Biết thêm một người Mỹ để thêm yêu Tổ quốc!
VOV.VN - Các bà mẹ Mỹ, các người vợ Mỹ cũng đau khổ như mẹ hay vợ của chúng tôi khi nghe tin hoặc thấy xác của con cái, hay chồng họ.
Khi bức tường Berlin sụp đổ, lần đầu tiên tôi gặp lính Mỹ. Năm sáu người lính trẻ măng ập đến quầy hàng trong chợ trời Teltow, làm tôi giật thột. Cái cảm giác “địch” ập tới. Rồi tôi ý thức ngay, tôi đang ở Berlin, chứ không phải trong những cánh rừng nhiệt đới.
Tôi cười gặng, dịu nhanh đôi mắt, chìa tay ra chỉ vào cái mặt bàn la liệt hàng hóa. Tiếng Anh và Đức lẫn lộn:
- Bitter- Please ( xin mời!)
Tôi đã không “Bắn”. Họ cũng không “tìm diệt”!
Lũ “trẻ ranh” như bầy chim sẻ sà xuống, ríu rít vào quầy của vợ chồng tôi, nhặt băng nhạc Whitney Houston và hào phóng ném xuống mặt bàn những đồng 10 USD thay vì cho cái giá bán 10 Mác Đức (Deutsche Mark) một băng Cassette.
Rồi cũng ở chợ ấy, khoảng cuối thập kỷ 90, tôi gặp một cựu binh Mỹ đã tham chiến ở Việt Nam. Chúng tôi là đồng nghiệp cùng bán hàng lang thang trong chợ. Anh ta cùng một cô vợ người Đức gốc, quê Hamburg, (mối tình của anh trước khi đến Việt Nam). Đôi uyên ương ấy nương tựa nhau, buôn bán huy hiệu, bật lửa zippo, cờ đuôi nheo, mũ cao bồi, ba toong từ Mỹ mang tới...
Chúng tôi đã chợt nhận ra nhau đều đã cùng tham chiến ở Việt Nam. Anh đã giúp tôi, cho được bầy hai cái giá quần áo, trên khoảnh đất thừa nơi anh thuê của chủ chợ... Vài năm sau, nghe tin anh mất, tôi đã khóc và viết thiên truyện kí: Vết Sẹo. Đấy là người cựu binh Mỹ thứ Nhất, vừa trở thành bạn, lại vội ra đi. Người lính Mỹ cũng lang bạt như tôi nơi xứ người ấy, ra đi lúc anh còn khá trẻ.
Cách đây 5 năm, nhà báo Uyên Ly dẫn tới nhà tôi 3-4 cháu học sinh Mỹ. Cô gái Libby 16 tuổi, mắt xanh và tóc vàng mây óng ánh từ Mỹ xa xôi đến, mang tới nhà tôi: “Lời xin lỗi của ông ngoại Libby, một phi công từng ném bom miền Bắc, cho một người đàn ông Việt Nam nào đó bằng tuổi ông - sinh năm 1948”, Uyên Ly chọn tôi, người lính già tóc bạc, từng 11 năm làm lính cao xạ pháo đánh lại máy bay Mỹ. Nhận lời xin lỗi từ miệng cô gái trẻ măng. Tôi rùng mình!
Lời xin lỗi muộn mằn! Tôi bật khóc như nó từ thẳm đâu, xa xăm lắm dội về.
Nhà báo Uyên Ly đã viết một một bài kí khá chân thực và xúc động về câu chuyện này nhan đề Người đàn ông tóc bạc!
Đêm ấy tôi mơ thấy máu, thấy bạn tôi. Tôi đã rõ ràng bảo rằng, họ đã xin lỗi mày ạ. Tha thứ cho nhau! Tôi lại khóc trong mơ. Tỉnh giấc vẫn thấy rõ, nhớ rõ, bạn tôi cũng khóc trong mơ!
Cách đây nửa tháng chúng tôi gặp thêm hai người Mỹ, qua đạo diễn điện ảnh trẻ nổi tiếng Đặng Thái Huyền. Có một người già bằng tuổi tôi, đó là anh Paul Reed, người cựu binh Mỹ đã từng căm thù Việt Cộng, từng lấy một chiếc ba lô của một sĩ quan Việt Cộng, gửi về cho mẹ Reed, làm kỉ niệm như một chiến lợi phẩm.
Sau 20 năm đau khổ, triền miên stress, Paul chợt bừng tỉnh khi nhận ra “Chân dung một dân tộc” nhờ qua cuốn hồi kí và những bài thơ của kẻ anh đã tìm giết và căm thù. Cả một câu chuyện dài của hai người lính.
Paul Reed đã đến thăm Việt Nam 9 lần. Anh đã tìm thấy “kẻ thù xưa”, nhận chủ nhân của chiếc ba lô xưa làm anh em và mang “bạn cũ” đi chữa bệnh tận Mỹ...
Anh đã trở thành một người khác từ đó. Rũ gần sạch những nỗi buồn treo nặng!
Những cựu binh Vi xi (VC – Việt Cộng - PV) từng chiến đấu ở Chalie, nơi Paul Reed đóng quân, lùng diệt, nay trở thành những nhà văn nổi tiếng như Bảo Ninh, Khuất Quang Thụy, Nguyễn Trọng Luân, nhạc sỹ Đinh Ngọc Toán đã trò chuyện chân thành hết cả buổi sáng trong một quán cafe tại làng hoa Ngọc Hà. Hôm sau, họ đã đưa người bạn mới quen lên Đền Hùng, cho Paul Reed biết nơi thờ tự vị Vua, người dựng nên Nhà nước Việt Nam đầu tiên.
Chiều qua, nhà báo Uyên Ly lại đưa tới nhà tôi -người thứ Năm, một cựu binh Mỹ, để chúng tôi gặp lại.
Ted Engelmann hơn tôi một tuổi. Danh thiếp ghi, hiện nay anh là nhà báo và cũng là nhà nhiếp ảnh (writer § Photographer).
Ted hồi xưa đến Việt Nam với tư cách chuyên gia (thượng sĩ) khai thác hỏa lực không quân Mỹ. Chỉ điểm cho máy bay dội bom ở Miền Nam Việt Nam từ tháng 3/1968 tới 3/1969. Anh từng đóng quân ở căn cứ Biên Hòa, Lai Khê.
Ted nói, tôi không trực tiếp bắn giết, nhưng thấy được, nhìn rõ mọi sự chết chóc tàn phá do máy bay Mỹ gây ra, mà chính tôi là người đánh dấu các tọa độ cần oanh tạc.
Cũng Ted, nói:
- Tôi có ba tháng khởi đầu rất lo sợ khi tới Việt Nam. Mọi sự lạ lẫm! Sau đó, 6 tháng quen việc, tôi bớt lo sợ. Rồi đơn vị thay người mới, tôi lại lo sợ. Trong đơn vị chỉ có tôi và một sĩ quan cố gắng chỉ điểm sao cho đỡ tàn phá vào dân lành. Và, hai chúng tôi cô độc.
Rõ ràng, Ted bị chấn động lớn khi anh kể, sau cái chết của một vị tướng trong đơn vị, tôi rất hoang mang. Ted từ tốn và chậm trãi, cố kiềm chế, để bình tĩnh diễn đạt:
- Trong chiến tranh, tôi uống đều đặn 1,2 lít rượu mạnh trong mỗi tuần. Triền miên các đêm. Trở về Mỹ, tôi không uống nữa. Buông “súng”, tôi cầm máy ảnh và quay lại Việt Nam. Tôi chỉ cảm thấy nhẹ lòng, bớt đi dằn vặt, khi tới Lai Khê trao cho người dân ở đấy những tấm ảnh cũ về căn cứ Lai Khê 1968.
Anh nghiêm túc, nghĩ, rồi lại chân thành kể:
- Nhiều cựu binh ở Mỹ không buông bỏ vì không biết cách buông bỏ. Họ vẫn triền miên bởi những gì họ đã (trực tiếp hay gián tiếp-N.V.T) gây ra ở Việt Nam. Chúng tôi cần những người như anh tới Mỹ để kể những câu chuyện chiến tranh, giúp họ buông bỏ. Cần những người như anh tới Mỹ để đến các trường Đại học giúp các giáo sư và sinh viên hiểu rõ Con Người Việt Nam.
Ted đã từng đi rất nhiều nơi ở Việt Nam để chụp ảnh, tham gia vào nhiều việc tốt, như làm rõ những vấn đề mà chất độc màu da cam đã gieo bao tai họa ở mảnh đất này, bằng những tấm ảnh chuyên nghiệp và chân thực. Anh cũng từng là “sứ giả đầu tiên tới Việt Nam để làm sáng bừng lên câu chuyện Nhật kí Đặng Thùy Trâm” chứ không hẳn là hai người Mỹ khác.
Tôi nhiều khi phải kìm nén xúc động để nghe tường, thấm lời anh nói, hay kể lại cho anh nghe rằng, tôi suy nghĩ ra sao về cuộc chiến, về Lính Mỹ và Người Mỹ. Và, một điều khi gặp bất cứ người Mỹ nào, tôi cũng khẳng định, tôi không căm thù cá nhân các anh.Tôi từng ước mơ đến Mỹ để tới tận bức tường tưởng niệm, mua những đóa hoa tươi nhất, thắm đỏ tuy líp chẳng hạn, để đặt lên Bức Tường tưởng niệm cho những Người Lính Thực Thụ của nước Mỹ mà hy sinh vô ích ở Việt Nam.
