Khó xử lý triệt để vụ in lậu tác phẩm “Búp sen xanh”?
VOV.VN - NXB Thời Đại, đơn vị có tên trên các bản in lậu cũng tự nhận mình là nạn nhân. Còn quá trình quản lý, thu hồi các bản in lậu vẫn chưa được xử lý nghiêm.
Mặc dù NXB Kim Đồng là đơn vị nắm bản quyền xuất bản tác phẩm văn học “Búp sen xanh” của nhà văn Sơn Tùng trong 10 năm, từ năm 2010 – 2020, nhưng từ quý IV năm 2013 cho tới quý I, quý II năm 2014, tác phẩm đã bị in không tác quyền. Các bản sách in lậu này đều được ghi là sách liên kết xuất bản giữa NXB Thời Đại và Công ty Cổ phần sách Nhân dân.
Thậm chí, ở bản in của tác phẩm do NXB Kim Đồng xuất bản còn có lời tựa của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, lời bạt của GS.Phan Ngọc, bìa và minh họa là của họa sỹ Văn Cao. Nhưng trong các bản in lậu, phần lời tựa, lời bạt và minh họa đều đã bị bỏ, khiến tác giả Sơn Tùng phải rơi nước mắt.
NXB Kim Đồng đã gửi đơn kiến nghị Cục Xuất bản, In và Phát hành (Cục Xuất bản) để điều tra, làm rõ sự việc, đồng thời yêu cầu NXB Thời Đại thu hồi sách vi phạm, trả nhuận bút cho tác giả.
Bản in lậu tác phẩm "Búp sen xanh" với tên đơn vị là NXB Thời Đại
Nhưng theo công văn để báo cáo sự việc, phía NXB Thời Đại lại cho biết: “Nhà xuất bản có kế hoạch liên kết xuất bản cuốn sách Búp sen xanh với Công ty Cổ phần sách Nhân Dân. Nhưng do Công ty Cổ phần sách Nhân Dân không trình được văn bản chấp thuận của đại diện chủ sở hữu quyền tác phẩm theo yêu cầu nên nhà xuất bản đã không ký hợp đồng liên kết và không ký quyết định xuất bản nào đối với cuốn sách trên”.
Ông Nguyễn Thanh – Phó Giám đốc NXB Thời Đại khẳng định Công ty Cổ phần sách Nhân Dân đã mạo danh nhà xuất bản này để in lậu tác phẩm. Mặc dù NXB đã đăng ký xuất bản tác phẩm “Búp sen xanh” với đối tác là Công ty Cổ phần sách Nhân Dân, nhưng khi biết NXB Kim Đồng giữ bản quyền tác phẩm, NXB Thời Đại đã quyết định không ký hợp đồng liên kết và xuất bản tác phẩm nữa. Vì thế, phía NXB Thời Đại cũng cho rằng mình là nạn nhân trong vụ việc này. Trong khi đó, công ty Cổ phần Sách Nhân Dân lại là đơn vị từng nhiều lần bị Cục Xuất bản “tuýt còi” xử phạt và thu hồi sách in trái phép.
Ngoài ra, Cục Xuất bản đã có văn bản chỉ đạo thu hồi bản in lậu tác phẩm “Búp sen xanh” gửi đến Sở Thông tin - Truyền thông của các địa phương, các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương và các đơn vị phát hành sách trên cả nước. Quá trình kiểm tra, rà soát lại các đơn vị liên quan đến vụ in lậu này đã được thực hiện suốt 1 tháng qua, trong đó có NXB Thời Đại và Công ty Cổ phần sách Nhân Dân. Tuy nhiên, nhà sách Tiến Thọ là cơ quan phát hành tác phẩm in lậu lại không hề bị “đả động” gì đến trong quá trình kiểm tra.
Hơn nữa, dù ông Chu Văn Hòa – Cục trưởng Cục Xuất bản cho biết, các nhà sách trên cả nước không còn bày bán các cuốn sách vi phạm bản quyền tác phẩm nhưng trên thực tế, các bản in lậu của tác phẩm từ năm 2013 cho đến nay vẫn xuất hiện rải rác tại những hiệu sách ở trung tâm Hà Nội như khu vực phố Đinh Lễ, đường Láng…
Ông Chu Văn Hòa cũng khẳng định nạn in lậu tràn lan tại một địa phương ban đầu sẽ thuộc về trách nhiệm quản lý trực tiếp của Sở Thông tin – Truyền thông địa phương đó. Cụ thể ở đây, Sở Thông tin – Truyền thông Hà Nội là đơn vị chịu trách nhiệm đầu tiên trong việc in lậu “Búp sen xanh” trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, vấn đề là việc xử lý quyết liệt của các cơ quan chức năng. Bởi khi in bất kỳ một ấn phẩm nào, nhà in đều có chứng từ, biên lai tài chính. Do đó, việc phát hiện ra cơ sở in và phát hành bản sách vi phạm bản quyền không phải điều khó khăn.
Bà Đoàn Thị Lam Luyến – Nguyên Giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả văn học Việt Nam cho rằng: “Việc tác giả phối hợp với NXB để có được độc quyền tác phẩm không đòi hỏi quy trình phức tạp. Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay, vấn đề còn ở ủy quyền của NXB đối với tổ chức, cá nhân đặt in tác phẩm. Quản lý lỏng lẻo ngay từ khâu này khiến cho việc phát hành hay in lậu trở nên tràn lan và khó xử lý. Việc quản lý vấn đề này còn đang bị bỏ trống”.
Sự việc khiến cho không chỉ bản thân các NXB bị chịu thiệt mà ngay cả tác giả cũng bị thiệt thòi vì chưa được trả nhuận bút từ các bản in vi phạm bản quyền./.