Tục "vỗ mông" chúc bình đẳng, hạnh phúc của người Mông Hà Giang
VOV.VN - Vào những ngày đầu năm, khi mùa xuân chạm ngõ, đồng bào Mông tại Hà Giang lại tụ họp bên nhau, cùng chúc nhau những lời chúc đầu năm sức khỏe dồi dào, hạnh phúc, may mắn. Và một trong những tục lệ đặc sắc trong những ngày Tết cổ truyền của người Mông nơi này chính là tục “vỗ mông” chúc Tết.
Bà con dân tộc Mông ở Hà Giang không biết tục vỗ mông chúc Tết có từ bao giờ, chỉ biết rằng tục lệ này được lưu truyền từ đời này sang đời khác.
Ông Vàng Chẩn Giáo - một người am hiểu về văn hóa Mông ở Quản Bạ - Hà Giang kể: “Theo các già làng ngày xưa chỉ dạy, người Mông có tục lệ: Muốn ăn nấm phải lần theo cây, muốn xây dựng gia đình phải xem người thân quen. Vì vậy, các chàng trai, cô gái Mông khi muốn xây dựng gia đình đều phải nghe theo cha mẹ sắp đặt hoặc nếu là bà cô gả con gái thì phải được phép của ông cậu, nếu không lấy về làm dâu thì mới được phép gả làm dâu cho nhà khác. Tục lệ này đã làm cho các chàng trai, cô gái không lấy được người mình thương. Từ đó các chàng trai cô gái mới lấy ngày Tết để làm chốn hẹn hò, chào hỏi nhau, vỗ vào mông nhau chúc Tết, với nội dung đại ý: Năm cũ hết, năm mới đến, phủi đi đau ốm bệnh tật, phủi đi những lời người đời không hay, chúc người sức khỏe, sống tốt và nếu còn may mắn thì xin được gặp lại…”.

Trong những ngày đầu năm mới, đồng bào Mông ở Hà Giang tin rằng, với mỗi cái vỗ nhẹ vào mông, không chỉ là phủi đi những điều không may mắn, bệnh tật và phiền muộn của năm cũ, mà còn như một lời cầu nguyện cho một năm mới luôn mạnh khỏe, bình an và đầy ắp may mắn. Việc này được làm đi làm lại nhiều lần đã trở thành phong tục “vỗ mông chúc Tết” của đồng bào Mông ở đây. Con trai chỉ được phép vỗ con gái và ngược lại. Vỗ mông chúc Tết không chỉ là một phần của nghi thức đón năm mới, mà còn là một thông điệp nhân văn sâu sắc về sự bình đẳng giữa con người với con người, đấu tranh nhằm xóa bỏ những hủ tục lạc hậu trong việc dựng vợ gả chồng.

Em Ly Mí Cường, một chàng trai dân tộc Mông, hiện đang là sinh viên Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam chia sẻ: “Tết năm nào em cũng đi vui Hội xuân, cũng có dịp được vỗ mông chúc Tết. Đây là một tục lệ rất ý nghĩa, là một người trẻ tuổi em cũng rất mong muốn tục lệ này được gìn giữ, phát huy đúng với ý nghĩa nhân văn của nó”.
Trong lễ hội xuân đầu năm, không ít bản làng đồng bào Mông ở Hà Giang cũng đã đưa tục vỗ mông chúc Tết vào một trong những nội dung của lễ hội. Tuy nhiên, để đảm bảo phong tục này đúng ý nghĩa, khi tổ chức vui chơi Tết, Ban tổ chức thường đưa ra những quy định cụ thể nhằm tránh những biến tấu không phù hợp hoặc có những hành vi thiếu văn minh, đồng thời giám sát chặt chẽ việc thực hiện.
Ông Vàng Chẩn Giáo cho biết thêm: “Ngày Hội xuân còn tổ chức nhiều trò chơi, hát đối rất vui, có Ban tổ chức phụ trách giám sát, không để xảy ra tình trạng lợi dụng tục lệ vỗ mông chúc Tết mà gây hiểu lầm, đánh nhau, mất đoàn kết làm ảnh hưởng đến Lễ hội chung”.
Tục "vỗ mông" chúc Tết của đồng bào Mông Hà Giang được bảo tồn và phát huy trong dòng chảy không ngừng của thời gian, góp phần làm kho tàng văn hóa truyền thống của dân tộc thêm đa dạng, phong phú.