Cõi mơ
Truyện ngắn của Song Nguyễn
Ở tuổi 55, tài sản quý nhất của bà là kho tàng những giấc mơ. Và bạn bè của bà cũng vẫn là những giấc mơ. Cũng như con người, không phải giấc mơ nào cũng trung thành với bà. Không ít giấc mơ đã bỏ bà mà đi ngay khi vừa tỉnh giấc. Đó thường là những giấc mơ buồn. Bằng chứng là bà hay thức dậy với khuôn mặt nhòe nhoẹt nước mắt sau những giấc mơ như thế để rồi cả ngày hôm đó cứ ngẩn ngẩn ngơ ngơ như vừa đánh mất một thứ gì vô cùng quý giá, để rồi đứa cháu gái gọi bà bằng dì thỉnh thoảng lại dõi theo mỗi bước chân của bà. Mắt nó khi đó ánh lên vẻ lo lắng và ngơ ngác đến tội. Cũng phải thôi vì thường ngày bà chỉ ngồi một chỗ đọc và đọc. Phòng bà ngổn ngang sách báo. Đến nỗi đứa cháu gái phải cau mày mỗi khi bước vào. Giận là giận vậy thôi chứ thật ra nó đã quá quen với cố tật này của bà từ lâu rồi.
Cháu bà tên Mai, được mẹ nó, tức em kế của bà, gửi đến ở với bà từ khi bà vừa nghỉ hưu “để chị có người bầu bạn cho vui cửa vui nhà”, như lời em gái bà nói. Mai mười chín tuổi, hiện là sinh viên năm thứ nhất tại một trường đại học trong thành phố và... vừa biết yêu. Tuy chưa từng hưởng một tình yêu đích thực... nhưng dấu hiệu của một kẻ đang yêu, nhất là dấu hiệu của một mối tình đầu làm sao qua nổi mắt bà dù nó đã cố giấu. Nhìn mắt nó kìa. Mắt nó đang ngời lên vì hạnh phúc làm cho bà đôi lúc phải thầm ghen tị. Lúc trước, dù không ở cùng nhà nhưng hai dì cháu lúc nào cũng quyến luyến nhau. Nhưng đó chỉ là chuyện của ngày xưa, cái ngày mà nó còn là con bé Mai gầy nhom lúc nào cũng quấn quýt bên bà mỗi khi hai dì cháu gặp nhau. Tình yêu mà nó dành cho bà bấy lâu, nay đã bị chia sớt cho kẻ khác hỏi không ghen sao được. Gã trai ấy, gã trai đang dần choán chỗ của bà trong trái tim con bé (thôi thì tạm gọi là kẻ choán chỗ vậy) hình như là bạn cùng lớp với nó. Là bà phỏng đoán thôi chứ con bé kín lắm. Khác xa ngày xưa. Mà ngày xưa cũng vừa cách đây khoảng vài tháng, nào có xa xôi. Nhưng thôi, mỗi phút, mỗi giây trôi qua, mọi chuyện đã là quá khứ cũng như hôm qua là quá khứ của hôm nay để rồi hôm nay lại là quá khứ của ngày mai. Những gì đã qua là qua hẳn, mãi mãi. Nước đã đổ ra có hốt lại cũng không bao giờ đầy. Tình cảm cũng thế. Tỉ như những lời xin lỗi. Cũng giống như viên thuốc giảm đau tạm thời, vậy thôi. Còn những ai đã trải qua những cơn đau thấu trời sẽ chẳng bao giờ quên được cái cảm giác đó.
Bây giờ, ngoài giờ đến lớp, về đến nhà con bé cứ vội vội vàng vàng làm việc nhà cho xong rồi rúc vào phòng riêng của nó. Thỉnh thoảng, bà bắt gặp nó thẫn thờ nhìn vào khoảng không vô định, hồn nó dường như đi đâu vắng. Bà hỏi mãi mà nó chẳng trả lời. Thôi rồi, văng vào lưới tình là khó thoát lắm đấy, cháu ạ! Nhưng yêu được thì tốt thôi. Ai lại như dì, đi gần trọn một đời người vẫn chưa biết thế nào là tình yêu.
Nỗi cô đơn không bao giờ buông tha bà. Nếu có kiếp trước như lời bà nội bà từng nói, hẳn kiếp đó bà đã gây ra bao nghiệp chướng để rồi giờ đây phải gánh chịu hình phạt khủng khiếp này. Sợ nhất là những đêm mưa. Buồn nhất cũng là những đêm mưa. Không thể nhớ hết bao nhiêu đêm mưa trôi qua đời bà, chỉ biết là trong căn nhà đó, vào những đêm mưa có một người đàn bà cứ trằn trọc cho đến sáng. Cắn chặt gối cố kìm nén nỗi khát khao, bà oằn đi trước ngọn lửa đang thiêu đốt trong người.
Đến tận ngưỡng bên kia của cuộc đời, bà vẫn chưa biết thế nào là một nụ hôn thật sự dù trong giấc mơ đôi lần bà đã được hôn. Sau những giấc mơ đó, bà thường trở nên yêu đời hơn. Thật lạ khi một nụ hôn có thể mang lại niềm vui cho con người.
Năm tháng cứ đè nặng vai bà. Bao người đã đến với bà với tất cả chân tình. Ào ạt có. Lặng lẽ có. Vậy mà trái tim bà vẫn không hề rung động. Tình cảm bà dành cho họ chỉ dừng lại ở sự cảm thông. Chỉ là tình thương không hơn không kém. Trong thiên hạ, bao người đã đến với nhau bằng tình thương đấy chứ nhưng với bà thì không. Bao đêm bà thầm nguyền rủa sự vô tình của mình. Nguyền rủa chán bà quay sang trách tạo hóa sao trớ trêu khi đã ban cho bà một trái tim vô cùng nhạy cảm nhưng lại không cho bà hưởng cái cảm xúc của tình yêu. Chắc là ngọt ngào lắm. Chắc là vi diệu lắm.
Run run lần giở từng lá thư đã nhuốm màu thời gian, bà rưng rưng nước mắt. Này đây lá thư tỏ tình đầu tiên bà nhận năm mười lăm tuổi. Lời lẽ ngô nghê lắm nhưng bà vẫn rất quý người gửi, một cậu bạn khác lớp, dù tình cảm bà dành cho Khánh, tên cậu bạn ấy mãi mãi chỉ là dừng ở ngưỡng tình bạn. Rồi lá thứ hai, lá thứ ba, lá thứ mười... Càng về sau, lời lẽ trong những lá thư ngày càng già dặn hơn nhưng dường như cũng kém phần lãng mạn hơn. Cũng phải thôi. Rồi cũng đến một lúc nào đó người ta chợt nhận ra rằng không thể cứ mãi sống với những ảo tưởng, những khát vọng, những ước mơ xa rời thực tế. Phải nhìn mặt đất dưới chân mình để đừng vấp ngã trước khi nhìn lên trời, chân lý ấy rồi người ta cũng nhận ra nhưng thời điểm nhận ra ở mỗi người mỗi khác.
- Dì đang nghĩ gì vậy?
- Ồ không, có gì đâu Mai. Con mới về à?
- Hôm nay con có đi học đâu. Dì lại giấu con rồi. Con biết dì đang có chuyện buồn, đúng không?
- Dì đã nói là không có gì mà. Mà nè, con... yêu rồi phải không? Dì biết hết rồi. Có gì đâu mà con giấu. Nó là ai vậy?
- Ơ... đúng là không có gì qua khỏi mắt dì tui. Thật ra, tụi con mới chỉ hơi thân thân thôi dì à. Thôi, con đi nấu cơm đây.
Mai vụt chạy, cố giấu đôi má ửng đỏ. Vậy là đúng rồi. Vậy là nó sắp quên mình rồi, bà thầm nghĩ.
Có một dòng sông chảy mãi trong những giấc mơ của bà. Xanh lắm và sâu lắm. Chẳng biết nó bắt nguồn từ đâu. Có lẽ từ chính nỗi khát khao trong tâm hồn. Sinh ra rồi lớn lên nơi đô thị, suốt đời bà ước ao một con sông cho riêng mình, để có thể quay về và lặng lẽ khóc bên nó sau mỗi lần vấp ngã. Rồi đứng dậy. Rồi đi tiếp. Đơn giản vậy thôi. Nhưng nào phải mỗi giấc mơ đều biến thành hiện thực. Nếu thế có lẽ thế gian này đã loạn lên rồi. Thôi thì đành sống với những giấc mơ. Dù sao vẫn còn hơn những kẻ nghèo nàn đến độ không biết mơ là gì.
Một gương mặt không rõ đường nét thỉnh thoảng hiện diện trong những giấc mơ của bà. Gương mặt đàn ông, có lẽ thế. Bao lần trong giấc mơ bà đã cố nhìn rõ mặt ông ấy nhưng mỗi lúc tưởng chừng sắp thành công cũng là lúc gương mặt ấy chợt tan biến như một ảo ảnh. Như chưa bao giờ xuất hiện.
Đôi lúc, trong giấc ngủ, bà đã gặp lại khu vườn tuổi thơ một thời nuôi dưỡng những ước mơ của bà. Khu vườn ấy đã chứng kiến bà lớn lên từng ngày. Bao nhiêu năm trôi qua mà nó vẫn hiện lên rõ nét trong những giấc mơ không đầu không cuối. Ngôi nhà bà đang ở dẫu đẹp hơn hẳn ngôi nhà của bà thời thơ ấu nhưng những kỷ niệm về ngôi nhà cũ kỹ với mảnh vườn tuổi thơ không thể nào phai nhạt trong bà.
- Con qua nhà bạn một chút, dì nhé?
- Ừ, nhưng nhớ về sớm đó! Đem áo mưa theo đi con. Tối nay trời mưa đó.
- Khoảng 9 giờ con về được không dì?
Con bé vừa đi được khoảng 15 phút, trời bỗng đổ mưa. Mưa không lớn mà cứ dai dẳng như chẳng bao giờ kết thúc. Cũng như cuộc đời bà. Nhiều lúc thầm nghĩ mỗi người chỉ có một cuộc đời nhưng sao lại không có quyền được quyết định sự tồn tại của mình. Thụ động khi sinh ra. Thụ động khi mất đi. Thụ động trong tất cả mọi việc. Dường như những giây phút thật sự sống cho mình của mỗi người rất ngắn. Đời người là một chuỗi những lo sợ không hơn không kém. Lúc nào người ta cũng sợ làm mất lòng người khác. Mãi rồi thành thói quen. Ngoài xã hội và cả trong gia đình.
Mưa rơi lộp độp trên lá. Mưa rơi tí tách trên mái nhà, ngôi nhà tự tay bà mua được sau một thời tuổi trẻ miệt mài làm việc nhằm khỏa lấp nỗi trống vắng trong tâm hồn. Một tâm hồn tật nguyền. Vì tật nguyền cho nên cũng thật đáng thương. Bà thường nghĩ về mình như vậy.
Tiếng xe cộ ngoài đường xem chừng thưa thớt. Cũng phải thôi. Họa chăng có là điên mới lang thang ngoài đường giữa tiết trời này. Vậy mà có một thời bà đã từng mơ mộng và lãng mạn như thế. Tất cả như vừa xảy ra hôm qua.
Chỉ vài giờ nữa thôi bà lại lên giường. Chứ còn biết làm gì hơn. Trằn trọc, thao thức cố dỗ dành giấc ngủ. Rồi chìm dần vào những giấc mơ không đầu không cuối, giấc mơ mang bóng hình con sông, giấc mơ mang khuôn mặt người đàn ông bí ẩn, giấc mơ chứa cả khu vườn tuổi thơ xa ngái...
Mưa vẫn lộp độp, tí tách bên ngoài.
Ngày mai, biết đâu một sự bất ngờ nào đó sẽ xảy đến. Ở tuổi này mà vẫn còn hy vọng vào ngày mai kể cũng hơi buồn cười. Biết làm sao được. Kể ra, ai cũng phải tự tìm một lý do biện minh cho sự tồn tại của mình trong đời. Có kẻ sống vì gia đình. Có kẻ sống vì lý tưởng. Có kẻ sống để biết ý nghĩa của cuộc đời. Cũng có kẻ sống để chờ ngày tan vào hư không. Giữa sự mất mát và sự lãng quên, đâu là điều đáng sợ nhất nhỉ? Có lẽ là sự lãng quên. Bởi lẽ một ai đó mất đi nhưng có thể vẫn tồn tại trong ký ức của người đối diện. Mất nhưng còn là vì vậy. Một người chỉ thật sự chết khi không còn ai nhớ đến. Dẫu đau đớn nhưng vẫn phải chấp nhận. Nhưng thôi, bàn đến sự mất còn làm gì. Bổn phận của mỗi người là phải sống, chờ đợi và hy vọng... Biết đâu ngày mai sẽ khác. Còn nếu ngày mai vẫn thế thì đành tiếp tục cái vòng luẩn quẩn ấy. Vẫn là sống, chờ đợi và hy vọng. 55 năm đằng đẵng đã giúp bà đúc kết được những điều này.
Ngày mai còn xa, xa lắm!./.