Vai trò của văn hóa, con người đối với quá trình phát triển ở Việt Nam và Lào
VOV.VN - Tại hội thảo, các đại biểu thảo luận về những vấn đề cụ thể làm rõ vai trò của văn hóa, con người đối với quá trình đổi mới và phát triển kinh tế ở Việt Nam và Lào trong những thập kỷ qua
Sáng nay (27/12), tại Hà Nội diễn ra hội thảo khoa học quốc tế trực tuyến với chủ đề: “Vai trò của văn hóa, con người đối với sự nghiệp đổi mới và phát triển ở Việt Nam và Lào”, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào, Viện Khoa học Kinh tế và Xã hội quốc gia Lào tổ chức.
Đồng chủ trì hội thảo có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên huấn, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào Khamphanh Pheuyavong.
Tại hội thảo, các đại biểu thảo luận về những vấn đề cụ thể làm rõ vai trò của văn hóa, con người đối với quá trình đổi mới và phát triển kinh tế ở Việt Nam và Lào trong những thập kỷ qua; Văn hóa trong xây dựng nhân cách, đạo đức con người, nhất là với thế hệ trẻ; Văn hóa trong tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng tốt yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Đồng thời khẳng định vai trò của văn hóa, con người trong quá trình phát triển bền vững quốc gia, con người trong kiến tạo môi trường tự nhiên, môi trường xã hội với những giá trị nhân văn, tiến bộ. Vai trò của văn hóa, con người trong quản trị quốc gia, quản lý xã hội; ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh hiện nay.
Theo Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên huấn, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào Khamphanh Pheuyavong, để phát huy giá trị văn hóa bản sắc dân tộc và phát triển văn minh tinh thần của xã hội và phát triển nguồn nhân lực của Lào đã được được Đảng và Chính phủ quan tâm, tập trung ngân sách vào phát triển về mặt này. Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế đối với các nước láng giềng việc phát huy giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc và phát triển văn minh tinh thần của xã hội, phát triển nguồn nhân lực của Lào hiện vẫn còn hạn chế nhiều mặt. Vì vậy, những ý kiến đóng góp, trao đổi thẳng thắn của các nhà khoa học sẽ giúp Lào học hỏi những kinh nghiệm quý nhằm giúp Lào vận dụng và phát triển lĩnh vực này trong thời gian tới.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh, phải nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa, phát triển con người đáp ứng yêu cầu của giai đoạn đổi mới hội nhập và phát triển đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội; phát triển văn hóa, xây dựng con người được chú trọng tương xứng hài hòa với phát triển kinh tế- xã hội.
Theo đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, cần đẩy mạnh thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về phát huy sức mạnh văn hóa con người thành hệ thống luật pháp các chiến lược, chương trình và kế hoạch cụ thể. Tập trung có trọng tâm trọng điểm vào một số lĩnh vực văn hoá, phân định rõ những lĩnh vực văn hoá cần hỗ trợ đầu tư của nhà nước và lĩnh vực có thể xã hội hoá, cần huy động đa dạng các nguồn lực để phát triển nội dung này.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ: Cần phải đẩy mạnh hợp tác giữa hai nước về phát huy vai trò văn hóa con người, nguồn nhân lực đối với sự nghiệp đổi mới và phát triển ở mỗi nước. Do đó, cần đổi mới căn bản và toàn diện về giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đẩy mạnh hội nhập quốc tế, hợp tác phát triển con người toàn diện, trong đó chú trọng bồi dưỡng về ý thức dân tộc, trách nhiệm công dân cho thế hệ trẻ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, hợp tác đổi mới sáng tạo về khoa học công nghệ và sự chia sẻ kinh nghiệm trong thích ứng an toàn linh hoạt hiệu quả từng bước kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh Covid-19./.