Cải thìa
Tôi nhìn thấy nàng năm ngoái, độ ấy là mùa xuân, trời còn se lạnh, thỉnh thoảng có mưa phùn xuyết trên tóc, man mát dịu dàng.
Tôi nhìn thấy nàng gội đầu bên giếng, xuyên qua tán lá na có những gân lá xanh lơ rõ rệt, hương sả, bạch đàn và hàng mấy thứ lá cỏ quyện vào nhau vấn vít không gian làm tôi suýt hắt hơi, nhưng cố ghìm lại. Bất chợt có tiếng chim lảnh lót vút lên trên tán quấn hoa trắng ti ti, nàng ngước nhìn lên, đôi mắt đen láy và trong veo. Trong đời chưa bao giờ tôi nhìn thấy một đôi mắt lạ lùng đến vậy, đôi mắt như có nước, kiều mị và thông minh. Tiếng chim đã dứt hẳn mà nàng vẫn không thôi ngóng lên. Tiếng bổ củi của anh Thịnh bùng bục, đất mềm bở ra, tung tóe, nham nhở. Tôi rời mắt qua khe hở của tán na lá tròn tròn xanh sáng, anh đã ngồi xuống bên những gốc cây rễ khô tua tủa, mồ hôi ướt rượt cả mái tóc bồng bềnh. Tôi còn nhìn thấy cả từng cái nhụy nho nhỏ của hoa ổi rụng trên vai áo anh, ướt nhèm.
Anh Thịnh có một nốt ruồi trên gò má, gần sát mắt, đã thế mắt anh lại màu nâu buồn buồn nên nó lại càng như phụ họa thêm. Anh ít khi cười, nếu có cũng chỉ cười buồn, hiền hiền và hát hay nhạc Trịnh, kinh khủng, mỗi khi anh cất giọng trầm trầm, âm ấm bài hạ trắng hay chiều một mình qua phố, dường như lũ chim đang đậu trên cây cũng phải tròn xoe mắt ngơ ngác ngóng tai nghe. Không hiểu sao tôi lại không cất nổi lời để hỏi anh về cô bé dưới tán na.
Rất lâu tôi trở về ngôi nhà này, ngôi nhà của ba tôi và mẹ cả, người sinh ra anh Thịnh. Từ hồi tôi bốn tuổi.
Giỗ mẹ cả, ba mẹ mang anh Thịnh và tôi về. Những ngày đó, anh lầm lì không nói. Nấm mộ sau vườn nhà xanh rì cỏ dại. Anh thường ra ngồi ngoài ấy hàng giờ. Hồi ấy anh mới mười tuổi. Tôi rất sợ ánh mắt của anh, ướt mèm, loáng nước, buồn thảm. Ba mẹ tránh hỏi han nhiều đến anh, hình như hai người cũng sợ rằng chỉ một câu là anh sẽ chực khóc òa lên vậy. Hàng đêm mẹ rón rén vén chăn cho anh và tôi, nêm nếm gia vị một cách tỉ mẩn những món anh thích. Mẹ chăm chút cho anh còn hơn cả tôi là đứa con ruột. Thảng khi, tôi thậm chí còn ghen tị với anh, nhưng rồi nhìn đôi mắt luôn ngó xuống, đôi bàn tay có những ngón dài thanh thoát của anh, tôi không nỡ nào.
Cây chanh đang nở hoa, những chùm tím hồng lấp ló trong vòm lá, tôi phụ anh Thịnh đào một cái rãnh quanh gốc để bón phân cho cây. Năm nào cũng thu bộn quả từ gốc chanh này. Bác Nghệ, bác họ tôi dựng một cây rơm ngay cạnh gốc cây, mùi rơm khô ngai ngái, thơm thơm, bọn cu con trong làng vẫn thường chơi đuổi bắt quanh cây rơm tròn lủng này, thỉnh thoảng lại có đứa ngủ nướng trong cái hốc trâu bò rút sâu bên trong, ấm và kín gió, làm cha mẹ được một phen sảng hồn, sợ chúng bị trượt chân rơi xuống ao.
Tôi và anh Thịnh về nhà để chuẩn bị trước cho cái giỗ của mẹ anh. Ba mẹ bận công chuyện, tuần sau mới về được. Và tôi nhìn thấy nàng dưới vòm lá na dày đặc, bên cái giếng nhỏ cũ kĩ nhưng chắc rằng nước rất trong veo. Tôi nghĩ như vậy vì thấy tóc nàng mướt mềm, mặc dù không dài lắm, vì hôm sau tôi lại thấy nàng buộc bổng lên, tinh nghịch và đáng yêu chưa từng thấy. Nàng nhỏ nhắn trong cái áo len tím nhạt đan hoa gạo mũi dày và khéo. Trưa ra ruộng nhổ cải thìa cùng bé Thu, con gái út của bác Nghệ, tôi nhìn thấy nàng dưới ruộng muống. Cái áo len hơi rộng với nàng nhưng rất dễ thương và giản dị, nàng nổi bật giữa ruộng muống hoa tím miên man, đôi mắt đen láy chăm chú tìm vật gì đó dưới lớp rễ muống cằn cỗi, loằng ngoằng. Bé kéo áo tôi, giục nhổ rau rối lên, con bé mới học xong lớp chín, giờ ở nhà phụ mẹ bán rau. Chắc nó cao hơn nàng phải một cái đầu, mắt một mí lúc nào cũng ít ánh vui, rầu rầu, cau có. Cắp rổ cải bên hông, nó nhảy qua mương nước rồi ngồi trên cái bệ xi măng sát cái bến nhỏ bẻ rễ cải. Vừa bẻ nó vừa giảng giải:
- Cải thìa này chỉ dùng để nấu canh hay xào khô, muốn muối thì phải là cải bẹ thôi. Dưa muối thì chỉ có ngoại chị Nguyên là nhất…
Chợt nhận ra điều gì, con bé ngập ngừng xuống giọng.
- Ngoại chị Nguyên là ai vậy? Ba anh cũng thích ăn dưa muối lắm đó!
- Chị Nguyên dưới ruộng muống đó! Em nói điều này anh phải giữ bí mật nghe…người ta nói…chị Nguyên là con rơi của ba anh đó…
Tôi nhìn dòng nước chảy xiết qua cây chuối chắn ngang đã bợt màu, không biết nên nói gì nữa. Nếu quả thực như vậy, thì, nàng là em gái của tôi sao? Không thể có chuyện đó, ba chỉ có anh Thịnh và tôi thôi, sao nàng lại có thể là em gái tôi được chứ, ai chứ ba tôi không như vậy đâu, ba tôi là người tình nghĩa, lý nào như vậy.
- Mới sáng ra chị tìm gì dưới ruộng vậy?
Tôi thảng thốt nhìn lên, nàng đã kề cạnh, ngay sau câu hỏi chẳng mấy thiện cảm của bé Thu. Mắt nàng đen và sâu, làn da trắng xanh lướt, đôi chân mày đậm và lông mi dày rợp. Vuốt nước lên vệt bùn dính trên cố chân nhỏ đeo cái lắc bạc xinh xinh, nàng nói giọng trong và hiền:
- Hồi đêm, đi chợ về ngoại chị không thấy cái vòng ngọc đâu, chắc chỉ rơi quanh đây, cái vòng to vầy mà tìm hoài từ đêm qua đến giờ chưa thấy. Ngoại đi tìm, ngã bờ ruộng bị trặc chân rồi, đau nhức suốt đêm, tội quá bé Thu à!
Con bé không ngước lên, nói tỉnh khô vu vơ như không:
- Có chắc là ngoại chị làm rớt không? Không khéo lú lẫn để quên ở đâu rồi. Người già mà, nhiều khi không tin được.
Nàng buồn bã nhìn bé Thu, rồi nhìn sang tôi, se sẽ gật đầu chào, đôi mắt như muốn nói “Ngoại chị không như em nói đâu, chị tin là như thế”. Tôi bỗng có cái ước muốn kì lạ là được nắm lấy đôi tay nhỏ của nàng mà an ủi và bỗng trách bé Thu sao nói năng tàn nhẫn, không suy nghĩ. Tôi về, ngay sau nàng, nàng với tay kéo dây buộc tóc, mái tóc mềm rũ xuống, thơm thơm mùi cỏ thảo. Cánh cổng tre nhà nàng chắc đã lâu lắm rồi, khi nàng kéo ra, mặc dù rất nhẹ, tiếng cót két, lệch xệch dậy lên buồn bã. Nhà nàng, nhìn từ ngoài cổng vào, có một mảnh vườn nhỏ, trồng rất nhiều cải thìa, xanh mướt, tăm tắp. Lúc quay lại gài cửa, nàng mới nhìn thấy tôi.
- Là…em trai anh Thịnh hả?
- Vườn cải nhà Nguyên dễ thương quá!
- Vườn trước ngoại trồng cải thìa, vườn sau ngoại trồng cải bẹ, gần tết ngồng cải trổ rực trời. Ngày trước ngoại hay luộc ngồng cải cho anh Thịnh và Nguyên ăn lắm, chấm mắm, hơi đăng đắng, ngòn ngọt, giòn giòn, khó quên lắm!
Nàng nói một hơi không ngừng, hồn nhiên kì lạ. Thì ra anh Thịnh tôi cũng quen nàng, vậy mà anh chẳng thèm nói một câu. Đứng mãi ở cổng, tôi thấy ngường ngượng. Nàng hiểu ý, nói hiền hiền, chân thành:
- Khi nào rảnh, anh và anh Thịnh sang chơi với ngoại và Nguyên nha?Nguyên phải về xem ngoại sao rồi.
Nàng đi nhanh vào nhà, tôi chẳng kịp nói thêm câu nào. Về nhà, tôi thấy rổ cải rỏ nước tong tong trên cái sạp tre, dưới bếp, không biết bé Thu được bác Nghệ phái sang nấu ăn cho anh Thịnh và tôi đang làm gì mà khói bay nghi ngút. Dưới sàn xếp đầy những bức tranh và bên cái cửa sổ mất hai cái song, vung vãi những mẩu bánh mì. Anh Thịnh đứng trầm lặng nhìn bức tranh vẽ cô gái mặc váy mầu xanh dương cầm chiếc mũ đựng đầy hoa vàng đi nhẹ nhàng như bay giữa ngát xanh cây cỏ, cô gái chân trần và tóc mềm xõa gió bay bay. Anh Thịnh hỏi tôi, giọng nói như vang lên từ thế giới khác:
- Sao không về cùng bé Thu, con bé giận gì mà anh hỏi không thèm nói…
- Anh quen Nguyên à? Sao về mà không sang thăm cô bé?
- …
- Gặp Nguyên rồi à? Cô nhỏ dễ thương quá phải không?
- Ngoại Nguyên bị đau, hôm qua bà đánh rơi cái vòng ngọc rồi lại bị ngã, Nguyên tìm hoài từ hồi đêm mà không thấy…
Anh Thịnh im lặng, mắt anh dõi ra cửa sổ, nơi có giàn đậu ván nở đầy hoa tím nhạt. Cảm thấy bối rối mỗi khi anh im lặng quá lâu, tôi cầm cần câu, lách qua mấy bụi ổi sẻ ra ngồi ở bờ ao.
Tối lạnh và yên tĩnh, anh Thịnh bỏ chai rượu thuốc vào túi áo, giục tôi qua nhà ngoại Nguyên. Chúng tôi đi hết hai cái ngõ dài và nhỏ mà không nói một lời nào. Ngoại Nguyên ngồi trên chiếc giường nhỏ, ngóng ra vườn, nơi có ánh đèn pin le lói.
- Ngoại à! Ngoại đỡ chưa?
- Con mới về. Lâu lâu không thấy, con Nguyên nhắc hoài à!
Anh Thịnh và tôi ngồi ghé xuống mép giường, anh không nói gì nhưng có lẽ bà già có đôi mắt thông thái này cũng đoán biết về tôi.
- Mới ăn cơm xong con Nguyên nó vội vàng cầm đèn ra vườn, con bé bảo chợt nhớ ra sáng qua ngoại quét vườn, có khi rơi ngoài ấy. Nó bướng quá, ngoại can không được, ngoài trời thì lạnh, ngoại làm khổ con quá Nguyên ơi!
Ngoại Nguyên rơm rớm nước mắt, trông thật tội. Anh Thịnh vội vã chạy ra vườn. Đêm lì lợm không di ngón chân một khắc nào nữa, tôi muốn về nhà, bước khỏi ngôi nhà này, ngôi nhà không biết đến thời gian, dẫu tôi nhớ nàng đến rồ dại.
Hai mái đầu, một ngắn một dài nhưng đều ướt rượt, anh Thịnh của tôi và nàng. Nàng vụt bé nhỏ, hay đôi mắt đã nóng ran lên của tôi nhìn thấy thế. Anh Thịnh đón lấy chiếc khăn từ tay nàng, tôi có cảm giác anh lau nước trên tóc chỉ như quán tính, mắt anh chỉ dõi theo nàng, chỉ dõi theo nàng thôi. Tôi câm lặng như vừa mất mát đi một điều gì. Anh yêu nàng, phải, anh yêu nàng!
Về nhà, tôi không theo anh vào ngay căn phòng tỏa mùi cũ kĩ, tôi đi thẳng xuống căn bếp lụp xụp, nơi có mùi cám heo nồng nã. Mặc nồi cám heo sôi trào, bé Thu cầm trong tay một vật, tư lự. Chiếc vòng ngọc, rõ ràng là chiếc vòng ngọc. Dưới ánh đèn bám mồ hóng tù mù, màu xanh của nó vẫn ánh lên dìu dịu, mê hoặc.
- Anh Tú!...Cái vòng…Thu thấy trên này khắc hai chữ Nguyễn – Thụy, Thu…Thu ít học, Thu không thể sánh với chị Nguyên. Chú Nguyễn là ba chị Nguyên. Hồi mẹ chị Nguyên mất, Thi nghe lén được sau vách nhà... Nhưng Thu quen anh Thịnh trước, thương anh Thịnh trước. Chị Nguyên là người đến sau…Chị Nguyên…chị Nguyên không xứng đâu, không xứng…
Tôi chợt nhớ ngoại Nguyên đã vừa nói rằng nàng về ở với ngoại hồi học lớp năm. Chú Nguyễn, là bạn thân của ba tôi. Chú đang là họa sỹ tự do cũng là chủ phòng tranh ở Tếch zát, một nghệ sỹ trầm tĩnh, phóng khoáng và lành hiền. Tôi lại chợt hình dung ra những bức tranh treo trên vách nhà nàng, đến vệt màu vẽ trên chiếc áo len tím nàng mặc. Và tôi lại mường tượng ra bức tranh mà chú Nguyên gửi ba giữ hộ, ba vẫn thường mang ra lau nhẹ nhàng rồi lại mang cất trong ngăn tủ để những kỉ vật một thời. Bức tranh vẽ xanh ngắt một màu cải thìa, loài rau cỏ mềm yếu và ướt át, một dáng người, mỏng gầy và yếu đuối thấp thoáng giữa bạt ngàn màu xanh ấy.
Nhiều ngày sau, tôi không thể cất nổi bước sang ngôi nhà nhỏ kề bên, dẫu nó rất đỗi thân thương và nhớ nhung. Những vụn bánh mì anh Thịnh bẻ ra rải trên bệ cửa sổ nhiều thêm vầ lũ chim háu ăn không bỏ sót một mẩu nhỏ nào. Trước ngày giỗ mẹ cả, ba mẹ tôi về, sốt sắng chu tất cửa nhà để cúng mẹ cả. Xẩm tối, nàng mang sang một bó cúc đại đóa, trắng ngần, màu áo trắng mềm mại làm nàng xanh xao, non nớt, dẫu đôi mắt kiều mị của nàng buồn như mọng nước. Cả nhà tôi, nhà bác Nghệ bù đầu với cái giỗ mẹ cả.
Sáng hôm sau, vừa thức dậy, bé Thu kéo tôi xuống cái bếp nho nhỏ ám đen bồ hóng của nó, rầu rầu.
- Tinh sương, dậy nấu cam heo Thu đã thấy chị Nguyên lỉnh kỉnh giá vẽ ngược đường ra phố, chắc chị định đi xa…
Tôi hét lên, trong khoảnh khắc bỗng dự cảm là sẽ rất lâu sau mới gặp lại nàng.
- Anh Thịnh biết chưa? Biết chưa hả?
- Hôm qua giỗ thím cả xong anh Thịnh đã đèo dì Huyền về trên bản rồi, chắc hôm nay anh mới xuống.
- Cái vòng ngọc, cái vòng ngọc đâu?
- Thu mang cho chị Nguyên từ hôm ấy. Mà tại sao chỉ lại đi, chị biết mình và anh Thịnh không phải là anh em rồi cơ mà. Lý nào vậy trời!
Tôi chạy bổ sang nhà ngoại Nguyên với hi vọng mong manh là bé Thu nhìn lầm nhưng con bé nói đúng, nàng đã đi rồi. Ngoại nàng nói tồi tội nhưng an phận.
- Con Nguyên đi tìm ba nó, ngoại không thể ngăn nó được. Ngoại vẫn trồng cải thìa đợi ba con nó về, Nguyên nó sẽ về con ạ!
Một năm trôi qua. Tôi lại về ngôi nhà mẹ cả. Buổi sáng mùa xuân, đi giữa lắc rắc hoa quấn, hoa chanh và vườn cải thìa của ngoại Nguyên, lòng không còn cảm thấy ghen tị với bất cứ ai trên đời này nữa, cả anh Thịnh tôi cũng vậy, chúng tôi, ngoại Nguyên, ba mẹ Nguyên, cả ba mẹ tôi, cả anh Thịnh đều là những con người đáng thương. Nguyên đi tìm ba của Nguyên, Nguyên cô độc và đáng thương vì không có ba, tôi như nghe đôi mắt kiều mị và thông minh nói với tôi như vậy. Giữa xanh ngắt cải thìa tiếng chim sâu xôn xao./.