Cho một cốc trà đặc

Thật không diễn tả hết được cái nghiện nước trà làm tôi nhiều phen khốn đốn.

Nghe NS Minh Nguyệt đọc truyện

Căn bệnh nghiện nước chè của tôi phát sinh ở một hoàn cảnh như thế này: Bấy giờ là vào những năm chiến tranh thế giới thứ nhất, thời kỳ mà tìm được một mẩu bánh mỳ khô đã là quý lắm rồi. Một hôm, không biết bố tôi kiếm đâu ra một ống bơ to nước trà. Ông thả vào đấy mấy vỏ bánh mỳ khô, ngoáy lên rồi cho tôi uống. Khi ấy tôi mới độ chín tháng tuổi. Thế là nghiễm nhiên tôi trở thành nghiện nước trà.

Thật không diễn tả hết được cái nghiện nước trà ấy làm tôi nhiều phen khốn đốn. Hôm ấy vào buổi sáng, vì phải đi tiếp đến một nơi rất xa nên tôi dậy rất sớm. Ở khách sạn ai cũng biết tôi nghiện nước trà. Họ thường mang liền cho tôi mấy cốc. Trước khi ra khỏi phòng, tôi đã kịp uống hết bốn cốc.

Chắc các bạn đã biết công dụng lợi tiểu của nước trà. Cứ vào bốn cốc thì phải cho ra một cốc. Vì sợ nhỡ ôtô, nên tôi cứ để nguyên bốn cốc trong bụng, tôi phóng nhanh xuống dưới nhà. Gặp ông chủ khách sạn là một người vui tính và tốt bụng mà tôi mới quen biết, ông liền nói với tôi:

- Hãy còn thời gian từ giờ cho đến lúc xe chạy. Mời ông một cốc trà nhé!

 Tôi uống với ông ta cốc thứ năm.

- Tôi biết ông thích uống trà lắm - Ông chủ khách sạn nói - Vậy mời ông một cốc nữa!

Quả thực nước trà của ông ta rất ngon. Thế là thành sáu cốc. Tôi định xin phép đứng dậy thì vừa hay, một phụ nữ trung niên bước vào.

- Thưa ngài, tôi là người hôm qua được ngài tiếp chuyện bằng điện thoại đấy ạ! - Bà ta giới thiệu.

Bà ta hóa ra là nhà thơ, nhà viết tiểu thuyết kiêm viết kịch. Bà đưa tặng tôi mấy tác phẩm của mình.

- Xin lỗi bà dùng trà hay café ạ? - Tôi hỏi.

- Xin ông một cốc trà!

Chẳng lẽ chỉ gọi nước trà cho bà ta thôi thì thật bất lịch sự. Nên tôi lại phải cạn với bà ta.

Tôi bắt đầu cảm thấy hơi khó chịu sau khi dùng cốc thứ bảy.

- Cuộc sống ở đây mới buồn làm sao? - Cuối cùng bà ta nói sầu não.

- Vâng, nhất là lúc này tôi lại càng cảm thấy buồn... - Tôi nói - Giá như tôi trút bỏ được nỗi buồn này... Ôi! Tôi khó diễn đạt quá!.. Khó nói quá!..

- A! Thì ra ông...

Bà ta chưa kịp nói hết câu thì có ba người khác tiến đến chỗ chúng tôi. Đó là một tay bác sĩ của tỉnh và hai tay luật sư. Lại phải tiếp đãi họ. Vậy là cốc thứ tám đã cạn. Lúc này tôi cảm thấy cực kỳ là khó chịu rồi.

- Theo ý ngài, có cách gì giảm nhẹ gánh nặng cho dân chúng lúc này? - Viên luật sư hỏi.

Trời ơi! Làm sao có đầu óc để nghĩ đến chuyện đó nữa cơ chứ, trong khi chính tôi đang cần giảm nhẹ gánh nặng trong người!

- Tôi cần phải ra ngoài.

- Ngài định nói gì ạ? - Tay bác sĩ ngơ ngác hỏi.

- À, chắc là ngài muốn nói phải đi ra khỏi biên giới nước ta. Phải, chúng ta nên cho thanh niên đi du học... - Tay luật sư trả lời thay tôi - Vì có nhiều cái chúng ta phải học hỏi ở họ!

Nói xin lỗi các bạn, lúc này tôi đã buồn cứng cả người rồi, chẳng cần lịch sự gì nữa. Thôi kệ! Tôi bảo họ:

- Xin lỗi các vị một chút...

- Ngài làm sao thế?

- Tôi cũng không biết nữa, tôi cảm thấy... y như có gì nó...

-...Đè nặng trong người phải không? Thì tình cảnh nước nhà như vậy ngài bảo ai mà chẳng đau lòng...

Thấy mặt tôi lấm tấm mồ hôi, tay luật sư hỏi:

- Ngài khó chịu à?

- Vâng, tôi hơi khó chịu.

- Tôi có thuốc đây, ngài uống sẽ hết ra mồ hôi ngay!

- Thôi, tôi không uống đâu.

Mọi người đồng thanh nói:

- Ngài uống đi ạ!

Gần như họ ép tôi phải uống mấy viên thuốc và cốc nước:

- Tôi không chịu nổi nữa đâu!...

- Ngài vẫn thấy khó chịu ạ?

Tôi lảo đảo định đi ra thì có người vào thông báo ôtô sắp chạy. Tình trạng mỗi lúc một thêm nguy ngập: gần hai mươi vị trí thức của tỉnh mà tôi mới quen biết ra tiễn tôi. Trong lúc chờ đợi tài xế bơm lốp xe, họ lại mời uống trà. Cốc thứ mười làm tình trạng tôi hoàn toàn nguy kịch. Tôi không giữ sĩ diện nữa, hỏi thẳng xem nhà vệ sinh ở đâu thì được biết ở cách đây khá xa. Đúng lúc đó người tài xế đã bơm xong lốp xe bước vào:

- Mời các vị lên ôtô cho!

Cái bộ dạng của tôi thảm hại quá thể lúc này, vậy mà tôi vẫn phải mỉm cười với người tiễn tôi. Một nụ cười méo xẹo.

Tổng cộng là năm tiếng đồng hồ, chúng tôi mới đến nơi. Trên đường đi, có lúc dừng chân, tôi cũng đã bị mời thêm một cốc trà thứ mười một...

Hội nghị chưa khai mạc.

- Mang trà lại đây nhé!...

- Mang thêm trà lại đây nhé!..

- Mời ngài xơi nước!...

...Uống hết cốc thứ mười sáu, tôi bỗng cười phá lên như điên... Về đến khách sạn, tôi lăng ngay chiếc cặp vào góc phòng và hỏi người bảo vệ:

- Chỗ đi tiểu ở đâu?

 Anh ta đưa tôi ba tờ kê khai. Tôi đặt trước mặt anh ta tờ giấy khai sinh và nói:

- Đây, anh giữ lấy làm kỷ niệm! Tôi van anh đấy, chỗ đi vệ sinh ở đâu?

Ở phía cuối hành lang có một cánh cửa ghi số 00, tôi đập cửa nhưng cửa đã khóa. Tôi liền mở cánh cửa bên cạnh. Đó là phòng ngủ. Thôi thì đành vậy...

Chao ôi! Thật là nhẹ nhõm cả người! Tôi thản nhiên bước xuống cầu thang, tới gần tiệm café, khoan khoái thả người vào chiếc ghế và cất tiếng gọi người hầu bàn:

- Này anh bạn! Cho một cốc trà đặc nhé! Càng đặc càng tốt! 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên