Tưng bừng Festival Văn hoá Cồng chiêng Gia Lai 2023
VOV.VN - Tối 11/11, tại Quảng trường Đại Đoàn kết, Thành phố Pleiku, “Festival Văn hóa Cồng chiêng Gia Lai 2023” khai mạc.
Với sự dàn dựng công phu, “Festival Văn hóa Cồng chiêng Gia Lai 2023” đã cống hiến cho người xem một chương trình nghệ thuật mãn nhãn, tôn vinh giá trị tinh thần lớn lao của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Cũng tại Festival, tỉnh Gia Lai vinh dự đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ đối với di tích Rộc Tưng – Gò Đá và Quyết định công nhận bảo vật quốc gia đối với Sưu tập công cụ Sơ kỳ Đá cũ An Khê.
Với chủ đề “Gia Lai-Những sắc màu văn hóa”, xuyên suốt festival là những màn trình diễn nghệ thuật tôn vinh Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; tôn vinh chủ nhân của di sản đặc sắc này là cư dân các dân tộc Jrai, Bahnar, Ê Đê, Xê Đăng, Giẻ Chiêng, Mnông… sinh sống trải rộng 5 tỉnh cao nguyên là Kon Tum, Gia Lai, Đak Lak, Đak Nông, Lâm Đồng.
Phát biểu khai mạc chương trình, ông Trương Hải Long, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, việc tổ chức Tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023 đặc biệt là Liên hoan trình diễn di sản văn hóa phi vật thể Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên tại tỉnh Gia Lai năm 2023 là nhằm tôn vinh giá trị Không gian Văn hoá Cồng chiêng Tây Nguyên; tạo sự giao lưu văn hóa, đoàn kết, hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc trong khu vực.
“Đây là dịp để quảng bá đến du khách trong và ngoài tỉnh về giá trị độc đáo của di sản Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên cùng với cảnh quan thiên nhiên, văn hóa và con người Gia Lai. Đây cũng là cơ hội để hợp tác, thu hút các nguồn lực đầu tư, góp phần xây dựng Gia Lai nói riêng, các tỉnh Tây Nguyên nói chung ngày càng phát triển bền vững và giàu mạnh”, ông Trương Hải Long nói.
Với kết cấu mang đậm tính sử thi, chương trình nghệ thuật được chia thành 2 chương. Chương I “Linh thiêng đại ngàn” tái hiện công cuộc giữ đất, giữ nước, giữ buôn làng, giữ lửa cồng chiêng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên giữa đại ngàn hùng vĩ. Chương II “Sức sống đại ngàn” khẳng định sức sống bền bỉ, mãnh liệt và sự lan tỏa mạnh mẽ của văn hóa cồng chiêng. Tiếng cồng chiêng không chỉ vang vọng tại các buôn làng, mà vượt qua khỏi biên giới quốc gia, là gia tài quý báu trong kho tàng văn hóa Việt Nam và được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Ngày nay, nghệ thuật cồng chiêng đã trở thành sứ giả văn hóa kết nối du khách trong và ngoài nước đến với vùng đất đỏ bazan huyền thoại. Điểm nhấn của chương trình là tiết mục “Âm vang đại ngàn” có sự tham gia của hơn 1300 nghệ nhân tại 5 tỉnh Tây Nguyên, với hiệu ứng âm thanh, ánh sáng được dàn dựng công phu, thể hiện sự hùng tráng, sức sống mạnh mẽ của cồng chiêng. Đây là chuỗi hoạt động nhằm triển khai "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Tại Festival, Tỉnh Gia Lai vinh dự được đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ đối với di tích Rộc Tưng – Gò Đá và Quyết định công nhận bảo vật quốc gia đối với Sưu tập công cụ Sơ kỳ Đá cũ An Khê.