Tượng đài công an sắp khánh thành: Người trong cuộc nói gì?
Nhóm tượng đài đang được hoàn thiện trên phố Trần Nhân Tông (Hà Nội) thể hiện hình ảnh của cả cảnh sát giao thông và cảnh sát phòng cháy chữa cháy trên cùng một bệ đỡ. Nhiều người tỏ ra ngạc nhiên vì sự rườm rà và ngôn ngữ tả thực của tác phẩm.
Giá trị của tượng đài
Ông Nguyễn Anh Tuấn (Giám đốc Trung tâm Nghệ thuật Heritage Space) phát biểu: “Với tôi cụm tượng đài này không phải đối tượng để bàn về giá trị nghệ thuật”.
Ông Tuấn xếp cụm tượng đài này vào dạng nghệ thuật hoành tráng mang tính tuyên truyền vẫn được sử dụng tại các nước XHCN từ thời Liên Xô cũ. Ông nhận định: “Khi trào lưu nghệ thuật qua rồi, bản thân đời sống đã biến đổi thì những công trình nghệ thuật như vậy chỉ còn là cái bóng mờ của quá khứ, chưa kể nó có rất nhiều vấn đề yếu kém về tạo hình, về cách khái quát và chuyển hóa một hình tượng sang ngôn ngữ nghệ thuật”.
Vấn đề không chỉ ở người sáng tác mà còn tùy thuộc vào hội đồng duyệt: “Tại sao người ta chọn như vậy? Có thể các bài thi khác còn kém hơn chăng? Tại sao không phải là một cuộc thi công khai? Nếu là một tác phẩm nghệ thuật công cộng, nó cần phải có những yếu tố mang tính công khai”.
Ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, việc dựng tượng đài cũng như hệ thống bảo tàng về một ngành cũng là xu hướng chung của thế giới, có ý nghĩa đúc kết, lưu trữ những giá trị của quá khứ và hiện tại dành cho tương lai. Vấn đề chỉ nằm ở việc lựa chọn ngôn ngữ nghệ thuật mà thôi: “Nó thể hiện tài năng, trách nhiệm của những người cho phép nó được xảy ra, chứ không phải lỗi của người đặt hàng. Ai cũng có quyền thuê nghệ sĩ vẽ chân dung, tạc tượng. Nhưng cái cách người ta tạo ra nó và đưa ra công chúng như thế nào là vấn đề khác”.
Cũng theo ông Tuấn, trong trường hợp này nhân dân không chỉ là người thụ hưởng công trình tượng đài mà cũng có thể coi là nhà đầu tư (thông qua tiền ngân sách rót cho tác phẩm), nhưng lại không được tham khảo ý kiến. Trong khi những công trình dân sinh kiểu điện-đường-trường- trạm vẫn lấy ý kiến người dân sở tại. Người dân không biết gì cho đến khi một vài nhà chuyên môn đưa ra thì mọi người mới biết.
Một nhà điêu khắc có tiếng khi được đề nghị nhận xét về cụm tượng đài này thì chỉ nói ông đã nghỉ hưu, không tham gia thẩm định: “Tôi thấy chuyện đấy không đáng để mình quan tâm nữa. Nó thuộc trách nhiệm của người quản lý văn hóa đô thị, trách nhiệm của chủ đầu tư, của HĐNT đưa ra và thẩm định như thế nào. Chứ còn bây giờ những câu chuyện này nó đến mức độ không ai còn muốn bàn luận và nhìn nhận nữa”.
Không có nhiều lựa chọn
Ông Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cũng là Chủ tịch HĐNT của cụm tượng đài khẳng định quá trình xét duyệt diễn ra công khai. “Quá trình làm rất công khai. Người dân đi qua thấy ngay từ lúc xử lý cốt móng, đèn rồi đưa tượng ra… Có quây gì đâu. Đây không phải cuộc vận động sáng tác rộng rãi, bởi nó chỉ hẹp trong một lực lượng thôi mà”. Ông cho hay chỉ có 3-4 nhóm tác giả hưởng ứng cuộc vận động này. “Đây là một đề tài khó, nên không phải nhóm nào cũng tha thiết làm đâu. Nhiều người được mời tham gia còn từ chối”, ông Đoàn nói.
Theo ông Đoàn, đây là lần đầu tiên lực lượng công an nhân dân, cụ thể là cảnh sát giao thông và phòng cháy chữa cháy cứu hộ cứu nạn, có tượng đài vinh danh. “Ban đầu nhóm tác giả đưa ra hai cụm tượng đài riêng. Nhưng như vậy không gian đặt sẽ phức tạp. Đây cũng là hai lực lượng trong cùng một ngành, nên mới đề nghị nhóm tác giả kết hợp hai khối hình tượng vào thành một”. Như vậy đèn giao thông phải đứng cạnh đám cháy cũng vì giới hạn không gian. Theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn, ngành công an muốn chọn điểm giao Trần Nhân Tông- Quang Trung đặt tượng đài để tạo điểm nhấn cho một quảng trường sẽ là nơi tổ chức các sự kiện của ngành sau này. Khu vực này cũng đã được thành phố quy hoạch thành phố đi bộ.
“Trong HĐNT có cả đại diện của Cục Cảnh sát giao thông và Cục Phòng cháy Chữa cháy, để xác nhận hình tượng của các chiến sĩ được thể hiện xác thực nhất. Cái này thì không thể cách điệu được. Nên nó dứt khoát phải là ngôn ngữ tả thực”, ông Đoàn nói. Ông cũng khẳng định đương nhiên HĐNT do ông làm chủ tịch sẽ chịu trách nhiệm về lựa chọn của mình. Hội đồng có KTS Nguyễn Tấn Vạn - nguyên Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, họa sĩ Vi Kiến Thành- nguyên Cục trưởng cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm…
Nhóm tham gia sáng tác cũng gồm toàn các nhà điêu khắc kỳ cựu đã làm nhiều công trình tượng đài cũng như từng ngồi rất nhiều hội đồng: Lưu Danh Thanh, Nguyễn Phú Cường, Nguyễn Xuân Thành, Lê Lạng Lương… Ông Lương Xuân Đoàn khẳng định: “Đầu bài của lãnh đạo Bộ Công an, có sự thống nhất của Đảng ủy khối cơ quan T.Ư cho dự án chứ không phải tùy tiện bất cứ cá nhân nào đưa ra”./.