cô như MV “Chúng ta của hiện tại” của Sơn Tùng M-TP hay MV “Blue Tequila” của nghệ sĩ Táo cũng bị một bộ phận cư dân mạng nhấn nút dislike. Cụ thể, ghi nhận vào lúc 20h00 ngày 26/1, MV “Chúng ta của hiện tại” đã nhận về hơn 120.000 lượt dislike.
Cùng với “đàn em”, Sơn Tùng cũng phải “chịu trận” khi trở thành nạn nhân của bạo lực mạng. Anh bị gán với danh xưng “kẻ bạc tình”, “phụ bạc mối tình 8 năm”,… Đặc biệt, những lời chia sẻ của Sơn Tùng trong một đêm diễn càng làm bùng sự phẫn nộ, điên cuồng của cộng đồng mạng. Cụm từ “Thương em” hay “trà xanh” bỗng chốc trở thành xu hướng, trào lưu vui đùa trên không gian mạng.
Chưa dừng lại ở đó, người dùng mạng vẫn không buông tha khi liên tiếp tấn công, “ném đá” khiến công ty của Sơn Tùng M-TP có khả năng phải đóng cửa fanpage trên Facebook. Đây không phải lần đầu tiên Sơn Tùng M-TP hứng chịu “gạch đá” từ cộng đồng mạng, tuy nhiên những thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng đến công việc lẫn hình ảnh của nam ca sĩ khi phải đối diện với ồn ào này là rất lớn.
Cam chịu trước sự hung hãn của đám đông
Vụ việc trở nên ồn ào hơn khi dư luận chuyển hướng công kích 180 độ. Không chỉ với Sơn Tùng, nữ diễn viên 9x và cả nữ ca sĩ Thiều Bảo Trâm, người tưởng chừng như được cộng đồng mạng bảo vệ cũng trở thành “nạn nhân” của cuộc chiến trên mạng xã hội. Các nhóm anti-fan được thành lập với hơn 3.000 thành viên tham gia, đăng tải nhiều bài viết công kích Thiều Bảo Trâm, lên tiếng bảo vệ Sơn Tùng và nữ diễn viên. Điều này đã cho thấy tâm lý chạy theo số đông và ham muốn "thích chỉ trích và bình phẩm" người khác của dân mạng.
Thời gian gần đây, rất nhiều nghệ sĩ Việt cứ vướng vào tranh cãi là bị lập nhóm anti-fan vô tội vạ. Trước Sơn Tùng, Thiều Bảo Trâm thì Hương Giang, Thuỷ Tiên, Trấn Thành, Binz,…là những nghệ sĩ có nhóm anti-fan đông nhất.
Nhiều người cho rằng khán giả hoàn toàn có quyền tẩy chay các ngôi sao nếu họ phát ngôn, hành xử không đúng. Tuy nhiên, sự phát triển của mạng xã hội đã biến anti, nói xấu người nổi tiếng trở thành trào lưu phổ biến thì đáng lên án. Các nhóm anti nuôi dưỡng sự thù hận dẫn đến các hành vi tấn công mạng, bạo lực người nổi tiếng, thậm chí gia đình họ, ảnh hưởng cuộc sống, sự nghiệp của họ chỉ để thoả mãn niềm vui ái kỷ, khao khát quyền lực của một bộ phận dư luận. Không đơn giản là “đùa cho vui” mà đây là ích kỷ, khởi phát từ sự thiếu hiểu biết, thiếu ý thức. Tuy rằng mỗi người nổi tiếng có cách hành xử khác nhau, lựa chọn im lặng cam chịu hay phản kháng lại cũng không thể dập tắt sự hung hãn của đám đông.
Những cuộc tấn công qua lại khiến làng giải trí trở nên độc hại. Làng giải trí thế giới hay cụ thể là ở những đất nước có ngành công nghiệp giải trí phát triển nhất châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản chứng kiến không biết bao trường hợp những ngôi sao trẻ như Sulli, Goo Hara, Noa Tsukino, Hana Kimura… chọn cách chấm dứt cuộc đời vì không chịu được áp lực khi phải vật lộn với những cuộc tấn công trên mạng xã hội. Sự ra đi của họ đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự tàn khốc của những lời chê bai, miệt thị người nổi tiếng trên các trang mạng.
Làm thế nào để không ai trở thành “nạn nhân”?
Vì sao bạo lực mạng phát triển dữ dội và ngày càng khó kiểm soát? Bởi môi trường không gian mạng đã và đang cho phép các cá nhân ẩn mình sau màn hình, bàn phím để thực hiện những hành vi tấn công cá nhân như một trò tiêu khiển, tìm kiếm sự chú ý. Những kẻ ẩn danh hầu như không phải trả giá tương xứng vì những hành động tấn công, bắt nạt tập thể do mình gây ra. Bên cạnh đó, một số người bạo lực mạng mang theo tâm lý "Ai cũng vậy. Mình không làm người khác cũng làm" và ngang nhiên thực hiện hành vi đó.
Bạo lực mạng là một trong những vấn đề đau đầu của Facebook trong nhiều năm qua. Mạng xã hội này đã có những chiến dịch truy quét, nhưng chủ yếu hướng đến các nhóm có thể gây ra bạo lực, xung đột... và chưa xử lý triệt để các nhóm được lập ra để tấn công một cá nhân riêng lẻ.
Ở nước ta, Nghị định 15/2020 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 15/4 quy định rõ ràng về việc xử lý các thông tin sai lệch, giả mạo trên mạng xã hội. Cụ thể, người cung cấp, chia sẻ thông tin sai sự thật; xúc phạm, vu khống danh dự, nhân phẩm người khác sẽ bị phạt 10-20 triệu đồng.
Tuy nhiên, số lượng người dùng rất lớn khiến việc quản lý và xử lý các nhóm bôi nhọ, nói xấu cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội không đơn giản. Vì vậy, bên cạnh những biện pháp mạnh về pháp lý, cần phải có sự giáo dục, truyền thông, nỗ lực thay đổi tư duy, thái độ sống của mỗi người, đặc biệt là thế hệ trẻ, lực lượng chủ chốt tạo nên những thay đổi để dần xoá bỏ nạn bắt nạt trên mạng, để không ai trở thành nạn nhân của những vụ tranh cãi, miệt thị nhau trên thế giới ảo./.