Bài thơ tình đẫm máu của nhà thơ Nguyễn Trọng Định

VOV.VN - Trong những bút tích và di cảo còn lại, phác thảo bài thơ “Gửi em” thấm đẫm máu Nhà báo, nhà thơ - Liệt sĩ Nguyễn Trọng Định.

“Gửi em” là bài thơ cuối cùng của Nhà báo, nhà thơ - Liệt sĩ Nguyễn Trọng Định, phóng viên Báo Nhân Dân gửi lại với đời ngay trước khi ngã xuống trên chiến trường. Trong những bút tích và di cảo còn lại, phác thảo bài thơ “Gửi em” thấm đẫm máu nhà thơ. Không một con chữ, một nét chữ nào là không nhòa máu. Không thể nào đoán đọc được, dù chỉ một câu thơ. Nhưng nhờ những ám ảnh kỳ lạ về sự sống và cái chết trong chiến tranh, mà bài thơ đó vẫn còn lại với đời. Nếu như kho tàng âm nhạc của nhân loại có bài hát nổi tiếng “Lịch sử một tình yêu”, thì với riêng tôi, tôi cũng có “Gửi em”- một trong những bài thơ tình với tôi là hay nhất. Bài thơ tình đẫm máu này có một số phận rất kỳ lạ…

Trước hết, hãy bắt đầu từ bức ảnh hiếm hoi được chụp tại chiến trường từ 47 năm trước. Đó là bức ảnh duy nhất tập hợp đông đủ các nhà báo tại mặt trận Quảng Đà khi đó. Bức ảnh được chụp vào chiều ngày 14/7/1968 tại bộ phận tiền phương Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Quảng Đà. Tám nhà báo có mặt trong bức ảnh thì bốn người đã là liệt sĩ, một người là thương binh nặng.

Từ trái sang: Liệt sĩ Nguyễn Trọng Định, báo Nhân Dân; Liệt sĩ Trần Văn Anh, Tổng biên tập Báo Giải phóng Quảng Đà; Đinh Trọng Quyền, thương binh 2/4, tổ trưởng phóng viên Việt Nam Thông tấn xã tại Quảng Đà; Hải Học, phóng viên Báo Giải Phóng Quảng Đà; Liệt sĩ Trịnh Xuân Hy, phóng viên ảnh Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Quảng Đà; Liệt sĩ Hoàng Kim Tùng, phóng viên Báo Giải Phóng Quảng Đà; Trần Mai Hạnh và Nguyễn Quốc Toản, phóng viên VNTTX tại Quảng Đà. (Ảnh tư liệu)

Người hy sinh đầu tiên là Nhà báo-nhà thơ Nguyễn Trọng Định, cùng trong tổ phóng viên vào chiến trường Quảng Đà một ngày với tôi. Trọng Định hy sinh lúc mờ sáng ngày 26/8/1968, khi một trái pháo nổ gần, mảnh đạn sắc nhọn đâm thủng ba lô xuyên thẳng vào tim. Máu từ tim chảy theo đường đạn ướt sũng cả một ba lô.

Tôi và Định cùng được cử về Quận 2 Đà Nẵng. Định ở với Quận ủy, tôi ở với Quận đội, cách nhau con sông La Thọ (còn gọi là sông Cổ Cò), một nhánh nhỏ của sông Thu Bồn. Chiều hôm trước (25/8), Định còn theo giao liên sang thăm tôi. Định đọc cho tôi nghe bài “Thăm quê hương anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi” vừa víết xong. Đấy chính là bài báo đầu tiên và cũng là duy nhất của Định ở chiến trường. Chiều ấy, Định hỏi tôi có biết Kim, người yêu của Định, cùng làm báo Nhân Dân với Định không? Tôi nói có thoáng gặp hai lần. Lần đầu là ở phố Nguyễn Chế Nghĩa. Kỳ đó Định đưa Kim tới nhà anh Đinh Văn Đức, bạn thân cùng lớp Tổng hợp văn. Bữa đó tôi cũng có việc ghé nhà anh Đức. Lần hai là ở cổng Trụ sở Việt Nam Thông tấn xã, buổi sáng tôi và Định lên xe vào chiến trường, Kim tới tiễn. Tôi nhớ đó là một cô gái xinh xắn, nhẹ nhõm, dong dỏng cao  có nước da trắng và cặp mắt đen láy.

- Đây, ảnh tao với Kim đây!

Định lấy ở túi áo ngực trái ra tấm ảnh đen trắng, khổ lớn gần một bàn tay. Bức ảnh chụp chân dung hai người, Kim âu yếm ngả đầu vào vai Định. Định nói: “Nếu tao hy sinh, mày còn sống thì trở về tìm gặp Kim. Mày nói là tao yêu cô ấy, không lúc nào tao không nghĩ đến cô ấy”. Tôi gạt phắt đi, mắng Định là gở mồm gở miệng nhưng trong thâm tâm lúc ấy tôi không khỏi ngạc nhiên vì sao lần đầu nói với tôi chuyện riêng mà Đinh lại mở lòng đến thế. Cuối buổi chiều tôi tiễn Định ra bờ sông La Thọ để về Quận ủy bên kia sông. Nhánh sông nhỏ, đang mùa nước cạn có thể dễ dàng lội qua.

Không hiểu sao ôm chặt nhau chia tay rồi, đã bước chân xuống nước rồi Định lại nhảy lên bờ kéo tôi lại:

- Tao có bài thơ tặng riêng Kim rất hay. Mấy hôm trước tao nằm mơ thấy cảnh đưa Kim về quê thưa chuyện với bố mẹ, xin phép được yêu nhau, tao xúc động làm bài thơ này. Lúc nãy tao quên, giờ thì mày lấy sổ ra chép, về đọc rồi có gì nói lại với tao. Chiến tranh chẳng biết thế nào. Nói dại, nếu tao hy sinh, mày còn sống thì tìm gặp chuyển cho Kim bài thơ này. Coi như đấy là những dòng cuối cùng tao gửi lại với đời, gửi lại cho cô ấy. Cô ấy phải là người đầu tiên đọc bài thơ này, mày nhớ đấy!

Nghe Định dặn dò mà tôi cứ gai cả người. Trong ánh hoàng hôn của chiến trường, không hiểu điềm gì và cũng không hiểu linh tính điều gì mà Định cứ nhất mực đọc cẩn thận từng vần thơ bắt tôi chép lại. Bài thơ có nhan đề “Gửi em” nói về thân phận “Tình yêu” và “Chiến tranh”. Qua sông, mặc lại quần áo xong Định vẫy chào tôi. Hình ảnh Định mặc bộ đồ bà ba đen, đi chân đất, vai đeo xắc cốt, lưng đeo ba lô tất tả trong hoàng hôn chạng vạng mãi ám ảnh tôi. Đó là hình ảnh cuối cùng về Định trong cõi nhân gian này.

Sáng nghe tin Định hy sinh, tôi tất tả lội sông La Thọ qua tìm thăm mộ Định vừa được mai táng vội vàng ở Xóm Bà Dưa và nhận những kỷ vật của Định do các anh Tuyên huấn Quận ủy bàn giao. Mảnh giấy ghi vắn tắt: 1 ba lô, 1 bộ quân phục, 1 áo khoác, 1 đài bán dẫn Trung Quốc, 1 sổ tay phóng viên, 1 bức ảnh. Gia tài Định để lại chỉ có thế.

Đáng kể nhất là bức ảnh. Đó là tấm ảnh khổ 9x12 cm chụp hình Định và người yêu là Kim, nữ phóng viên báo Nhân Dân âu yếm ngả đầu vào nhau. Đó chính là bức ảnh mới chiều hôm trước qua thăm, Định đã rút trong túi áo ngực trái ra khoe với tôi. Bức ảnh bị thủng một chỗ ở nơi ngực trái của Định, vết máu loang ở đó.

Tôi bồi hồi lần giở cuốn sổ phóng viên chiến trường cùng những trang bản thảo dở dang thấm đẫm máu Định. Không thấy bản thảo bài thơ “Gửi em”, chắc nó nằm trong số các trang Định viết bút mực bị nhòa nhoẹt vì đẫm máu, không đọc được. Còn đây là những dòng cuối cùng trong nhật ký với nét bút vội vã, nguệch ngoạc: "... Em thương yêu! Anh đã xuống đồng bằng và ra mặt trận. Đã hiến thân cho cách mạng thì anh cũng đã hiểu rõ tất cả những gì cần thiết mà mình phải làm trong trận đánh quyết liệt này. Mong em Kim của anh trên đường đời luôn hạnh phúc. Và luôn trong sáng, đẹp đẽ như mối tình giữa đôi ta. Nếu anh có không may... nhưng chắc chẳng bao giờ có chuyện đó đâu phải không em thân yêu. Nhưng dù anh có hy sinh thì em hãy coi đó là một niềm vinh dự, tự hào. Bởi lẽ anh thương yêu của em đã sống trọn vẹn với trách nhiệm một người con của Đảng. Hôn em. Anh ra mặt trận đây!".

Tôi gói chiếc ba lô đẫm máu cùng những kỷ vật của Định cất cẩn thận dưới đáy ba lô của tôi suốt những tháng năm ở chiến trường.

Hai năm sau, tại một bệnh viện điều dưỡng của Ban Thống nhất trung ương dành cho cán bộ ở chiến trường miền Nam ra Bắc chữa bệnh, tôi đã gặp lại Kim. Kỳ đó, vừa ở chiến trường ra, một trong những việc làm đầu tiên của tôi là viết thư báo tin cho Kim biết người yêu của chị đã hy sinh và những kỷ vật của anh tôi vẫn đang gìn giữ. Bức thư đó tôi có chép lại trong cuốn nhật ký “Trên những nẻo đường chiến tranh” của tôi, cùng bài thơ “Gửi em” của Trọng Định, và được lưu giữ đến tận giờ. Tôi gửi thư theo đường bưu điện tới báo Nhân Dân, và gần như lập tức, hai hôm sau Kim đến gặp tôi.

Đó là một buổi sáng ngay sau Tết nguyên đán, trời giá lạnh như chưa bao giờ giá lạnh đến thế. Kim vừa xuất hiện ở cửa phòng tôi nhận ra ngay. Chị mặc áo bông, choàng chiếc khăn voan mầu đen, gương mặt nhẹ nhàng, thanh thoát nhưng ửng đỏ vì căng thẳng, hồi hộp. Tôi bị tràn dịch màng phổi, lại vừa qua cơn sốt rét ác tính, gần như kiệt sức trên giường bệnh. Khi nhận chiếc ba lô đẫm khô vết máu cùng những kỷ vật của Định, chị run bắn người, bật khóc. Những năm tháng đợi chờ đã kết thúc với mất mát, tổn thất không gì bù đắp được. Tôi không đủ dũng cảm để kể lại những phút cuối của Định, và chị dường như cũng không đủ bình tĩnh để hỏi kỹ tôi. Tôi giao lại đầy đủ kỷ vật, nhưng không hiểu sao lúc đó lại giữ lại bức ảnh chụp hai người bị mảnh pháo xuyên thủng và bài thơ “Gửi em” của Định tôi chép trong sổ tay.

Phải mười năm sau tôi mới gặp lại chị. Số là, năm 1981, do hàng xóm dùng xăng bất cẩn nên nhà tôi ở khu tập thể Thông tấn xã Việt Nam bị cháy sạch. Những trang nhật ký chiến trường tôi ghi chép về Nguyễn Trọng Định, và cả lời điếu mà đã có lần hành quân tôi dừng lại đọc bên mộ Định, cùng bức ảnh chụp với người yêu thấm máu của anh tôi lưu giữ bấy lâu cũng bị cháy xém, loang lổ. Vì vậy tôi đã nhắn cần gặp, và như mười năm trước Kim tới ngay.

Lúc này chị đã có gia đình. Tôi để chị yên tĩnh một mình trong phòng làm việc riêng của tôi ở Thông tấn xã Việt Nam với những trang nhật ký chiến trường và cả lời điếu tôi đã đọc bên mộ Định. Rất lâu sau tôi quay lại, chị vẫn ngồi thẫn thờ, mắt đỏ hoe, những giọt nước mắt lặng lẽ rơi thấm ướt những trang nhật ký tôi ghi chép về ngày Định hy sinh. Chị cám ơn và ngỏ lời xin lại tôi bức ảnh chị chụp với Định bị thủng vì mảnh pháo và thấm máu của anh. Tôi có nhớ, nhưng không hiểu sao lúc đó lại không thể kể và đọc cho chị nghe bài thơ “Gửi em” mà Định một ngày trước khi hy sinh đã đọc cho tôi chép và dặn đi dặn lại tôi là nếu còn sống thì nhất định phải chuyển tận tay chị...

25 năm sau ngày Định hy sinh, năm 1993, tập thơ đầu tiên “Sắc cầu vồng” của Định mới ra mắt bạn đọc. Lúc ấy tôi mới biết, tất cả kỷ vật, trong đó có những trang nhật ký, ghi chép và những bài thơ Định làm ở chiến trường, tôi mang ra đều được chị chuyển giao đầy đủ cho gia đình Trọng Định.

Trong lời nói đầu tập thơ “Sắc cầu vồng”, nhà thơ Lữ Huy Nguyên, Giám đốc Nhà xuất bản Văn học khi đó cám ơn gia đình, bạn bè đã gửi tới nhà xuất bản những trang bản thảo của Định mà mỗi người với những cơ duyên khác nhau còn lưu giữ được. Ông đặc biệt trân trọng “…những trang bản thảo cuối cùng của Nguyễn Trọng Định nằm trong chiếc ba lô đẫm máu đã được nhà văn Trần Mai Hạnh (cùng là bạn học dưới Định một lớp) cùng nhóm phóng viên chiến trường lúc ấy mang ra, giao tận tay gia đình, lẫn cả với chiếc áo khoác sờn rách nắng mưa mà cụ thân sinh Định đã choàng cho con khi Định cầm bút vào chiến trường…”.

Bìa tập thơ “Sắc cầu vồng” của Nhà báo, nhà thơ - Liệt sĩ Nguyễn Trọng Định do Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 1993.

Chiến tranh kết thúc, nhưng cuộc sống với biết bao trách nhiệm, nghĩa vụ và lo toan vẫn cất bước. Người còn sống và cả người đã ra đi vẫn hàng ngày hiện diện trong cuộc sống hôm nay. Sau ngày giải phóng, chị Hoàng Thị Hường cùng ba con của liệt sĩ Trần Văn Anh (người đứng thứ 2 trong bức ảnh) giờ đã trưởng thành, về tìm lại mộ chồng, mộ cha thì hoàn toàn thất vọng. Bom đạn tàn phá nặng nề, hố bom chồng lên hố bom, máy cầy của Mỹ cầy ủi, xới tung từng vạt đất làm thay đổi địa hình, xóa đi những vật chuẩn đến nỗi bạn bè từng chôn cất anh ngày nào cũng phải ngỡ ngàng. Họ đã mày mò tìm kiếm, nhưng không sao xác định được chỗ chôn hài cốt của anh.

Nhưng rồi hình như "trời cũng có mắt". Năm 1993, nghĩa là sau 25 năm anh Anh hy sinh, với sự giúp đỡ của các nhà ngoại cảm, chị Hoàng Thị Hường, vợ anh đã tìm được mộ chồng giữa một vùng bình địa đang ngập tràn mầu xanh của mía, của bắp và lúa.

Rồi 39 năm sau ngày hy sinh, ngày 7/8/2011, công tác tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ Hoàng Kim Tùng (người đứng thứ 6 trong bức ảnh) cũng đã thành công, khi những tảng đá lớn hàng chục tấn chồng chất trên cửa hang mà anh và đồng đội hy sinh, được giải phóng. Chiếc đồng hồ liệt sĩ Hoàng Kim Tùng khi sống thường đeo, được tìm thấy, còn nguyên vẹn, dừng kim ở ngày 24/5/1972 (sau hai ngày bị may bay B52 dội bom). Vợ anh, chị Nguyễn Thị Thọ và con trai anh, cháu Hoàng Anh Tuấn đã nhận chiếc đồng hồ kỷ vật và đón anh về an nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ thị xã Đông Hà, quê anh.

Hài cốt liệt sĩ Trịnh Xuân Hy (người đứng thứ 5 trong bức ảnh) cũng đã được tìm thấy, giờ anh yên nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ nơi anh đã cất tiếng chào đời - xã Tam Thanh, huyện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Chỉ còn Nhà báo, nhà thơ - liệt sĩ Nguyễn Trọng Định là giờ vẫn chưa tìm được hài cốt, mặc dầu báo Nhân Dân và gia đình đã bao năm tìm kiếm. Hài cốt của anh đã hòa tan trong đất Điện Bàn - Quảng Nam, nơi anh nguyện nhận là quê hương dù không cất tiếng chào đời, nơi sinh ra Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi - mảnh đất anh đã đến tận nơi rồi đổi cả sinh mạng mình cho bài viết, nơi đã cho anh những rung cảm sâu sắc để gửi lại đời những vần thơ thật hay về đất nước, về tình yêu, trong đó có bài thơ cuối cùng "Gửi em" anh đọc cho tôi chép trong ánh hoàng hôn của chiến trường 47 năm trước.

Anh vẫn hiện diện trong cuộc sống hôm nay, trong các tập thơ được xuất bản, trong các bài thơ của anh được in trên báo và vang trong các buổi tiếng thơ của Đài Tiếng nói Việt Nam, trong hội thảo, trong hồi ức bạn bè, đồng nghiệp và cả trong nhắc nhở của những người thân yêu ...

Còn bài thơ "Gửi em", vì lý do riêng, mãi 42 năm sau tôi mới chuyển được tận tay người yêu của anh cùng những lời dặn dò cuối cùng, khi một chiều nhân dịp kỷ niệm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6) chị đến thăm tôi. Khi đó chị đã về nghỉ hưu sau nhiều năm đảm trách cương vị quan trọng của Báo Nhân Dân, còn tôi cũng đã về nghỉ hưu sau những năm tháng sóng gió thăng trầm của đời làm báo. Tôi và chị có dịp hiếm hoi ngồi với nhau để nhớ về Trọng Định, nhớ về những kỷ niệm mối tình đầu của chị.

Đó là một chiều Hà Nội vần vũ cơn giông và mưa rất to. Chị nói:

- Em và anh Định yêu nhau chưa được một năm thì anh ấy vào chiến trường và hy sinh. Đấy là mối tình đầu của em. Ngày được tin anh hy sinh em khóc hết nước mắt, những tưởng gục ngã, không đứng lên được nữa. Nhưng rồi con người ta cũng phải sống, đúng không anh. Rồi em lấy chồng và chăm nom cho mái ấm gia đình mình đến giờ. Đời em chỉ có hai người đàn ông vậy thôi. Với anh Định, thời gian yêu nhau chưa đầy một năm, anh ấy đã vĩnh viễn ra đi. Dẫu con số tháng năm không bao nhiêu, nhưng nào đâu có thể thiếu được trong toàn bộ đời sống tâm hồn của một con người, phải không anh. Tình yêu của chùng em hết sức bình thường, giản dị như tất cả các đôi lứa yêu nhau, chờ đợi, hy sinh trong chiến tranh. Chẳng có gì đặc biệt cần viết cả. Nhưng nếu viết về anh Định mà anh thấy cần nhắc đến tình yêu của chúng em thì anh cứ viết. Chỉ có điều bức ảnh chụp hai chúng em thấm máu anh Định lúc anh ấy ấy hy sinh thì xin anh không công bố. Con người ta, không phải vì hoàn cảnh đâu, mà cái chính em nghĩ vẫn có những điều cần giữ cho riêng mình....

Trước lúc chia tay, chị nói: "Không biết có lúc nào nữa không, em với anh ngồi với nhau và nhắc nhớ nhiều tới anh Định. Còn bài thơ “Gửi em” anh Định đọc cho anh chép từ buổi chia tay lần cuối 42 năm trước, anh vẫn giữ thì giờ anh đọc cho em nghe đi. Em cám ơn anh rất nhiều. Nhưng anh không phải chép lại cho em đâu. Anh đọc cho em rồi anh công bố như lời dặn dò của anh Định. Như thế, em nghĩ, ở thế giới bên kia nếu như có thế giới đó, chắc anh Định sẽ hài lòng. Anh ấy sẽ phù hộ cho em và cả cho anh mọi sự tốt lành trong thế giới bên này anh ạ!”.

Trong căn phòng ngưng đọng kỷ niệm, lặng lẽ với thế giới mưa gió bên ngoài, tôi xúc động đọc những vần thơ cuối cùng Định gửi lại với đời:

GỬI EM

Đừng hỏi anh từ đây đến em

Qua mấy bến phà

Sông Lam hay sông Mã

Đừng hỏi anh từ đây đến em

Qua bao vùng bom nổ

Hà Tĩnh, Nghệ An

Bởi có gì đâu hỡi em yêu

Chuyến phà anh sang là chuyến phà đêm ấy

Chúng mình về quê ngoại

Có một giọng hò lảnh lót ngang sông

Bởi nằm dưới chùm pháo sáng cuồng điên

Anh vẫn nhớ vầng trăng công viên tháng bẩy

Trên vai em

Ánh trăng xanh như một tầu lá chuối

Sau dịu ngọt cơn mưa

Bởi không gian chẳng làm xa cách tình yêu

Bởi anh vẫn chuyện trò với em

những lúc đạn bom

những khi vắng vẻ

Bởi nếu mặt trời kia chưa vỡ ra từng mảnh

Thì làm sao anh có thể xa em

Những giọt nước mắt lặng lẽ trên gương mặt chị Kim. Không hiểu sao lúc ấy tôi chợt nghĩ, ước gì có một bài bình thật hay, thật sâu sắc về bài thơ tình đẫm máu này, và ước gì có nhạc sĩ danh tiếng nào đó phổ nhạc bài thơ này... Và thế rồi, như rất nhiều lần trong những năm tháng đã qua, trong tâm trí tôi lại hiện lên hình ảnh Định mặc bộ đồ bà ba đen, đi chân đất, vai đeo xắc-cốt, lưng đeo ba lô tất tả chia tay tôi trong hoàng hôn chạng vạng của chiến trường 47 năm trước. Đấy là hình ảnh cuối cùng của tôi về Định trong cõi nhân gian này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

“Cỏ lau thành cổ” - tác phẩm để đời của nhà báo Phan Quang
“Cỏ lau thành cổ” - tác phẩm để đời của nhà báo Phan Quang

VOV.VN -“Những kỷ niệm nhập vào lòng tôi thời trẻ đương nhiên sâu sắc hơn nhiều những gì được viết ra”.

“Cỏ lau thành cổ” - tác phẩm để đời của nhà báo Phan Quang

“Cỏ lau thành cổ” - tác phẩm để đời của nhà báo Phan Quang

VOV.VN -“Những kỷ niệm nhập vào lòng tôi thời trẻ đương nhiên sâu sắc hơn nhiều những gì được viết ra”.

“Làm người nghĩa là ở trong tình trạng tổn thương”
“Làm người nghĩa là ở trong tình trạng tổn thương”

VOV.VN - Sau Mưa là cuốn sách gồm 12 truyện ngắn, mang một nhất quán ngầm về những con người như vậy. 

“Làm người nghĩa là ở trong tình trạng tổn thương”

“Làm người nghĩa là ở trong tình trạng tổn thương”

VOV.VN - Sau Mưa là cuốn sách gồm 12 truyện ngắn, mang một nhất quán ngầm về những con người như vậy. 

Nhà văn Đoàn Giỏi - một tâm hồn trọn vẹn với tuổi thơ
Nhà văn Đoàn Giỏi - một tâm hồn trọn vẹn với tuổi thơ

VOV.VN -Nhà văn Đoàn Giỏi, sau ngày ông ra đi, nhiều người vẫn luôn nhắc đến ông với niềm tự hào: “Đoàn Giỏi yêu tuổi thơ nên ông được cả thế giới”.

Nhà văn Đoàn Giỏi - một tâm hồn trọn vẹn với tuổi thơ

Nhà văn Đoàn Giỏi - một tâm hồn trọn vẹn với tuổi thơ

VOV.VN -Nhà văn Đoàn Giỏi, sau ngày ông ra đi, nhiều người vẫn luôn nhắc đến ông với niềm tự hào: “Đoàn Giỏi yêu tuổi thơ nên ông được cả thế giới”.

Bút ký sông Đà: “Cuối hồ”
Bút ký sông Đà: “Cuối hồ”

VOV.VN -“Cuối hồ” không phải là nơi kết thúc, mà lại là khởi đầu cho một dự án thủy điện mới. Hạnh phúc của những người xây dựng thủy điện là vậy.

Bút ký sông Đà: “Cuối hồ”

Bút ký sông Đà: “Cuối hồ”

VOV.VN -“Cuối hồ” không phải là nơi kết thúc, mà lại là khởi đầu cho một dự án thủy điện mới. Hạnh phúc của những người xây dựng thủy điện là vậy.

Biên bản bão- thân phận con người trước gánh nặng mưu sinh
Biên bản bão- thân phận con người trước gánh nặng mưu sinh

VOV.VN - Biên bản bão là tập truyện ngắn thứ 10 của nhà văn Phong Điệp

Biên bản bão- thân phận con người trước gánh nặng mưu sinh

Biên bản bão- thân phận con người trước gánh nặng mưu sinh

VOV.VN - Biên bản bão là tập truyện ngắn thứ 10 của nhà văn Phong Điệp