Đề tài biển đảo trong văn học: Không chỉ giờ mới “nóng”
VOV.VN - Theo nhà văn Đình Kính, đề tài về biển đảo và lính hải quân cũng là đề tài quan trọng, mang tính lâu dài với các nhà văn, nhà thơ.
Là một trong những nhà văn đầu tiên đặt chân đến Trường Sa, Bùi Đình Kính sinh năm 1948, xuất thân từ hải quân. Phần lớn các tác phẩm văn học lớn của ông đều mang đề tài về biển cả và hình ảnh người lính hải quân, nhiều lần đạt giải thưởng văn học của trung ương và địa phương. Trong đó, tiểu thuyết “Sóng chìm” của ông đã được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam vào năm 2008. Ngoài các tác phẩm văn học, ông còn là tác giả kịch bản của bộ phim truyền hình “Đường Hồ Chí Minh trên biển” và phim tài liệu “Huyền thoại tàu không số”.
Hiện ông đang là Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam và là Chủ tịch Hội Văn học – Nghệ thuật thành phố Hải Phòng.
Trong thời điểm đang diễn ra sự kiện “nóng” liên quan tới vấn đề biển đảo, phóng viên VOV online đã phỏng vấn nhà văn Bùi Đình Kính về những trải nghiệm của ông với biển đảo, với cuộc sống của người lính hải quân, cũng như quan điểm của ông về vấn đề.
Chân dung nhà văn Bùi Đình Kính |
PV: Xin chào nhà văn Bùi Đình Kính. Từng là một người lính hải quân khi còn trẻ, đồng thời cũng là một trong những nhà văn đầu tiên của Việt Nam đến Trường Sa, cảm xúc đầu tiên của ông khi lần đầu tới Trường Sa như thế nào?
Nhà văn Bùi Đình Kính: Tôi có vinh dự khi là một trong những nhà văn đầu tiên được đặt chân tới Trường Sa cuối những năm 1970, giai đoạn mà đất nước mới được giải phóng, thống nhất. Ở thời điểm đó, không có nhiều nhà văn có cơ hội đến Trường Sa. Ấn tượng của tôi khi lần đầu tiên đến với đảo Trường Sa là vẻ đẹp vô cùng hoang sơ của vùng đất ấy. Khi bước chân lên đảo, chúng tôi còn phải gạt chim bay ở xung quanh ra để bước đi, vì lúc đó, đảo thực sự là một tổ chim khổng lồ. Đặc biệt, vào buổi chiều, chim càng bay ngợp trời, mây phủ kín che hết đảo.
Trường Sa ngày đó cũng khác với Trường Sa bây giờ nhiều lắm, nhưng hòn đảo vẫn mang vẻ đẹp tuyệt vời của biển đảo xa xôi thuộc về Tổ quốc. Vì thế, dù có ở thời điểm nào tôi đều giữ cảm xúc vẹn nguyên với Trường Sa nói riêng và biển đảo Tổ quốc nói chung, như những ngày đầu khi mới đặt chân đến.
Sau đó, tôi không có nhiều dịp để trực tiếp đến Trường Sa nữa, nhưng vẫn có cơ hội để được gắn bó gián tiếp với hòn đảo. Điển hình là vào năm 1988, trong giai đoạn diễn ra hải chiến Trường Sa và Trung Quốc thực hiện kế hoạch đánh chiếm các đảo ở Hoàng Sa, tôi có tham gia theo dõi sự việc tại Cam Ranh, thuộc tỉnh Khánh Hòa.
PV: Được biết, ông là một trong những nhà văn gắn bó với các tác phẩm lớn về đề tài biển đảo như: "Người của biển", "Lính thủy", “Sóng chìm”, “Huyền thoại tàu không số”. Phải chăng biển đảo chính là “vốn” lớn nhất cho việc sáng tác của ông, xuất phát từ những trải nghiệm thực tế mà ông có?
Nhà văn Bùi Đình Kính: Trong các tác phẩm của mình, tôi chủ yếu viết về biển và những người lính biển. Trước hết, vì tôi đã từng là một người lính hải quân khi còn trẻ, tôi hiểu về biển đảo và cuộc sống của tôi từng gắn liền với biển đảo, với những con sóng lênh đênh. Điều đó như một lẽ đương nhiên, tạo nên đề tài chính của tôi trong việc sáng tác. Cái gì mà mình thuộc về nó, mình biết rõ, mình gắn bó sâu đậm thì chắc chắn sẽ dễ dàng để viết ra hơn so với các đề tài khác.
Đã trải qua cuộc sống của một người lính hải quân nên nhà văn Đình Kính hiểu rõ về biển đảo, về câu chuyện của những người lính bên sóng nước (ảnh minh họa: Quang Trung) |
Bên cạnh đó, tôi đã từng làm lính hải quân trong vòng hơn 30 năm. Tôi hiểu được cuộc sống của người lính đảo nên khắc họa được hình ảnh về những người lính nơi sóng nước một cách chân thật hơn cả so với những hình ảnh khác. Vì thế, dễ hiểu vì sao các tác phẩm của tôi chủ yếu mang đề tài về biển đảo và người lính hải quân.
Những người lính hải quân khác thường hay nói với tôi rằng: “Cảm ơn nhà văn Đình Kính đã viết rất nhiều về biển, về đảo và về hải quân”. Nhưng tôi thì thấy ngược lại, chính hải quân, chính những người lính biển đã tạo nên cho tôi nguồn cảm hứng vô tận mà tôi phải nói lời cảm hơn họ. Và cũng nhờ những năm tháng sống với biển đảo, tiếp xúc thường xuyên với những người lính - những người bạn của mình, tôi mới có được những tác phẩm lớn viết về biển đảo và về chính họ.
PV: Trong những năm tháng đã trải qua cuộc sống của một người lính hải quân và gắn bó với những người lính ấy, kỷ niệm nào gắn liền với Trường Sa, với biển đảo mà ông thấy đáng nhớ nhất? Kỷ niệm đó đã được thể hiện qua tác phẩm của ông ra sao?
Nhà văn Bùi Đình Kính: Thời điểm tôi lần đầu tới Trường Sa đã cách đây mấy chục năm, còn vô cùng hoang sơ và cũng nhiều gian khổ, thiếu thốn. Thời đó, một người lính mỗi ngày chỉ được một can nước ngọt để sử dụng cho các hoạt động sinh hoạt, còn lại việc tắm giặt đều là sử dụng nước biển. Tuy nhiên, những thiếu thốn về vật chất không quan trọng bằng thiếu thốn về tình cảm. Thậm chí, nửa tháng nửa năm, họ mới nhận được một lá thư từ quê nhà nơi đất liền gửi ra, khoảng thời gian chờ đợi đó là khoảng trống lớn nhất với người lính đảo. Thiếu thốn về vật chất còn có thể tìm cách khắc phục, nhưng thiếu thốn về tình cảm mới là điều khổ nhất, khó bù đắp nhất.
Những hình ảnh đó cũng được tôi miêu tả rõ trong tác phẩm “Đảo mùa gió”, viết trong giai đoạn những năm 1978 - 1981. Trong tháng 8 tới, nhân kỷ niệm 60 năm cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hội Nhà văn Việt Nam có lựa chọn một số tác phẩm của các tác giả thời kỳ chống Mỹ cứu nước để in lại, trong đó có tác phẩm này của tôi. Thực ra, tác phẩm còn phản ánh cuộc sống thiếu thốn của người lính ở Trường Sa vào những năm tháng trước đó chứ không phải chỉ ở thời điểm mà tôi sáng tác.
Bây giờ, những người lính ở Trường Sa hay hải đảo nói chung cũng đã có thêm tiện nghi hơn so với ngày đó. Chẳng hạn như hiện nay, họ có thể sử dụng điện thoại di động, có thể liên lạc được dễ dàng hơn với gia đình, bố mẹ, vợ con và người yêu. Nhưng cách đây mấy chục năm thì đó là một điều quá xa vời, đến cánh thư còn không nhận được, tàu ra hay gặp bão gió và 6 tháng tàu mới ra đến đảo. Có những tàu lên đường ra đảo rồi còn phải quay trở lại vì sóng gió to quá, không cập bến tới nơi được.
Tác phẩm "Đảo mùa gió" mà nhà văn Đình Kính sáng tác phản ánh chân thực cuộc sống thiếu thốn của những người lính đảo (ảnh minh họa: Quang Trung) |
PV: Là một người có nhiều cảm xúc gắn bó, nặng tình với biển đảo và hiểu rõ về những người lính đảo như vậy, ông cảm thấy thế nào trước tình hình biển Đông “dậy sóng” trong thời gian này?
Nhà văn Bùi Đình Kính: Việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam nằm trong chính sách “đại hãn” nhằm “thôn tính” Biển Đông của Trung Quốc về lâu dài. Năm 1974, Trung Quốc đã chiếm Hoàng Sa của chúng ta. Đến năm 1979, họ lại gây ra chiến tranh biên giới. Rồi sau đó, năm 1988, họ đã đưa tàu chiến ra chiếm một số đảo của chúng ta ở Trường Sa. Do đó, việc họ đưa giàn khoan vào khai thác ở Biển Đông trong thời gian vừa qua không phải điều gì quá ngạc nhiên nữa.
Có ngạc nhiên chăng là cách họ thực hiện mưu đồ vô cùng trắng trợn, như một người hành động không cần suy nghĩ, trong khi Trung Quốc lại là đất nước láng giềng ở rất gần với Việt Nam. Việc đó gây ra không chỉ thái độ phản ứng mạnh mẽ trong toàn thể nhân dân Việt Nam, mà đặc biệt những người lính hải quân như chúng tôi cũng cảm thấy bất bình.
PV: Trước tình hình như vậy, rất nhiều người dân Việt Nam đều đồng lòng hướng về Biển Đông và bày tỏ tinh thần yêu nước, nhưng bên cạnh đó vẫn có những hành vi quá khích và bị kẻ xấu lợi dụng. Vậy theo ông, lòng yêu nước cần được biểu hiện thế nào cho đúng, cho đẹp?
Nhà văn Bùi Đình Kính: Việc nhân dân ta biểu hiện lòng yêu nước bằng cách biểu tình, mit-tinh phản đối, quyên góp tiền, vật chất để ủng hộ các chiến sỹ trên biển, tôi thấy là những việc làm rất tốt. Nhưng những hành động thực hiện luôn đòi hỏi cần phải bình tĩnh và sáng suốt. Đoàn kết sức mạnh nhưng phải đoàn kết có tri thức. Chúng ta chỉ lên án nhà cầm quyền của Trung Quốc chứ không lên án người dân Trung Quốc, chúng ta cần thể hiện thái độ yêu chuộng hòa bình và coi những người dân đó là bạn.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chúng ta căm thù thực dân Pháp và đế quốc Mỹ nhưng chúng ta vẫn đoàn kết với nhân dân Pháp và nhân dân Mỹ. Do đó, các cuộc biểu tình của nhân dân xảy ra trong những ngày qua là hành động đáng buồn. Biểu tình và tố cáo với quốc tế là hành động góp phần tạo nên sức thuyết phục trong bối cảnh này, nhưng phải ôn hòa và mềm mại chứ không phải đập phá, dễ bị kích động như vừa rồi, đó lại trở thành hành vi trái pháp luật và thiếu tính chất văn hóa của Việt Nam.
PV: Còn về cá nhân ông, với tư cách là một nhà văn, ông đánh giá thế nào về vai trò quan trọng của những người cầm bút trong thời điểm này? Ông có dự định sẽ sớm cho ra mắt một tác phẩm mới tiếp theo về đề tài biển đảo trong thời gian tới không?
Nhà văn Bùi Đình Kính: Vấn đề biển đảo là một vấn đề quan trọng nên chắc chắn không chỉ mình tôi mà có rất nhiều người cầm bút đang có ý định viết về đề tài này. Bởi vì, suy cho cùng, thế kỷ này là thế kỷ “vươn ra biển lớn”, gắn liền với sự phát triển của hải quân, đó là một đề tài lớn đối với các nhà văn hiện nay. Không chỉ đợi đến khi có sự kiện giàn khoan của Trung Quốc vi phạm chủ quyền biển đảo của đất nước ta mà chúng ta mới viết về biển đảo. Tôi nghĩ rằng với những ai có tâm huyết với vấn đề chủ quyền quốc gia, vấn đề chủ quyền biển đảo, đều có ý định đưa đề tài đó vào tác phẩm.
Đó là đề tài mang tính lâu dài chứ không phải chỉ ở giai đoạn Biển Đông đang “dậy sóng” như hiện nay. Tuy vậy, “điểm nóng” của vấn đề lại chính là một động lực tiếp thêm cho những nhà văn, nhà thơ trong vai trò cầm bút để góp phần làm nên tiếng nói chung, thúc đẩy sự sáng tạo của họ tiến lên thêm một bước nhanh hơn.
PV: Xin cảm ơn nhà văn Bùi Đình Kính!./.