Từ trâu đến mèo Qúy Mão của Lê Đình Nguyên
VOV.VN - Từ con trâu đến con mèo năm nay của Lê Đình Nguyên cũng đã cả mấy chục năm trời. Mấy chục năm say mê với con mắt nghệ thuật và trái tim của người yêu nghề điêu khắc, Lê Đình Nguyên xứng đáng được tôn vinh như một hoạ sĩ kiêm điêu khắc đáng nể trọng.
Trong làng hội hoạ có dăm hoạ sỹ chuyên vẽ một đối tượng là con vật, rồi trở thành nổi tiếng và người hoạ sĩ được gắn tên thật với tên con vật anh ta vẽ. Ấy là khi hoạ phẩm ấy đẹp, độc đáo không giống ai. Nhưng ở giới điêu khắc thì không ai ngoài Lê Đình Nguyên được vinh danh khi bạn bè, anh em trong giới mỹ thuật gọi anh với biệt danh: Nguyên Trâu.
Lê Đình Nguyên là hoạ sĩ chính của Nhà hát múa rối Việt Nam. Cái lịch sử vào nghề của anh như thiên định. Vào cơ quan làm thợ điện, thợ cơ khí, giám đốc thấy một thanh niên rất có sáng kiến, muốn bồi dưỡng dìu dắt làm lãnh đạo ngành cơ khí. Lòng tốt ấy không thành, vì cậu Nguyên lại nói toẹt với ông giám đốc rằng, cậu có sở cầu học mỹ thuật. Thế là ụp một cái, hắn bỏ nghề cơ khí, đi thi và đỗ vào trường Mỹ thuật Công nghiệp. Nếu không có tài, ra trường, chắc Lê Đình Nguyên chỉ dừng ở tư cách hoạ sĩ, có cố gắng thì cũng như anh thợ nghề mà tạo ra các con mẫu rối dân gian, phục vụ các vở rối cho Đoàn múa rối trung ương. Nhưng số phận đã chọn anh, thoát khỏi cái bắt chước người xưa, sang địa vực sáng tạo. Lê Đình Nguyên, trong sự động viên của hoạ sĩ, bạn anh Lê Thiết Cương làm triển lãm lần thứ nhất, khi tạo ra các tác phẩm về con trâu.
Đại bộ phận từ nguyên liệu gỗ, con trâu hiện thực trở thành con trâu điêu khắc của Lê Đình Nguyên lớn bé nặng nhẹ khác nhau, đã chứng tỏ một tài năng hé lộ có kích cỡ. Những chú trâu giã gạo, kéo gỗ, trâu thuyền, trâu kéo… vượt gia khỏi biên độ của các chú trâu mỹ nghệ hoạ sĩ Nguyên chuyên làm hàng loạt cho vợ bán trên thị trường quốc tế. Ở triển lãm lần này, con trâu của Lê Đình Nguyên gắn bó với các công việc đồng áng hay trong gia đình của người nông dân. Các tác phẩm lần này làm Nguyên vụt hoá thân, gần như thoát khỏi cái danh hiệu hoạ sĩ hay nghệ nhân nhờ sự tạo hình rất sáng dạ, đa dạng và hóm hỉnh. Các lưu ý nhất là trâu của Lê Đình Nguyên tạo ra như được thổi tâm hồn của con người để người xem nó dạt dào cảm xúc. Và, hoạ sĩ Lê Đình Nguyên được gắn với cái tên Nguyên Trâu từ triển lãm ấy.
Duyên phận, cách đây 5 năm. Hoạ sĩ tài danh Thành Chương qua lời mời của tôi ghé thăm nhà Lê Đình Nguyên. Trong tư gia, con người “anh đã thành ông”, Lê Đình Nguyên khi Thành Chương đến, cũng chỉ còn lại dăm ba tác phẩm đã trưng bầy ở triển lãm lần I, mà Nguyên “có túng cũng không bán”. Ba tác phẩm phủ đầy bụi bởi thời gian. Từng ấy thôi cũng đủ để Thành Chương nhận ra chân tài trong người bạn mới gặp này. “Phải có một cú hích cho nhân tài phát triển”. Thành Chương nghĩ và tạo mọi cơ hội gặp gỡ Nguyên trâu. Các cuộc hẹn hò dăm chục lần, toàn ở quán nước, tiệm phở để trao đi đổi lại những ý tưởng của một cuộc triển lãm lần thứ hai. Quan hệ giữa hai con người Lê Đình Nguyên và Thành Chương trở nên thân thiết qua nghệ thuật gắn kết mang tính liên tài đã giúp Lê Đình Nguyên mở rộng cách cửa của khả năng sáng tạo ẩn chìm bấy nay trong tâm hồn Nguyên, nó thuộc phẩm chất nghề điêu khắc. Sự thuyết phục khơi gợi của Chương với giọng bè bạn, nhưng lại là ý kiến của một người rất giầu kinh nghiệm nghệ thuật bậc thày, đòi hỏi sự sáng tạo có cá tính, đã được Lê Đình Nguyên lập tức lĩnh hội biến nó thành tác phẩm cụ thể. Và sự thật Lê Đình Nguyên đã bị tác động rất sâu sắc trong thời gian này, khi được gợi mở với nhiều ý kiến mở rộng cách cửa tiềm năng trong người bạn như học trò của hoạ sĩ danh tài Thành Chương. Một năm vật vã lao động nghệ thuật, say xưa không mệt. Có lúc suốt đêm nằm bò mài, hàn cùng các thợ sắt giỏi nhất Hà Nội, Lê Đình Nguyên tổ chức cuộc triển lãm thứ Hai vẫn về đề tài con trâu tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Triển lãm Mỹ thuật lần hai với sự giám tuyển của Thành Chương, Phan Cẩm Thượng và điêu khắc gia Đào Châu Hải. Với gần 30 tác phẩm ban giám tuyển chọn ra bày kín khoảng sân gần 500 mét vuông trước Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Lê Đình Nguyên cho cả thiên hạ thấy sự biến ảo khôn lường để con trâu quen thuộc hoá thân thành linh vật trâu. Lần này, không chỉ là gỗ, các con vật tạo hình đã được tạo ra từ sắt, từ bom, cả những viên đạn khủng giữa lòng đất chiến trường Quảng Trị, từ tranh tre nứa lá và thạch cao (thạch cao nha khoa) trộn giấy dó.
Những tác phẩm điêu khắc trâu của Lê Đình Nguyên lần II thu hút hàng ngàn khán giả, chứng minh sự sáng tạo trác tuyệt và sự lao động khủng khiếp của anh chàng nhỏ thó gầy gò, khuôn mặt xương gió, pha chút giang hồ Lê Đình Nguyên. Con trâu Lê Đình Nguyên lần II không chỉ giới hạn trong nghề nông - chú trâu làng quê gắn bó với nông dân. Triển lãm lần thứ Hai của Lê Đình Nguyên có kích cỡ vóc dáng đạt tầm tư tưởng khi hệ thống tác phẩm đã gợi nhớ cả hai cuộc chiến kinh hoàng tại Việt Nam. Từ Điện Biên tới trường kì chống Mỹ. Người ta cũng thấy trân quý hoà bình hơn khi ngắm nghĩa đàn trâu bom của Lê Đình Nguyên. Lê Đình Nguyên biến những trái bom chết người, những quả đạn đại bác reo rắc bao thương đau trở thành các con vật dễ thương thân thiện cho con người, không chỉ người Việt. Con trâu của Nguyên trâu cho người ta thấy đáng yêu nữa trong công việc thường nhật bình dị của nhà nông vốn trân quý hạt lúa củ khoai trong tác phẩm Con trâu xay lúa.
Kế thừa sự động khi còn là hoạ sỹ chính Nhà hát múa rối ở các con rối, cả nghề cơ khí, anh đã chế tác thành công các bộ máy ngầm tinh xảo. Vậy nên những tác phẩm chính của Lê Đình Nguyên đều biết cử động, phát ra ánh sáng và âm thanh, tạo thêm sự linh hoạt hấp dẫn của linh vật trâu một cách độc đáo bất ngờ. Cái sự sáng tạo nhuần nhị ấy, giúp cho tác phẩm Nguyên trâu chinh phục được người thưởng ngoạn khi nó đạt tính thẩm mỹ, hiện đại và dân tộc.
Triển lãm lần II của Lê Đình Nguyên khẳng định một giá trị cao thuộc mỹ cảm ở Lê Đình Nguyên khi ông tạo tác hình tượng trâu rất thành công về tạo hình. Nó lại được kết hợp sự động trong cả ánh sáng và âm thanh, mang lại cho người nghệ sĩ một mối lợi vật chất xứng đáng. Hầu hết các tác phẩm được săn đón với giá khủng và điều quan trọng nhất là mang lại cho anh một thương hiệu nghề nghiệp gắn bó với nghề nghiệp chuyên nghiệp: hoạ sĩ điêu khắc. Rồi Bảo tang mỹ thuật Việt Nam đến nhà Lê Đình Nguyên hai lần đàm phán về viejec mua vài tác phẩm của nhà điêu khắc. Thật là đáng tiếc cuộc đàm phán không thành dù sau đó các tác phẩm ấy rơi vào tay một đại gia ở đất Hà Tây cũ.
Rồi thời gian trôi qua, Thành Chương muốn anh làm một hệ thống nhân vật trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Bốn năm dài trôi nhanh và Lê Đình Nguyên không làm được điều mong đợi ấy. Quan hệ giữa hai người bạn như thày trò có khi trục trặc. Giận hờn là cái vỏ bên ngoài còn sự hy vọng, tình yêu thương một tài danh thì vẫn tồn tại bất chấp năm tháng.
Thực ra Lê Đình Nguyên cũng rất buồn khi triển lãm lần thứ III với tổ hợp nàng Kiều chưa có. Thế là duyên trời khác lại đến khi Nhà hát múa rối mời người hoạ sỹ đã về hưu quay lại Nhà hát để tạo ra các nhân vật cho vở diễn độc đáo Thân Phận Nàng Kiều. Vở rối Thân phận nàng Kiều thành công rực rỡ trên sân khấu thể nghiệm quốc tế diễn ra ở Việt Nam. Sau đó nó được nhiều lời mời đi biểu diễn ra cả thế giới. Bằng tài năng của mình Lê Đình Nguyên đã tạo ra một hệ thống nhân vật rất sinh động trên sân khấu phục vụ vở diễn này. Và hoạ sĩ Lê Đình Nguyên ở vai trò tạo hình con rối đã phát huy hết mức tài năng sáng tạo chế tác linh kì của ông, rất quyền biến khi kết hợp giữa điêu khắc và tạo hình dân gian, đóng góp một phần rất quan trọng cho vở diễn, xứng đáng trong tốp nhận được giải thưởng cao quý “Hoạ sỹ xuất sắc nhất của Liên hoan sân khấu thể nghiệm quốc tế”.
Gần Tết Quý Mão năm nay, tôi được Trần Đăng Khoa giao nhiệm vụ đặt bìa báo Tết. Tôi mời bạn thân danh hoạ Thành Chương. Không ngờ giữa đêm Thành Chương từ chối và bảo: “Ông liên hệ với Nguyên Trâu, năm nay nó làm mèo đẹp hơn mèo tôi vẽ. Lấy mà làm bìa”. Tôi lập tức liên hệ với Nguyên. Thì ra năm Trâu hắn chỉ làm vài con trâu gốm trâu nhà để kiếm cơm, năm hổ thì tịnh không ngọ nguậy. Còn năm Quý Mão từ 4 tháng nay, hắn như lên đồng đã tạo ra bốn năm mẫu vật để làm ra một loạt các con mèo nhân dân. Những chú mèo cao chừng 20, 25, 40 phân tạo dáng, cũng từ thạch cao nha khoa với giấy dó nghiền, chịu được khí hậu khắc nghiệt. Nào mèo đực, mèo cái, mèo bập bênh, mèo lật đật... Mèo kiểu dũng manh như một khối ngà lại đội cả vừng trăng sẵn sàng bắt chuột bừng sáng trên imbox giữa đêm trong phòng tôi. Tôi đặt một con mèo thi ca. Chú mèo của tạp chí chúng tôi đội vừng trăng, đôi chân vững chãi như cái cổng muôn thuở của làng quê Bắc bộ. Trên mình có cái cầu Long Biên đại diện cho lịch sử vẫn đang diễn tiến thủ đô. Sự cách điệu đến không ngờ của chú mèo thi ca ngẩng đầu với vầng trăng kiêu hãnh làm vừa lòng cả Trần Đăng Khao và tôi dẫu là về tạo hình con mèo bập bênh mà gã làm tặng riêng cho bạn hắn là Thành Chương có ưu thế mạnh mẽ nổi trội hơn. Thế rồi Lê Đình Nguyên trình làng ở triển lãm Mèo du xuân tại Bảo tàng mỹ thuật Việt Nam đôi mẹ con mèo đội mưa đi học (từ hai trái đạn pháo trong chiến tranh). Tác phẩm này gây xôn xao làng điêu khắc và cuốn hút người xem. Nó cảm động khôn cùng khi động đúng tình cảm người ta. Hai con mèo đội mưa- có nước, có ánh snag và cả âm nhạc phát ra bài hát mèo con đi học, đánh dấu mèo quý mão thành công bất ngờ của Lê Đình Nguyên. Không dừng lại ở tổ hợp những chú mèo nhỏ nhân dân, Lê Đình Nguyên đắm say vào tạo tác, cho ra đời từ bom đạn, từ sắt thép các chú mèo ngộ ngĩnh sinh động để có thể hiện diện mỹ lệ trong các khu vườn nếu muốn với tư cách những tượng đài linh vật giàu sáng tạo.
Tôi, tác giả bài viết này gặp Lê Đình Nguyên ở nhà anh, chạm vào đôi bàn tay nóng rực, đôi mắt long lanh tràn trề phấn khích. E ngại, tôi dặn phải nghỉ ngơi điều độ để giữ gìn năng lượng. Nguyên Trâu toang hoác cười: “Em phải giữ lời hứa với bè bạn, báo chí các anh và cả anh Thành Chương để lao động lại phải giao đủ các sản phẩm Quý Mão cho nhiều đối tác”.
Con người ta không ai là không có tài cả. Anh tài cái này, tôi tài cái khác. Có điều đến thiên tài cũng phải lao động không ngơi nghỉ để chữ Tài vụt hiện ra và toả sang, trở nên sự kì diệu của đời sống sáng tạo nghệ thuật.
Hội xuân năm nay theo sáng kiến của Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều, Lê Đình Nguyên đóng góp hai tác phẩm mèo Thơ cao cả năm bảy mét làm cho Hội thơ Quý Mão của Hội Nhà văn Việt Nam thêm độc đáo.
Từ con trâu đến con mèo năm nay của Lê Đình Nguyên cũng đã cả mấy chục năm trời. Mấy chục năm say mê với con mắt nghệ thuật và trái tim của người yêu nghề điêu khắc, Lê Đình Nguyên xứng đáng được tôn vinh như một hoạ sĩ kiêm điêu khắc đáng nể trọng. Ông là một tấm gương về lao động nghệ thuật, sự say nghề, yêu nghề đến quên cả thân thể mình./.