Con còng gió mồ côi
Truyện ngắn của Nguyên Tùng
Tôi nói với Hạnh:
- Nếu không gặp lại Hạnh, cậu sẽ ân hận suốt đời vì vết thẹo ấy. Vết thẹo do chính mình đã gây ra.
Chị Hai tôi cố nở nụ cười trên gương mặt méo mó hằn rõ sự đau đớn thể xác cố kìm nén pha lẫn với niềm xúc động:
- Em chỉ vô tình thôi mà. Lúc ấy em hãy còn là trẻ con. Ai nỡ trách lỗi lầm của một người chưa có đủ ý thức.
Hạnh không nói gì, chỉ mỉm cười vô tư. Chị Hai tôi buông bàn tay đang mân mê vết thẹo chỉ còn là một vệt mờ nhạt chạy dài từ ót xuống bả vai của cô con gái, bước chậm chạp đến chiếc võng được thắt bằng dây chuối giăng ở hai cây cột của căn nhà cất theo kiểu trính. Dù chị cố tình quay nhanh tôi cũng kịp thấy hai giọt nước long lanh nơi khóe mắt. Tôi hiểu những điều chị vừa nói là xuất phát tận đáy lòng và giọt nước mắt kia chính là biểu hiện của niềm vui quá lớn. Nhìn cái dáng đi chậm chạp nặng nề của người bị xơ gan cổ trướng ở giai đoạn cuối của chị tôi thấy thật ái ngại. Tôi nói với chị điều mà từ lâu tôi cảm nhận khi nhớ về cảnh hiu quạnh của chị và đứa cháu lúc ấy chưa biết sống chết ra sao:
- Có những lỗi lầm dù do sự vô ý nhưng nó đã gây đau khổ cho kẻ khác suốt đời. Em sẽ không tha thứ cho hành động ấy của mình cho dù lúc ấy em còn là đứa con nít, chưa lường hết được hậu quả cái điều mình đã gây ra.
Nãy giờ Hạnh như người ngoài cuộc dù câu chuyện mà chị em tôi đề cập tới liên quan trực tiếp đến Hạnh.Có lẽ vì muốn phá tan bầu không khí bỗng nhiên chùng xuống ấy, Hạnh cất tiếng, giọng thật vui:
- Sao cậu cứ tự làm khổ mình điều mà không ai còn nhớ. Nhưng cũng chính nhờ vết thẹo ấy cậu mới nhận ra Hạnh kia mà.
Hạnh nói đúng. Nếu trên người Hạnh không có vết thẹo ấy thì chắc gì tôi đã nhận ra đứa cháu gái của mình mà từ lâu tôi cố công tìm kiếm.
Cuộc đời nhiều lúc xảy đến những việc lạ thường không sao giải thích được. Không là tín đồ của một tôn giáo nào nhưng đôi lúc tôi cũng dựa vào những triết thuyết với niềm tin của họ và cảm thấy lòng thanh thản hơn. Đó là lúc tôi là kẻ đón nhận hay chứng kiến những sự ngẫu nhiên mà dù mình có thông minh cũng không hề lường trước được.
Tôi đã gặp Hạnh lần đầu ở quán Phong Lan. Ở cái thị xã nhỏ bé của một tỉnh đồng bằng này Phong Lan là quán nhậu sang nhất chỉ dành riêng cho giới thượng lưu. Nhưng sang là một chuyện còn chuyện khác mới quyết định cho việc thu hút thực khách. Quán có dàn tiếp viên lịch sự, xinh đẹp sẵn sàng phục vụ từ A đến Z nếu khách có yêu cầu, lại rất kín đáo. Vào đây khách sẽ yên tâm vì danh tánh được hoàn toàn bảo mật, uy tín không hề bị mất mát nếu một trong những vị cùng đi chẳng nói ra. Nghĩ cho cùng thì không ai dại dột làm chuyện ấy vì như thế cũng chính anh ta đã tự tố cáo mình. Nghe đâu quán được bảo kê chắc chắn.
Tôi không là khách ruột của quán Phong Lan hay đúng hơn là vị khách bất đắc dĩ. Nói cho rạch ròi, vì bản tánh tôi vốn nhút nhát, sống có phần khắc kỷ ngay với bản thân mình. Anh bạn thân, cũng trong giới họa sĩ trong một lần vui miệng nói chân tình: “Mày sống như một thầy tu, chẳng có chút nghệ sĩ tính nào. Tranh của mày dù có toát lên đôi chút lãng mạn, đường nét tuy có tài hoa nhưng hãy coi chừng, ý tưởng sẽ bị xơ cứng vì nó đóng khung trong phạm trù đạo đức. Thời buổi này không ai bỏ tiền mua những thứ ấy nữa”. Anh có quyền lên lớp tôi như vậy vì ở lãnh vực chiều theo thị hiếu khách hàng thì anh nhạy bén hơn tôi nhiều, và rất thành công. Điều đáng nói sự thành công ở “nghệ thuật mang giá trị kinh tế” ấy có phần không nhỏ do cá tính của anh. Anh không thuộc dạng “quậy” tưng bừng nhưng hơi “bốc” một chút, buông thả một chút, không hẳn tin một điều gì và cũng không bất mãn một điều gì. Anh giao du đủ mọi giới, đủ mọi hạng người mà hầu như ai cũng thích. Tác phẩm của anh, nó đem lại tiếng tăm và cuộc sống sung túc cho anh thì hầu hết không đến mức khó hiểu buộc người xem phải động não nhiều, cũng không rơi vào tầm thường đến mức dung tục. Điều này thì chính anh thú nhận. Anh tự xếp loại mình vào “trường phái tưng tửng” và theo anh “trường phái tưng tửng” này sẽ trụ vững ít ra là tới những năm đầu của thế kỷ XXI.
Sự giao du rộng rãi cộng với cá tính ấy chính là nghệ thuật quảng cáo tuyệt vời cho tác phẩm của anh. Nó vừa là nhịp cầu vừa là động cơ của hàng loạt bài báo về anh. Các vị chức sắc, những vị đại gia hào phóng mua tranh với niềm hãnh diện, chứng tỏ rằng mình cũng thuộc hạng người biết yêu nghệ thuật.
Tôi rất nể anh và thầm cám ơn những lời khuyên chí tình ấy nhưng tự biết rằng mình sẽ không làm được như anh. Biết sao được, khi cá tính của tôi vốn vậy.
Lẽ thứ hai, là họa sĩ như tôi làm gì đủ tiền để bước chân vào chốn sang trọng ấy: Tìm thú vui chỉ một nhưng hoang phí đến mười. Nếu cần vui thú với bạn bè, chúng tôi thường kéo nhau đến quán Cây Táo - quán nhậu bình dân của thiếm Ba Lìn, người gốc Triều Châu. Vậy là có dịp nói với nhau đủ chuyện trên trời dưới đất, có khi chỉ là để lắng nghe, sẻ chia nỗi phiền muộn mà người bạn thân đang gặp phải.
Hôm ấy, lần đầu tiên tôi đến quán Phong Lan vì không tiện từ chối lời mời nhiệt thành của Tuấn, người bạn học thời phổ thông, cũng là dịp để biết thêm cái thú ăn chơi của các bậc thượng lưu. Tuấn là giám đốc một công ty thường xuyên quan hệ với khách nước ngoài. Không thể ngờ rằng cái anh chàng Tuấn “Gà Cồ” hồi nào giờ lại nổi danh ở lĩnh vực kinh tế. Nghe đâu anh chàng về nhận chiếc ghế giám đốc cũng là nhận luôn một khoản nợ khổng lồ do vị tiền nhiệm để lại. Vậy mà chỉ trong vòng chưa đầy hai năm tiếng tăm công ty cùng tên tuổi vị giám đốc nổi như cồn. Báo chí hết lời ca ngợi như một điển hình cung cách quản lý trong cơ chế thị trường.
Tôi nhớ khoảng một tháng sau ngày Tuấn nhận chân giám đốc, anh đến thăm tôi. Trong câu chuyện tôi có tỏ ý lo ngại cho anh về khoản nợ ấy nhưng anh chỉ mỉm cười, vẻ tự tin. Tuấn không hé lộ cho tôi biết chút gì về kế hoạch điều hành cái công ty đang rệu rã ấy, chỉ tấm tắc khen bức tranh tôi đang vẽ dở. Thú thật trong tôi hoàn toàn chưa có ý định nào về mục đích sử dụng bức tranh. Nó được hình thành là do cơn đột hứng, khi mà tâm hồn tôi bỗng quay về kỷ niệm tuổi ấu thơ. Một cô bé lên ba ngồi trong khung cửa hẹp của ngôi nhà lá nghèo nàn, tay nắm sợi nhợ mà đầu kia được cột vào chiếc càng lớn màu hồng của con còng nhịp. Một tay cô bé trong tư thế đang vỗ xuống đất để kích động, chú còng theo bản năng vừa cố sức chạy vừa giương chiếc càng khổng lồ lên tự vệ. Gương mặt cô bé rạng rỡ, say mê, không hề hay biết phía sau lưng mình có chú bé khoảng mười ba tuổi đang bưng trên tay tô mật còn bốc khói. Bức tranh mới ở dạng phác thảo, không hiểu nó khơi gợi điều gì ở Tuấn mà anh tỏ ra rất thích thú. Một tuần sau, bức tranh được hoàn chỉnh theo phong cách dân gian tôi đem tặng Tuấn. Chỗ bạn bè chơi thân chúng tôi tránh nói với nhau những điều khách sáo hoặc tâng bốc, có khi ở ánh mắt hay chỉ là sự im lặng mà cũng hiểu được, cũng cảm thông được tâm trạng của nhau. Vì thế qua cách đón nhận bức tranh tôi hiểu Tuấn xúc động đến mức nào.
Không ngờ bức tranh có duyên số lạ lùng. Vừa qua công ty của Tuấn đã ký kết hợp đồng với một tập đoàn kinh tế Nhật Bản mà qua báo chí nó sẽ thu về cho tỉnh số ngoại tệ không nhỏ. Để kỷ niệm cho mối quan hệ hợp tác ấy Tuấn đã trao tặng bức tranh cho vị đại diện tập đoàn.
- Sao Tuấn lại tặng tranh. Ông ta là nhà doanh nghiệp kia mà, biết ông ấy có thích? - Tôi băn khoăn hỏi Tuấn.
- Ô, ông ấy thích lắm. Là thương gia nhưng ông ta rất mê tranh. Trong bộ sưu tập của ông có nhiều tranh của họa sĩ Việt Nam. Ông thích bức đó lắm.
Tôi cảm thấy buồn. Không hẳn là buồn Tuấn, cũng không hẳn là vì tiếc bức tranh. Công bằng mà nói thì bức tranh chẳng có gì đặc biệt nhưng giá như nếu phải thay nó bằng bất cứ bức nào trong số tranh còn lại của tôi thì tôi cũng sẵn sàng không phải băn khoăn. Còn bức ấy, tôi không muốn chút nào. Nếu không phải là Tuấn thì chắc chắn tôi sẽ không bao giờ tặng hay bán nó cho ai cả. Bởi nó là nỗi ám ảnh thường xuyên của một kỷ niệm buồn thời niên thiếu mà với Tuấn tôi cũng chưa một lần thổ lộ.
- Bình cho mình xin lỗi. - Như đọc được suy nghĩ của tôi Tuấn nói giọng chân thành - Tặng nó, mình tiếc lắm. Nhưng nghĩ đến lợi ích chung mình phải bấm bụng mà hy sinh chút riêng tư vậy.
Tôi cũng không biết trả lời Tuấn thế nào. Thôi thì dù sao chuyện cũng đã rồi.
*
* *
- A, vậy ra anh là họa sĩ à?
Tiếng reo của cô gái đột ngột làm tôi giật mình. Tôi lúng túng thật sự khi nhận ra đó là cô tiếp viên của quán Phong Lan. Tôi còn nhớ tên cô ta là Mai - ấy là do cô ta tự giới thiệu vậy thôi chứ trời biết có phải đó là tên thật. Với mấy cô gái này thì Hồng, Mai, Lệ, Thúy, Hạnh, Hiền... đều có thể trở thành tên cả, biết đâu đó chỉ là một trong năm bảy cái tên mà cô từng giới thiệu với khách.
- Chắc Mai đi làm về?
Tôi hỏi thế vì lúc ấy đã hơn mười một giờ đêm. Cô không trả lời mà chỉ khẽ gật đầu trong lúc nhìn những bức minh họa tôi vừa vẽ xong để kịp giao cho báo ngày mai. Cũng lạ, chỗ tôi ở với quán Phong Lan không nằm trên một tuyến đường, vậy chẳng lẽ nhà cô ta cũng cùng dãy phố với mình mà từ lâu tôi không biết. Tôi nhớ mình chưa hề gặp cô ta trừ lần duy nhất ở quán. Nhắc đến chuyện ấy tôi vẫn còn thấy ngượng. Trong lúc Tuấn rất hoạt, anh đã sử dụng cả mũi, cả miệng, cả tay một cách sành sõi, “điệu nghệ” trên thân thể cô gái (mà tôi biết anh cố nhận về mình cô không được bắt mắt cho lắm, còn nhường cô vừa trẻ vừa đẹp cho tôi) thì tôi lại ngồi trơ như tượng gỗ. Chất men của những lon bia không đủ kích thích (hay là vô hiệu?) đối với hệ thần kinh quá yếu đuối của tôi. Cảm thấy mình lạc lõng giữa mọi người ở đây và thú thật trong tôi dần len đến nỗi xấu hổ, vì tự thấy mình chẳng giống ai. Tôi hối hận việc mình bước chân vào đây vì không muốn để Tuấn hiểu lầm từ chối chính là biểu lộ sự quý trọng bức tranh hơn tình bạn. May mà cô gái ngồi bên tôi có vẻ thùy mị, đoan trang chứ không mơn trớn đến mức lố lăng như cô ngồi cùng Tuấn.
- Kìa Mai, chăm sóc bạn anh đi chứ! - Dù say sưa đùa nghịch đủ mọi trò Tuấn vẫn không quên để ý đến tôi. Có lẽ anh cho rằng tại tôi mới đi lần đầu nên chưa quen, cần có sự hướng dẫn, săn sóc đặc biệt của cô gái thì tôi sẽ hòa nhập được.
Nhưng Mai là cô gái tinh tế. Sau mấy lần tôi lịch sự từ chối việc cô đút thức ăn hay lau mặt cho tôi thì cô không làm nữa. Trong tôi chợt bật lên ý nghĩ là hãy sẵn sàng đón nhận nụ cười thậm chí những lời lẽ chế diễu của cô gái. Không biết lúc ấy mình còn đủ sức chịu đựng không hay buộc phải đứng dậy ra về với bộ mặt ngây thộn. Nhưng chuyện ấy đã không xảy ra.
- Mai hát anh nghe nghen.
Cách gỡ bí cho tôi của Mai quả là thông minh. Nàng đem đến cây đàn ghi-ta thùng. Vậy là đôi tay của tôi không trở nên thừa thãi nữa rồi. Tôi đệm bài “Đêm đông”, Mai lắc đầu bảo không hát được bài ấy. Tôi khe khẽ hát “Buồn tàn thu” Mai cũng nói không thuộc. Thôi thì em cứ hát bản nào em thích miễn là nó lấp kín khoảng thời gian đối với tôi quá nặng nề này. Những bài hát ruột của nàng lại rơi nhằm những bản mà ngày này sang ngày khác chiếc cassette nhà bên cạnh cứ tra tấn tôi. Có nhiều bữa không chịu nổi tôi phải lấy bông gòn nhét đầy hai lỗ tai, rồi đóng kín tất cả các cửa lại. Vậy mà lúc này chính nó là vị cứu tinh của tôi.
Để phá tan sự im lặng có lẽ Mai cũng như tôi đang hồi nhớ lần gặp gỡ bất đắc dĩ ấy, tôi nói:
- Chắc là Mai rất khó chịu khi gặp phải những vị khách như tôi?
Cô ta không trả lời thẳng câu hỏi, nhìn tôi cười lém lỉnh:
- Con bạn em nó gọi anh là “gã khờ cuối thế kỷ”, nhưng chính vì vậy mà em tin.
- Tin gì?
- Thú thật là em đang bị theo dõi. Quán bị bắt quả tang, đóng cửa rồi. May bữa đó em bịnh nghỉ ở nhà nên không bị bắt. Hổm rày thất nghiệp, mỗi tối em phải đi rảo những con đường tìm khách. Tình cờ qua ngang đây thấy anh em nhớ ra ngay. Anh vẽ đẹp quá. Em nghe người ta nói mấy ông văn nghệ sĩ là chúa”quậy”, mà sao anh hiền khô, “lụ khằm” vậy?
- Tại anh là “gã khờ cuối thế kỷ” mà!
Nàng cười liếng láu. Tiếng cười thật hồn nhiên, thoải mái như cười với người thân. Dù bây giờ phần nào tôi yên tâm sự xuất hiện đột ngột của nàng nhưng tôi vẫn không tin những điều nàng vừa kể. Có bao nhiêu điều tôi cần biết nhưng hỏi chắc gì nàng nói thật, huống hồ lúc này mà đem những lời giáo huấn lên lớp thì lập tức tôi sẽ trở nên thằng lố bịch. Nghĩ vậy nên tôi chỉ đẩy đưa cho có chuyện và chú ý từng cử chỉ của nàng. Bất chợt tôi như không tin ở mắt mình khi nhận thấy vết thẹo từ ót xuống bả vai rồi khuất trong viền cổ áo thun lúc Mai cúi xuống xem bức tranh. Tôi bước lại gần, và dù cố ghìm cơn xúc động vẫn cảm thấy đôi chân mình khẽ run:
- Xin lỗi, cho tôi tò mò một chút, vết thẹo...
Mai nhìn tôi cười thẹn:
- Ối, em bị phỏng hồi nhỏ ấy mà.
- Hiện nay Mai sống với ai?
- Em ở một mình. Thật ra cũng không biết cha mẹ là ai nữa. Em bị lạc hồi còn nhỏ.
- Ngoài tên Mai, Mai còn có tên nào khác?
- Mai chỉ là tên gọi ở quán thôi chứ em tên là Hạnh.
Trời ơi, Hạnh - “Con bé Gió Bấc” đây sao?
*
* *
Chuyện chị Hai tôi chửa hoang ngày càng lan rộng. Từ cán bộ tới dân thường, từ làng trên đến xóm dưới đâu đâu cũng nghe người ta bàn tán xôn xao. Người nhân hậu thì nói nhẹ nhàng: Vượt trăm sông nghìn suối để rồi chết đuối tại lỗ chân trâu. Gay gắt hơn họ mỉa mai, xỉa xói: Cán bộ nói một đường làm một nẻo. Mới ngày nào còn đứng trước đám đông rao giảng đạo đức, mà nay chính mình lại sa sẩy đầu tiên. Lúc đó tôi còn nhỏ tuổi nhưng thấy thái độ mọi người xung quanh và sự cam chịu của chị Hai cũng hiểu được mức độ nghiêm trọng của nó.
Trong những năm chiến tranh chống Mỹ, chị Hai tôi là chính trị viên của trung đội nữ mang biệt danh “Bộ đội Thu Hà”. Ở Bến Tre, vùng đất được hợp thành bởi ba dãy cù lao này cái biệt danh ấy luôn gây sự bất an cho giặc. Sau giải phóng, chị chuyển ngành về làm Phó bí thư Đảng ủy xã. Suốt cuộc chiến tranh không hề tai tiếng gì về phẩm hạnh vậy mà đùng một cái... Người ta đồn rằng trong đêm gió bấc tràn về chị đã sa vào vòng tay của gã đi soi. Những trận phê bình, những lời xỉa xói chị vẫn không nêu tên anh ta. Chị chấp nhận mất tất cả. Đứa bé ra đời trong sự ghẻ lạnh, dè bĩu của mọi người. Chị đặt tên cho nó là Hạnh nhưng họ cứ gọi (dĩ nhiên là sau lưng chị) là “Con bé Gió Bấc”. Người ta nhìn nó xầm xì to nhỏ cố nhận ra những nét đặc biệt trên gương mặt non nớt hồn nhiên kia để liên hệ với một ai đó trong làng - cái anh chàng đi soi đêm ấy. Cũng có người không nhịn được đã hỏi thẳng chị: “Cha đứa bé là ai?”. Chị chỉ mỉm cười. Sau này thấy chị khổ cực, vất vả quá tôi hỏi vì tức cái anh chàng vô trách nhiệm kia thì chị xoa đầu tôi: “Tại chị muốn như vậy mà, anh ấy không có lỗi. Chị không nói vì không muốn phá vỡ hạnh phúc của kẻ khác. Em chỉ cần biết bé Hạnh chính là niềm hạnh phúc của chị. Chị đã lỡ thời, xấu xí...”. Nhiều năm sau này câu nói giữa chừng uất nghẹn của chị cứ ám ảnh tôi.
Một ngày vào khoảng tháng ba âm lịch, tôi còn nhớ hôm ấy chúa nhật nên tôi nghỉ học. Sáng sớm nấu cơm ăn xong chị Hai tôi dặn:
- Bình ở nhà chơi với bé Hạnh, chị đi “trạc” khuôn muối, rồi quạt nước vô ruộng luôn xế chiều mới về. Có ba ổ mật ong chiều qua đi rừng đốn củi chị hốt được em ở nhà vắt ra đem thắn kẹo, để dành cho ngoại làm thuốc.
Tôi khoái chí. Vậy là tôi với “Gió Bấc” tha hồ nhấm nháp cái chất deo dẻo mà ngọt lịm của sáp ong. Khoái nhất vẫn là cầm nguyên ổ mật cắn ăn nhưng chị Hai nói để dành phần ngoại nên tôi không dám ăn hỗn. Rừng nước mặn ở quê tôi hiếm mật lắm nhất là từ khi người ta phá dần để làm ruộng muối, nên mỗi khi hốt được một vài ổ ong bọn trẻ con chúng tôi được ưu tiên nhất vẫn chỉ là phần tàn ong sữa, còn mật thì để dành những khi thật cần thiết. Ngoại tôi nói: “Mật ong thắn kẹo để lâu năm làm thuốc tốt lắm”. Tôi cũng không biết ngoại làm thuốc trị bệnh gì ngoài lần tôi bị đau bụng đi chảy ngoại cho uống và lần cậu Út đi rừng bị đạp miểng bom máu chảy lênh láng, ngoại cầm chai mật rót xối xả vào vết thương rồi mới cho người cõng đi trạm y tế. Còn tại sao phải thắn mật trên lửa thì tôi không hiểu. Ngoại nói vậy thì nghe vậy.
“Gió Bấc” đã được ba tuổi và phá như “quỷ sứ”. Nó cứ lẽo đẽo theo tôi, lục lạo, phá phách hết buông vật này lại bắt cái khác khiến tôi không làm gì được. Tôi dỗ nó:
- Cậu làm cho “Gió Bấc” con ngựa kéo chơi, “Gió Bấc” chịu hôn? - Biệt danh này chỉ khi nào không có chị Hai tôi mới gọi, xem ra con bé cũng khoái.
- Dạ chịu.
Tôi ra sau nhà đuổi bắt được một chú còng nhịp lạc hang. Con còng đẹp lắm, mình nó màu xanh có điểm những chấm đen trắng, đặc biệt chiếc càng to hơn ngón tay cái màu hồng. Tôi lấy sợi nhợ cột nơi khuỷu càng rồi thả nó xuống đất. “Gió Bấc” vỗ tay reo vang:
- Á ngộ, á ngộ. Cho con, cho con.
Tôi đưa sợi nhợ cho nó nắm rồi dặn:
- “Gió Bấc” ngồi chơi với “ngựa” để cậu thắn mật cho bà cố. Nhớ không được thọc tay vô càng, còng kẹp sứt tay nghen.
- Dạ.
Mật thắn xong, tôi trút ra tô định bưng lên để ở bàn nhà trên. “Gió Bấc” ngồi choán chỗ đường đi, đang say sưa la hét, tay đập đập xuống đất. Con còng bò nhanh, miệng nó sủi bọt, giương càng lên như chiếc gọng kìm.
- Tránh ra, tránh ra.
Con bé mê chơi không đếm xỉa tới lời tôi. Tôi đứng lừng khừng không dám bước ngang sợ vấp phải sẽ đổ nhào tô mật trên người nó. Lúc này mật đã nóng ra tới khu tô, tôi nổi cáu:
- Tránh ra không thôi tao đổ lên đầu bây giờ.
“Gió Bấc” bỗng hét lên thất thanh rồi ngã nhào lăn lộn dưới đất. Không ngờ tôi chỉ dứ dứ định dọa nó thôi nhưng sơ ý tô mật bị nghiêng, nhễu xuống ngay ót con bé.
Vết phỏng sau đó lành lặn nhưng do da bé còn non, nên đã để lại một vết thẹo dài. Và câu chuyện lầm lỗi thời thơ dại cũng không đến mức dằn vặt tôi mãi đến bây giờ nếu như “Gió Bấc” không bị thất lạc. Tuy việc sau này tôi không có lỗi nhưng mỗi khi nhớ đến nỗi đau quá lớn ấy cứ ngày càng rút kiệt sức lực chị Hai thì nó thường trực hiện đến ám ảnh tôi.
Năm sau quê tôi lâm vào nạn đói khủng khiếp. Dĩ nhiên đó là hậu quả tất yếu của đất nước vừa trải qua cuộc chiến tranh dai dẳng, nhưng tỉnh tôi ở mức nghiêm trọng vì thêm nạn sâu rầy. Người dân dắt díu, đổ xô nhau vô Đồng Tháp, Cà Mau làm thuê, làm mướn để có cái ăn, dành dụm chút tiền mua lúa chở về. Sông rạch dập dìu ghe xuồng, người lớn, trẻ con nheo nhóc còn bị mang tiếng là lũ “rầy nâu”. Chị Hai tôi và bé Hạnh cũng nằm trong số đó. Trong một chuyến đi lúc chở lúa về vượt trạm không thoát, ghe lúa của chị bị giữ lại. Dọc dài dưới bến sông trước trạm hàng trăm ghe xuồng cùng chung cảnh ngộ. Chị dẫn bé Hạnh theo những người đi cùng lên bến để chờ “giải quyết”. Biết là sẽ chờ lâu mà “Gió Bấc” cứ khóc lóc vòi quấy chị đồng ý để mấy đứa nhỏ cùng đi chung đoàn dẫn nó vô chợ. Không biết lơ đễnh thế nào mà chúng để lạc mất con bé.
*
* *
Ngắm lại bức tranh lần cuối tự thấy hài lòng tôi loay hoay xếp dụng cụ vào chiếc túi du lịch. Gió mạnh hơn lúc nãy đôi chút nhưng vẫn chưa xua tan được mùi khăn khẳn tanh nồng của những con tàu đầy ắp cá vừa từ biển trở về trộn lẫn mùi của những giàn khô chưa đủ nắng trên xóm bãi. Sóng đã chồm lên gần tới dãy bần con lưa thưa nơi bãi cát chạy dài bỗng dưng ngoặt thành hình cánh chỏ. Dù đã quen thuộc với biển từ thuở ấu thơ tôi vẫn luôn có cảm giác nôn nao mỗi khi triều lớn. Mới lúc nãy mặt biển còn lùi xa cách dãy bần hàng trăm mét vậy mà chỉ thoáng chốc mặt cát chi chít những đụn cát tí hon - thành quả lao động miệt mài của những chú dã tràng - bị những lượn sóng ập đến xóa tan, bãi cát chìm trong làn nước.
- Ô, đẹp quá!
Hạnh đã rời bỏ những lượn sóng đùa nghịch dưới chân, đến phía sau tôi từ lúc nào.
Tôi kẹp bức tranh vào tấm bìa cứng trao Hạnh cầm và định nói: “Nó đẹp là nhờ Hạnh” nhưng kịp ghìm lại vì bỗng nhiên Hạnh cất tiếng cười giòn giã. Tiếng cười và ánh mắt Hạnh báo cho tôi biết Hạnh đã có những ý nghĩ khác ẩn sau tiếng reo chúc tụng có vẻ hồn nhiên. Từ ngày chị Hai tôi mất, đây là lần đầu tiên Hạnh có giọng cười ấy. Nỗi buồn nào rồi cũng vợi đi nhường chỗ cho cái tươi tắn, liếng láu vốn dĩ đã có từ một cô gái trẻ. Có lẽ vậy.
Ngồi xuống chiếc ghế mây ở hàng ba của quán hướng về phía biển, tôi gọi cho tôi ly cà phê đen, còn Hạnh chai Coca cola:
- Hạnh không thích bức này à? Vậy mà lúc vẽ cậu đã hứng khởi thật sự. Hạnh không nhận ra cô bé một mình nghịch sóng là chính Hạnh sao?
- Hạnh biết cậu vẽ Hạnh nhưng dù sao đó cũng chỉ là cái cớ gợi niềm cảm xúc nơi người nghệ sĩ. Còn khi nó đã thành đường nét trên bức tranh thì cô gái ấy không còn là Hạnh nữa.
- Vì cậu vẽ Hạnh từ phía lưng, không phải vẽ gương mặt Hạnh như bức chân dung nên nhìn không giống?
Cô gái mỉm cười. Phin cà phê đã ngưng nhỏ giọt. Hạnh đặt phin xuống bàn, dùng muỗng xúc đường để vào ly cà phê và khuấy nhẹ. Đó là cử chỉ tỏ vẻ chăm sóc của đứa cháu gái đối với người em trai của mẹ mình. Tôi cảm nhận nó với niềm hạnh phúc khi nhớ đến nụ cười và những giọt nước mắt cố giấu che của chị Hai ngày tôi đưa Hạnh trở về. Chị không qua khỏi căn bệnh quái ác mà đến nay y học còn chịu bó tay nhưng tôi nghĩ chị đã ra đi trong thanh thản. Về phần tôi dù có đau buồn nhưng không ân hận và nỗi ám ảnh về vết thẹo trên người đứa cháu do lỗi lầm xưa đã vợi đi nhiều. Hạnh nhìn tôi cái nhìn ngầm chứa vẻ vừa trìu mến vừa chọc ghẹo như hôm Hạnh bất ngờ xuất hiện ở phòng tôi vào lúc nửa đêm.
- Cậu giả vờ ngây thơ hay cậu thấy Hạnh dốt mà nói vậy. Có gì giống với không giống Hạnh ở đây.
- Chứ Hạnh cười gì?
Hạnh dùng chiếc ống hút bằng nhựa xoay xoay cục nước đá trong ly. Gió làm những sợi tóc bay lòa xòa hai bên má.
- Thời gian về đây Hạnh nhận ra là má rất tinh tế, còn cậu thì thật ngây thơ. Cậu đừng giận và cũng đừng hiểu lầm sự ngây thơ này với điều “giả vờ ngây thơ” thuộc lãnh vực nghề nghiệp của cậu mà Hạnh nói vừa rồi. Hạnh cũng không có ý chê trách cậu đâu, thậm chí còn quý cậu nữa. Ý Hạnh là sự ngây thơ của cậu thật dễ thương. Chính vì vậy mà Hạnh không thể không cho cậu biết điều mà đến lúc nhắm mắt má cũng không nỡ nói.
- Điều gì có vẻ nghiêm trọng vậy? Chị Hai không nói, nhưng sao Hạnh cũng giấu cậu? - Trong tôi thoáng nghĩ đến lai lịch của cha đẻ Hạnh.
- Cậu trách thì Hạnh chịu nhưng Hạnh tin rằng sau này cậu sẽ hiểu. Có những sự thật mà lúc nào cũng được phơi bày đến mức trần trụi chưa hẳn đã hay.
*
* *
Và bây giờ, sự thật đó nằm gọn trong bức thư Hạnh gửi cho tôi qua đường bưu điện sau một tuần tôi về đến cơ quan.
“An Thủy, ngày... tháng... năm...
“Anh Bình,
Chắc anh ngạc nhiên vì cách xưng hô này, không phải là cậu với Hạnh nữa. Bởi em là Mai - cái tên mà anh biết được ở quán Phong Lan - chứ không phải “cô bé Gió Bấc” thất lạc ngày nào. Cái tên Hạnh chỉ là một trò đùa với gã khờ là anh lúc đó, không ngờ có sự trùng hợp lạ lùng. Cả vết thẹo nữa. Có điều vết thẹo này không do phỏng mật hồi nhỏ đâu (chuyện này anh không cần biết làm gì khi nó quá thường tình trong giới tụi em). Thật lòng Mai đã xúc động trước nỗi đau của người mẹ mất con và trước sự dằn vặt của người trót gây lỗi lầm cho kẻ khác, dù do sự vô tình. Lúc ấy em ước mình chính là Hạnh - “cô bé Gió Bấc” biết bao nhiêu. Em không tốt đến mức chỉ nghĩ đến đem lại niềm hạnh phúc cho Má trong những ngày cuối cùng hay để trút bỏ niềm ân hận quá đáng của anh đâu, mà chính là vì em. Khi một người sắp sửa chết đuối muốn vào được bờ ít ra cũng cần chiếc phao để bám víu - Và cái vai “cô bé Gió Bấc” chính là chiếc phao ấy. Mai tin việc mình đem lại niềm hạnh phúc cho người khác chính là sức mạnh giúp Mai vững bước trên đường làm lại cuộc đời.
“Anh biết không, Má nhận ra vai diễn của Mai ngay ngày đầu tiên. Dĩ nhiên lúc ấy không ai nói điều gì nhưng cả Má và Mai đều hiểu. Giờ thì chắc anh nhận ra vì sao đến phút cuối Má cũng không nỡ nói với anh sự thật này. Chính điều đó, trong những ngày sống với Má Mai mới nhận ra rằng: Sự hướng thiện dẫu sao cũng chỉ là niềm an ủi nhất thời chứ chưa phải đem lại niềm hạnh phúc trọn vẹn.
“Bây giờ Má không còn, không lý do gì Mai đóng giả Hạnh nữa. Anh đừng nghĩ thời gian qua Mai là “cô bé một mình nghịch sóng” (dù Mai hiểu điều này không liên quan gì đến ý tưởng bức tranh anh vẽ ngoài bãi biển). Những ngày tháng ở đây sẽ là kỷ niệm đẹp nhất đời em, nên từ bây giờ cái tên Mai Hạnh sẽ đi theo em suốt quãng đời còn lại. Yên tâm đi, Mai sẽ không trở lại đường cũ đâu “Gã khờ cuối thế kỷ” ạ.
Em tin rằng rồi sẽ có ngày anh tìm gặp được Hạnh - “cô bé Gió Bấc” thất lạc ngày nào”.
Mai Hạnh của anh”.