Mít trong vườn

Truyện ngắn của Nguyễn Tình Xuyên

Với tôi, chỉ riêng cây mít ấy đã đủ là một khu vườn.

Ông tôi bảo nó được trồng từ thời cụ tôi. Khi tôi lớn lên, cây mít đã vươn cao lừng lững giữa vườn. Thân cây to đến độ phải hai, ba đứa trẻ dang tay ôm mới kín. Mùa đông, lá vàng rụng xuống san sát trên nền đất. Mùa xuân, lá non bắt đầu ra. Đến mùa hạ, lá mít xanh đen tỏa kín một góc vườn.

 Ông tôi chỉ tay về góc vườn bên trái, bảo: “Chỗ ấy ngày xưa có hai cây mít mật nữa”. Hai cây mít ấy, quả thật sai, múi thật ngọt, nhưng chín luôn bị chuột khoét, lại dễ ngẫu nát, không đem cúng tổ tiên được mà ăn cũng chẳng còn ngon, nên cụ tôi đã vác rìu ra đẵn xuống. Thế là trong vườn chỉ còn lại một cây mít dai. Ngày nào tôi và chị Vân cũng tha thẩn chơi dưới tán của nó. Chị Vân sinh trước tôi ba tháng, là con gái cả của bác tôi.

Thân cây mít hôm nào chỉ nảy vài nhánh lộc như những cái mắt bé tí, nay đã hiện ra từng đài mít, cứ tưởng nó sẽ nở ra những bông hoa. Nhưng khi lớp cánh mỏng mở tung lại hiện ra những quả mít như cái bóng đèn pin nhỏ bên trong. Ông tôi bảo nó là “dái mít”. Chị Vân quay mặt đi, bụm miệng cười. Tôi ngô nghê hỏi: “Mít mà cũng có… hả ông?”. Chị Vân không nhịn được, cười hích hích.

Chỉ sau một tuần, những cái dái mít đã to bằng ngón chân cái tôi. Rồi bằng chuôi dao. Bằng con chuột cống. Xúm xít, trĩu trịt, ken dày… Quả nhiều đến nỗi ông tôi phải lấy sào tỉa bớt, để những quả còn lại có thể to hơn. Quả mít xanh như con lợn con rơi ngổn ngang quanh gốc, chúng tôi lượm đầy mủng. Về nhà bổ ra, gặm gãy cả răng, nhai trẹo cả hàm mới nuốt nổi. Thế mà chị Vân cũng ăn gần hết một quả. Những quả còn lại, ông tôi lấy mấy mẩu tre vót thành chân đóng vào giả làm trâu. Chúng tôi lấy dây buộc vào cuống mít mà kéo. Con trâu của tôi bao giờ cũng to và khỏe hơn của chị Vân. Tôi còn nghĩ ra một cách: lấy nhựa mít quấn vào đầu cây sào trúc khô, cắm ra bờ rào. Giữa trưa, nắng như rang cốm, có con chuồn chuồn ngô lừ đừ bay qua, thấy đỉnh sào đẹp liền sà xuống đậu, thế là bị dính chặt vào đấy. Có hôm còn được cả con chuồn ớt đỏ chót hay chuồn tương, chuồn chuối  rất to. Chị Vân thích lắm.

Một hôm chùa làng có lễ. Buổi chiều, bà tôi chuẩn bị áo khăn, vòng bồ đề ra chùa. Trong bếp mẹ tôi đồ xôi để ông làm oản. Bố tôi sắp một mâm lá mít, nhặt ra từng chiếc rửa kỹ trong chậu nước rồi bày bên cạnh ông. Chõ xôi bắc ra, ông tôi đặt cái khuôn oản to bằng cái chén tống lên bàn rồi xới xôi vào đóng. Cứ mỗi pho oản lại lót bằng một lá mít xanh bóng. Rồi chuối, oản, hương hoa, bánh kẹo sẽ được bưng ra chùa. Và phải đến tận trưa hôm sau, khi bà tôi đi lễ chùa về, có phần thì tôi với chị Vân mới được chia. Chúng tôi mong đến giờ đó lắm. Tôi hỏi: “Vì sao lại lấy lá mít lót oản hả ông?”. Ông tôi cười bảo: “Mít vẫn trồng ở vườn chùa. Nó chính là cây “đáo bỉ ngạn”. Nó giúp con người có thể vươn đến bờ giác ngộ, nên chỉ có gỗ mít mới dùng làm tượng Phật. Lá mít lót oản là để cầu mong hạnh phúc cho muôn nhà”. Tôi nghe mà mãi sau này lớn lên mới hiểu, chứ lúc ấy thì chỉ mong chóng đến buổi trưa mai thôi.

Trên cây mít, những “con lợn con” dần to bằng cái mủng, treo lủng lẳng. Một chiều kia, tôi và chị Vân chạy ra vườn thấy thoảng mùi thơm lựng. Chị Vân kêu: “Ơ mít chín, mít chín rồi”. Bố tôi cầm sào ra gõ vào những quả căng nức. Một quả kêu bồm bộp, đó là quả chín. Bố tôi dùng dao trảy xuống, mang về ủ vào đống trấu, lại phủ một lượt tải lên. Trưa sau, bà tôi bưng ra sân bổ. Múi mít hiện ra vàng ươm như kén tằm. Bà sắp thành hai mâm bày lên bàn thờ. Chúng tôi rất thèm nhưng bà bảo: “Phải để cúng các cụ đã. Các cụ ăn trước rồi các cháu sẽ được ăn thôi”. Chị Vân lo lắng hỏi: “Nhỡ các cụ ăn hết thì làm sao?”. Bà bật cười: “Các cụ chỉ ăn hương hoa thôi chứ không ăn thật đâu mà sợ. Cây trái ngày xưa các cụ có trồng thì bây giờ các cháu mới có quả ăn. Nên quả đầu mùa phải mời các cụ ăn đã chứ”. Ông tôi thắp ba nén hương đứng khấn trước bàn thờ. Tôi nhìn ra cây mít thấy lá khua rì rào trước gió.

Và chúng tôi lớn lên.

Cây mít trong vườn đã ra bao nhiêu mùa quả. Chị Vân đã thành con gái tự bao giờ, chẳng cần chuồn ngô, trâu mít hay cả những chiếc diều dán bằng nhựa mít nữa. Có lần chị theo bác cả đi chợ, mua một chiếc nón rất đẹp. Ở đáy nón có gắn chiếc gương tròn bé tí, chị vừa thổi cơm vừa ngả nón ra soi. Bấy giờ chị là thợ cấy giỏi nhất làng. Có lần tôi sang nhà bác chơi thấy chị vừa đi cấy về, đang ngồi ở bậc hè lột bỏ xà cạp ở chân ra, rồi vạch quần lên gần đến bẹn mà gãi. Hôm ấy chị cấy ở đồng Đồ Lệt, làn ruộng nước sâu nên bị ngứa. Tôi thấy lạ là suốt ngày bùn lầy, nắng gió mà da chị vẫn trắng ngần.

Đêm đêm, từng đám trai làng lảng vảng quanh rặng khúc tần ngoài ngõ nhà bác cả. Ra đường, chị Vân mặt cứ ửng lên như quả hồng chín, bẽn lẽn che nón, đi như muốn chạy. Một hôm có đám người quần lụa, khăn gõ bưng mâm trầu cau vào nhà đánh tiếng. Và một buổi sáng, trời trong và khô, chị rời nhà, rời xóm làng đi mãi. Bấy giờ đương là mùa thu, cây mít ngả lá vàng, rụng khắp vườn xao xác. Chị Vân lấy chồng rất xa…

Ít lâu sau, ông tôi mất. Rồi bà tôi cũng theo ông sau đó không lâu.

Mẹ tôi nhìn ra vườn, bảo: “Cây mít ngày càng thưa quả. Chắc nó cũng quá già rồi”. Bố tôi bấy giờ làm ở ban kiến thiết đình và chùa làng. Có lần các bà, các cụ đi quy bên chùa gửi đơn kiến nghị tu bổ chùa làng vì chùa làng bị xuống cấp nặng. Bố tôi suy nghĩ mãi, cuối cùng ông quyết định hạ cây mít xuống để dùng sửa chùa. Xã cũng đầu tư một phần kinh phí, còn lại do bà con đóng góp.

Cho đến bây giờ, mỗi năm đến mùa mít chín, mẹ tôi vẫn mua về bày lên bàn thờ để cúng tổ tiên như khi ông bà tôi còn sống vẫn làm. Và tôi vẫn nhớ như in những kỷ niệm xưa, ngày còn chị Vân, còn cây mít. Tưởng như mọi cảnh mới vừa hôm qua, tưởng như ông bà tôi mới vừa ra khỏi cửa…./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên