Duyên nợ

Hắn nhắm mắt dốc ngược chai thuốc sâu vào miệng. Rượu đưa đà, át hết cả mùi thuốc sâu cho hắn. Cầm chai thuốc còn lại, hắn lao ra đường. Chả ai nghĩ một thằng đàn ông như hắn lại uất đến mức phải uống thuốc sâu mà chết nên tất cả chỉ chống xẻng, nhìn hắn cười cười.

Cái cáng được hai người hàng xóm khệ nệ khiêng từ trên chiếc xe cứu thương xuống. Trong ánh nắng chang chang của ngày nắng gay gắt oi nồng nhất kỳ giữa hạ, sắc mặt hắn chuyển từ màu vàng sang màu xám xịt. Hắn đã chết! Nhưng lạ nỗi, thân hình hắn không cứng đơ như những xác chết khác mà lại mềm oặt như người đang chơi trò đùa cợt với đám người đang quây vòng trong, vòng ngoài xung quanh. Một cánh tay hắn rơi ra ngoài cái băng ca, đung đưa theo nhịp bước của hai người khiêng cáng.

Nhàn - vợ hắn, tóc xoã che nửa mặt. Chốc chốc, vai thị lại giật giật. Hàng trăm, mà không, hàng nghìn con mắt của người dân làng Cầu cố dòm vào mặt thị mà chả nhận ra nổi thị đang cười hay đang khóc. Thằng Nhân dở người đang chăn bò ngoài bờ đê, thấy có ô tô về làng, lại thấy cả làng xúm đông xúm đỏ thì bỏ bò chạy về, lách đám người đang quây vòng tròn, chui xuống, nằm lật ngửa dưới đất như con rùa lật mai nhòm lên rồi hét tướng: “Bà Nhàn cười kìa”. Khác với mọi lần, lần này không thấy ai lên tiếng rủa: “Thằng dở người”! Cụ Lê lẩm bẩm kéo nó ra ngoài: “Nói dại, phải tội”!

Bên ngoài, trong mảnh sân nhỏ của nhà hàng xóm được che bởi bóng mát của một cây doi lớn, bốn người đàn ông trầm ngâm quanh cái bàn đắp bằng bê tông giả gỗ. Mấy cái chén sứt quai vẫn chằn chặn một thứ nước đục nhờ nhờ bên cái đĩa nhựa quăn queo vài miếng chuối xanh. Gã đầu trọc hất cằm, mắt gườm gườm, buông thõng: “Ngu thì chết!”. Gã trán hói, xoa cái trán nhẵn thín tận đỉnh đầu, trầm ngâm: “Nhà con kia ác quá. Dồn nó vào chỗ chết!”. Tay đầu húi cua, xoè cả bàn tay hộ pháp chụp lên cái đầu như quả bưởi: “Đéo sổ đỏ, sổ đen gì thì không chết!”. Chỉ còn kẻ đang ngồi cúi đầu trên hai bàn tay, mái tóc trắng xoá che vầng trán dài rộng, liên tục lẩm nhẩm trong miệng duy nhất một câu: “Người chứ có phải gỗ đá đâu. Người chứ có phải gỗ đá đâu!”.

2 - Hắn và thị đều rổ rá cạp lại. Hai kẻ đứt gánh nối lại với nhau tạo nên một cái tạm gọi là “tổ” với một thứ con: “Con anh”. Còn thứ “con em” không chung tổ vì được ông bà ngoại là bố mẹ của thị nhận nuôi trước khi hắn và thị cạp lại. Mấy tháng đầu, ít giông gió. Hơn năm sau, thứ “con anh” cắp quần áo về nhà bà ngoại nó, không thấy quay trở lại “tổ”. Sóng gió bắt đầu dập dềnh. Nửa tháng sau “con anh” đi, “con em” về tổ với lý do hợp lý: Bế “con chúng ta”! Cái tổ chao đảo ở mức “gió cấp 3, cấp 4”!

Hắn tên Binh, đi cấy, đi cày, đi gặt. Nói tóm lại là hắn làm nông nghiệp. Lạ là, người làng ít gặp hắn ra đồng. Cũng chả phải hắn lười. Mùa gặt, 6h sáng đã thấy hắn kéo xe lúa chất ngất từ đồng về nhà. Nửa tiếng sau đã gọn gàng rơm ra rơm, thóc ra thóc. Mùa cấy, chiều trước, ruộng nhà hắn còn trắng nước, nhưng sáng sau đã xanh mạ. Chịu! Chẳng biết hắn làm lúc nào. Người làng xếp hắn vào dạng chỉn chu.

Thị tên Nhàn, làm công nhân vận hành máy bơm, việc dù đơn giản nhưng xét ra thị vẫn là cán bộ Nhà nước. Cái tên có lẽ đúng với số phận con người thị, ít nhất là đến trước khi hắn chết. Cả hai đời chồng, công việc nặng nhọc trong nhà đều không động đến chân tay thị. Đến hắn, ngay cả việc nấu cơm, giặt quần áo, hắn cũng đảm nhận nốt. Thị chỉ chuyên chú vào cái mác công nhân vận hành máy bơm của mình và cái cửa hàng làm đầu thị mở từ ngày lấy hắn. Nhưng người ta cũng chỉ thấy thị ở nhà.

Cái trạm bơm của xã bé tẹo với hai vòi xả mà có tới ba công nhân vận hành, nên mỗi tuần, thị chỉ phải trực hai ngày. Mồi nước đã có tổ nông giang, thị chỉ chờ họ mồi đầy, gạt cái cần cho máy “oà” một tiếng rồi về nhà, việc trực canh máy lại thuộc về hắn. Mà cũng chỉ vào thời điểm chống úng hay chống hạn mới phải chạy máy, còn lại là làm vệ sinh chung chung, càn bèo, vớt rác trước cửa hút. Những việc này thì đương nhiên hắn là chồng nên gánh thay vợ. Thế là lương công nhân vận hành thì thị lĩnh, bó chặt. Còn việc của công nhân vận hành thì hắn gánh. “Của vợ công chồng”, cũng chả sao.

Nhìn từ ngoài vào, cái tổ “ba thứ con” của nhà hắn - thị vẫn ngày một phát triển. Bằng chứng là trên mảnh đất vợ chồng hắn - thị mua từ tiền của ông anh thị cho vay đã lừng lững mọc lên một ngôi nhà mái bằng. Nhà chưa nguy nga nhưng ở thôn quê như thế cũng đã là niềm mơ ước. Suốt thời gian xây dựng ngôi nhà, người làng không thấy thị xuất hiện nhiều. Chỉ thấy ông bố thị - tức bố vợ hắn, thi thoảng mũ cát trắng, dép quai hậu, vận quần áo kiểu Tôn Trung Sơn, hai tay bắt sau lưng ra ra vào vào chỉ huy đám thợ và cả hắn - thằng phụ vữa cật lực mà không đòi hỏi trả công. Tối nhọ mặt người, người làng vẫn thấy hắn hì hụi đãi cát, rửa đá, gánh gạch xếp lên giàn giáo để mai thợ xây đến có cái xây ngay.

3- Nắng vẫn chao chát đổ lửa xuống mặt đất. Con đường nhựa cấp phối chạy qua cái tổ “ba thứ con” của hắn - thị hừng hực như trong cái chảo rang. Người qua lại trên đường thưa thớt dần. Chả ai dại gì ra đường vào lúc nắng sôi nước bỏng làm gì. Những ngôi nhà bám mặt đường theo kiểu quê nhập phố đóng cửa im ỉm mong tránh cái nóng 40 - 410 của ngày giữa hạ.

Cái tổ ba thứ con của hắn - thị bỗng ầm ầm. Đầu tiên là tiếng bát đũa xoong nồi loảng xoảng. Rồi tiếng thị rít lên xoe xoé. Hàng xóm hé cửa nhìn ra. Hắn xách cái cặp đen đã tươm hai bên mép, bước ra đi dần xuống cây cầu nhỏ cách nhà chừng 50m, vừa đi vừa gióng giả: “Mày cậy có lương, thì tao có thóc. Bố mẹ mày bảo cho đất nhưng cuối cùng tao vẫn phải đứng tên vay. Anh mày cho mượn tiền để xây nhà thì tao bỏ công gánh gạch, đánh vữa. Nuôi được con gà mà thịt thì đến chui vào chuồng gà hót cứt cũng một tay tao…”.

Phía sau, thị nhẳng như con cá mắm, hàm răng vâu hô ra (dù bố mẹ thị đã bỏ tiền của ba lần mang thị đi cạp lại răng vì nhà chỉ có mỗi thị là con gái) bám theo hắn như con sáo bám lưng trâu: “Mày kể công gì. Thóc mày cấy ra thì mày ăn rồi. Công mày gánh gạch, làm nhà thì mày ở từ ngày làm xong đến giờ cũng hết rồi. Nhà của tao, đất cũng của tao. Bố mẹ tao làm sổ đỏ chỉ có tên tao là phải, mày còn hoạnh hoẹ gì…”.

Hắn quăng mông xuống nền đá cấp phối hừng hực nóng. “Sao mày không giở giọng ấy ngay từ lúc đầu. Biết bụng mày như thế, bố con tao khắc ở với nhau, buộc gá với cái thứ vổ chìa, vổ chạc như mày làm gì. Đúng là nhất lé, nhì lùn, tam dô, tứ rỗ, ngũ vổ. Cái số tao nó khốn nạn nên mới dính phải mày”. Thị lao vào giằng cái cặp đen te tua trong tay hắn: “Giờ mày mới biết mày ngu à? Ngu thì chết, bệnh tật gì. Tao lấy mày, câu bằng được mày để thằng chồng cũ của tao nó sáng mắt ra. Nó cũng như mày, chê tao xấu. Xấu thì tao phải lấy thằng đẹp giai như mày cho nó biết. Mày biết chửa. Chứ cái thứ trên răng dưới cát tút như mày, báu lắm đấy. Giờ mày lại định cắp cái sổ đỏ đất riêng của mày về dưới đấy hẳn. Bỏ ra đây”.

Thị lao vào. Hắn đứng phắt dậy. Bất giác hắn nhếch mép cười ruồi: “Ra thế. Dân làng nói tao không tin. Tao nghĩ thôi thì cùng cảnh rổ rá cạp lại thế nào cũng biết thương nhau. Ai dè. Mày cạn tình hết nghĩa rồi. Sổ đỏ trong này là đất hương hoả bố mẹ tao để lại, giờ tao phải giữ cho thằng con riêng khốn khổ của tao. Mày có quyền gì mà đòi dính vào”. “Tao là vợ mày, vẫn đương là vợ mày. Mọi chuyện dính dáng đến tài sản tao phải biết. Mày có đưa không?”. “Ô hô, con này, mày ngộ vì của mất rồi. Nhà đất tao với mày góp sức xây lên, bố mẹ mày làm giấy tờ đứng riêng tên mày. Giờ còn tí cắm dùi của hương hoả của tao, mày cũng đòi dính. Thế này thì mày còn là cái giống gì?”. “Giống gì cũng được”. Thị gầm lên, xông vào hắn. Hắn vung tay. Cùi chỏ đập đúng mồm thị. Một vệt máu rịn ra bên mép. Thị quệt ngang, thấy máu, liền ngồi bệt xuống, giẫy lên đành đạch: “Thằng Binh giết tôi rồi. Ối giời ơi, thằng Binh giết tôi rồi”.

Mấy nhà gần đường hé cửa nhìn ra. Giữa cái nắng nóng như đổ lửa, chuyện đánh nhau của nhà hắn - thị xảy ra như cơm bữa, chả ai dại gì mà dính vào. Mấy cánh cửa lại lần lượt khép lại. Hắn lững thững đi vào nhà. Thị cun cút theo sau. Tịnh cấm có thấy giọt nước mắt nào vương trên má.

4 - Cứ ngỡ mọi chuyện rồi sẽ bình yên, như cái máy bơm ngoài trạm thuỷ nông xã thỉnh thoảng lại rú rít lên vì khô dầu mỡ nhưng rồi được lau chùi bảo dưỡng lại đâu vào đấy. Câu chuyện nhà Binh - Nhàn đả nhau, chuyện về cái sổ đỏ, sổ đen gì đó của nhà hắn - thị chỉ râm ran được lúc buổi tối khi mấy nhà gần cầu bắc ghế ra đường hóng chuyện cho mát mẻ,  cũng là thêm đề tài cho câu chuyện đỡ nhạt phèo. Mấy ông đàn ông thoát ra từ những ngôi nhà như hộp diêm bên lề đường, xoay tròn bên cái ấm nước vối sứt vòi, phơi ngực đón gió giời, hớn hở bàn luận.

Người thì hăm hở: “Con cái Nhàn thế là không được. Chả gì thì nó cũng là chồng. Gạ gẫm lấy bằng được nó rồi, lại đi nhổ trắng phớ vào mặt nó thế. Thằng điên cũng còn có sĩ diện, chứ nói gì đến thằng Binh, một cắc không lọt ra ngoài này”. Người thì thủng thẳng: “Gớm, thì cũng chín kiếp gặp mười đời. Cùng hội thèm tiền như nhau cả. Chứ vào thằng khác á, có mà nó đấm vào”; Người thì lấm lét trông trước nhìn sau: “Nói phải tội chứ, đúng là xấu người xấu cả nết! Con Nhàn quá quắt thật. Phải tao, tao táng cho vỡ mặt, già đòn non nhẽ, rồi muốn sao thì sao”. “Thôi, xin mấy bố. Nhà nó làm ong đầu hàng xóm thế vẫn còn chửa đủ hay sao mà mấy bố còn bàn vào. Mà chửa hết chuyện đâu. Anh em nhà con cái Nhàn vừa kéo lên rầm rập kia kìa. Rồi còn lắm chuyện” - Mụ Tí toét vừa phe phẩy quạt mo vừa hếch cái cằm lẹm lên chảnh choẻ mấy tay đàn ông, nhưng đôi chân cà khoeo của mụ lại nhích dần lên phía cửa cái tổ ba thứ con của nhà hắn - thị nghe ngóng.

Mụ Tí toét vừa nói dứt câu, từ cái tổ ba thứ con ấy, Binh lao ra ngoài, tóc tai rũ rượi: “Chúng mày cậy tiền cậy của ức hiếp ông à? Lúc không gì thì dỗ ngon dỗ ngọt bố mày lấy con vổ, giờ lại định sinh sự sự sinh hẳn. Ông thách cả nhà, cả họ chúng mày”. Rồi Binh chạy ra chỗ đám người đang ngồi hóng mát, giọng uất hận: “Tôi có chết cũng phải vạch hết tội ác của bọn khốn nạn này với làng, với xóm. Chúng nó nghĩ chúng nó có tiền thì che tất được đấy hẳn. Còn lâu! Đấy các ông các bà xem, có gia đình nào, tiếng là có ăn có học lại khốn nạn như bè lũ chúng nó không”. Rồi Binh lại chõ về phía cửa nhà, gào lên: “Chúng mày định cướp công ông à? Cứ đợi đấy. Ông sẽ vạch mặt chúng mày ra”.

Không có tiếng đáp lại nào từ cái tổ ba thứ con kia. Một lúc sau, tiếng xe máy kéo nhau chạy ngược theo lối lên đê, tránh không lượn qua chỗ xóm láng đang ngồi hóng mát.

Thế mà giờ thì tay Binh chết thật rồi. Hắn nằm đấy, mặt đã chuyển vàng ệch, rồi xám xịt. Còn thị Nhàn thì gào lên từng chặp: “Ối anh ơi. Sao lại thế này anh ơi”. Thằng Nhân dở người nhào đến nhòm sát mặt thị rồi bỗng hềnh hệch cười. “Lôi thằng dở ra ngoài”. Tiếng bố đẻ thị thét lên. Lúc ấy thì chả ai nghĩ gì. Sau khi hắn yên mồ, người xóm Cầu mới bàn về tiếng cười của thằng Nhân dở hôm ấy để rồi chốt lại một câu: “Thằng Nhân chả dở, nó còn khôn hơn ối người”.

Hắn uống thuốc sâu tự vẫn. Chuyện ngỡ đùa. Nhưng mấy ai không điên không dại lại đi lấy mạng sống của mình ra để đùa bao giờ. Hắn chết thật, nhưng khổ nỗi, ai cũng nghĩ hắn đùa. Cơn cớ thì rõ rồi. Sau khi hắn - thị cãi nhau chán chê về cái chuyện sổ đỏ, sổ đen và đám anh em trai, họ hàng hang hốc nhà thị kéo lên túm hắn để dạy cho một bài học thì hắn kiên quyết chứng tỏ vai trò làm chồng của mình.

Hắn đi mua hai chai thuốc sâu về kéo thị ngồi bên bàn uống nước để bàn chuyện. Thị thì ngỡ hắn đã bỏ qua cái chuyện bố mẹ thị làm sổ đỏ chỉ đứng mình tên thị và giờ sẽ đưa cả cái sổ đỏ đất hương hoả nhà hắn cho thị giữ thì hớn hở lắm. “Chả gì thì chồng như cái giỏ, vợ cũng như cái hom”, thị vừa tủm tỉm liếc hắn vừa đập hai quả trứng vịt lộn vào bát đưa hắn nhấm nháp cho khoẻ để mai còn đi càn bèo nông giang thay thị.

Ai dè, chén hết hai quả vịt lộn với nửa cút rượu, hắn vẫy thị với đứa con chung của thị và hắn lại bên cạnh, rút hai chai thuốc sâu, cười hềnh hệch: “Anh với em lấy nhau lần này đã là hai khúc đoạn trường rồi (hắn với thị vẫn hay diễn tuồng thế). Giờ cơ sự em tính ngược xuôi, hất anh ra ngoài. Thôi thì anh cũng chả tiếc nuối làm gì. Không sống được với nhau thì chết với nhau chứ ai lại ra toà ly dị lần hai cho thiên hạ nhổ vào mặt ư? Giờ cả ba chúng ta đều uống. Cùng chết”. Mặt thị bầm lại. Ngỡ hắn đùa, doạ, thị gật đầu: “Chết thì chết chứ sợ gì. Sống mà khốn nạn thì chết còn sướng hơn. Mày uống trước đi”. “Không! Hắn túm cánh tay thị - Cùng uống một lúc”. Thị giằng tay, chạy vụt ra ngoài, cũng chả thèm bảo với ai là chồng thị đang định uống thuốc sâu tự vẫn.

Thị chạy được rồi. Chất men với hai quả vịt lộn cùng nỗi uất hận vì bị nhà vợ lừa đảo, khinh khi trong hắn bùng lên. Hắn nhắm mắt dốc ngược chai thuốc sâu vào miệng. Rượu đưa đà, át hết cả mùi thuốc sâu cho hắn. Cầm chai thuốc còn lại, hắn lao ra đường. Giờ thì mùi thuốc sâu đã nồng nặc. Đến đầu cống, bên cạnh những người đang cân vôi bán, hắn dốc ngược chai thứ hai. Chả ai nghĩ một thằng đàn ông như hắn lại uất đến mức phải uống thuốc sâu mà chết nên tất cả chỉ chống xẻng, nhìn hắn cười cười. Đến khi hắn gục xuống. Mọi người nhốn nháo vực hắn vào nhà. Gọi tìm một lúc lâu mới thấy thị. Thị phân bua “Tôi đi mua mấy cân vôi”. Một bà cụ già bật lên: “Đồ dã man. Cả nhà mày hám của dồn giết nó để cướp đất, cướp nhà. Cả nhà mày chỉ mong nó chết. Thế nên biết nó uống thuốc sâu mà mày không kêu để người ta vào can lại bỏ chạy đi mua vôi à? Đồ thất nhân!”. Ai đó chép miệng ngoài thềm: “Rồi giời có mắt”.

Bố đẻ thị chả biết đến lúc nào, chép miệng lại “Ngu thì chết. Chả ai tội lỗi gì ở đây”. Người ta quay cả lại, nhìn chằm chằm vào mặt bố thị. Lão già cúi đầu bước ra đường, rút điện thoại a lô a lồ chỉ thị cho mấy đứa con trai.

Và cuối cùng thì xác hắn đã được ô tô chữ thập đỏ đưa về lại cái tổ ba thứ con của hắn - thị kèm theo lời phán của cơ quan y tế: “Thần kinh không bình thường, thấy chai thuốc sâu tưởng nhầm sữa nên uống nhầm, ngộ độc, chết!”.  

Hàng xóm vào viếng, sụt sùi: “Khốn nạn thân ông. Cả đời khôn ngoan, lúc chết người ta hoá ông thành thằng thần kinh, ngớ ngẩn”.

Thị cũng vật vã bên quan tài. Cũng áo xô, khăn trắng dài tế rê. Nếu con người có linh hồn thật, thấy cảnh ấy, có lẽ hắn cũng được an ủi phần nào. Còn nước mắt thì… Mà thôi. Nhiều khi cá sấu cũng chảy nước mắt bình thường nhưng đâu có phải là nó khóc!

5 - Giờ thì mộ hắn cỏ đã lên xanh! Anh em họ nhà hắn rước vong hắn về ngôi nhà trên mảnh đất hương hoả bố mẹ hắn để lại cho thằng con riêng của hắn hương khói. Với đời, với người làng, hắn vẫn là người khôn ngoan!

Những chuyện về hắn bỗng nhiên thành nổi tiếng, người làng cứ nhắc mãi mà không sao chìm đi được. Nhưng cũng có những người, từ ngày hắn chết tịnh không thấy bước chân ra đường. Bia miệng cơ mà! Mà lại là bia miệng của làng! Gột sạch đâu phải dễ! Thói thường duyên thì có một mà nợ dễ lại hai!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên