Ai lên miền cực Bắc

Đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Giáy, Lô Lô, Pu Péo trên cao nguyên Đồng Văn đã quyện đời mình với đá, tan biến vào đá, cùng với đá trở thành rừng, thành lũy, trấn giữ một miền biên viễn phía Bắc Tổ quốc.

Nghe âm thanh tại đây

Qua Cổng trời Quản Bạ, thị trấn Tam Sơn hiện ra giữa nhấp nhô núi đá. Cánh đồng bậc thang dưới chân núi xanh mướt của lúa, của đậu tương và rực vàng hoa cải. Nắng đổ tràn dưới thung sâu như muốn nâng đôi thạch nhũ tròn trịa lên trời xanh. Thần tiên chẳng mấy khác người phàm tục, mê mải rong chơi, tiên nữ đã để quên đôi ngực trần căng đầy sức sống lại trần gian, làm ngẩn ngơ biết bao tao nhân mặc khách.

Nơi đất bằng không quá 3 bước

Từ Quản Bạ đi Yên Minh, Mèo Vạc, con đường ngoằn ngoèo như sợi chỉ mà tạo hóa ném vội vàng, để khi thì lầm lũi bò dưới thung sâu, khi thì vắt vẻo nơi chênh vênh sườn núi. Đường xa hun hút, ngút tầm mắt chỉ một màu xám của đá tai mèo, những cánh đồng đá trải dài bất tận, những rừng đá kỳ vĩ nhô ra từ lòng đất rồi vút lên tận mây xanh. Trải qua hàng triệu năm nước chảy mòn, tạo hóa để lại những tác phẩm độc đáo cho đời. Các nhà khoa học đã phát hiện ở Mèo Vạc một "thành phố đá" kỳ lạ. Trong bóng hoàng hôn vừa chợt tắt, những lâu đài, thành quách, tháp canh hiện lên u ẩn lạ lùng. Len lách giữa các đường phố đá chật hẹp, như có phép mầu, những khối đá thay hình đổi dạng khiến du khách mê mải ngắm nhìn cùng những giò phong lan nở trong đá, những lá dương xỉ cuốn tròn e ấp trong sương lạnh và nhiều loài cây lạ chưa được đặt tên...

Núi Cô Tiên- Quản Bạ- Hà Giang

Để lại thị trấn Mèo Vạc sau lưng, du khách vượt đèo Mã Pì Lèng sang Đồng Văn khi nắng chiều dần khuất. Trong mây khói ảo mờ, Mã Pì Lèng như con rắn trườn mình qua không biết bao dốc quanh, khi ẩn khi hiện giữa trùng trùng điệp điệp núi non. Con đường qua đèo hôm nay là kỳ tích của hơn hai triệu ngày công thanh niên các tỉnh Cao- Bắc- Lạng – Hà- Tuyên – Thái, lao động ròng rã từ năm 1959 đến năm 1965. Một cuộc chinh phục thiên nhiên vĩ đại để mở gần hai trăm cây số đường ô tô lên cao nguyên Đồng Văn - Mèo Vạc, nơi mà từ buổi hồng hoang đến năm 1965 chỉ có lối mòn cho ngựa thồ và người đi bộ.

Đứng trên đỉnh đèo Mã Pì Lèng ở độ cao gần 2.000 mét so mặt nước biển, với tay là bắt được mây, mây bồng bềnh trôi khắp nẻo, mây dưới chân, mây ngay trên đầu, thung xa lũng gần trắng xoá một màu mây. Ngước lên ngỡ chạm trời xanh, nhìn ngàn thước xuống, sông Nho Quế như một dải thắt lưng xanh ngang miền eo thon con gái. Mùa lũ nước đục ngầu cuồn cuộn, đông về thì hờ hững như một sợi tơ trời vương xuống thung sâu. Một dòng xanh mong manh chảy từ Vân Nam - Trung Quốc vào Việt Nam ở địa phận thôn Xéo Lủng xã Lũng Cú huyện Đồng Văn, qua Mèo Vạc rồi hợp với sông Niệm đổ về Cao Bằng. Con sông lặng lẽ chảy qua thời gian, mang trong mình biết bao nỗi niềm, âm thầm, lắng đọng mà tha thiết khát khao; trữ tình và thác dốc, nhỏ bé và vĩ đại...

Ở nơi đất không quá 3 bước bằng, ngày không quá 3 giờ nắng này, mỗi khoảnh khắc của cuộc sống là một sự hiếm hoi mà không phải ai cũng dễ dàng nắm bắt. Này là ánh sáng trắng của mây phản chiếu từ mặt trời, kia là xanh ngắt da trời, xanh thẫm của rừng sa mộc và màu hanh vàng của những ngọn núi đá trơ sọ thời gian. Độ chênh lệch địa hình trên 1km đã làm nên hẻm vực Mã Pì Lèng, có lẽ là một trong những hẻm sâu và kỳ vĩ nhất Đông Dương.

Không có ngọn núi nào cao quá đầu gối người Mông

Từ Đồng Văn đến Lũng Cú, miên man một miền đá xám, đường đi cheo leo bên vực sâu, núi thẳm, nhìn ngút xa tầm mắt. Vậy mà ở độ cao một ngàn bảy trăm mét, giữa điệp trùng đá lại bằng phẳng một cánh đồng Thèn Pả, soi bóng ngọn núi Rồng sừng sững ở mỏm Lũng Cú miền tột Bắc. Xe dừng ở lưng chừng núi, tôi trèo 283 bậc đá lên đến cột cờ. Lá cờ đỏ sao vàng 5 cánh kiêu hãnh bay giữa mây trời lộng gió biên cương, là lời thề sắt son của những người gìn giữ biên cương Tổ quốc. Lá cờ rộng 54 mét vuông đỏ chói trên nền trời xanh, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em trong dải đất cong cong hình chữ S, trông từ xa như một ngọn lửa đang rực cháy. Ngọn lửa ấy là khát vọng tự do, độc lập của cả một dân tộc muôn đời nay không bao giờ chịu cúi đầu.

Người Lô Lô gọi chệnh Lũng Cú thành Long Cư - tức là nơi Rồng ở. Ngọn núi dựng cột cờ là đầu Rồng, hai hồ nước dưới chân núi là hai mắt Rồng. Thương dân vất vả, trước khi về với biển, Rồng đã để lại hai con mắt, thành hai hồ nước trong xanh không bao giờ cạn, tắm mát ruộng đồng, nuôi sống bao thế hệ người Mông, người Lô Lô nơi đây.

Từ Quản Bạ đến Yên Minh, Mèo Vạc- Đồng Văn, núi đá chất ngất lưng trời. “ Nhưng không ngọn núi nào cao quá đầu gối người Mông đâu” - chị Lý Trung Kiên, người con gái H’Mông của vùng núi đá tai mèo Vần Chải, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn đã nói giản dị với tôi như vậy. Ngàn đời nay, bước chân của người H’Mông đi hết núi này núi khác dọn đá lấy chỗ làm nhà, xếp đá thành tường rào ngăn thú dữ, thành khuôn hứng nước mưa giữa sườn núi chênh vênh để cây ngô tựa vào đó mà lên; cây đậu, cây cải nảy mầm đơm hoa trong vách đá. Đá mọc thành rừng trên sườn núi, đá xếp thành tầng, thành lớp dưới mỗi lòng suối con sông, đá nhảy cả vào nhà xếp thành giường, thành bàn, đá quây thành ruộng nương, vườn tược, núi cao đến đâu, cây ngô, cây lúa trèo lên theo đến đấy.  Những hốc đá khô khát thương con người, biết hấp sương đêm, chắt chiu từng giọt nước cho cây ngô, cây cải lên xanh, cho những con người nơi đây vững đôi chân đi qua cao nguyên mùa giá buốt.

Đi chợ về

Đến Đồng Văn những ngày cuối đông, khi những thửa lúa, nương ngô đã thu hoạch, màu xanh cây rừng tìm nơi tránh rét, mới cảm nhận hết cái khắc nghiệt của cao nguyên đá, mới hiểu được sự nhọc nhằn trong cuộc mưu sinh của đồng bào các dân tộc nơi cực bắc Tổ quốc này. Hôm xe qua đèo Mã Pì Lèng, giữa những cơn gió lạnh như cắt thịt da, 4 đứa bé mặt mũi lem luốt, đầu trần chân đất, lũn tũn đi bộ ngược dốc trong nhá nhem tối. Hóa ra là chúng đi lấy nước. Từng giọt nước rỉ ra chậm chạp từ vách đá được chúng lót lá rừng dẫn ra ngoài, đọng thành một vũng nhỏ trong hốc đá ven đường, thánh thót cả ngày vẫn chưa đầy chiếc can nhựa 10 lít. Một chấm hoa nữa sà xuống, hai đứa bé nhường nhau gạn từng bát nước.

Nhớ lại buổi sáng hôm ấy, thấy mấy thầy cô giáo của Trường Trung học cơ sở Lũng Pù, huyện Mèo Vạc tiết kiệm từng miếng nước, nhìn những bể cạn trơ đáy ở bản Sảng Chải B, cạnh ủy ban xã, nghe anh Vàng Mí Tủa – Chủ tịch xã nói mỗi năm, người dân trên cao nguyên đá thiếu nước sinh hoạt từ 5 đến 6 tháng, mỗi khối nước chở từ thị trấn Mèo Vạc về đến xã mua cả trăm nghìn đồng, tôi mới hiểu vì sao trong bóng chiều choạng vạng, hai bé gái người Mông, hai cái chấm hoa nhỏ xíu vẫn kiên nhẫn ngồi chờ từng giọt nước rỉ ra từ vách đá trên đèo Mã Pì Lèng, trong gió chiều lạnh buốt. Như những cánh rừng sa mộc vươn lên từ đá xám, sự chịu đựng, sức sống mãnh liệt của con người trên cao nguyên đá đã là những bí ẩn, là sự thán phục, niềm khát khao khám phá đối với biết bao du khách.

Xe đổ đèo Mã Pì Lèng, phố núi Đồng Văn mùa này se lạnh, sương mù giăng kín những mái nhà bàng bạc khói chiều. Không gian vắng lặng, tưởng chừng nghe rõ cả tiếng rúc rích của đôi trai gái H’Mông bên đồi. Đêm cao nguyên, trăng già lạnh buốt. Những ngọn núi đá ướp đẫm thời gian trường tồn cùng con người trên cao nguyên Đồng Văn, những người đã sống trong đá, chết vùi trong đá, kiên cường mà không chai cứng, khắc nghiệt mà đằm thắm chân tình.

Chợ phiên Đồng Văn họp ngày chủ nhật. Trên vai thiếu nữ Mông xuống chợ, chiếc quẩy tấu đầy những sản vật của đá. Đỗ trọng, hoàng tinh đỏ, mật ong bạc hà... đều được “chắt” ra từ đá. Mùa đông, cái lạnh khắc nghiệt của vùng cao làm cho miền đá trơ một màu xám ngoét. May sao, vẫn còn những bông hoa bạc hà nhỏ nhoi tím mềm thân núi. Loài cây mỗi năm mọc và nở hoa một lần rồi ẩn mình vào đá chờ tới năm sau. Hoa bạc hà được ong hút nhụy, quyện sương núi “chắt” thành một thứ mật vàng ươm màu hổ phách, ngon và quý, khó nơi nào có được.

Mùa thu, tam giác mạch nở tràn lưng núi. Loài hoa không thơm nhưng cái màu trắng hồng mơ màng của những triền hoa tựa như sương, như khói đọng lại ngang trời. Loài thân thảo mảnh mai, hút sương trời gió núi, vượt lên đá, nở tràn trụa những nương hoa trắn xóa cả cao nguyên. Để rồi, từ những voan hoa ấy, đọng lại một thứ hạt bé li ti, góp mình nuôi sống con người. Đồng bào các dân tộc vùng cao gieo tam giác mạch trong đá, để rồi thành các triền hoa hút hồn lữ khách. Đá vẫn đơm hoa và cuộc sống vẫn cứ sinh sôi.

Một bản người Mông

Đêm rằm hằng tháng, phố cổ Đồng Văn lung linh trong ánh đèn lồng đỏ treo cao. Những chàng trai đặc một sắc áo chàm tụ tập thổi khèn lá, khèn bè, thổi đàn môi gọi bạn; chảo thắng cố bốc khói thơm lừng, rượu ngô tràn bát mời nhau. Những bước váy xập xòe theo chân thiếu nữ trong đêm văn nghệ dân gian bên phố cổ làm say lòng du khách. Ngày càng nhiều hãng lữ hành đưa khách đến thung lũng Sà Phìn tham quan Khu di tích Nhà Vương.

Chị Nguyễn Thị Liên - hướng dẫn viên cho biết: du khách tham quan ngày một đông, có tháng cả nghìn người. Những giai thoại về Vua Mèo, rồi bây giờ, giá trị địa chất của Cao nguyên đá Đồng Văn đã trở thành niềm thôi thúc bước chân lữ khách. Huyện Đồng Văn đang chập chững làm du lịch, mà ước vọng đưa Đêm phố cổ Hội An lên cao nguyên Đồng Văn chỉ là một thử nghịêm.

Câu chuyện với Phó Chủ tịch huyện Đồng Văn Lý Trung Kiên vỡ ra bao nhiêu việc phải làm. Một con đường đi bộ ven suối đang thi công, tương lai sẽ rực rỡ sắc hoa đào, hoa lê, hoa mận mỗi dịp xuân về; một phố Đèn lồng đỏ; phố Đèn lồng trắng; rồi những làn điệu dân ca, những bước xòe nghiêng ngả tiếng khèn… rồi xây dựng thêm khách sạn, nhà hàng… chuẩn bị để đón khách gần xa. Cao nguyên đá mai này đâu chỉ có đá, có ngô, đâu chỉ là chảo thắng cố thơm lừng trong ngày chợ phiên với những bát rượu ngô mời nhau đến mềm môi, để bên con đường vắc vẻo trên núi đá, những người đàn bà Mông xòe ô che nắng, kiên nhẫn đợi anh chồng say sau phiên chợ, một mình bế anh chồng mềm rượu lên lưng ngựa, dắt về bản mà không một tiếng trách hờn. Cao nguyên đá mai này là Công viên địa chất toàn cầu, là Di sản thiên nhiên thế giới. Người dân trên cao nguyên đá có quyền tự hào là chủ nhân khối di sản vô giá của nhân loại, có quyền hy vọng về một tương lai tươi sáng đến với quê hương mình.         

Những tia nắng ấm báo hiệu trời đất chuyển mùa, nắng trải vàng trên những bản làng người Mông, Lô Lô, Dao, Pu Péo cho đám con gái  phơi những chiếc váy thổ cẩm sặc sỡ trên bờ rào đá, những chiếc váy mới đang chờ điệu khèn cất lên để khoe sắc theo bước chân mê say trong mùa gọi bạn. Nắng xuân dát vàng những triền đồi để bừng lên sắc đào đỏ thắm trên cành cây khẳng khiu sau giấc ngủ đông, nắng xuân ửng lên từ màu đất nương khô khát...

Tất cả cứ tràn vào nhau, hoà quyện vào nhau thành một bức tranh tuyệt đẹp nơi miền cực bắc Tổ quốc. Và dẫu trên những nương ngô, ngọn của cây phía dưới chỉ vừa chạm gốc  cây phía trên; dẫu cây ngô già chỉ lớn hơn cái gốc kia một tí, thì hễ có sương đêm và hơi ấm của đất trời, ngô vẫn lớn lên từ đá, vẫn cứ xanh tràn. Người Mông, người Lô Lô, người Dao, người Dáy, người Pu Péo… bao đời nay vẫn vậy, chắt lọc khí trời đá núi để tồn tại, để sinh sôi như những cánh rừng sa mộc vươn mình thẳng tắp trên cao nguyên đá./. 

                                                              Đồng Văn- Hà Nội tháng 1/2010

                                                                 Nguyễn Vân Thiêng

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên