Đất

Truyện ngắn của Anh Đức

Hồi gần tết Giáp Thìn, đâu tối hăm ba tết thì phải, anh Định phụ trách tờ báo tỉnh bảo tôi:

- Nè hay là cậu đi Xẻo Đước một chuyến đi. Ấp chiến lược Xẻo Đước đã bị dứt điểm rồi. Cậu viết một bài nói về cái Tết đầu tiên của bà con mới thoát vòng kiềm kẹp ở đó thì hay lắm. Nhân tiện cậu giải quyết luôn chuyện chiếc xuồng...

Tôi nói:

- Ờ, được để tôi đi!

Và hôm sau tôi sửa soạn lên đường, với niềm vui xen lẫn hồi hộp. Trở lại Xẻo Đước giải phóng, tôi sẽ gặp lại những bà con quen suốt mấy năm ròng lăn lộn trong đấu tranh. Thế là, với thói quen thường có, trong đầu tôi chưa đi đã phác ra những tình tiết: bà con nông dân trở về ôm chầm lấy những gốc cây bị giặc đốn mà khóc, những bờ luỹ ấp chiến lược bị san bằng, từng đống dây thép gai bị vo cuộn lại, và tôi còn mường tượng ra cả tiếng mái chèo vỗ nhịp trên sông vv… Theo tôi, trong một thiên phóng sự về sự tự do của đất thì không thể nào không đả động mọi thứ ấy.

Những mà, hỡi bạn đọc thân mến của tôi ơi, còn một điều tôi chưa nói rõ với các bạn. Đấy là chuyện về chiếc xuồng mà Định vừa căn dặn tôi giải quyết trong chuyến đi này. Nguyên do thế nào mà Định căn dặn tôi như vậy? Thưa các bạn, vì chiếc xuồng ấy mà bấy nay lòng tôi cứ thấp thỏm không yên. Cũng chẳng phải chỉ riêng tôi, cả anh phụ trách toà soạn nói trên, phải chính Định đấy, anh ta đã cùng tôi mượn một chiếc xuồng của bà con Xẻo Đước đi mấy năm nay mà chưa có dịp đem trả.

Xẻo Đước vào năm ấy tình hình thật hết sức khó khăn. Ban đầu chúng tôi còn ở ngoài xóm, về sau bọn giặc tổ chức “tự vệ hương thôn” lùng riết quá, chúng tôi không ở xóm được nữa. Vào ở trong cứ rừng với một cái “Rađio” cổ lỗ sĩ và một cái máy quay “Rônêô” lâu đời, chúng tôi vừa bắt vọp ăn vừa chép tin, in tin. Làm công việc đó được năm sáu tháng, tới cuối tháng chạp ta năm 59, chúng tôi nhận được lệnh của cấp ủy bảo phải cấp tốc di chuyển về một vùng khác để xây dựng công tác in ấn. Thư cấp ủy dặn chúng tôi tối hôm ấy ra bờ sông sẽ có xuồng đón. Hai chúng tôi vác máy lội từ trong cứ rừng ra bờ sông. Quần áo hai đứa đều ướt hết cả. Chúng tôi chui vào một lùm ráng ngồi đợi. Nhưng đợi mãi mà chẳng có xuồng nào đến đón. Một tiếng đồng hồ trôi qua… Rồi hai tiếng. Cũng chẳng thấy bóng xuồng. Tôi và Định sốt ruột quá. Ở đây không thể đi đường bộ được. Mà thư thì dặn phải đi gấp. Bấy giờ giữa đêm hai mươi tám Tết, chúng tôi cứ lom khom bò ngược bò xuôi trên bờ sông, ngóng đợi, Định nói:

- Tôi e anh em đi đón mình gặp chuyện không hay rồi!

Tôi lưỡng lự đáp:

- Có thể… Nhưng rán đợi một chút nữa coi!

Sương đêm cuối năm xuống mới lạnh lẽo làm sao. Bờ sông quạnh vắng. Đêm tối ngửa bàn tay không thấy. Trời lạnh nhưng chúng tôi không dám đốt thuốc hút. Muỗi cắn không dám đạp mạnh. Tôi và Định ngồi trong lùm ráng dõi mắt nhìn ra sông. Vẫn không thấy gì cả. Định khẽ nói:

- Hết hy vọng rồi Bảy à. Có lẽ phải vô xóm kiếm mượn một chiếc xuồng thôi!

Tôi tán thành ý kiến đó của Định và xung phong đi. Định dặn tôi:

- Phải cẩn thận nghe. Lúc này không phải là lúc chúng ta hy sinh hoặc để bị bắt đâu!

Tôi cầm trái lựu đạn, nhón bước ra khỏi lùm ráng. Cái nhà trước tiên tôi nghĩ tới chuyện mượn xuồng là nhà ông Tám, một gia đình quyết không rời bỏ Đảng và Cách mạng những ngày đen tối nhất. Ông Tám là một ông già chạc ngót bảy mươi, hãy còn gân guốc, và là người duy nhất ở Xẻo Đước còn để đầu tóc. Ông già này tới Xẻo Đước từ thuở heo rừng còn vô ỉa trong chòi, lúc cọp còn rình rập những người tới khẩn đất, và con chim đi theo cọp đêm đêm cứ kêu nghe “boong boong… krỏi… krỏi”. Nói không ngoa , ông Tám chính là một cuốn sử biên niên của xứ rừng U Minh Hạ này đó vậy. Ông là một tay bẫy heo rừng và chồn cáo thật kỳ tài. Trời ban cho ông một cái mũi tinh nhạy đến nỗi chỉ cần ngửi nước rạch buổi sáng ông cũng biết ngay là có heo rừng hay chồn đến đây uống nước hồi đêm. Đứng gần người ông, lắm lúc tôi cứ nghe như toát ra mùi vị của rừng nê địa, của cây đước, dòng kinh biển, ngọn lửa không bao giờ tắt dưới đất xốp mỡ màu.

... Khi tôi lần đến cái ụ xuống nhà ông thì thấy có xuồng đậu trong ụ. Dưới xuồng có cả chèo nữa. Tôi định lên nhà có tiếng chân hấp tấp đi ra. Tiếng ông Tám quát:

- Ai đó?

Tôi khẽ đáp:

- Tôi…

Ông Tám ôm chầm lấy tôi trong bóng tối. Ông cho tôi biết tụi tự vệ hương thôn mới đi tuần ngang. Tôi liền trình bày tình cảnh chúng tôi và hỏi mượn xuồng. Ông Tám nói ngay:

- Được, được, cứ việc lấy đi!

Tôi quay trở lại lấy xuồng. Rủi cho tôi, dây buộc xuồng là dây xích sắt. Lúc tay tôi với lấy, sợi xích bật kêu rủng rẻng. Kế đó là tiếng chân tình thịch đi tới. Ông Tám đằng hắng. Tôi biết ngay là có động. Chắc bọn tự vệ hương thôn đi tuần đã trở lại. Ghìm sợi dây xích trong tay, tôi nín thở, hồi hộp. Bọn tự vệ hương thôn đi qua, tôi nhè nhẹ tháo từng mắt xích một. Xong rồi, tôi kéo chiếc xuồng ra khỏi ụ, dong về phía bờ sông mà Định đang ngồi đợi.

Giữa đêm trừ tịch đó, tôi với Định vượt khỏi Xẻo Đước trên chiếc xuồng của ông Tám. Dọc đường, trong lúc tìm quai chèo, tôi phát hiện sau lái xuồng còn có bốn đòn bánh tét lớn và hai gói trà “Thiết La Hán” giấu kỹ dưới sạp. Tôi cầm đòn bánh lên, thấy vẫn còn ấm. Thật là lạ. Chẳng biết ông Tám để bánh và trà dưới xuồng làm gì. Chúng tôi đoán chắc ông Tám tính đem cho bà con.

Sau khi rời Xẻo Đước, chúng tôi không đem trả chiếc xuồng ngay được. Một phần vì công việc ngày đồng khỏi quá nhiều. Lẽ khác là sau đó ít lâu Xẻo Đước bị đóng thêm bốt, đồng bào bị giặc vây ép gắt gao hơn. Cho tới lúc Xẻo Đước trở thành ấp chiến lược, tôi chẳng biết sự thể đó ra sao nữa.

Mãi đến hôm nay, tôi mới về lại Xẻo Đước. Cơ quan xuất cho tôi một số tiền tương đương với chiếc xuồng để tôi hoàn trả lại ông Tám.

Tôi về Xẻo Đước vào hôm hai mươi tám Tết. Xóm làng ở ven sông có vẻ huyên náo hẳn lên. Dưới các bến, mấy thím mấy chị đang kỳ cọ tách đĩa, cươi cười nói nói. Trên bờ các em túm tụm múa hát. Một cái lò bún đang ồn ào. Trong buổi trạng vạng, tôi nhìn thấy những cọng bún trắng nõn thòng xuống miệng ảng. Trên các mái nhà, khói ấm bốc lên. Quả nhiên, tôi nhìn thấy cả dây thép gai. Nhưng dây thép gai không vo cuộn lại, mà dàn ra, vây kín lấy xóm ấp. Cả những bờ luỹ cũng còn sờ sờ trước mặt. Một tấm biển cắm sát bên sông. Tôi chèo sát, và nhìn thấy dòng chữ “Quyết tử giữ làng”. Tôi tự nhủ: “Vậy là ấp chiến lược đã xoay ngược chiều lại rồi!”.

Cho dù trời tối, tôi vẫn không quên cái bến nhà ông Tám, chỗ tôi đã rón rén kéo chiếc xuồng dạo nọ. Bây giờ trên bờ án ngữ một bức thành đất dày, cao có tới bốn lỗ châu mai sâu hun hút. Bên ngoài ụ xuồng, dây thép gai ràng rịt sát mặt nước, chỉ còn để hở một lối nhỏ vừa đủ chen lọt mũi xuồng.

Tôi lách xuồng vào ụ, buộc dây. Sợi xích sắt nay cũng rủng rẻng khua lên trong tay tôi. Nhưng tôi không hồi hộp nín thở như trước nữa. Giờ đây, giá tôi có vung sợi dây xích xuồng lên, cho nó tha hồ kêu thì việc gì ấy chỉ có nghĩa là báo cho ông Tám biết là có khách tới mà thôi. Chính bây giờ cái ý niệm về hai chữ tự do trong tôi mới thật rõ, thật cụ thể. Tự do như có thể sờ nắn được trong tiếng động thoải mái của sợi dây xích. Tự do ở bước chân tôi đặt lên con đường đất. Và tự do được đánh dấu chỗ cồng nhà ngày trước bọn giặc vẫn thường rậm rịch kéo qua.

Người tôi gặp đầu tiên trong nhà không phải là ông Tám mà là anh Hai Cần, con của ông, và một số anh em du kích. Họ đang ngồi quây quần trên bộ ván giữa, ăn uống, súng ống để bên cạnh.

Tôi bước vào. Mọi người ngẩng lên. Nhưng họ chưa nhận ra được tôi. Mãi một lúc sau, anh Hai Cần vụt kêu “a” lên một tiếng rồi nhảy từ tren bộ ván xuống, vồ chụp lấy hai vai tôi. Anh ngó tôi với đôi mắt như bị choá đèn và la:

- Trời ơi, chú Bảy…

- Phải, tôi đây anh Hai!

- Trời đất, chú đi đâu mà đi biệt Xẻo Đước mấy năm nay vậy chú Bảy?

- Đi công tác chớ đi đâu… Sao, cả nhà mạnh giỏi bình yên hết hả? Bác Tám đâu rồi?

- Ba tôi?

Anh Hai Cần chỉ nói thế, rồi đứng sững. Đoạn anh nói tiếp giọng buông thõng:

- Ba tôi chết rồi!

Ông Tám chết. Tôi chưng hửng đứng lặng. Anh Hai Cần không nói thêm tiếng nào nữa. Anh nắm tay tôi kéo lại bộ ván, ra ý bảo tôi ngồi xuống. Một anh ngồi phía trong nói:

- Thôi, chuyện cũ để rồi nói sau… Bây giờ chú Bảy ngồi đây nhậu chơi với tụi tôi vài ly đã…

Tôi ngồi ghé xuống. Giờ tôi mới nhận ra từng người. Người vừa nói là chú Tư Đương. Chú này hồi đó cũng ở trong đội tự vệ của địch, có lần bị xua đi lùng “cứ”, chính chú đã bước giẫm lên người tôi, kéo ráng phủ kín cho tôi và nói: “Nằm cho kỹ một chút nghe!”. Tất cả mấy anh em ngồi nhậu tôi đều biết cả. Hầu hết anh nào trước kia cũng bị bắt ép vào đội tự vệ hương thôn, anh nào cũng từng vác gậy rượt chúng tôi, nhưng cũng chính họ là những người bảo vệ chúng tôi tích cực nhất. Họ là những người trải qua cái thời kỳ xóm làng bị chìm trong tăm tối, bị vậy bọc bởi dây thép gai, và bây giờ thì họ là những người du kích đứng sau luỹ chiến đấu. Khi họ nâng ly rượu trao cho tôi, tôi nhận ra rượu Xẻo Đước vẫn trong vắt như xưa. Nhìn những tăm rượu trào lên trong ly, tôi thẫn thờ nghĩ đến ông Tám. Ông Tám chết trong trường hợp nào tôi chưa được rõ. Anh Hai Cần vẫn chưa nói cho tôi biết. Một anh nào đó lại cất tiếng giục tôi:

- Làm đi, chú Bảy!

Tôi uống ly rượu làm nhiều lần, uống từng hớp một. Cái chai lít sau đó lại ghé vào miệng ly tôi, rót nữa. Tôi giơ tay ngăn lại:

- Nói thiệt với mấy anh, tôi còn phải đi…

- Đi đâu, Tết nhứt mà còn lặn lội đi đâu?

Anh Hai Cần nài nỉ thành thực:

- Ở lại chơi chú Bảy. Ở ngủ với tôi một đêm, rồi tôi nói chuyện cho nghe…

Tiệc rượu nhỏ cuối năm không kéo dài bao lâu. Anh em du kích lần lượt vác súng đi hết, người đi bám lộ, kẻ đi gác. Chị Hai Cần dọn cơm cho tôi ăn và nói với chồng:

- Ở nhà chơi với chú Bảy, tôi đi họp phụ nữ tính chuyện ngày mai đem bánh trái ủy lạo anh em bộ đội coi…

Chị Hai Cần đi rồi, chỉ còn lại có tôi với anh Hai. Tôi hỏi chuyện về cái chết của bác Tám. Anh Hai Cần lặng thing. Lát sau anh chậm rãi bảo tôi:

- Chú Bảy à, tối đó ba tôi tính đem bánh, trà vô “cứ” cho mấy chú. Ba tôi ổng lo lắm, sợ Tết nhứt mấy chú ở trong “cứ” buồn. Chiều đó vợ tôi luộc bánh chín rồi, ba tôi liền lấy bốn đòn đem ém dưới sạp xuồng… ổng sợ tụi nó thấy. Tính khuya là chống xuồng vô mấy chú. Ai ngờ khuya tụi nó cứ đi rỏn hoài.

Tôi nói:

- Hèn chi tôi rờ mấy đòn bánh tét thấy còn nóng. Anh Hai ơi, vậy là tụi tôi có lỗi với bác Tám lắm. Bữa nay chẳng giấu gì anh, tôi đem hoàn lại gia đình một số tiền. Chiếc xuồng dạo nọ…

Anh Hai Cần im lặng, không nói gì hết. Hồi sau, anh ngước lên, mắt đỏ hoe. Anh không nhắc nhở tới chuyện chiếc xuồng nữa:

- Ba tôi mất hồi năm ngoái, chú Bảy à. Lúc đó tụi nó ráo riết dồn bà con vô ấp. Không ai chịu đi. Chú biết nhà tôi thì lại ở ngay đầu xóm nên mỗi lần tụi nó kéo vô là ghé trước. Năm lần bảy lượt o ép, ông già tôi đều kiếm cách lướt qua hết. Ba tôi nói: “Nhà mình ở đầu xóm mà không núng thế thì không làm gương được cho lối xóm!”. Thật, nhà tôi không động đậy, cả xóm cũng không nhúc nhích. Lính tráng gặp ba tôi thảy đều ngán. Ban đầu ba tôi nói: “Nhà tôi cũng như nhà mấy chú, đừng có nghe lời người ta đến đây đòi dọn đòi dời, tôi không đi đâu!”. Lượt sau chúng lại vô, hùng hổ dỡ nhà, ba tôi đem cây mác mài bén ngót ra phóng cắm giữa nhà, nói:

- Tôi nói thiệt chớ không phải giỡn đâu. Chú nào leo lên rút một cọng lá tôi chém cho coi! – Ba tôi nói tỉnh khô vẫn gọi tụi lính bằng “chú”. Không thằng nào dám leo lên dỡ nhà hết. Tụi nó nhắm không êm, bỏ nhà tôi kéo sang nhà thím Sáu Ơn, tưởng đâu đàn bà goá thì dễ ăn hiếp. Nào ngờ thím Sáu Ơn cũng không chịu đi. Tụi nó bật lửa đòi đốt nhà. Thím Sáu bồng bế kêu hết mấy đứa con ra ngồi giữa nhà nói:

- Đốt cho mẹ con tôi chết luôn thể!

Thằng lính sắp đốt nhà nghe thím nói thì buông mồi lửa, ngẩn ngơ. Vậy là lần đó, tụi nó cũng bó tay kéo về. Thằng quận trưởng Sông Đốc tức lắm. Nó cách chức thằng đồn trưởng Xẻo Đước, đổi thẳng khác tới. Thằng đồn trưởng mới này tên là thằng Đởm, chánh cống ác ôn. Mới về nó tuyên bố:

- Tôi không lùa được dân Xẻo Đước thì tôi chết sao?

Rồi mới tới ngày hôm trước, hôm sau nó đã dắt lính vô. Hay tin, ba tôi vẫn ngồi điềm tĩnh tại bộ ván gỗ này. Cử chỉ ba tôi lúc đó khác lắm chú Bảy à. Phần tôi, tôi biết lần này gay go, vì thằng Đởm là thằng gian ác có tiếng. Cho nên, tôi luôn ở sát bên ba tôi, mắt không rời cây búa bửa củi giấu sau cánh cửa. Tất nhiên nhà tôi là cái nhà đầu tiên tụi nó ghé. Chưa vô tới sân, thằng đồn trưởng Đởm đã nổ súng. Sau phát súng, nó kề miệng thổi phù phù vô nòng cây “côn 12” rồi thét:

- Ai là chủ nhà đây?

- Tôi!

Ba tôi đáp gọn.

Tên đồn trưởng xộc vô. Nó ngó quanh quất, ngó tôi và ba tôi, đoạn vẫy súng nói:

- Ê, ông là chủ nhà hả? Ông biết tôi tới đây có chuyện gì không?

Ba tôi từ trên ván bước xuống đất:

- Được, chuyện chi cũng được. Nhưng mấy người đình đãi cho tôi một chút…

Tên đồn trưởng nghe nói, tưởng đâu ba tôi ngán nó rồi, nên nó đắc chí ngó mấy tên lính, nháy mắt. Đoạn nó ngồi lên ván, tréo ngoảy chân, đốt thuốc thơm hút:

- Được, ông già lo cụ bị đồ đạc đi. Có nghe chớ?

Ba tôi đáp:

- Có, tôi có nghe!

Nhưng ba tôi không đi cụ bị đồ đạc, cũng không đi lấy ghe. Ba tôi mở tủ thờ lấy cái áo dài bằng xuyến đen ra. Đây là cái áo ba tôi chỉ bận khi giỗ kỵ. Bấy giờ ba tôi thong thả bận vô. Ba tôi bận áo rất kỹ lưỡng, vuốt từng nếp nhăn trên áo. Xong rồi ba tôi đưa tay xổ đầu tóc, xoã  ra. Tụi nó không biết ba tôi làm cái gì. Mà ba tôi cũng chẳng ngó ngàng để ý gì tới tụi nó. Hình như bấy giờ ba tôi chỉ biết có việc ba tôi làm. Sau khi bận áo và xoã tóc, ba tôi rút mấy nén nhang, bảo tôi:

- Hai, con đốt đèn lên!

Tôi rùng mình quẹt lửa đốt đèn. Cái ống quẹt cứ run lên trong tay tôi. Ba tôi đốt nhang quỳ xuống trước bàn thờ, lầm rầm khấn:

- Thưa ông bà, cha mẹ, thưa các hương hồn liệt sĩ, nhà cửa đất đai đây là của ông bà, cha mẹ và cách mạng đã tạo lập cho con. Bữa nay người ta tới ép buộc con phải bỏ đi. Con không thể phụ bạc công ơn cha mẹ, công ơn cách mạng. Vậy con xin chết để cho cha mẹ và các liệt sĩ ngó thấy. Khấu đầu xin cha mẹ và các vị chứng giám cho...

- Ông già câm miệng!

Thằng đồn trưởng la lên. Nó không chịu nổi những giây phút rùng rợn đó nữa. Cũng vừa lúc ba tôi khấn vái xong. Bước tới góc nhà chụp cây mác, ba tôi quay phắt tới trước mặt tên đồn trưởng:

- Việc của tôi đã xong, bây giờ mấy người muốn gì?

Thẳng đồng trưởng xanh mặt. Nó không nói rằng nó muốn gì cả. Nó đưa khẩu súng “côn 12” lên, chĩa vô ngực ba tôi. Tức khắc ba tôi cũng chĩa mũi mác nhọn hoắt về phía nó. Và tôi, không chần chờ, lập tức vớ ngay cây búa bửa củi giấu sau cánh cửa. Bọn lính lên đạn rốp rốp. Ba tôi nhích mũi mác tới. Thằng đồn trưởng lùi lại. Tay súng nó run lẩy bẩy. Thình lình tôi thấy nòng súng trong tay nó gặc mạnh một cái. Phát súng nổ “đùng”. Ba tôi đưa tay lên mặt. Một dòng máu chảy xuống mặt ba tôi. Nhưng ba tôi vẫn đi tới. Thẳng đồng trưởng cứ lùi. Bỗng nhiên, nó buông rơi khẩu súng, hoảng hốt rú lên, quay người bỏ chạy. Nhưng tôi đâu để nó chạy. Cây búa trong tay tôi đã bay theo. Lưỡi búa cắm ngập vô gáy thằng đồn trưởng. Nó kêu trời ơi rồi té sấp, hai tay vã xuống nền nhà…

… Kể tới đây, anh Hai Cần dừng lại. Anh chụp chai rượu rót vô ly. Anh rót rượu tràn cả ra ngoài. Nhắc ly rượu uống cạn, anh dằn cái ly không đánh cốp xuống ván, ngó chằm chằm ra đêm tối. Bóng anh in trên vách, bất động. Tôi khẽ hỏi:

- Còn tụi lính, nó không bắn à?

- Không, họ không bắn tôi. Khi đó tôi cũng không chém họ. Tôi vứt búa, bước tới đỡ lấy ba tôi. Ba tôi đã tắt thở. Chợt một người lính cầm ngọn mác của ba tôi đưa cho tôi và bảo:

- Chạy trốn đi, để đây tụi tôi tính.

Tôi sửng sốt nhìn anh ta. Nhưng hai anh lính khác cũng giục tôi:

- Chạy mau đi!

Nói rồi họ khiêng ba tôi đặt dựa vô vách. Một anh đi lượm cây búa tôi chém thằng đồn trưởng ban nãy, đem lại đặt kế bên ba tôi. Tôi hiểu, liền cầm cây mác vọt ra vườn. Lúc chạy một đỗi, tôi nghe họ la:

- Tụi bây ơi, thằng già nó chém chết ông trung úy rồi!

Anh Hai Cần đưa tay lên quào quào ngực:

- Sau đó cả tháng tôi mới bị bắt. Nhưng không có đứa nào nghi tôi chém chết thằng đồng trưởng, trừ mấy người lính kia. Lúc tôi được thả, về đến nhà thì tất cả xóm ấp đều bị nó dùng dây thép gai bủa chặt lại rồi. Sau cái chết của ba tôi, cũng không có ai chịu dời đi. Lùa bà con không được, tụi nó mới đem dây thép gai tới rào thành ấp chiến lược luôn. Gần một năm, bà con bứt nài tháo ống cả chục lần. Có lần tụi nó đưa cả đại đội về kềm giữ. Rốt cuộc …

Anh Hai Cần dừng lại, hỏi tôi:

- Chú có biết tụi tôi phá ấp ra sao không?

- Chỉ nghe nói sơ sơ chớ không rõ lắm!

Anh Hai Cần cười hà hà:

- Nè, phá khác hơn mọi chỗ hết thảy, nghe, phá ban ngày!

- Phá ban ngày? – Tôi hỏi lại.

Anh Hai Cần gật đầu:

- Ừ, vậy mới “đã chớ”. Tụi tôi tính nếu làm ban đêm thì khó ém anh em lực lượng.

- Anh em lực lượng nào?

- Anh em bộ đội vô tiếp chớ lực lượng nào. Chú nên biết, sự phá ấp ở đây không phải phá “ên” mà được, phải đi đôi với sự đánh bót. Tụi tôi móc nối với anh em địa phương quận huyện. Gay nhứt là làm sao đưa anh em lọt vô ấp

- Ém quân ngay trong ấp?

- Chớ sao. Coi vậy mà cũng không khó lắm đâu. Nhà nào tụi tôi thương lượng thu xếp để ém quân cũng đều đồng ý. Bà con nói: “Xin miễn là phải đánh cho dứt mới được”. Tôi nói: “Đã đánh là phải đánh cho dứt, bà con đừng lo!”. Họ nói: “Nếu làm thiệt thì tụi tôi xin chứa ngay anh em ở trong mùng, để anh em bắn chết mẹ tụi nó, rồi mình tháp tùng phá ấp luôn!”. Đêm đó, tụi tôi đưa anh em vô ém. Sáng ngày, bọn lính thả ra khỏi bót đi nghễu nghện bị anh em tốc mùng nổ súng. Tụi nó bị bắn gục trong các ngõ, có thằng vừa kêu “trời” vừa chạy về bót mà chạy không kịp. Tụi tôi réo mấy thằng trong bót ra hàng. Bà con áp phá bót tanh banh, nhưng không phá ấp. Ấp chiến lược về mình thì mình xài, không thèm phá …

Anh Hai Cần thôi nói.

Anh thôi nói đã lâu. Ấy thế mà trong đêm tối, tôi vẫn còn nghe. Tôi nghe đây là nghe tiếng súng nổ giữa ban ngày, tiếng rú của lũ giặc, và tiếng của ông Tám, tiếng nói của ông già nông dân ngót bảy mươi tuổi ấy cất lên vang rợn:

- Thưa ông bà, cha mẹ, thưa các hương hồn liệt sĩ, nhà cửa đất đai đây là của ông bà, cha mẹ và cách mạng tạo lập cho con …

Cứ thế, tôi nghe tiếng nói ấy. Và thưa bạn đọc, tôi xin nói ra cái điều kỳ lạ là cũng ngay bấy giờ tôi cảm thấy như đất nền nhà dưới chân tôi nóng hâm hấp, cơ hồ như đất đang động cựa, tái hiện lại những vũng máu tươi. Thế rồi, khi tôi quay lại, tôi không thấy anh Hai Cần ngồi cạnh tôi nữa. Anh đang qùy trước bà thờ. Cái bàn thờ mà cha anh đã qùy dạo đó. Mùi nhang lại toả lên.

Giữa lúc năm cũ đi qua. Và một năm mới đến. 

3-1964

 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên