Công bố sách tư liệu Hán Nôm về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam

VOV.VN - Cuốn sách nằm trong chương trình nghiên cứu về biển Đông của các cán bộ Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.

Sáng nay (3/6), Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã tổ chức họp báo công bố cuốn sách “Một số tư liệu Hán Nôm về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở biển Đông”.

Cuốn sách do Viện Nghiên cứu Hán Nôm, thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam thực hiện và do Nhà xuất bản Khoa học Xã hội ấn hành, nằm trong chương trình nghiên cứu chung về biển Đông của hơn 50 cán bộ Viện trong hơn 10 năm qua.

Bìa cuốn sách "Một số tư liệu Hán Nôm về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở biển Đông"

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng – Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho biết: “Việc xác định biên giới, chủ quyền quốc gia là việc làm quan trọng hàng đầu, nhất là trong bối cảnh, tình hình như hiện nay, khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép vào vùng đặc quyền quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của nước ta. Từ trước đến nay, ở Việt Nam cũng như ở nước ngoài, đã có nhiều công trình, đề tài của các học giả nghiên cứu về chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vùng biển của nước ta ở biển Đông. Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cũng đã sưu tầm tư liệu từ nhiều đơn vị khác nhau, được ghi chép bằng cả tiếng Hán Nôm và tiếng nước ngoài, thể hiện nhất quán, rõ ràng về vấn đề chủ quyền biển đảo này”.

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng khẳng định cuốn sách ra đời kịp thời trong bối cảnh quan trọng như hiện tại

Đề tài nghiên cứu đã được nghiệm thu cấp Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, với bản thảo có độ dày khoảng 3.000 trang. Nhưng để phục vụ kịp thời công tác nghiên cứu, khai thác và phát huy hiệu quả của đề tài, 46 tư liệu Hán Nôm và 18 bản đồ có giá trị, được lựa chọn và in trong cuốn sách với độ dày 500 trang. Các tư liệu và hình ảnh bản đồ được thu thập từ kho tư liệu của Viện Nghiên cứu Hán Nôm và sưu tầm từ các địa phương. GS.TS Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, trong đó có nhiều tư liệu gốc lần đầu tiên được công bố qua cuốn sách. Đặc biệt, cuốn sách không chỉ đề cập tới chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa mà còn cả chủ quyền với các vùng khác thuộc biển Đông, cũng nằm trong vùng tranh chấp với Trung Quốc.

Là người tham gia biên soạn cuốn sách, PGS Trịnh Khắc Mạnh – Nguyên Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam chia sẻ: “Trong quá trình sưu tầm các tư liệu, bước đầu chúng tôi đã tiến hành sưu tầm tư liệu Hán Nôm về chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các cùng biển của Việt Nam ở biển Đông, gồm các loại văn bản như: bản đồ, địa chí, lịch sử, văn bản hành chính, tạp văn, cùng nhiều loại tài liệu khác. Trong đó, có các tập bản đồ đáng chú ý như: “Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư” được soạn vẽ vào năm 1686, hay “Thiên hạ bản đồ”, “Thiên Nam lộ đồ” có những ghi chép quan trọng về Bãi Cát Vàng - tức Hoàng Sa”.


Ghi chép về "Bãi Cát Vàng", tức Hoàng Sa trong "Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư"

Các bộ sử, địa chí, hội điển cũng được giới thiệu trong cuốn sách như: “Đại Việt sử ký tục biên” do chúa trịnh Sâm sai biên soạn vào năm 1775; “Phủ biên tạp lục” do Lê Quí Đôn soạn và viết tự năm 1776; bộ “Đại Nam nhất thống chí” do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn năm 1882…, cho tới các tập châu bản triều Nguyễn. Các loại tư liệu này đều minh chứng, Nhà nước đã phái người ra quần đảo Hoàng Sa để đo đạc, cắm mốc, vẽ bản đồ về mang trình tấu triều đình, và đặt đội hải thuyền mang tên Hoàng Sa, Bắc Hải, thực hiện những chuyến ra khơi để quản lý biển đảo.

Ngoài ra, cuốn sách còn bao gồm các tập thơ văn, tạp văn viết về hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, là những ghi chép của các nhà thơ, nhà văn trong những chuyến công cán về hiện trạng lịch sử địa lý lúc bấy giờ, điển hình là tập thơ “Đông hành thi thuyết” của Lý Văn Phức. Đồng thời, còn có những ghi chép từ cuốn “Khải đồng thuyết ước” do Phạm Vọng và Ngô Thế Vinh nhuận sắc, đây là cuốn sách giáo khoa dạy các kiến thức về xã hội, địa lý, đề cập tới bản đồ ghi Hoàng Sa thuộc Việt Nam. Điều đó cho thấy Nhà nước phong kiến Việt Nam đã luôn quan tâm đến việc giáo dục ý thức coi trọng chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển ở biển Đông cho những thế hệ người Việt Nam.

Bản đồ ghi Hoàng Sa thuộc về Việt Nam trong cuốn sách giáo khoa "Khải đồng thuyết ước"

PGS Trịnh Khắc Mạnh khẳng định: “Đây đều là những tư liệu thuộc về Nhà nước Việt Nam quản lý, không chỉ có giá trị khoa học mà còn là căn cứ pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của nước ta ở biển Đông. Các tư liệu, bản đồ cũng chứng tỏ trong lịch sử, Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam và Nhà nước Trung Quốc mới chiếm đoạt từ năm 1974. Sự thật lịch sử cần phải được tôn trọng, chứ không thể nói một cách gian lận và trắng trợn như các nhà cầm quyền Trung Quốc hiện nay”.

PGS Trịnh Khắc Mạnh khẳng định, cuốn sách mang giá trị khoa học và là căn cứ pháp lý khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam


Đây là cuộc đấu tranh mang tính lâu dài, vì thế trong thời gian tới, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam sẽ tiếp tục quá trình nghiên cứu, sưu tầm để giới thiệu rộng rãi tới công chúng những tư liệu quý khác, góp phần lên tiếng bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Dự kiến, những tư liệu, bản đồ trong cuốn sách “Một số tư liệu” Hán Nôm về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở biển Đông” sẽ sớm được đưa vào sách giáo khoa, trong chương trình giảng dạy của giáo viên, để tuyên truyền nhận thức một cách sâu rộng hơn tới các em học sinh Việt Nam về vấn đề chủ quyền biển đảo./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên