Đêm qua mơ thấy

Truyện ngắn của Khuất Quang Thuỵ

1
Tôi gọi điện thoại cho Ngát định mời anh về Hà Nội dự buổi họp mặt Ban liên lạc cựu chiến binh trung đoàn vào đầu tháng tới thì con trai anh nghe máy và hốt hoảng nói rằng bố cháu bị bệnh - một thứ bệnh khá hiểm nghèo, hiện đã đưa đi bệnh viện cấp cứu và đang phải nằm ở khu cách li. Tôi chỉ nghe được có vậy thì cậu con trai của Ngát đã vội ngắt máy. Hôm sau, nhân ngày nghỉ tôi phóng xe lên thăm anh vì cứ đinh ninh không chừng lão này cũng lại phát bệnh ung thư vì nhiễm chất độc màu da cam như mấy ông bạn cựu chiến binh của tôi rồi. Năm vừa rồi có tới bốn năm ông “ra đi” vì những thứ bệnh rất kì lạ, trong đó chỉ có hai người được xác định rõ là ung thư, có khối u khối iếc, được Bệnh viện E trung ương xác nhận đàng hoàng, còn mấy người kia thì chẳng rõ là bệnh gì, nhưng là “bệnh lạ”. Không khéo tay Ngát lại rơi vào nhóm này cũng nên, vì nếu chỉ ốm do vết thương tái phát hành hạ thì đâu đến nỗi phải nằm ở khu cách li? Trên đường đi tôi đã chuẩn bị tâm lí để sẵn sàng đón nhận những tin xấu nhất, chuẩn bị sẵn cả những lời nhẹ nhàng, dễ nghe nhất để động viên Ngát và an ủi gia đình anh.
Nhưng sự đời nhiều khi lại... không quá phức tạp như ta hình dung. Khi tới bệnh viện, hỏi thăm thì bác sĩ trực cho biết là bệnh nhân Trần Văn Ngát đã tự ý trốn viện về nhà rồi. Bệnh viện đang lo cuống lên vì nghi anh bị lây bệnh cúm gà. Chưa có kết quả xét nghiệm dưới Hà Nội gửi về, nhưng có thể chắc đến sáu bảy chục phần trăm là ông này bị nhiễm thứ virut nguy hiểm H5N1, vì chính cái trại gà của anh vừa trải qua một trận dịch kinh  hoàng. Hàng ngàn con gà trong trại đã bị tiêu hủy. Sau đó đến lượt ông chủ trại lăn ra ốm. Đưa đến bệnh viện được hai ngày thì ông ấy bỏ trốn! Bệnh viện đang định cử người về tận làng để tìm cách triệu ông ấy lên! Nếu không thì cũng phải tìm cách “khoanh vùng cách li”, kẻo lỡ mà mắc dịch thật, bệnh lây lan ra thì khốn! Chưa ai dám khẳng định là cái loại virut ghê gớm này không lây từ người sang người. Ông này lại là thương binh nặng, không chăm sóc chu đáo, lỡ có chuyện gì thì dễ tai tiếng lắm! Ông bác sĩ còn khuyên tôi, nếu có về làng và gặp được ông ấy thì cố khuyên giải để ông ấy tự giác trở lại bệnh viện là tốt nhất. Tôi hứa sẽ khuyên, nhưng tôi biết, chẳng ai khuyên được cái nhà ông này, từ ngày xưa, bệnh viện vốn là nơi lão ta ghét cay ghét đắng rồi!

2
Lần đầu tiên Ngát phải tới bệnh viện là những ngày giáp Tết Mậu Thân 1968 khi đơn vị chúng tôi đang chuẩn bị ăn tết sớm để vào chiến dịch Tổng tiến công. Hôm đó tôi và Ngát được trung đội cử đi cùng quản lí đại đội ra kho K4 nhận hàng Tết. Hàng họ vừa nhận xong, chuẩn bị ra về thì bất ngờ Ngát gặp một anh bạn đồng hương đang công tác tại kho. Ở mặt trận, gặp được đồng hương hàng xã thì quí lắm, vui lắm; nhưng lại được gặp đồng hương vào đúng những ngày giáp Tết thì lại càng mừng, càng quí hơn. Vì thế nên anh bạn đồng hương của Ngát cứ nhất định chèo kéo mời bằng được anh tới thăm “nhà” của anh ta. Ngát mời tôi ở lại cùng cho có bạn. Tôi dễ dàng đồng ý vì cũng ham vui, và cũng hi vọng biết đâu may ra tôi cũng gặp được một đồng hương nào ở cái xó rừng này chăng?
Nhà của anh bạn đồng hương của Ngát dĩ nhiên cũng là một căn hầm, nhưng nó lịch sự hơn hẳn những căn hầm ở trong “kiềng” của cánh lính bộ binh chúng tôi. Đó là một căn hầm nửa nổi nửa chìm. Gian ngoài có hẳn một bộ bàn ghế ghép bằng cành cây để làm nơi ăn cơm, họp hành, tiếp khách, hai bên căn hầm nổi này là hai cái hầm kèo khá kiên cố mà cánh lính bộ binh chúng tôi chẳng bao giờ dám mơ tưởng. Vì thế vừa tới “nhà” bạn, Ngát đã nhảy xuống rồi lần lượt chui ra, chui vô cả hai cái hầm kèo và tấm tắc khen:
- Hầm của các ông “khỏe” thật! Đã được ở phía sau... hầm hố lại kiên cố thế này thì... “chắc gáo” phải biết!
Khen thế thì... quá bằng bỉ mặt người ta. Cũng may vì là đồng hương cùng làng, khá thân nhau nên anh bạn kia cũng chỉ cười bảo “Đã là mặt trận cả thì... biết thế nào là “chắc gáo” hả ông? Đấy, mới đêm hôm kia thôi, bom tọa độ nó chọi đúng vào khu kho K8 của Mặt trận, ở tận bờ Bắc kia kìa... Bảy ông đi cùng một lúc! Bọn tôi ở đây thì đã lấy gì bảo đảm là an toàn, nhất là khi cánh lính bộ binh các ông hành quân qua cứ ầm ầm như đàn voi rừng ấy. Cây nhiệt đới của thằng Mỹ nó rải khắp rừng, máy bay trinh sát OV10 thì suốt ngày quần đảo trên trời. Không chừng, chúng nó nhìn thấy, nghe thấy hết ấy chứ? Chưa đến lúc tụi nó cho xơi bom tọa độ đấy thôi!”
Câu chuyện của hai anh chàng cùng làng cứ nhấm nha nhấm nhẳng như vậy. Tôi mặc kệ họ, lật cái võng treo ngang cuối căn nhà hầm, ngả lưng, đánh một giấc đến tận khi Ngát giật đầu võng đánh thức tôi dậy để ăn cơm trưa với người bạn cùng làng của anh. Bữa ăn khá tươm tất vì có thịt hộp xào môn thục, cá nướng, cá kho và canh cá. Vừa ăn, anh bạn của Ngát vừa kể rằng, tất cả các con suối ở khu vực này đều có rất nhiều cá. Sáng sớm nay anh ta và mấy cậu lính trẻ coi kho chỉ đi một vòng, dùng một loại vỏ cây thuốc đập dập, thả xuống suối là chỉ một lát sau cá sẽ nổi lềnh bềnh, trắng cả khúc suối, tha hồ hốt về. Tôi cũng đã từng nghe nói đến phương cách “thuốc” cá như thế này hồi còn huấn luyện ở vùng rừng núi Hòa Bình, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được “ăn cá thuốc”. Vì thế tôi chưa dám ăn bạo miệng cho lắm, nhất là món canh cá nấu với lá tai chua, ngửi mùi, cứ thấy làm sao ấy? Ngược lại, Ngát thì ăn rất nhiệt tình, ăn đến tận khi no phình bụng, mới duỗi hai cẳng, thở hắt ra, khen “Ngon tuyệt! Cảm ơn đồng hương!”
Nhưng chỉ chưa đầy nửa tiếng sau thì món “cá thuốc” bắt đầu lên tiếng. Cả Ngát và anh bạn cùng làng đều ôm bụng kêu đau, lúc đầu còn chỉ cảm thấy đau nhấm nhắn, nhưng chỉ một lát sau cơn đau bắt đầu dữ dội, quặn thắt, hai anh chàng “đồng hương” ôm bụng lăn ra nền nhà hầm, mồ hôi đầm đìa. Tôi hốt hoảng chạy vội đi tìm y tá của cụm kho. Anh y tá cắp túi thuốc chạy đến. vừa nhìn thấy họ anh ta xác định ngay là bị ngộ độc, phải chuyển lên trạm quân y phía sau để cấp cứu ngay, nếu không có thể nguy đến tính mạng.
Tới trạm quân y, bác sĩ hỏi qua loa vài câu, khi biết hai vị này đều ngộ nạn sau khi ăn “cá thuốc” vị bác sĩ kết luận ngay:
- Ngộ độc vì ăn cá thuốc rồi! Ca này là ca thứ tám trong ngày rồi. Phải cho rửa ruột ngay thôi!
Y lệnh lập tức được thi hành. Bỗng nhiên tôi cũng đâm hoảng, liền tiến lại bên vị bác sĩ, rón rén hỏi
-Thưa bác sĩ... thế sao... em... cũng ăn mà... chưa thấy gì?
Ông bác sĩ đang hí hoáy ghi chép gì đó nghe tôi nói vậy, liền ngẩng lên nhìn tôi
- Cậu... cũng ăn thứ đó à?
- Vâng... em cùng...
- ... Mà vẫn chưa thấy gì sao?
- Vâng... chưa thấy gì cả!
- Yên trí đi... Sẽ thấy ngay thôi.!
Ông bác sĩ vỗ vai, nói như là để an ủi cho sự thua thiệt của tôi rồi lập tức bỏ đi sang lán khác khám bệnh. Tôi bỗng rơi vào thế bị động, đi cũng dở mà ở thì... còn hàng Tết của đơn vị mà hai thằng tôi được phân công mang về thì làm thế nào? Nhưng nếu ra về, lỡ dọc đường mà tôi “thấy gì” thì... ai sẽ khênh tôi đi cấp cứu? Thôi thì, đành ngồi đây chờ xem thế nào đã vậy.
Nhưng một tiếng, rồi hai ba tiếng đã trôi qua mà tôi vẫn chẳng thấy thế nào, bụng dạ vẫn im như đá. Chắc là vì một lí do thần bí nào đó mà tôi đã thoát. Nghĩ vậy, tôi liền đi tìm Ngát. Hỏi thăm mãi thì có một cô y tá xinh đẹp tốt bụng chịu chỉ cho. “Rửa ruột hả? Ngộ độc vì ăn cá thuốc rễ cây chứ gì? Nằm cả ở dãy lán dưới bờ suối kia kìa. Anh xuống đó tìm xem”
Tôi xuýt phì cười khi tìm thấy Ngát đang trong một tư thế rất kì cục, anh nằm chồm hổm trên sạp nứa của lán bệnh nhân, đầu chúi xuống, mông thì chổng lên trời và... rên ư ử!
- Quang hả? Ông... không... không bị à...? Sao... sao lại thế nhỉ?
- Không biết... Tôi chờ suốt từ lúc ấy đến giờ mà chẳng thấy bụng dạ làm sao cả? Hay tại vì tôi không ăn món canh?
- Có lẽ thế...! May đấy... Cá với chả mú! Bụng tôi... như có lửa ấy... Đau không thể... mà đã... tháo hết cả rồi đấy... Thôi, ông về đi... cố... cố mang hết hàng Tết về cho đơn vị... Mình... mình... chưa biết thế nào... Có khi phải nằm đây vài ngày... Ối. Đấy... lại... lại đau nữa rồi...
Báo hại tôi hôm ấy phải è lưng cõng hơn bốn chục cân hàng ì ạch tới tận tám chín giờ mới về tới kiềng. Đơn vị đang lo lắng, có người còn nghĩ rằng không khéo hai đứa chúng tôi bị thám báo bắt sống rồi cũng nên?

Tưởng rằng đơn vị ra trận lần này sẽ không có Ngát. Ai ngờ, ba ngày sau, đúng vào buổi chiều hăm chín Tết, khi đơn vị đang chuẩn bị hành quân vào trận thì Ngát bò về. Da dẻ có hơi xanh nhưng mặt mày thì tươi tỉnh. Gặp tôi, Ngát lắc đầu ngao ngán
- Kinh sợ! Phải nói là... cạch đến già. Bọn con gái ở cái bệnh viện ấy nó tiêm nát nhừ cả hai bên mông tớ đây này... - Rồi anh nháy mắt cười- Trốn về đấy, vì tớ biết đơn vị ăn Tết sớm thì nhất định sẽ có đánh đấm ra trò. Để mất xuất này thì có mà cú đến già!
Nhưng Ngát đâu có ngờ chỉ mấy ngày sau anh lại phải trở lại đúng cái bệnh viện tiền phương ấy. Đêm ba mươi rạng sáng ngày mồng một Tết Mậu Thân đơn vị tôi đánh một trận lớn - Đó là trận tiến công chi khu quân sự quận lị Cam Lộ. Ngát bị thương vào lúc rạng sáng, khi đơn vị đã đánh vào tới trung tâm trận địa địch. Nhưng tới tận chiều hôm đó tôi mới biết tin. Mấy anh em đưa được Ngát từ trong trận ra nói rằng anh bị thương rất nặng, phen này khó mà qua được. Nếu may còn sống thì cũng phải “đằng sau quay”, về hậu phương là cái chắc. Hai tháng sau vẫn không thấy anh trở về đơn vị, tôi cũng đinh ninh rằng có lẽ anh đã hi sinh hoặc bị loại ngũ rồi.
Nhưng không, anh đã trở lại. Vì thế, tôi mới biết được, ngoài chuyện gan góc dũng cảm trong chiến trận, hóa ra, Ngát còn là một kẻ đa tình.
 
 3
Tôi cũng không mấy vất vả khi đi tìm “kẻ đào tẩu” khỏi khu cách li bệnh viện. Ngát đang ở nhà. Khi tôi tới thì anh đang nằm bò trên cái chõng tre với mấy cuốn sổ sách nhàu nát, chẳng có vẻ gì là một con bệnh nguy hiểm cả
- Mình chỉ bị cảm lạnh... - Ngát thanh minh ngay sau khi bắt tay tôi - Có sốt và ho hắng đôi chút thôi. Nhưng mấy ông bác sĩ ở bệnh viện thần hồn nát thần tính cứ gắn cơn nóng lạnh của mình với cái đàn gà vừa gặp dịch.
Tôi thận trọng khuyên:
- Nhưng... ông cũng nên đợi có kết quả xét nghiệm xem sao đã chứ?
- Ôi dào... Làm quái gì có con virut H5N1 nào đủ bản lĩnh đục được vào ngươì tớ. Cái đau nhất là nó đánh vào “quân” của tớ một đòn quá đậm - Ngát chỉ đám sổ sách - Đang đánh giá thiệt hại đây này... Sơ bộ cũng mất đứt hơn hai trăm triệu. Lại sắp Tết nhất đến nơi mới đau chứ. Tớ đang tính, nếu đàn gà của tớ thọ được tới Tết thì bỏ rẻ tớ cũng thu lãi hàng trăm triệu cả gà thịt lẫn trứng. Bây giờ thì... lại trắng tay rồi!
Ngát thở dài nói vậy, nhưng rồi lại khoát tay:
- Nhưng thôi, bỏ đi. Chuyện đó tính sau. Ông đã lên đây thì... nhậu đã. Mà có dám ăn thịt gà không đấy? Đây là đàn gà ri tớ nuôi trong vườn nhà, không phải gà ngoài trại đâu mà lo.
Trại gà của Ngát là một trong những trại gà có tiếng trong vùng. Có thể nói chính đàn gà đã cứu anh thoát khỏi đói nghèo, trở thành một anh nông dân có máu mặt trong vùng. Ngát từng được đi báo cáo điển hình toàn tỉnh trong Hội nghị Nông dân sản xuất giỏi. Không biết rồi đây cái anh chàng nông dân giỏi này sẽ xoay trở ra sao?
- Tới đây... ông còn dám nuôi gà nữa không?-Tôi hỏi
- Thì... còn biết làm gì nữa? Dẫu sao tôi cũng còn vớt vát được ít tiền Nhà nước đền bù khi thiêu hủy đàn gà. Với lại chuồng trại, cơ sở vật chất vẫn còn nguyên đó. Dẫu có phải làm lại thì vẫn cứ thuận lợi hơn rất nhiều cái thuở ban đầu khởi nghiệp.
Tôi cũng biết khá kĩ về nguyên cớ khởi nghiệp làm giàu và cả “cái thuở ban đầu” đầy gian nan của anh. Chuyện bắt đầu từ một buổi chiều mùa Đông cách đây gần chục năm trời. Hôm đó, tôi đang ngồi nhà hí hoáy viết lách thì nghe tiếng chuông cửa reo liên hồi. Tôi lật đật chạy ra mở cửa và Ngát gần như ngã nhào vào tôi, người nồng nặc mùi rượu. Giọng anh đã hơi méo đi:
- Mày... có... có nhận ra tao không? Còn tao... vẫn còn nhớ được đường đến nhà mày đấy... Siêu không?
- Về được đến đây là tốt rồi - Tôi vừa nói vừa đưa cho anh một li nước lọc - Uống cái này đi cho... mát ruột đã.
- Mày... tưởng tao say à? Mày thấy tao nhếch nhác quá chứ gì? Không đâu...có cái đếch gì mà say... Tao đã kịp ngồi vào bàn tiệc nhà nó đâu... Tiệc cưới nó mời lúc năm giờ... Bốn giờ bảy tám thằng bọn mình đã mò xuống rồi. Mấy thằng đứng lơ vơ ở khách sạn một lúc thì mới thấy nó đi ô tô đến. Nó chỉ bắt tay mỗi thằng Cung rồi hỏi: “Mấy ông cửu vạn này... là thế nào?” Thằng Cung giới thiệu tên từng thằng. Nó gõ vào đầu lộp cộp rồi lắc đầu “Không nhớ!” Mẹ nó, thế có khốn nạn không cơ chứ?
- Thì... bạn bè chiến hữu nhiều. Nhớ làm sao hết được?
- Không nhớ thì... cũng phải nói thế nào chứ? Mà, ai quên thì còn được. Chứ riêng tao thì nó không được phép quên, mày hiểu không? Ít nhất tao cũng đã hai lần cứu nó thoát chết đấy.
- Nhưng... ông nói từ nãy đến giờ tôi vẫn chưa hiểu nó là thằng nào? Làm sao ông lại mò xuống tận khách sạn để dự tiệc cưới nhà nó?
Ngát uống một hơi hết cốc nước lạnh rồi nhăn mặt:
- Thì... là thằng Mại chứ còn thằng nào? A... mà tao hiểu rồi... Nó cũng... đếch mời tao. Mà là tại... tại cái thằng Cung hới mâng? Mày còn nhớ thằng Cung B40 không? Cái thằng... mất toi một con mắt không phải vì bị thương trong trận mà vì bị dây thép gai nó chọc vào ấy. Hôm trước... tự dưng nó ghé lên nhà tao chơi... Rồi bảo tao, ngày mai thằng Mại cưới con trai đầu. Nó có lời mời anh em đồng đội tới dự đấy. Thằng Mại ngày xưa là xạ thủ phụ, chuyên cõng đạn cho khẩu súng máy RPD của tao ấy... Mày nhớ không? Thì nghĩ nó cũng từng vào sinh ra tử với mình bao phen, nên hôm nay tao mới mò xuống. Thế... nó không mời mày à?
Tôi lắc đầu:
- Không... Mấy năm nay tôi cũng ít gặp nó, nhưng cũng biết rằng bây giờ nó là ông chủ một Công ty lớn ở Hà Nội này rồi. Tôi cũng có nghe mấy anh bạn kháo nhau là lão Mại sẽ tổ chức đám cưới cho con trai đầu ở một khách sạn vào loại sang nhất Hà Nội. Nhưng không được mời nên...
Ngát bỗng nổi xung:
- Mẹ nó! Thấy mình nghèo... Nó khinh ra mặt. Ông không tới là khôn đấy. Bọn tôi thì thật... dơ quá. Nó nhìn một lượt đám bạn bè chiến hữu mà thằng Cung mời tới, hất hàm bảo “Này ông Cung... Ông mời thêm khách mà không báo trước thế này thì không khéo tôi cháy cỗ mất!”
Tôi cười:
- Thì... có khi nó cũng nói thật. Đám cưới ở nhà hàng năm sao, khách khứa tùy tiện thế nào được?
Ngát bật cười cay đắng
- Thì... cũng đúng như thế thật. Quan khách ai nấy đều đóng bộ com-lê ca vát sang trọng. Bọn tôi thì... ngoài thằng Cung biết đường ăn mặc tươm tất, số còn lại đều nhếch nha nhếch nhác, chân thấp chân cao.Vì thế nên... đành bấm nhau chuồn. Ra đầu chợ tìm một hàng lòng lợn tiết canh ngồi đánh chén! Thế hóa ra lại vui!
Chuyện chỉ có thế mà Ngát hậm hực suốt cả buổi chiều. Rồi trước khi ra về, anh ngậm ngùi nói với tôi: “Chuyện thằng Mại thì thôi đi, coi như mình thất thố. Cũng chả nên trách nó. Nhưng... ngẫm lại, mình từng đánh Đông dẹp Đoài, vào sống ra chết mà đến cái thời buổi này vẫn còn lặn ngụp trong cái nghèo thì nhục lắm. Nhất định phải tìm cách mà vươn lên chứ, phải không?”
Cách mà Ngát quyết chí vươn lên là vay vốn mở trại nuôi gà. Và anh đã vươn lên được. Chỉ vài năm Ngát đã thành một ông chủ trại có máu mặt. Tôi đã từng kéo anh em bạn bè chiến hữu lên đây vài lần để động viên khích lệ anh. Nhưng lần này, đứng trước tai họa này, tôi cũng chẳng biết an ủi anh thế nào.
Vừa lúc đó thì con trai anh ở ngoài trại về, còn mặc nguyên cả bộ quần áo bảo hộ bằng ni lon, vai đeo bình phun thuốc khử trùng, cậu ta tiến đến chào tôi. Ngát chỉ anh con trai, hỏi
- Thằng Hương nhà tôi, anh nhớ chứ?
- Nhớ chứ. Hai năm trước nó lên trường Đại học Nông nghiệp 1 bảo vệ luận án tốt nghiệp cũng có ghé nhà tôi mà. Nó chưa chịu lấy vợ à?
- Nó cứ lần khân mãi. Nhưng lần này tôi phải quyết thôi.. Đang định qua Tết thì làm lễ cưới cho nó đây, nhưng gà qué thế này thì...
 - Cưới xin thời buổi này thì có nặng nề gì lắm đâu... Cứ động viên chúng nó cưới đi, có gì khó khăn bọn tôi xúm vào một tay là xong ngay.
Hương cũng vừa trút xong bộ đồ nghề liền tiến lại gần, nháy mắt với tôi, nói:
- Bác ạ, sở dĩ cháu cứ khất lần việc cưới xin là vì cháu có ý đợi... bố cháu đấy ạ. Các bác các chú nên động viên bố cháu cưới một dì về đây trước đi. Mẹ cháu mất hơn chục năm nay rồi, mai này cũng phải có người chăm lo cho bố cháu chứ?
Ngát nhăn mặt quát:
- Nói bậy! Thế chúng mày bỏ đi đâu?
Cậu con trai cười:
- Nhưng các cụ chả nói... con nuôi cha không bằng bà nuôi ông đó sao? Bố cứ cưới một bà về đây đã, rồi thì con mới dám cưới vợ, sinh con!
- Láo... Mày lại còn dám ra điều kiện với bố mày nữa kia đấy?
- Thôi... - Tôi vội can - Cháu nó nói cũng có lí đây. Sao ông bảo thủ thế nhỉ. Kiếm lấy một bà đi để sau này có người bế cháu cho thằng Hương chứ?
Ngát bỗng đỏ bừng mặt:
- Có ma nào nó thèm ngó đến cái mặt thằng thương binh nhàu nhĩ này nữa!
- Chưa đầy sáu mươi tuổi... Còn xuân chán!
- Đúng đấy bác ạ - Hương đế vào - Bà trạm trưởng trạm khuyến nông ở chỗ cháu mê bố cháu lắm. Bà ấy ngày xưa cũng từng là bộ đội, chồng hi sinh ở Cămpuchia, chưa có con nhưng từ bấy đến nay bà ấy vẫn ở vậy... Cuối năm nay bà ấy sẽ nghỉ hưu. Bố cháu mà lấy bà ấy về thì... trại gà nhà cháu sẽ có một bà “giám đốc” tuyệt vời!
Ngát bỗng phì cười:
- Cái thằng... bậy hết sức.Thế chẳng hóa ra... không phải tao lấy vợ mà là... cái trại gà nhà mày tuyển Giám đốc à?
- Hay lắm...!-Tôi vỗ tay tán thưởng- Như thế gọi là... một công đôi ba việc đấy. Ngát, làm đại đi!
Ngát đột nhiên im lặng, trầm tư một lát rồi bỗng ghé vào tai tôi thì thầm:
- Này... ông có biết không? Đêm qua... tôi lại mơ thấy cô ấy đấy!
- Ai?
- Thì... bà vợ tôi, mẹ thằng Hương... cái cô y tá Bệnh viện dã chiến ngày nào dạy tôi tập đi... gọi là phục hồi chức năng sau phẫu thuật ấy. Tôi đã kể cho ông nghe cái đận sau năm bảy mươi lăm, tôi vào Hà Tĩnh lặn lội suốt mấy tháng trời để tìm bà ấy chưa nhỉ?
- Kể rồi... thậm chí tôi đã thuộc lòng thiên tình sử chiến trận của ông rồi còn gì?
- Thế... chuyện...cái năm bảy mươi tám đang đánh nhau ở biên giới Tây Ninh. Cô ấy mò vào thăm... tôi trốn đơn vị để về trạm khách sư đoàn gặp cô ấy ông biết chưa nhỉ?
- Rồi. Sau cú ấy ông bị kỉ luật, giáng chức từ đại đội phó xuống trung đội trưởng chứ gì?
Ngát bật cười ha hả:
- Đúng rồi... Kỉ luật là đáng lắm...đáng lắm. Nhưng tôi cũng nhận được phần thưởng xứng đáng đấy chứ... là thằng cu Hương này này! Đêm ấy, trạm khách của sư đoàn bố trí cho hai đứa tôi nằm trong một căn lán lợp lá trung quân, dưới vòm một cây dẻ đang trổ hoa thơm ngát. Nằm bên vợ mà cái mùi hương hoa dẻ trộn lẫn với mùi lá trung quân cứ dậy lên, nôn nao rạo rực, lãng mạn vô cùng ông ạ... Mặc dù nơi ấy cũng không xa mặt trận, tiếng đại bác vẫn nổ đì đùng cầm canh nhưng cũng chỉ có cảm giác giống như tiếng trống chầu trong một đêm chèo xa xôi nào đó ở quê nhà. Một đời người, có được một đêm như thế thì kể như cũng đã mãn nguyện lắm rồi. Sau đó đánh vài trận ra trò, kiếm được thêm một tấm Huân chương chiến công và lại được phục chức đại đội phó. Thế là tôi vẫn cứ lãi to đấy chứ!
 Tôi khen sự tính toán khôn ngoan của Ngát rồi tò mò hỏi:
- Thế... đêm qua ông mơ thấy bà ấy về thật à? Bà ấy có nói gì không?
 Ngát gật gù:
- Có... Cô ấy che miệng cười miết. Cười một hồi rồi bảo...
Ngát ghé vào sát tai tôi, hạ giọng:
 - Này, đừng có giả vờ nữa. Lấy vợ đi, đồ nỡm!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên