Anh Thanh niên cắt tóc

Tôi đã để ý anh thanh niên cắt tóc kia hơn một tuần rồi. Ngày nào cũng vậy, hai giờ chiều mới thấy anh nặng nhọc vác chỗ đồ nghề qua gốc cây bàng.

Nghe NSƯT Kim Cúc đọc truyện

Cũng chẳng có gì ngoài một ba lô: dao, kéo, đồ dùng các loại và một chiếc ghế nhựa cắp nách.

Khu phố này vốn im ắng, vì nó nằm trong ngõ sâu. Các hàng quán cũng vắng vẻ vô cùng. Chỉ có vài hiệu cắt tóc, mấy quán ăn và mấy cửa hàng tạp hóa, thoảng mới thấy người qua mua bán. Thế mà anh thanh niên ấy, từ khi làm nghề cắt tóc ở chỗ này, ngày nào cũng được mấy chục cái đầu và kiếm được hàng trăm nghìn. Nhờ có anh cắt tóc ở đó mà bà bán nước ở cạnh được thơm lây. Người ta qua cắt tóc. Người ta đợi nhau và ngồi uống nước chè quán bà và nói chuyện.

Hai cửa hiệu cắt tóc ở đó, hơn một tuần nay không có đến một người vào. Ruồi muỗi bay vơ vẩn mà chủ chẳng thèm đuổi. Nhiều lúc tôi còn thấy hai ông chủ của hai cửa hiểu sang bên nhau đánh cờ, cắt tóc rồi moi ráy tai cho nhau.

Nhìn anh thanh niên kia đông khách đến vậy. Hai anh chủ quán mỗi lúc nhìn sang đều rất tức giận. "Nó là kẻ ở đất khách quê người, mà không phải thuê quán gì cả. Khách đến thì nắng mưa không chỗ trú. Không hiểu sao họ vẫn đến đông thế. Chẳng biết thằng này có bùa bả gì đây. Hay nó muốn giết chúng ta".

Tóc tôi cũng đã dài rồi. Tôi vốn là người "ngựa quen đường cũ" nên định sang bên hai quán bên kia cắt tóc. Vì hai quán ấy tôi cắt tóc đã rất lâu rồi, từ khi họ mới mới mở cửa hàng cơ. Nhưng khi đi qua, nhìn thấy hai anh đang nhổ tóc sâu cho nhau. Ruồi muỗi bay loạn lên và lại cũng chẳng có khách gì cả. Tôi quyết định ra gốc cây bàng nhờ anh thanh niên kia cắt tóc cho.

Lưng lửng chiều, tôi qua gốc cây bàng. Khách đông lắm vẫn còn khoảng hai chục người. Tồi ngồi quay mình lại và ngồi sâu bên trong vách tường, sát với bà bán nước.

-Mấy hôm nay, nhờ có anh thanh niên này qua đây cắt tóc nên bà bán đắt hàng hẳn nên. Mỗi ngày thu nhập của bà phải đến vài trăm ngàn ấy nhỉ?

- Đâu tới, cũng chỉ phục vụ người ta cắt tóc thôi mà. Mà cậu thanh niên này vui tính phết, chuyện gì cũng biết cháu ạ. Nhất là cậu ấy nói chuyện văn chương hay lắm đấy.

Tôi ngồi nhấm nháp chút nước chè và đưa mắt lên nhìn tài năng của anh ta.

Cắt cắt thoăn thoắt với những đường cắt dứt khoát như một người chuyên nghiệp. Với chiếc kéo cắt, với chiếc kéo tỉa. Bàn tay dường như không hề được nghỉ. Lược chải đến đâu là kéo cắt đến đấy. Kéo cắt xong lược lại chải một lượt lại. Con mắt liếc một cái để ngắm sự phẳng phiu của những đường cắt. Tỉa nhanh tay, rồi đưa bàn tay ra vuốt lại. Anh thanh niên nhanh tay cầm cái chổi quyết bằng đầu ngón tay cái, nhúng vào nước xà phòng rồi quệt nhanh lên hai gò má, sau tai và sau gáy. Ngay lập tức chiếc dao cạo được cầm lên tay. Anh cầm cây dao tem lên bẻ làm đôi đến phựt một cái. Đặt một nửa xuống và bẻ gọn hai đầu của nửa còn lại. Anh rút con dao cạo râu cũ ra và cài con dao cạo dâu mới vào rất nhanh. Đưa tay ra cạo từ từ trên da dạ mà họ cảm thấy sướng. Những người cắt tóc đều ngả lưng nhẹ nhàng. Nhiều người cứ bắt anh cạo đi cạo lại cho đến đỏ da mới thôi. Trông họ đi cắt tóc mà như được vào một nơi sung sướng để được khoái lạc vậy .

Người khách cắt tóc đứng dậy. Ông vươn vai sảng khoái. Và đưa vào ta anh thanh niên tiền.

-Thưa ông! Ông đợi lấy tiền trả lại.

Anh thanh niên chưa kíp móc tiền để trả lại thì ông cụ đã lắc tay.

-Không cầm đâu, bác cho. Ít hôm nữa tóc bác dài, bác lại sang cắt.

Ông già không về mà ngồi lại quán nước trò chuyện. Không chỉ ông cụ mà ai cũng vậy, họ cắt tóc xong là ngồi lại. Người không cắt tóc cũng ra ngồi chơi. Phải nói là từ khi anh thanh niên ra đây cắt tóc, chiều nào ở chỗ này cũng trở nên đông vui cho đến tối mịt.

Vừa cắt tóc, bàn tay liên tục hoạt động. Nhưng mồm anh cũng liên tục hoạt động như không biết mỏi. Tôi thấy anh nói đủ mọi thứ. Anh bàn về chuyện thế giới chuyện văn học. Hễ ai khơi gì ra là anh nói về cái đấy.
Nhất là về lĩnh vực văn học, anh học thuộc rất nhiều thơ và văn. Ngồi mà nghe anh ấy nói về chuyện "Tam quốc diễn nghĩa" hay "Hồng lâu mộng" thì ai cũng phải cúi mặt xuống và nghe không muốn thôi. Rồi vừa cắt tóc anh vừa ngẫm những bài thơ đường và những bài thơ hiện đại. Anh đã phân tích cái hay trong thơ Tố Hữu, nét mới mẻ trong thơ Chế Lan Viên hay nét độc đáo trong truyện ngắn của Nam Cao... Ngồi ở cạnh đó mà tôi như mở rộng cả tầm mắt. Tất cả các danh sĩ, những người nổi tiếng, những người ảnh hưởng đến đất nước và thế giới đều được xuất hiện. Nếu cho tôi xếp một chức danh cho anh thì tôi đã phong anh làm giáo sư từ rất lâu rồi. Những cái anh nói ngẫm ra thì ai cũng bảo đúng và lại hay, đi sâu vào lòng người nghe.

Đợi cho đến tận tối mịt, khi chiếc đầu cuối cùng đăng kí đã được cắt xong. Tất cả đám đông lần lượt tan về. Ai cũng vui cười. Nhiều người còn muốn ở lại. Bà cụ bán nước cũng đưa tất cả đồ nghề vào cái quán nhỏ độ năm mét vuông ngay đằng sau lưng.

Anh thanh niên cũng mệt lắm rồi. Anh ngồi xuống ghế và hít thở một hơi thật mạnh. Lấy chai nước mình mang đi, còn một nửa uống ừng ực một hơi hết rồi đứng dậy dọn đồ nghề. Tôi mải nghe nên quên cả mất. Khi bà cụ nhắc tôi mới nhớ mình ra đây cắt tóc.

-Cậu gì ơi! Muộn rồi về còn ăn cơm đi chứ.

Tôi nhìn anh thanh niên đang dọn đồ nghề.

-Anh gì ơi! Cắt cho tôi cái tóc.

-Muộn rồi anh ạ, hay để chiều mai anh qua.

-Tôi bận lắm. Chiều nay ra cắt tóc, ngồi nghe anh nói nên quên cả mất. Tóc tôi lại dài quá anh ạ.

Anh thanh niên đặt lại đồ nghề và nói:

-Thôi được rồi, anh ngồi xuống đây tôi cắt cho. Nhưng tôi báo trướt là không đẹp bằng lúc chiều đâu đấy.

-Thế anh thiên vị họ à.

-Khách nào chẳng như nhau hả anh. Chẳng qua trời tối quá, tôi lại mệt rồi.

Tôi nhìn xung quanh mình, quả thật là tối. Nhưng vẫn còn đủ ánh sáng để anh thanh niên này cắt tóc cho tôi.

Phía trước mấy căn nhà hắt ánh sáng ra, phía sau lại là một cây đèn cao áp rọi vào. Ánh sáng nhẹ dịu và tôi còn ngửng lên ngắn sao và trăng nữa. Nhưng có vẻ anh thanh niên chỉ cặm cụi cắt tóc cho tôi mà chẳng nói gì cả. Tôi thấy buồn quá, vì xung quanh vắng tanh chỉ có hai chúng tôi.

-Anh kể chuyện đi cho vui. Như lúc chiều vậy, ở đây buồn quá anh à.

-Anh thông cảm. Tôi mệt quá. Từ chiều giờ tôi nói quá nhiều rồi. Tối tôi còn về học nữa.

-Thế anh đang đi học à?

-Tôi đang học năm cuối của trường Học viện Báo Chí Tuyên Truyền.

-Thần nào... Tôi thấy anh chỉ cắt tóc buổi chiều thôi. Chắc anh đi học sáng.

-Vâng.

-Anh học khoa gì trong trường ấy vậy?

-Tôi học khoa viết báo.

- Mình cũng học trong trường ấy đấy.

Tôi nghe nói vậy lên đổi giọng gọi bằng cậu cho thân mật.

-Thế ư? Cậu học khoa gì?

-Tôi học khoa kinh tế chính trị .

-Năm nay cậu học năm mấy vậy?

-Năm cuối cậu ạ. Chắc tôi bằng tuổi cậu. Nhưng sao cậu già vậy?

-Tôi thi hết cấp ba xong rồi đi bộ đội về, lại còn hai năm ở nhà ôn và đi kiếm tiền để lên thi và học.

-Thế cậu làm nghề gì suốt hai năm.

-Nghề bán của hiếm cho đàn ông.

-Đó là nghề gì vậy? -Tôi không hề biết đó là nghề gì cả và tỏ ra ngu ngơ.

-Bán tắc kè khô.

-Sao cậu lại cắt tóc giỏi thế?

-Nhưng năm đầu lên thành phố, tôi đã từng đi làm cho một hiệu cắt tóc và học được nghề. Chính do làm việc tốt quá mà mấy người trong đó ghen tịu thù hằn tôi đủ kiểu. Bao năm họ không làm gì được vì bà chủ quý tôi lắm. Nhưng mấy tháng nước tôi có vài việc sai một chút, họ lấy cớ đuổi việc tôi. Nên tôi về đây thuê trọ, đồng thời cắt tóc để kiếm tiền luôn. Cũng chẳng có tiền thuê cửa hiệu, đành phải cắt tóc ở góc đường thế này.

-Tôi nghe cậu nói, có vẻ văn vẻ cậu cao nhỉ?

-Là nhà báo mà cậu, suốt ngày viết lách. Tôi cũng làm thơ, viết truyện rồi viết báo để luyện tay nghề và kiếm thêm chút tiền.

- Hồi xưa, cậu làm nghề cắt tóc ở kia. Họ trả lương cậu cao không?

-Họ cho ăn, cho ở và mỗi tháng tả hơn một triệu tùy theo việc làm trong tháng.

-Thế làm ở đây chắc lương thu nhập hơn hẳn?

-Ừ! Mỗi ngày được vài trăm.

-Nhà cậu có mấy anh em?

-Mẹ tôi mất sớm, bố tôi làm ruộng nuôi mấy ăn em. Tôi là thứ hai. Em gái tôi và anh trai tôi nghỉ học từ hồi cấp một. Họ đi làm chỉ để nuôi tôi học thôi. Tất cả hy vọng đặt vào tôi.

-Họ cũng làm ruộng à?

- Không, ruộng nhà tôi chỉ có ít thôi. Họ đều đi bán tắc kè khô.

-Thế lại ăn ra gì không?

-May là đủ ăn là tốt lắm rồi.

-Ấy quên, nói chuyện suốt mà đến tên cậu và quê cậu tôi vẫn chưa biết. Cậu có thể mật bí được không?

-Tôi tên là Thắng, quê ở Phú Thọ.

-À mà vừa nãy cậu nói cậu có viết truyện và thơ, cái món ấy tôi thích lắm đấy. Tôi cũng viết và in ra một số báo. Coi như hôm nay tôi học được bạn đồng hành văn nghiệp rồi.

- Viết văn giờ khó sống lắm. Bây giờ ai học ngành văn đều phải học trái nghề hết.

-Tôi biết.

Anh ta cắt tóc cho tôi xong. Tôi đứng dậy soi gương và chải bộ tóc của mình. Còn anh thanh niên thì lúi húi dọn đồ nghề vào. Tôi cúi xuống nói:

-Cậu ơi! Bao nhiêu vậy?

-Coi như hôm nay tôi gặp được bạn tri kỉ. Tôi không lấy tiền cậu đâu.

-Không được.

Tôi cố dúi tiền vào ta cậu ta, nhưng cậu ta không nhận. Cuối cùng tôi kẹp vào người cậu ta, cậu ta cũng hất ra và quay lại nói:

-Tôi với bạn thế là hợp rồi. Tôi cắt tóc bao năm nay mà chưa gặp được người hợp như vậy, đứng cắt tóc cho cậu tôi thấy được an ủi và thấy quen lạ kì. Thôi cầm lại tiền cho tôi vui.

Anh ta cầm đồ nghề và bước nhanh. Tôi cũng rón rén đi theo đến tận khu trọ của cậu ta. Tôi vào khu trọ và gặp được một người bạn của tôi cũng trọ trong đấy. Tôi bước vào và chào hỏi người bạn ấy mà mắt vẫn hướng sang phòng của anh thanh niên kia.

-Cậu quen người trong phòng kia à.

-Không.

-Sao thấy nhìn mãi sang bên ấy thế. Cậu ta là một thằng nghèo, người dân tộc. Nhưng được cái chăm chỉ và đẹp trai. Mấy cô gái quanh đây mê tít cả hết.

Tôi ngồi nhìn cái ánh đèn điện mập mờ ở chiếc bàn học cạnh cửa sổ. Và người bạn tôi lại than:

-Cậu ta lại ăn mì tôm ấy mà. Giờ ngồi viết lách rồi. Chẳng biết viết nhiều quá rồi mê vớ vẩn hay sao ấy, vài đêm lại gào ầm ĩ một lần làm cả khu trọ tỉnh giấc.

Tôi chạy về nhà, cầm quyển truyện ngắn mới in của mình mang sang cho anh thanh niên đó.

Tôi gõ cửa.

Anh ta ra mở.

-Cậu à. Sao cậu biết tôi ở đây?

-Tôi hỏi mà.

-Cậu vào nhà.

Căn phòng chỉ vẹn vẹn có tám mét vuông. Bóng mập mờ của chiếc đèn chỉ lóe lên đủ soi trang sách. Tôi ngồi xuống và đưa cho cậu ta quyển truyện của tôi.

-Đây là cuốn truyện ngắn đầu tay của tôi. Coi như là tôi trả tiền công cắt tóc. Không tôi áy náy lắm.

-Ừ! Tôi nhận. Cậu uống nước nhá?

-Thôi. Không phiền cậu học bài và viết lách. Mai tôi lại qua thăm.

* * *

Chiều mai, độ bốn giờ chiều, tôi vừa ra gốc cây bàng, nơi mà anh thanh niên vẫn thường cắt tóc. Nhưng không thấy anh đâu mà chỉ thấy người và người đông lắm.

Tôi chen vào hỏi một ông già

-Ông cho cháu hỏi sao mà đông thế? Anh thanh niên cắt tóc đâu ạ?

-Vừa bị mấy tên công an đưa xe đến bắt rồi. Họ nói anh ấy chiếm đoạt vỉ hè. Ở đây có bao giờ thế đâu chứ, người ta bán hàng đầy có sao đâu? Mà vỉ hè ở đây họ có cấm người cắt tóc đâu nhỉ? Đây cũng là trong ngõ rồi!

Tôi nhìn ra thấy hai anh bên quán cắt tóc đông người vào hẳn lên. Hai anh thoăn thoăn thoắt cái tay chê bai anh thanh niên và cười rất sản khoái.

Và tối hôm sau tôi đã nghe thấy một anh, chủ của cửa hiệu cắt tóc bên phải nói xì xào đút lót công an tiền để cấm anh thanh niên này làm nghề cắt tóc ở đó.

Tôi đã đến nơi trọ để an ủi anh ta. Nhưng họ đã bảo anh ấy hết tháng nên đã trả phòng rồi. Một tháng sau tôi ra quán của hai anh thanh niên cắt tóc thì thấy một cửa hàng đã đóng. Còn một cửa hàng mở nhưng không có khách và vẩn vơ ruồi muỗi bay như xưa. Và tôi được một người giới thiệu ra đầu phố để cắt tóc. Họ nói chỗ đấy cắt đẹp lắm. Tôi ra thử, thì thấy anh thanh niên đang ngồi tỉ mỉ cắt tóc. Hóa ra anh đã tích được chút tiền và thuê được một cửa hiệu nhỏ ở mặt phố và khách rất đông./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên