Chiếc vòng bạc

Truyện ngắn của Nguyễn Tiến Lợi

Cầm chiếc vòng bạc trên tay, Vụ đứng ngây ra trong giây lát, hết ngắm chiếc vòng bạc, lại ngước mắt lên ngắm Dinh. Vụ nhận ra người con gái đứng trước mặt mình vừa xinh đẹp lại có tấm lòng nhân hậu.

Vụ nhớ rõ tối mùng hai tháng chín năm ngoái, chi đoàn thanh niên tổ chức đêm văn nghệ "cây nhà lá vườn". Hôm đó Vụ đến chơi nhà Lỷ "cò" không gặp, Vụ ra chỗ diễn văn nghệ tìm nhưng không thấy, tiện thể đứng xem luôn. Buổi diễn có các tiết mục dân ca Mường như hát ví, hát đối, hát rằng thường, bộ mẹng... Vụ chẳng hiểu gì cả.

Chỉ có điệu múa sạp là hát "sòn đô" bằng tiếng phổ thông, trong điệu múa ấy từng đôi trai gái lần lượt ra sân khấu dập dìu theo nhịp bài hát, đến cặp ra sau cùng có lẽ là nhỏ nhất, chừng độ 16, 17 tuổi, mọi người ồ lên: "Con cái nhà ai thế?".

Tiếng trầm trồ làm Vụ chú ý đến cô gái đi sau ấy. "Ai như Dinh thế nhỉ? Trông giống quá". Vụ chớp mắt rồi khẽ lắc đầu: "Không phải, nhưng nhìn từ dáng người đến mái tóc, chẳng lẽ lại là Dinh?". Dưới ánh sáng thủy điện mi ni được giăng từ ngoài suối, đủ để nhìn rõ từng khuôn mặt các "diễn viên" vừa đi nương về hồi chiều, son phấn trông cô nào cũng đẹp.

Theo điệu nhảy sạp, các bắp chân trắng ngần, lấp ló dưới lớp váy màu đen. Những dải lụa hồng vắt qua vai được các cô gái phất lên, trông xa như các nàng tiên trong truyện cổ tích.

Vụ ngồi trên yên xe đạp, một chân chống xuống đất, mải mê xem đến nỗi điếu thuốc lá cháy sát ngón tay, nóng quá giật mình ném vội. Vụ miên man nghĩ tới Dinh. Hồi nhỏ mẹ Dinh mất sớm, đấy là Dinh kể vậy.

Bố lấy dì ghẻ, rồi có em bé, Dinh bị hắt hủi không chịu nổi, bỏ nhà đi lang thang trên phố huyện. Bố mẹ Vụ mở cửa hàng ăn, thấy con bé còm nhom, đói rách, thương tình nhận vào rửa bát. Dinh rất chịu khó lại hiền lành, nên thi thoảng ông Vĩnh bố Vụ lại cho nó ít tiền, vừa là công, vừa là thưởng.

Bà Hải mẹ Vụ thì không thích điều đó, bà thường xét nét, mắng mỏ vô cớ. Những lần bị mắng, Dinh chỉ biết ra gốc soài đầu nhà ngồi khóc. Vụ hơn Dinh một tuổi, vừa ra dáng đàn anh, vừa có vẻ cậu chủ, cũng bắt chước mẹ quát nạt Dinh như cơm bữa.

Càng lớn Dinh càng mất dần nét đen đủi, lọ lem, chỉ có vóc người vẫn còi cọc vì lao động vất vả. Dần dần, Vụ thay đổi không bắt nạt Dinh như trước nữa mà thường nô đùa với Dinh những lúc không học bài.

Bà Hải không muốn đôi trẻ chơi với nhau, mỗi khi trông thấy bà lại sai bảo Dinh làm đủ các việc. Một lần hai đứa đuổi nhau quanh gốc soài, đột nhiên Vụ chạy ngược trở lại, hai cái trán va vào nhau nảy đom đóm mắt.

Vụ đẩy Dinh ra, tay của Vụ vô tình chạm vào ngực Dinh, rụt vội. Dinh đỏ mặt, nước mắt chảy ra, nó quay mặt đi. Vụ đứng như trời trồng, tay sờ lên trán. Trong nhà bà Hải nhìn thấy, bà gọi Dinh vào, sai ra chợ mua ít hàn the. Tối đó bà bàn với ông:

- Con Dinh đã lớn rồi. Thằng Vụ còn đang đi học. Ông liệu mà thu xếp cho con bé đi đâu thì đi, để nó ở đây tôi sợ thằng Vụ không chú tâm học hành, và sau này nhỡ hai đứa chúng nó mến nhau thì... Ông tính nhà ta thế này, mà con bé lại là đứa làm thuê.

Tối hôm đó, ông Vĩnh xuống bếp nói chuyện với Dinh những gì Vụ không biết. Vụ đang học bài trên nhà, đột nhiên thấy Dinh chạy lên, nước mắt đầm đìa, tay cầm nắm tiền bước vội vào phòng ngủ, Vụ nghe rõ tiếng khóc thút thít từ trong phòng mà không hiểu chuyện gì đã xảy ra.

Trưa hôm sau, Vụ đi học về, không thấy Dinh đâu nữa, Vụ hỏi mẹ thì được biết "Dinh đã xin phép về quê gặt lúa giúp bố mẹ ít ngày". Ở tuổi mười bảy, học lớp mười một đủ cho Vụ hiểu câu trả lời của mẹ, và Vụ đoán chắc có thể sẽ không bao giờ gặp lại Dinh nữa.

Dinh đi rồi, một mình Vụ chẳng thiết đi học nữa, buổi đực, buổi cái, sáng cắp cặp sang nhà bà Phong ở ngã ba chơi, trưa cắp cặp về quăng lên giá sách, sáng hôm sau vẫn lặp lại như ngày hôm trước và Vụ không quên nhót dăm bảy nghìn tiền bán hàng để ở ngăn kéo.

Khi cô giáo chủ nhiệm đến nhà lần thứ hai, bà Hải mới vỡ lẽ con mình đã nhập hội với bọn nghiện hút. Chúng thường rủ nhau đến bãi cỏ ngay chân cột điện 500 kv, ở đấy có nhiều cây mua lúp súp, ít người qua lại.

Ông Vĩnh bỏ cả buổi đi rình mới bắt được Vụ hút thuốc phiện. Ông lôi về đánh cho một trận rồi đuổi đi. Bị đánh đau, Vụ đi thật. Vụ chỉ lẻn về ban đêm đòi mẹ tiền rồi lại biến mất.

Khi Vụ nhập cuộc, cả bọn có bốn đứa, rồi tăng lên mười một đứa, phải chia thành ba nhóm để hút riêng. Có hôm kiếm được quá ít thuốc phiện, thằng Khiển "mặt ngựa" có sáng kiến trộn lẫn thuốc cảm cho đủ mỗi thằng một liều.

Hút xong bọn chúng tỏa đi, không hiểu sao Vụ chỉ thích nằm lại một mình, mắt Vụ đục lờ đờ nhìn lên trời xanh. Cảm giác đê mê tan dần, Vụ nhớ đến Dinh: Con bé nhà quê ấy thế mà hay đáo để, sao mẹ mình lại đuổi nó đi nhỉ?". Cái cảm giác tròn tròn, mềm mềm hôm đuổi nhau ở gốc soài Vụ vẫn chưa quên.

...Đêm văn nghệ kết thúc, mọi người đứng dậy ra về. Bỗng Vụ nghe có tiếng gọi:

- Anh Vụ! Anh Vụ ơi!

Trên sân khấu một cô gái mặc chiếc áo màu hồng ngắn đến thắt lưng chạy xuống, Vụ nghe rõ tiếng rật rật phát ra từ đôi chân khua chiếc váy chùng sát gót. Đúng là Dinh rồi. Một thoáng bối rối, chợt Vụ nhảy lên xe đạp một mạch khuất vào bóng tối, bỏ lại Dinh đứng ngây ra giữa thảm cỏ.

Quái lạ, hay là Dinh nhìn nhầm, thiên hạ thiếu gì người giống nhau? Quay trở lên cùng các bạn thu dọn sân khấu xong, Dinh bước vội về nhà. Đến đoạn đường vắng chợt có tiếng động phía sau, Dinh giật mình ngoảnh lại. Dưới ánh trăng là một người đi xe đạp, Dinh né sang vệ đường mòn có ý nhường cho đi trước. Nhưng người đó không đi tiếp mà xuống xe cất tiếng:

- Chào Dinh!

- Ôi anh Vụ! Đúng anh Vụ rồi. Sao nãy anh lại bỏ đi, làm em cứ tưởng nhìn nhầm ai?

- Nhầm sao được. Tôi sợ trai bản thấy người lạ đuổi đánh thì chết.

- Đấy là ngày xưa. Bây giờ thanh niên bản chỉ đuổi kẻ trộm thôi. Còn anh, đi đâu tận đây?

- Tôi đi tìm Dinh - Vụ nói dối - Sao hồi ấy Dinh bỏ đi không cho tôi địa chỉ?

- Tìm em về tiếp tục rửa bát à?

- Không!

- Bố mẹ anh khỏe không?

- Khỏe!

- Sao anh biết em ở đây?

- Tôi đến chơi nhà thằng Lỷ, nó đi vắng, ra chỗ diễn văn nghệ tìm nhưng không có. Thấy trên sân khấu có người giống Dinh, hóa ra là Dinh thật, đã hát hay lại múa đẹp nữa.

- Lỷ nào?

- Thằng Lỷ "cò" con ông Điền ấy.

- Thằng Lỷ "cò"? - Dinh trố  mắt ngạc nhiên - Sao anh biết nó?

- Qua thằng Phiên.

- Cả thằng Phiên nữa. Thôi chết! Anh quan hệ với chúng nó làm gì? Chúng nó nghiện thuốc phiện đấy. Đêm nào cũng rủ nhau đi lấy trộm.

- Tôi mới biết chúng nó được mấy ngày.

- Anh đừng chơi với chúng nó. Tuần trước trong cuộc họp dân bản, Công an xã gọi cả bốn đứa ra kiểm điểm đấy. Hôm ấy có cả chú Hoàng, Công an huyện.

À mà anh có biết chú Hoàng không nhỉ? Chú ấy tốt lắm - Cứ thế Dinh nói một mạch về chú Hoàng - Chú ấy làm công an trên huyện mà ở dưới xã này gần như cả tháng, bao nhiêu việc ở trên xã, lại còn đi lao động với dân bản, đắp bai Đồng Cò này, vận động mọi người làm cầu khỉ qua suối Kha cho bọn trẻ đi học , rồi đi tuần đêm với dân quân bọn em nữa chứ.

Trước mặt chú Hoàng bọn Lỷ "cò" sợ lắm nhá, hôm họp kiểm điểm đứa nào đứa nấy mặt tái mét, không nói được câu nào. Thế mà chúng nó vẫn chứng nào tật nấy - Chợt nhớ ra, Dinh cuống quít - Thôi em phải về đây kẻo dì em mắng cho. Em chào anh nhé.

Vụ kéo tay Dinh lại:

- Gượm đã. Tôi muốn viết thư cho Dinh thì địa chỉ thế nào?

- Bùi Thị Dinh, bản Suối Kha, xã thì anh biết rồi. Thôi em về đây!

Dinh đi như chạy. Đêm vắng, âm thanh rật rật từ đôi chân ấy nhỏ dần. Vụ đạp xe quay về nhà Lỷ.

Hơn một tháng sau, Dinh nhận được thư của Vụ gửi từ trung tâm cai nghiện. Vụ kể về những sinh hoạt ở trung tâm, sự chịu đựng ghê gớm khi cơn nghiện ập đến mà không được hút. Mặc dù đã cắt cơn hai tuần đầu, nhưng trong người vẫn thấy thiếu một cái gì đó. Vừa uống thuốc, vừa châm cứu, kết hợp tập thể dục, mà vẫn không sao nguôi được cái cảm giác thèm khát vu vơ.

Trong thư Vụ còn viết lúc nào cũng nghĩ đến Dinh, Vụ nhắc lại những kỷ niệm cũ khi hai người còn ở chung một nhà. Đọc thư Vụ, Dinh suy nghĩ nhiều lắm.

Là Phó bí thư Chi đoàn, được tiếp thu kế hoạch của Xã đoàn giúp đỡ những thanh niên nghiện hút, Dinh cho là tại họ thích chơi bời, muốn hút thì hút, muốn bỏ thì bỏ, giờ Dinh mới hiểu bỏ thuốc phiện không dễ như bỏ thuốc lá, thuốc lào.

Hôm sau, từ tờ mờ sáng, Dinh đi bộ ra thị trấn đón xe lên tỉnh, hỏi thăm mãi mới đến trung tâm cai nghiện. Gặp lại Dinh, Vụ xúc động thật sự, vì từ ngày Vụ lên đây, Dinh là người đầu tiên đến thăm, nói là em gái lên chơi, nhưng nhìn cả hai đều lúng túng, ngượng ngùng, ai mà tin là em gái thật.

Dinh mang đến cho Vụ một chút quà, cô tự bổ cam mời tất cả cùng ăn, mọi người vừa ăn cam vừa xuýt xoa khen Vụ có cô "em gái" xinh đẹp. Sau lần đó Dinh lên thăm Vụ được ba lần nữa, lần nào gặp nhau Dinh cũng chỉ biết động viên cho Vụ mau khỏi bệnh.

Gần tết, Dinh nhận được thư Vụ hẹn ngày lên đón về. Từ mờ sáng Dinh đi bộ ra phố huyện. Lên xe khách, Dinh phát hiện bà Hải ngồi cách chỗ Dinh hai hàng ghế.

Lúc xuống xe Dinh không dám giáp mặt bà. Không biết bà nghĩ gì khi biết Dinh cùng đi đón Vụ. Thôi thì cứ để đi đến nơi, nếu có gì không ổn đã có Vụ nói hộ. Hai người đàn bà, một già, một trẻ cùng đi về phía chân đồi, cách nhau chừng vài chục mét, con đường rải đá cấp phối lạo sạo dưới chân.

Dinh cố giữ khoảng cách như vậy từ ngoài đường nhựa. Hai hàng bạch đàn thẳng tắp reo vun vút bởi từng cơn gió mùa đông bắc thổi đến. Lạnh quá, Dinh thắt chặt thêm chiếc khăn len quàng cổ.

Chợt bà Hải đứng lại, bà đặt chiếc làn nhựa màu đỏ xuống vệ đường, bẻ một cành lá lót lên phiến đá ngồi nghỉ cho đỡ mỏi chân. Chẳng lẽ Dinh cũng dừng lại. Không, ai lại làm thế. Dinh mạnh dạn bước đến trước mặt bà lễ phép chào. Bà Hải đứng dậy mừng rỡ:

- Ôi Dinh đấy à? Lâu ngày quá. Lớn ngần này rồi. Cháu cũng đi đón thằng Vụ à?

- Cháu... cháu... dạ vâng ạ! - Dinh thở phào, không còn thấy rét nữa.

- Hôm nọ bác lên thăm nó, nó bảo tháng trước cháu cũng lên, nó còn nói nhờ có cháu nó mới chóng khỏi.

- Cháu có giúp được gì cho anh Vụ đâu ạ.

- Bác không biết, chỉ nghe nói vậy.

Thấy bà Hải vồn vã Dinh nóng bừng hết cả mặt, không hiểu bà nói thật lòng hay khách sáo.

Khi Dinh cùng hai mẹ con về đến nhà, ông Vĩnh đã sắp sẵn mâm cơm. Ông rất vui vì con ông đã khỏi bệnh, niềm vui ấy được nhân lên gấp đôi khi được gặp lại Dinh và biết chắc là hai đứa đã mến nhau. Bữa cơm tối hôm ấy thật đầm ấm. Nhấp chén rượu ông Vĩnh chậm rãi nói với Dinh những ý nghĩ như đã chuẩn bị sẵn:

- Thằng Vụ nó đua đòi bạn bè hư hỏng, may có nhà nước cai nghiện cho. Hơn ba năm trời héo hon vì con cái. Tiền nó lấy đi, bố mẹ cũng chẳng buồn làm ăn gì nữa, đang đủ ăn giờ hoá ra túng thiếu.

Giá ngày trước bác cố giữ cháu ở lại chắc không đến nỗi. Còn cháu tính nết thế nào bác biết, nếu cháu không chê thằng Vụ thì tết nhất xong bác sẽ cho người vào thưa chuyện với bố mẹ cháu.

- Cháu rất biết ơn hai bác - Dinh xấu hổ chín cả người, nhưng cố bình tĩnh nói tiếp - Việc này không vội đâu bác ạ, cháu muốn có thời gian, sợ bố mẹ cháu không đồng ý, vì cả bản chưa có ai lấy chồng người xuôi.

Hai ông bà nhìn nhau gật gật. Vụ thì mặt đỏ bừng bừng giả vờ cắm cúi ăn, thỉnh thoảng lại ngước lên nhìn trộm Dinh.

Sáng hôm sau Vụ lấy xe đưa Dinh về tận nhà. Khi chia tay Dinh lấy ra một chiếc vòng bạc được gói cẩn thận bằng chiếc khăn mùi soa có thêu đôi chim câu và hai chữ "Kỷ niệm", Dinh nói:

- Đây là chiếc vòng bạc, tiếng dân tộc gọi là cái "trằm" của mẹ em để lại. Giờ em gửi anh giữ hộ, anh không được làm mất. Con gái Mường chúng em khi tặng ai cái gì là chỉ nghĩ đến người ấy thôi. Nếu mai kia anh yêu người khác thì phải trả lại em cái "trằm" này.

Cầm chiếc vòng bạc trên tay, Vụ đứng ngây ra trong giây lát, hết ngắm chiếc vòng bạc, lại ngước mắt lên ngắm Dinh. Vụ nhận ra người con gái đứng trước mặt mình vừa xinh đẹp lại có tấm lòng nhân hậu.

Vụ nâng niu kỷ vật thiêng liêng mà Dinh đã dành cho mình, rồi đeo vào cổ tay, từ cái "trằm" ấy như toát ra một luồng điện chạy khắp cơ thể. Vụ nắm chặt hai bàn tay thon thả của Dinh, nước mắt Vụ lăn trên gò má, nhạt nhòa./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên