Của đi mượn
Truyện ngắn của Đào Nguyễn
Cái nền khu công nghiệp mới đổ được già nửa mốc giới. Sao người ta lại tháo hai cái ống bơm hút cát từ sông Cái vào? Dân làng Hạ hỏi nhau. Dân làng Hạ bàn tán: Hay người ta thay ống to đổ cát cho nhanh? Không phải, vì ống cũ bỏ đi không thấy thay ống mới. Chả nhẽ người ta không làm khu công nghiệp nữa? Người vào quán lão Cư uống nước và cứ bàn tán. Lão Cư cũng góp chuyện: có khi người ta không lấy đất lúa làm khu công nghiệp nữa. Vị cán bộ trung ương hôm về thăm huyện đã chả bảo thế là gì?
Ấy là lão Cư cũng nghe anh trưởng ban văn hoá xã nói lại, chứ lão đâu có biết. Lão Cư và người làng Hạ thấp thỏm chờ. Buổi phát tin chiều của đài truyền thanh xã không thấy nói. Cả các ngày sau, cũng không nhắc đến. Rồi người làng Hạ cũng nhạt dần chuyện có đổ cát lấp ruộng làm khu công nghiệp nữa hay không. Nó cũng giống như trước đây dân làng Hạ cứ thắc mắc: chả biết vì sao cái khu công nghiệp làm trên đồng đất làng Hạ mà lại lấy tên một xã của tỉnh bạn, nằm ở tận bên kia sông?
Thật chả bù cho cái năm mới mở khu công nghiệp. Làng Hạ cứ sôi lên. Xe các loại cuốn tung bụi đường làng. Cái quán nhỏ của lão Cư ở xóm Chùa cũng thay mới cái biển “Cháo lòng tiết canh”, viết bằng sơn trắng trên tấm tôn xanh, trông cũng bắt mắt. Hôm nào đông khách về làm việc, lão Cư còn được xã đặt làm cơm. Lão làm cơm cũng thường thôi. Nhưng bát cháo lòng, bát tiết canh của lão, khách ăn rồi khó mà chê được cái quán ở làng Hạ này.
Ông trưởng phòng kinh tế huyện, có cặp mắt hiếng, lần đầu còn nghi ngại, vào tận bếp nhìn lão Cư làm. Ăn rồi ông ta mới gật gù bảo chủ quán: "được đấy". Rồi ông ta trở thành khách quen. Mỗi lần có việc về làng Hạ ông ta chả quên ghé quán cháo lòng tiết canh của lão. Ở làng thôi, nhưng lão Cư lại là người rất biết đưa đẩy chuyện. Đã vào quán của lão, ai có chuyện to nhỏ gì rồi cũng cứ nói ra hết. Anh trưởng ban văn hoá xã, cũng phải vui vẻ mà nhận là: "cái quán của lão Cư thế mà có khối chuyện".
Đúng là hàng ngày ở quán, lão nghe được lắm chuyện.Của làng Hạ, của xã và của cả thiên hạ nữa. Hay, dở, đúng, sai thế nào chả rõ. Nhưng lão Cư chả đi đâu mà vẫn là người thạo tin vào loại nhất ở làng Hạ. Chưa động thổ khu công nghiệp, với cái tên đi mượn kia, lão đã phát ra chắc như đinh đóng cột: làng Hạ ta đổi đời đến nơi rồi.
Đổi đời thế nào thì lão cũng chưa nói rõ được. Nhưng lão cũng cứ quyết gọi tay hàng thịt trên phố huyện về bán lợn. Gom góp thêm, lão lên thị xã sắm con xe mới cứng. “Để cho thằng con có cái mà đi làm”, nghe lão Cư nói vậy, làng Hạ như mắc bệnh lây. Họ đôn đáo sắm xe, kẻo “trâu chậm uống nước đục”. Nhà chưa đủ, cũng tính lên ngân hàng thế chấp vay tiền. “Đền bù đất, khối tiền trả”, những nhà có ruộng nằm trong cột mốc của khu công nghiệp chẳng phải lo. Rồi làng Hạ lại có thêm những quán mới. Chẳng bằng quán lão Cư, nhưng cũng có kẹo, bia. Có quán còn bày cả mấy mớ rau vườn nhà, với tấm bìa bằng các-tông ghi hai chữ thật to đặt ở bên cạnh: rau sạch. Cái nền khu công nghiệp chưa làm mà cứ như cục nam châm hút việc người làng Hạ.
Quán lão Cư chẳng mấy khi vắng khách. Thi thoảng lão lại rỉ tai: phen này những nhà có ruộng thu hồi làm khu công nghiệp giàu to rồi. Ruộng “nhất đẳng điền”, tất phải có giá. Người không có ruộng trong chỉ giới xem ra lại tiếc. Lão Cư khấp khởi nghĩ, thể nào cũng kiếm được món tiền, tuy chưa biết rõ, nhưng chắc là phải to. Ở làng Hạ này làm bao giờ cho được. Lão và người làng Hạ hồi hộp chờ.
Ngày công bố giá đất, lão mới tá hỏa: nhất đẳng điền mà một mét vuông, lão tính “chỉ mua được hơn chục bìa đậu phụ". Lại tiếc ruộng. Chỉ có thằng con lão là chả thấy tiếc. Nó với lũ bạn chỉ mong sớm có một xuất làm ở khu công nghiệp. Làm ruộng bây giờ đám trẻ làng Hạ không thích. Cũng có người làng Hạ giữ ruộng, không nhận tiền đền bù. Nhưng rồi cũng chả được. Làng Hạ còn nghèo, nhưng người làng Hạ lại sẵn lòng tin: “nước nổi, bèo nổi”. Lại nghe cái lí: có khu công nhiệp thì huyện giàu, xã và dân cũng giàu.
Chẳng thể nào khác. Thế là lão Cư và những nhà có ruộng bị thu hồi làm khu công nghiệp cũng theo nhau ra Ủy ban nhận tiền đền bù. Khi hai chiếc ống bắt đầu phun cát từ sông Cái vào lấp ruộng ở ngoài cánh đồng, thì trong làng Hạ, nhiều nhà cũng kịp đổi xe đạp lên xe máy. Xe máy từ các cửa hàng trên thị xã theo nhau về làng Hạ. Xe chưa gắn biển cũng chạy. Trong làng, ngoài ngõ, người làng Hạ nhiều lúc cứ giật thót vì tiếng xe, nhất là đám trẻ con và người già.
Trong những ngày đó có một người làng Hạ không có ruộng để tiếc. Đó là cụ cả Trương. Trước đây cụ sống bằng nghề đi xây nhà cho cả vùng. Cụ cả không yên, khi thấy cát từ sông Cái vượt đê, vượt đường quốc lộ, ào vào nuốt dần khu ruộng. Thế rồi một buổi sáng, Lão Cư thấy cụ cả “khăn đóng áo dài”, chống gậy vào uỷ ban xin gặp ông chủ tịch xã. Từ Uỷ ban ra mà vui, ắt là được việc. Còn không, cứ gọi là như nhà …có trộm. Đằng này cụ cả ra về, không vui, mà cũng chẳng thấy buồn. Lão Cư chịu không đoán được.
Nhưng rồi chuyện cụ cả vào uỷ ban cũng được anh trưởng ban văn hoá xã nói: ông chủ tịch xã lại vui, chứ không lo. Cụ cả chả đến để đòi đền bù. Cụ cả chỉ xin có một yêu cầu. Nhưng để giải quyết cái yêu cầu đó, ông chủ tịch lệnh cho anh trưởng ban văn hoá xã đi điều tra: tại sao lại gọi là "cây gạo ông Thanh" ? Khi nào chặt bỏ cây gạo, để đổ nền khu công nghiệp, anh phải nhớ báo cáo cho ông chủ tịch xã biết. Còn sau đó làm gì, ông chủ tịch xã khắc nói.
Nghe việc được giao, anh trưởng ban văn hoá xã cũng thấy bất ngờ. Đình, chùa, đền, miếu làng Hạ, anh đều đã có “lí lịch”. Còn vì sao lại gọi “cây gạo ông Thanh” thì anh chưa thấy ai nói. Lúc bé đi chăn trâu, lũ trẻ làng Hạ chơi dưới bóng cây. Lớn đi làm đồng, người làng Hạ lại trú bóng “cây gạo ông Thanh”, cho đỡ lúc nắng, mưa. Thạo chuyện làng Hạ như lão Cư cũng chả biết. Nhưng vốn là tay lõi moi chuyện ở cái làng Hạ này, cứ từ quán lão Cư mà bắn tin ra, thể nào cũng biết được chuyện “cây gạo ông Thanh”.
Quả như dự đoán, và không phải chờ lâu, anh cũng đã có cái để báo cáo ông chủ tịch xã. Cứ theo xác minh, thì cụ cả Trương nói không sai. Đúng là ông nội của cụ cả trồng cây gạo. Ông cụ lại có tên là Thanh. Người làng Hạ cứ thế truyền nhau gọi “cây gạo ông Thanh” cho đến bây giờ. Anh trưởng ban văn hoá xã coi đây cũng là một phát hiện mới về chuyện cũ của làng cho nên phải ghi lại. Anh rút từ trong cái cặp da đen đã sờn các góc, một cuốn sổ tay. Lật giở tới một trang mới, anh nắn nót ghi: sử cũ làng Hạ và chép lại chuyện cây gạo ông Thanh. Làm xong cái việc tốt đó, anh kể lại với lão Cư. Lão vỗ vai anh:
- Cái anh này thế mà giỏi.
Sử cũ làng Hạ tưởng đã hết. Nào ngờ,khi ngồi chỉnh sửa, anh lại phát hiện: còn thiếu một chuyện: ấy là con ngòi thoát nước có tên gọi là ngòi Mới vừa bị lấp gần hết để làm nền khu công nghiệp. Con ngòi đó thoát nước cho cánh đồng làng Hạ và cả vùng. Con ngòi Mới ấy, ai đào và đào từ bao giờ? Từ trước tới nay cũng không thấy ai nói.
Sáng hôm sau anh trưởng ban văn hoá xã lại đến quán lão Cư. Lão Cư không biết. Nhưng anh đã có cách làm. Chuyện đào con ngòi Mới không chỉ được phát ra từ quán lão Cư. Lần này anh còn gửi giấy về cho các trưởng thôn nhờ các bậc cao niên làng Hạ và cả vùng tìm hiểu giúp. Chả dễ như cái chuyện cây gạo ông Thanh. Nhưng rồi anh cũng thu thập được các chứng cớ, đủ để điều tra rõ ngọn ngành.
Số là con ngòi do cụ chánh Yến khởi đầu. Thấy con ngòi cũ tự chảy, lại cứ vòng vo theo các bậc ruộng, nên khi gặp mưa nhiều, nước chảy không kịp, khiến cánh đồng làng Hạ và cả vùng nhiều phen ngập úng. Cụ chánh Yến bèn họp các ông chức sắc làng Hạ và các làng có chung cánh đồng, bàn đào con ngòi mới. Bàn qua, tính lại, rồi làng Hạ và dân trong vùng cũng bỏ công đào được con ngòi vừa thẳng,vừa ngắn thay con ngòi cũ. Người làng Hạ đi làm đồng thật tiện. Con ngòi được gọi luôn là ngòi Mới. Nước từ các vùng xung quanh thoát qua ngòi Mới làng Hạ, cứ là dốc kiệt nước. Vì con ngòi nằm trong đồng đất làng Hạ, nên anh ghi tiếp chuyện con ngòi Mới vào phần "Sử cũ làng Hạ".
Nhà cụ chánh Yến nay chỉ còn bà cháu dâu. Bà cũng không biết chuyện này. Mà nếu có biết, chắc bà cũng thấy chả có gì phải nói. Cậu con trai cả của bà được đi lao động xuất khẩu ở nước ngoài, lấy vợ đầm, không về ở quê nữa. Sử cũ làng Hạ thế là đủ cả, chả sót sự việc nào. Còn chuyện mới làng Hạ thì đã rõ. Nào là đường, trường học hai tầng, trạm xá xã,và đường điện… công trình nào cũng được anh trưởng ban văn hoá xã ghi rõ ngày, tháng, năm khởi công và khánh thành. Mà công trình nào của làng Hạ cũng được xếp vào loại đứng đầu hàng huyện. Nhất là đường, có những hai con đường nhựa lớn từ quốc lộ nối vào con đường nhựa liên huyện chạy qua làng, trước quán lão Cư. Khách đến làng Hạ cứ xuýt xoa khen. Mà không khen sao được. Các công trình của làng Hạ đều tính bằng tiền tỉ, mà người làng Hạ chẳng phải góp một đồng xu. Làng Hạ thật đúng là đổi đời rồi. Anh trưởng ban văn hoá xã mơ, sẽ có ngày những công trình mới đó được in trong cuốn sách sử về làng Hạ và của xã.
Chuyện dừng bơm cát lấp ruộng làm nền khu công nghiệp làng Hạ tạm lắng. Nhưng làng Hạ không yên. Làng Hạ bỗng nổ ra những chuyện cứ gọi là động trời, vì từ trước tới nay lão Cư chưa từng thấy xảy ra. Thoạt đầu là bắt được mấy chiếu bạc ở xóm Chùa. Con bạc không chỉ là người xóm Chùa. Các con bạc lẫn kẻ chứa bạc bị phạt và phải đi lao động giáo dục ít ngày ở huyện. Thằng con trai lão Cư cũng bị bắt trong một chiếu bạc. Lão chả còn muốn nói, muốn cười với ai.
Nhưng vợ chồng lão thấy cũng còn may. Con lão chỉ vướng vào cờ bạc. Làng Hạ còn có người nghiện hút. Công an huyện phục bắt được cả kẻ đem thuốc về bán. Phen này cứ gọi là tù mọt gông. Vợ lão Cư bảo: bên bờ con ngòi phân ranh giới, giữa phần còn lại của cánh đồng làng Hạ với khu công nghiệp, thấy vất cả kim tiêm với xi lanh. Có việc đi qua cứ thấy rợn cả chân.
Người làng Hạ chưa bao giờ lại nháo nhác lo như lần này. Lão Cư thấy đám ngồi chiếu bạc và con nghiện, xem ra rặt những chật mới thấc lên như thằng con trai lão. Mấy năm rồi chúng cứ làm ăn vật vờ để chờ kiếm một chân trong khu công nghiệp. Vì những chuyện xẩy ở làng Hạ, xã bị xếp vào tốp đầu trong huyện về tệ nạn xã hội. Ông chủ tịch xã đi họp huyện về, mặt buồn như chấu cắn. Anh trưởng ban văn hoá xã cũng chẳng thể vui được. Một hôm, anh ra quán, chuyện cà kê với lão Cư. Có chén rượu, anh không còn kiệm lời. Anh nói với lão:
- Cái làng Hạ này từ trước tới giờ vẫn nằm trong vùng phân lũ.
Thấy lão Cư tỏ ra nghi ngờ, anh chả giấu nữa. Anh bảo:
- Ông trưởng phòng kinh tế huyện nói thế, lão có tin không?
Ờ, cái ông trưởng phòng kinh tế huyện, lão Cư chả lạ gì. Là khách quen, ông ta lại từng khen cháo lòng với tiết canh của lão là "được đấy". Nhưng chuyện ông ta nói với anh trưởng ban văn hoá xã, khiến lão giật mình, vì nó lạ quá. Ai lại đi mở nhà máy ở trong vùng phân lũ? Cứ theo lời ông ta thì tất cả đường nhựa với các công trình mà anh trưởng ban văn hoá xã ghi chép thành sử mới làng Hạ, đều do nhà nước cấp vốn làm cho vùng bị phân lũ.
Lão Cư ngẫm thấy ông ta nói chả sai. Bằng cớ là trên đất làng Hạ, nhà nước mới cho dựng ba cái cột cao ngất nghểu ở: đầu, giữa, và cuối làng, để đo mực nước khi phải bắn mìn cho nước từ sông Cái tràn vào. Lão Cư nhớ ra rồi: cái năm đê mới đắp xong, gặp mùa lũ lớn nhà nước đã phải cho nổ mìn phá một đoạn. Nước sông Cái tràn vào ngập cánh đồng làng Hạ và cả vùng. Cây gạo ông Thanh cũng chỉ còn hở cái ngọn. Nhà lão Cư ở trên thớt đất cao của làng Hạ mà nước cũng ngập đến tận ngõ. Mấy cái lỗ để nhồi mìn lúc cần phân lũ còn nằm trên mặt đê, vẫn có tấm biển bằng bê tông đề “cấm xâm phạm’’. Nó chỉ nằm cách cái khu công nghiệp kia, một cây số là cùng. Nói dại, chứ còn phải phân lũ nữa thì lão Cư chắc, nước từ sông Cái vào, lại cứ ngập hết, kể cả cái bảng đề: Khu công nghiệp…với cái tên đi mượn của một xã ở tỉnh bạn nằm bên kia sông, chả dính gì tới làng Hạ. Bây giờ thì lão Cư cũng lại hiểu ra :làng Hạ của lão nằm trong vùng phân lũ, nên chẳng thể mang tên khu công nghiệp được.
Cái nền của khu công nghiệp trên đồng đất làng Hạ còn dở dang. Cỏ cứ mọc tứ mùa. Người làng Hạ đi chợ, tắt qua cũng tiện. Cái quán của Lão Cư hồi này xem ra kém khách. Vợ chồng lão chưa hết lo chuyện thằng con. Cứ để nó ở nhà chờ thế này, thì đến hỏng mất. Mà chờ vào làm ở khu công nghiệp thì biết đến bao giờ mới có suất? Lựa một hôm thấy anh trưởng ban văn hoá xã có vẻ rỗi, lão Cư nèo anh vào uống nước. Gọi là uống nước, nhưng lão lại rót ra hai chén rượu với gói lạc rang. Vừa nhấp rượu, lão Cư vừa hỏi nhỏ anh:
- Này, chả biết thế nào mà cấp trên lại cho mở cái khu công nghiệp ở trong vùng phân lũ này nhỉ?
Anh trưởng ban văn hoá xã không trả lời được. Người làng Hạ cũng không ai biết. Nhưng có hai chuyện lão Cư và cả làng Hạ lại biết rõ: hồi cuối năm ngoái, anh chắt nội cụ chánh Yến, bỗng từ nước ngoài đưa cô vợ đầm về thăm quê và ăn tết. Em trai anh lên thị trấn huyện thuê hẳn một chiếc xe ô tô về tận sân bay đón. Xe theo đường nhựa về đỗ tận cổng nhà. Va li lớn nhỏ cứ thế mà xách vào. Thật là sướng. Còn cụ cả Trương sau một kì ốm, bệnh viện trả về. Cụ cả cũng đã ra người thiên cổ. Ông Chủ tịch xã vẫn nhớ lời cụ cả yêu cầu trong cái lần vào gặp: “khi nào xã chặt cây gạo ông Thanh để làm khu công nghiệp, xin cho tôi biết, để tôi làm mâm cơm cúng cây”.
Cây gạo có phải chặt hay không, ông chủ tịch xã chả biết. Nhưng cây gạo vẫn nằm trong cái mốc đổ nền của khu công nghiệp. Chả biết trước lúc lâm chung, cụ cả Trương có kịp dặn con cháu cái điều ấy không?
Ông chủ tịch xã không biết. Anh trưởng ban văn hoá xã không biết. Lão Cư cũng không biết./.