Chuyến xe đời người
Truyện ngắn của Phạm Thanh Quy
Bà ngồi bên đống đồ mà lòng xốn xang. Ngày mai, chỉ ngày mai thôi là bà sẽ lại được về với con với cháu, với xóm giềng và vườn ruộng nhà bà. Thật tự do. Thật sung sướng. Chẳng như cái nơi này, ăn ngon, mặc đẹp mà như người dưng hay là tội phạm.
Thằng Hai nhà bà - cái thằng con quý tử mà bà hết lòng yêu thương và đặt cả hy vọng đã làm bà thất vọng. Nó làm gì chẳng biết mà hết họp sáng, lại họp chiều, rồi họp tối. Chao ơi, suốt ngày hội họp, suốt ngày chỉ ngồi phòng lạnh, xe lạnh. Thi thoảng nó mới có thời gian ở nhà nghiên cứu tài liệu và ăn cơm cùng mẹ. Mẹ muốn đi chơi thường là vợ nó đưa đi hoặc anh lái xe lo tất. Mấy tháng trời nó mới tự đưa mẹ đi chơi được một lần.
Đi nhiều, đi suốt chỉ sướng thân nó. Có tí tiền về nó lại đưa hết cho vợ, thi thoảng nó mới cho bà dăm chục một trăm. Bà cũng chẳng cần mua cái gì vì nhà nó quá dư dả, đủ đầy, bà cần gì có nấy. Dưng mà bà cứ thấy tưng tức thế nào ấy. Bao công bà vất vả sớm hôm để chăm bẵm nó, những tưởng nó là ông nọ bà kia thì cũng phải đặt bà lên trên nhất. Vậy mà…
Thằng Cả nghèo túng, vất vả nhưng công to việc lớn gì cũng phải hỏi ý kiến bà. Tiền bán thóc, bán gà vịt, tất tần tật nó đều đưa bà nắm giữ. Dâu tôi thì chỉ biết an phận thủ thường, lo làm lo ăn, lo hầu hạ mẹ chồng và chăm sóc con cái. Sống với thằng Cả, bà là người đứng đầu trong nhà, tiền hô hậu ủng. Bà nói không là phải bảo không, nói có thì phải bảo là có, cấm cãi. Thế mới là đứa con hiếu thuận.
Thằng Hai học cao, chức trọng mà đặt mẹ ở vị trí thấp, vợ nó coi thường mẹ, coi thường cả nó ấy chứ. Con vợ nó đáo để lắm. Đúng là sư tử cái. Chồng đưa tiền về, nó giấu biệt, cứ như sợ bà lấy trộm đem về cho những đứa ở quê không bằng. Bà đã ngần này tuổi rồi mà làm thế sao?
Vợ chồng thằng Hai nhà bà mua nhiều thứ thật lãng phí. Cái tủ lạnh cao gấp đôi người bà, thức ăn hết ngày là bỏ (chậc, bao nhiêu thức ăn nó bỏ đi cũng đủ cho nhà thằng Cả ăn hai ngày). Chưa kể nhà nó còn có một tủ đầy rượu ngoại quý đặt trên tầng 5, chẳng mấy người biết. Có chai rượu đắt đến 10 triệu.
Dùng bình nóng lạnh chưa đủ, nhà nó còn dùng điều hòa hai chiều hai cục gì đấy. Bốn mùa vợ chồng con cái nhà nó dùng đệm Kim Đan, chăn gối Hàn Quốc. Nhà có mấy phòng thì cả mấy cái điều hòa, trừ phòng khách, phòng ăn ở tầng một trang trí sơ sài, chỉ có cây quạt treo tường và cái quạt trần cũ kỹ.
Kể cũng lạ, chúng nó đâu có nghèo mà để hai phòng đó sơ sài, xấu xí vậy? Đã thế ai đến chơi mà gợi ý mua sắm đồ đạc cho phòng khách, thế nào cũng được con dâu bà cất giọng ngọt như mía, rền rĩ mình nghèo túng, khó khăn, đồng lương ít, phải tiêu pha nhiều, đóng góp học hành, lo việc học thêm cho con tốn quá. Cố gắng lắm mới xây dựng được nhà như thế này đấy. Còn số đồ đạc ít ỏi kia là do vay mượn ngân hàng, anh em và một phần hồi môn của vợ và tiền bán nhà đất mà mẹ chồng cho. Lúc ấy bà nghe mà ngượng chín cả mặt.
Con dâu bà khi về nhà chồng chỉ có mấy chỉ vàng và bọc quần áo rẻ tiền. Con trai bà nào được tiền, đất gì đâu. Bà chẳng dại gì mà chia đất sớm kẻo như ối người quê bà không có chỗ trú chân. Mà có được chia chác thì đất quê rẻ lắm, bán mảnh vườn mấy sào thì được mấy nả.
Bà thấy mình già rồi, như cây cằn cỗi. Bà lạc lõng giữa nhà con trai. Suốt ngày bà chỉ làm bạn với chị giúp việc. Mà chị giúp việc thì bận luôn tay, bà chẳng giúp được nhiều ngoài nhặt mớ rau, hay quét cái nhà. Làm việc ấy cũng phải vụng trộm, lúc con trai đi vắng, không chị giúp việc bị quở là lười, bắt người già phải làm việc.
Mỗi ngày ngồi rảnh, chờ con dâu trang điểm rồi đi làm, bà lại lẩm bẩm nói chuyện một mình và bâng khuâng nhớ về thời trẻ xa xôi. Ngày ấy bà vất vả, nghèo túng nhưng mà khỏe khoắn. Mùa hè, vừa đẻ xong mươi ngày, bà đã ra bể nước mưa dội nước ùm ùm. Hôm sau, bà để con ở nhà rồi phăm phăm lội xuống đồng gánh phân cấy lúa. Ham làm, sữa về căng vú, chảy ướt đầm vạt áo bà cũng không về, cố theo mọi người cho nhiều công điểm. Một đời bà lam lũ, ăn đói nhịn khát, lao động cực nhọc đã thành quen rồi, giờ nhàn rỗi, bà thấy ngượng nghịu và lãng phí làm sao.
Con dâu thành phố của bà thật ẽo ợt, điệu đàng. Sáng bảnh mắt mới nhún nhẩy bước ra khỏi phòng. Xong còn đánh răng, rửa mặt, tập thể dục giữ eo, rồi đánh phấn, rồi uống sữa, ăn bánh hoặc đi ăn quán, nhất định chẳng chịu ăn cơm do bà và chị giúp việc nấu. Nó bảo ăn cơm sáng nặng bụng, khó tiêu. Hai đứa trẻ thì được mẹ cho ăn, cho uống đúng giờ. Có ăn thêm hoa quả, bánh kẹo cũng nhất định phải sau bữa ăn 15 phút. Mỗi lần tiện tay, vả lại thương cháu còn thèm, bà định lấy cho cháu ăn thêm, nàng dâu chợt từ đâu đi tới, giữ tay bà lại:
- Mẹ, con đã nhắc nhiều lần rồi mà mẹ vẫn cứ cho cháu ăn lung tung, làm hư chúng nó.
Nghe nó nói nhẹ như gió thoảng, uốn éo từng từ mà bà sởn gai ốc. Thật quá thể. Đến quý cháu, cho cháu ăn thỏa thích khi cháu thèm nó cũng cấm giữ. Bà thấy mình quá tù giam lỏng, chẳng có tự do, chẳng có quyền hành. Mà bọn trẻ nhà này sống cũng như cái máy rôbốt vậy, mọi thứ phải chỉn chu, sạch sẽ, ăn, ngủ, nghỉ, chơi phải đúng giờ giấc. Bà làm sao mà nhớ cho hết lịch của chúng. Con dâu bà nhẹ nhàng, dịu dàng thế thôi nhưng rất kiên quyết bắt mẹ chồng, bắt người giúp việc và con cái phải răm rắp theo lệnh, theo lịch. Già như bà, lại là bề trên làm sao chịu sự điều hành, quản lý của nó được cơ chứ?
Cả ngày đó và những ngày sau bà cứ vẩn vơ, vơ vẩn nghĩ ngợi rồi ấm ức, rồi nhớ cháu, thương vợ chồng thằng Cả ở nhà. Những mong thời gian trôi đi thật nhanh, mau mau tới ngày chúng đưa bà về. Chờ, chờ mãi đến mỏi cả mắt, đến nẫu cả người mà chúng chẳng chịu buông tha, thu xếp cho bà về quê. Chúng bảo về quê làm gì cho khổ, mà đâu nghĩ sâu xa rằng bà thích sống trong không khí quê mùa, dẫu bữa ăn hàng ngày ít thịt, ít cá, lại chẳng có sữa và hoa quả cao cấp tráng miệng.
Buồn nọ chồng chất bực kia khiến đầu óc bà như mụ mị, miệng bà luôn nói ra những lời bực bội, đay nghiến, vậy mà chúng chẳng thèm nghe. Hỏi sao bà không giận, không bỏ về quê cơ chứ. Sáng nay, nhân lúc xe chở con dâu vừa chuyển bánh, bà tong tả chạy về phòng gói gém thật nhanh quần áo rồi len lén trốn ra khỏi cổng, không để chị giúp việc nhìn thấy.
Ôi chao, phố gì mà đông người thế. Chẳng hiểu người ta đi đâu mà lắm vậy, người nọ chen lấn người kia. Mấy lần bà phải dừng lại giữa đường hét lên vì sợ bị xe máy đâm phải. Cảm giác tự do và sảng khoái đến với bà khi anh phụ xe dắt bà lên chiếc xe vàng dài ngoằng, đặt bà ngồi lên chiếc ghế xanh và dặn:
- Cụ ngồi yên đây nhé, khi nào tới bến xe, con dắt cụ xuống.
Sau mấy tiếng, bà đã được trở về nhà. Lúc ấy là giữa buổi trưa. Cả nhà kinh ngạc khi thấy bà tong tả đi vào. Thằng Huy - con cả biết bà trốn về quê liền nổi giận đùng đùng. Dắt xe đạp ra, hắn nhảy lên, phóng một mạch ra phố gọi điện trước sự ngơ ngác, bất ngờ của cả nhà. Một lúc, hắn lại đùng đùng trở về, quẳng xe xuống sân, nói:
- Thằng Hai thật quá đáng, quá thể. Điện thoại cho nó, nó tắt máy. Điện thoại về nhà thì người giúp việc bảo đi liên hoan. Mẹ lên chơi có ít ngày mà vợ chồng nó cư xử như thế đấy. Phen này đừng có vác mặt về quê.
Dâu trưởng không để lỡ cơ hội, mát mẻ:
- Ai bảo nhà anh không có điện thoại riêng. Nếu có, nhìn số máy quen đố chú ấy dám tắt.
Anh Cả ớ người. Anh ngồi phịch xuống đất, chả thiết ăn cơm, mặt đăm chiêu nghĩ ngợi. Là anh em ruột nhưng phận anh và phận chú ấy khác nhau xa quá. Nhiều lúc nghĩ cũng tủi thân. Anh đã nghèo lại còn phải nuôi mẹ. Mẹ già vừa khó tính lại vừa lắm lời, nhiều khi cũng nản.
Tiếng là giàu có và thành đạt thế mà bao năm qua chú ấy nào đã cho anh mình cái gì ra hồn. Toàn những thứ thừa chú ấy thải ra. So với xóm giềng, những tiện nghi ấy kể cũng đáng giá nhưng so với địa vị giám đốc một công ty lớn, một người được hưởng hết lộc của cả nhà thì ngần ấy cũng chưa thấm thía gì. Vả lại, nếu có lắp cho anh cái điện thoại thì cũng chủ yếu là tiện lợi cho chú ấy gọi về hỏi thăm mẹ chứ sao? Một thoáng so bì, giận dỗi vậy thôi, anh Cả lại nguôi ngoai và quay sang mẹ:
- Cũng cả tại mẹ nữa. Ở đấy sung sướng thì không muốn. Lần nào cũng tìm cách trốn về, thật bẽ mặt con cái.
Nghe con gắt, bà thấy tủi thân. "Cha nó chứ. Bà nhớ nó, thương nó, nên bà mới trốn chứ có làm sao mà nó nặng lời với mẹ". Bà bỏ vào buồng, nằm vật ra. Rồi giấc ngủ đến với bà lúc nào cũng không hay.
… Khi bà tỉnh dậy thì trời đã xâm xẩm tối. Mấy đứa cháu đã đi học về và đang ngồi vơ suông. Con dâu bà thì đang mải miết vò đám lúa rối còn sót lại sau khi đã tuốt lúa bằng máy. So với dâu thứ thì nó xấu hơn, ăn mặc dĩ nhiên là xuềnh xoàng, cẩu thả. Nó cũng không phải là đứa hiền thục, nhưng được cái tốt nhịn. Ở với nhau bao lâu, mẹ con đã bén hơi nhau nên không cần phải giữ kẽ nhiều. Vả lại suốt bao năm qua nó phải nhẫn nhịn chịu sự quản lý của bà nên bà thấy dễ chịu lắm. Thấy bà lững thững đi ra sân, con dâu bà chợt mỉa mai gọi:
- Các con, mau dừng tay ra bà phát quà kìa. Ở phố có khác, trông bà béo trắng hẳn ra, đi lại cũng đủng đỉnh.
Bọn trẻ tưởng thật vội bỏ lúa, chạy ùa về phía bà, miệng rối rít:
- Bà, bà, quà của cháu đâu?
Bà đứng ngẩn người, ngạc nhiên vì thái độ và câu nói của dâu trưởng. "Mới có mấy tháng xa nhau, sao nó lại có thái độ coi thường, hỗn láo với bà vậy? Thật chả ra thể thống gì". Tự dưng bà thấy uất nghẹn trong cổ mà không thốt ra được. Bọn trẻ đang háo hức vây quanh, nhìn thấy vẻ mặt tức giận của bà thì chưng hửng.
Những ngày sau đó với bà thật nặng nề. Bà không sao thoát khỏi ý nghĩ con cái giờ đây đã trở nên bạc bẽo với cha mẹ. Chúng lấn át bà. Rẻ rúng bà. Coi bà là gánh nặng. Bà buồn và giận chúng. Thế nên nhất cử nhất động của con cháu, nhất là con dâu bà đều để ý, soi xét. Mà nó thay đổi thật rồi. Không còn là dâu hiền của bà nữa. Thỉnh thoảng nó lại buông một câu mỉa mai nhằm vào bà, khiến bà tức mà không sao tìm lời đáp lại được. Mà chả nhẽ nó nói một câu mình nói lại một câu, quá là đôi co kiểu trẻ con.
Nghĩ rồi bà lại bực lây sang cả thằng Hai. Thấy mẹ trốn về, nó không thèm về thăm mẹ và xin lỗi như mọi lần, mà chỉ điện thoại về nhà hàng xóm hỏi thăm rồi cho người về chơi, mang tí quà và tiền cho mẹ, cho anh. Nó bận đến đâu mà không tự về thăm mẹ? Hứa về sau mà mãi chẳng về khiến vợ chồng thằng Cả vừa giận, vừa coi thường bà.
Bực nọ chồng chất bực kia, tự dưng bà thấy tiếc nhớ cuộc sống đủ đầy trên thành phố. Nó đơn điệu, tẻ nhạt. Nó lạnh lùng, xa cách với bà nhưng dẫu sao cũng chẳng bị ai làm phiền. Một mình bà một cái ti vi, một cái đài, một cái quạt. Chán xem tivi thì mở đài, chán nghe đài thì xuống nói chuyện với chị giúp việc. Cả một ngày con cháu đi làm, đi học, bà được tự do, tĩnh tại.
Còn đây! Bà chẹp miệng. Con dâu bà dạo này ghê quá. Nó sợ như bà bám lấy nó, buộc nó phải trách nhiệm một mình vậy. Đến xem tivi nó cũng lườm nguýt. Nhà có một tivi, mỗi người một sở thích, mỗi người thích xem một kênh. Chỉ có con dâu bà là được độc quyền. Muốn xem kênh nào là mọi người phải theo.
à, mà phải rồi, nó đang bận trông lợn đẻ, bọn trẻ thì đi chơi, bà phải bật tivi xem một mình vậy. Bà xem say sưa, như lâu nay nhà không có tivi vậy. Bà chợt giật mình thảng thốt khi nghe cái anh phát thanh viên đưa tin về cái ông gì đánh bạc tới cả triệu đôla. Tiền đâu mà họ có lắm thế.
Bà chợt giật mình liên tưởng đến con trai của bà. Thôi chết rồi, nó hay đi khuya, nói là họp hành, liên hoan, không biết có phải vậy không? Mà nó làm cán bộ, lương có hạn sao xây nhà cửa, mua sắm nhiều tiện nghi đắt tiền đến thế? Thế thì bà phải lên ngay với nó, hỏi rõ ngọn nguồn và bảo ban nó, để nó đừng hư hỏng, sa đà như cái ông lãnh đạo nọ. Kiên trì và nói đúng ắt con bà phải nghe ra mà không sa ngã.
Nghĩ đến đấy bà sởn gai ốc, lòng dạ bồn chồn. Bản năng làm mẹ và tình yêu con làm bà không sao ngồi xem đến hết thời sự một mình. Bà lật đật chạy vào buồng, sắm sanh áo quần, cho vào tay nải. Mai bà phải lên thành phố ngay mới được! Mọi ấm ức xưa nay với con dâu, con trai bà xí xóa hết. Thằng Hai và các cháu chắc là mừng lắm khi gặp lại mẹ, gặp lại bà.
- Sáng sớm ấy, khi mọi người trong nhà còn đang say giấc, bà đã rón rén lách cửa đi ra ngoài, chân trần, đầu không dám đội nón vì sợ gây tiếng động. Tay xách dép, vai đeo nải, bà len lén đi như một tên trộm. Ra tới đầu làng, ngó lại phía sau tự dưng lòng bà bồn chồn. Cảm giác nhớ quê và một chút ân hận xâm chiếm lòng bà... Hơi đêm tạt qua mặt khiến bà khẽ rùng mình, ớn lạnh. Mà thôi, nghĩ vu vơ làm gì cho mệt. Lòng bà đã quyết, vả lại vợ chồng thằng Cả giờ đây đã đổi thay tình cảm nên bà quyết đi mà không trở lại. Sợ tình cảm mềm lòng, bà đứng phắt dậy đi thật nhanh ra đường cái quan.
Con đường Quốc lộ 1A nhỏ, trải dài ngút mắt. Qua Đồng Văn là đường cao tốc Cầu Giẽ - Pháp Vân. Đường mới to, nhiều làn nên chiếc xe chạy hết tốc lực. Trên chiếc xe khách 45 chỗ những người ngồi trong mệt mỏi, vẹo vọ dựa dẫm vào nhau và thiu thiu ngủ.
- Sắp về đến Ninh Bình chưa chú? - Bà hỏi rõ to.
Tiếng cười vang trên xe. Anh phụ bảo:
- Bà ơi, bà bị nhầm à? Đây là xe Ninh Bình - Hà Nội. Bà muốn đi Hà Nội hay về Ninh Bình?
Bà ú ớ nhìn quanh. Chân bà bỗng dưng muốn bước xuống bậc cửa khi anh phụ bảo:
- Bà có xuống đây để bắt lại xe không?
Nhưng từ trong sâu thẳm lòng bà lại có tiếng nhắc: "Phải lên ở với thằng Hai. Thằng Hai đang cần bà, bà phải luôn bên nó, nhắc nhở nó, chứ không cứ giống cái ông gì phải vào tù thì tội lắm. Bà già rồi, sức đâu mà đưa cơm cho nó, sức đâu mà đợi được nó mãn hạn tù. Bà phải ở bên con, phải che chở cho nó chứ". Thế nên chân bà cứ đứng yên tại chỗ, tay nắm chặt thành ghế, sợ lỏng một chút là sẽ phải xuống đường, phải chở về quê và xa đứa con yêu của mình.
Thấy bà lặng thinh, ngồi yên trên ghế, anh phụ xe gắt gỏng:
Bà già thật lẩm cẩm, làm mất thì giờ. Lần sau đi đâu nhớ bảo con cháu kèm nhé./.