Triển lãm phiên bản Kim Ấn triều Nguyễn tại Huế
VOV.VN - Chiều nay (10/6), tại lầu Ngũ Phụng, Ngọ Môn, Đại Nội - Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Nghệ nhân nhân dân Trần Độ ở làng gốm Bát Tràng - Hà Nội khai mạc triển lãm “Phiên bản Kim Ấn triều Nguyễn”.
Trong 143 năm tồn tại, triều Nguyễn đã làm hơn 100 chiếc ấn, thường đúc bằng vàng, bạc hoặc chế tác từ ngọc quý. Hiện chỉ còn 85 chiếc ấn với các chất liệu vàng, ngọc, bạc, đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Triển lãm “Phiên bản Kim Ấn triều Nguyễn” trưng bày 32 chiếc ấn làm bằng gốm thếp vàng, được chế tác dựa trên các tiêu bản Kim ấn triều Nguyễn, trong đó, có ấn Hoàng đế tôn thân chi bảo, ấn Sắc mệnh chi bảo, Tề gia chi bảo và ấn của các Hoàng thái hậu, Hoàng thái phi, Hoàng thái tử… góp phần tái hiện một phần lịch sử triều Nguyễn trong Hoàng cung Huế một thời. Tất cả đều là sản phẩm từ đôi bàn tay tài hoa của Nghệ nhân Nhân dân Trần Độ đến từ làng gốm Bát Tràng - Hà Nội.
Sự hiện diện của những phiên bản Kim ấn triều Nguyễn bằng chất liệu gốm là một sự trải nghiệm mới trong nghệ thuật tạo hình và chế tác gốm Bát Tràng, giúp du khách tham quan cố đô Huế có thêm cơ hội, hiểu thêm về một loại cổ vật đặc biệt, gắn liền với quá trình điều hành và quản lý nhà nước dưới thời Nguyễn.
Trước đó, chiều 9/6, tại vườn Thiệu Phương, Đại Nội Huế, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế phối hợp với Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I - Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức triển lãm “Thuật trị quốc của Hoàng đế Minh Mạng qua Di sản Tư liệu Châu bản triều Nguyễn”. Triễn lãm diễn ra trong vòng một tháng, giới thiệu đến công chúng hơn 90 Châu bản triều Nguyễn với các nội dung về “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” của Hoàng đế Minh Mạng. Thông qua đó, người xem hiểu rõ hơn về tư tưởng của Hoàng đế Minh Mạng cũng như những nét đặc sắc trong chính sách cầm quyền, thuật trị quốc, cũng như công lao, thành quả ông đạt được trong suốt thời gian trị vì được lịch sử ghi nhận./.