Tưởng nhớ người thầy đáng kính – Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo
VOV.VN - Sự ra đi của nhạc sư, nhà nghiên cứu âm nhạc, giáo sư giảng dạy âm nhạc và cũng là người trình tấu, nghệ nhân đóng đàn – Nguyễn Vĩnh Bảo đã để lại sự thương tiếc cho những người yêu mến nghệ thuật đờn ca tài tử cả nước.
Nhạc sư Vĩnh Bảo (Tên thật là Nguyễn Vĩnh Bảo) đã từ trần vào chiều tối qua 7/1 tại nhà riêng ở thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.
Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo sinh năm 1918 tại làng Mỹ Trà, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc, nay là phường 1, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Ông bắt đầu làm quen với nhạc truyền thống từ lúc lên 5, học đờn với gần 200 “thầy” trên khắp ba miền Bắc Trung Nam. Ông sở trường về “đờn ta” (đàn tranh, kìm, cò, gáo, bầu...) song cũng rất thuần thục “đờn Tây” (mandoline, guitar, violon, piano...). Mười bảy tuổi (1935), ông sáng chế ra dây Tỳ và dây Xề trên cây đàn gáo. Hai mươi tuổi thành danh (1938) sau khi đĩa Béka của hãng Keller (Đức) mời thu âm. Năm 1950, ông nghĩ đến việc cải tiến nhạc cụ nhạc tài tử Nam bộ, bắt đầu là cải tiến đàn Tranh 16 dây ra đàn tranh 17, 19 và 21 dây.
Gần một thập kỷ cống hiến, truyền bá nghệ thuật dân tộc trong và ngoài nước, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo được xem là “báu vật sống” của nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ. Nhạc sư không thể nhớ chính xác số học trò của mình và chỉ ước tính có tới hàng trăm học trò ở khắp mọi nơi cả trong và ngoài nước. Và mỗi năm, trong buổi mừng thọ nhạc sư, các môn sinh luôn hòa đàn cùng với người thầy đặc biệt của mình.
Nhà giáo ưu tú Phạm Thúy Hoan chia sẻ: "Trên suốt con đường dạy nhạc, trong những lúc khó khăn, thầy vẫn dõi theo và chỉ bảo, mấy mươi năm thầy trò vẫn thường xuyên trao đổi chuyên môn để giảng dạy thế hệ sau tốt hơn, giỏi hơn. Tuy thầy đã ra đi, nhưng những lời dạy cùng cách khuyên bảo học trò sẽ mãi được môn sinh noi theo".
Không chỉ giúp môn sinh hiểu, đờn hay, dạy giỏi, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo, còn chỉ nhiều môn sinh cách hát đờn ca tài tử, cải lương sao cho ngọt, cho mượt mà. TS Lê Hồng Phước, hiện là giảng viên Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM – một môn sinh lâu năm, luôn có mặt trong những dịp giao lưu cũng như lúc nhạc sư nằm trên giường bệnh, bày tỏ sự tự hào về người thầy của mình.
TS Lê Hồng Phước cho biết: "Thầy là một trường hợp đặc biệt của sân khấu cải lương, của đờn ca tài tử. Lúc 5 tuổi cho đến cuối cuộc đời, thầy luôn hoạt động với tình yêu nghệ thuật thiết tha, trong làng âm nhạc dân tộc chưa có người nào tài ba như vậy. Thầy sinh năm 1918, bằng với năm cải lương ra đời thì những cái hồi xưa người ta đờn chỉ có thầy mới biết."
Niềm tự hào xen lẫn tiếc thương – là cảm xúc không chỉ riêng những người trực tiếp được nhạc sư chỉ dạy, mà là cảm xúc chung của người trong giới đờn ca tài tử cả nước khi nghe tin nhạc sư qua đời.
Nghệ nhân ưu tú Minh Thơ - một "cây đa cây đề" của đờn ca tài tử Nam bộ, sống tại thành phố Cần Thơ bày tỏ: "Các lớp học trò của ông Nguyễn Vĩnh Bảo đều là người thầy, người cô của tôi. Ông Nguyễn Vĩnh Bảo là một người thầy của Nam bộ chứ không phải của riêng một tỉnh nào".
Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo – người được mệnh danh là “quốc gia chi bảo” đã rời xa cõi tạm, nhưng tiếng đờn cùng cuộc đời của ông sẽ sống mãi trong lòng môn sinh, giới mộ điệu, như lúc sinh thời ông tâm niệm: “Âm nhạc đưa tôi trên con đường đi tìm chân lý, tôi không ham danh lợi, tôi chỉ cống hiến đời mình cho âm nhạc đến hơi thở cuối cùng”./.