Tôi cũng kể cho Ted nghe năm 1967, phục kích ở Văn Giang, đơn vị tôi hy sinh ba người, trong đó có Đại đội phó của tôi. Máy bay Mỹ đã bổ nhào xuống trận địa tôi ba lần. Ném 12 trái bom bi mẹ. Gần 4000 trái bom bi con đã rơi trúng vào ngôi làng ngay kề đại đội pháo 37 li, giết hơn 200 người dân. Suốt đêm đầy tiếng khóc vọng về trận địa khi tụi tôi trực ban trên pháo. Ai oán lắm. Chính tiếng khóc ấy làm tôi không biết sợ, khi máy bay siêu thanh F4 H, F105 D của các anh bổ nhào ném bom và bắn đạn 20 li cực nhanh sáu nòng vào chúng tôi. Tôi đã đạp cò, bắn rất nhiều đến điếc hết cả hai tai, để bảo vệ Hà Nội. Không sợ chết nữa, vì đây là nơi tôi sinh ra, lớn lên, đi học. Đó là quê hương tôi. Nơi mọi gốc cây, dãy phố, viên gạch rêu cũ, đều thân quen đến vô cùng.
Rồi năm 1971 (đầu chiến dịch Lam Sơn 719), tôi nhìn thấy một phi công Mỹ trần truồng nằm phơi xác trong rừng. Ruồi bọ, kiến, mối cắn xé, đục rỗng cả đôi mắt... Lúc anh ta bị bắn hạ, trưa hôm qua, đôi mắt người Mỹ trẻ ấy còn xanh như màu trời mùa khô Hạ Lào. Cảnh trí của địa ngục ấy, làm tôi bỏ cả ý định tốt đẹp muốn chôn cất anh ta. Tôi nôn thốc nôn tháo bỏ chạy. Năm 1975, tháng 4 đánh vào Sài Gòn, tôi lại nghe tiếng khóc của các bà mẹ Sài Gòn đến khóc chồng, con họ đã chết trận ở Đồng Dù. Tiếng Khóc theo tôi gần 40 năm, để năm nào tôi viết thiên truyện Tiếng Khóc ở Đức.
- Anh Ted ơi. Binh sĩ mỗi phe, mỗi nước đều phải chiến đấu vì nhiệm vụ. Sắc áo khác nhau, chính tà khác nhau, nhưng những tiếng khóc của các bà mẹ và các người vợ ở bất cứ phe nào đều y hệt như nhau. Tôi tin, một niềm tin trở thành thiêng liêng rằng, các bà mẹ Mỹ, các người vợ Mỹ cũng đau khổ như mẹ hay vợ của chúng tôi khi nghe tin hoặc thấy xác của con cái, hay chồng họ. Chúng ta phải làm gì để gìn giữ hòa Bình? Để nhẽ ra tôi và anh sẽ lên đỉnh núi cao nhất ở Đông Dương, ngọn Fansipan mà ngắm tuyết, xem hoa Đỗ Quyên nở thắm đỏ nhuộm hết mùa xuân từ thập kỉ 60 chứ đâu phải hôm nay tôi mơ ước!
Ted hỏi đi hỏi lại, rằng anh có muốn đến Mỹ không, để nói cho nhiều người nghe về những câu chuyện như hôm nay?
Tôi bảo, tôi đã bỏ nước Đức giàu có để trở về Việt Nam sống. Ở Đức, tôi không làm gì nữa, vẫn có lương hưu và trợ cấp tròn 790 Euro... Tôi là nhà văn, sự tưởng tượng giàu có sẽ giúp tôi có thể tưởng thấy, cảm thấy nước Mỹ và, hoàn toàn không ham hố điều kiện vật chất ở Mỹ. Nhưng tôi muốn đến nước Mỹ vì một lí do khác! Tất nhiên tôi sẽ chỉ mang bút và trái tim chân thành này đến đất nước của các anh.
-Tại sao không? - Tôi nói với Ted hai lần.
Tại sao không mang cái sức tàn này cùng nhau gìn giữ hòa bình, góp vào ngọn gió làm dịu đi những nỗi đau của những người Mỹ muốn yêu thương như anh? Trong văn tự của văn hóa Việt, Đạo Phật Việt Nam có dạy rằng: Muốn yêu phải hiểu. Sự hiểu làm cho mọi tình yêu trở nên sâu sắc hơn, có cội rễ hơn!
Ted nói với Uyên Ly, anh muốn ngồi lâu hơn. Định bỏ cả cuộc hẹn sau để ngồi lại trong khu vườn yên tĩnh nghe tôi, rõ rành là “Kẻ thù xưa của nhau”, cùng nhau kể chuyện tâm tình.
Anh chia tay. Chúng tôi ôm lấy nhau thêm một lần. Bắt tay khá lâu và rất chặt. Bàn tay của Những Người Lính!
Họ đi. Tôi ngồi lại một mình giữa khu vườn còn đầy tiếng lách chách của chim chóc.
Vui, buồn lại trào về lẫn lộn!
Chúng ta yêu hòa bình, chung tay giữ cho không chỉ đất nước tôi luôn đúng mơ ước mãi mãi là đất nước hòa bình! Những người Mỹ cũng như những anh em Việt Nam của chúng tôi không chết trận.
Sớm nay tôi muốn cất lời và gửi tới không chỉ riêng Ted lời giản đơn như thế!/.