Mùa hoa xoài
Truyện ngắn của Nguyễn Đức Thiện
Tôi nhớ dạo đó là mùa khô. Bên bậc thềm của nhà văn hóa, chị reo lên gọi tôi:
- Trời đất! Bông xoài rụng nhiều quá trời! Trước mặt tôi, những bông xoài lặng lẽ rụng xuống sau mỗi trận gió thổi ào qua. Dưới gốc cây là một thảm hoa vàng nhạt. Tôi ngước lên. Không hiểu sao, tôi bỗng có cảm giác là: từ sau những kẻ lá non tơ kia, đang từng chút một, rất từ từ sẽ tách ra những trái xoài non, bầu bầu, xinh xinh. Để rồi khi xuân qua, hè tới sẽ cho những trái xoài vàng ươm, có vị chua chua, ngọt ngọt dễ thèm. Nắng mùa khô gắt gao, gió mùa khô dào dạt, cây xoài chắt từ đâu cho mình cái mầu xanh kia và cho trái chín ngày mai?
Tôi bảo chị:
- Thế nào tôi cũng có chuyện viết về hoa xoài. Tôi sẽ tặng chị chuyện mà tôi sẽ viết. Chị đồng ý chớ!
Và, hôm nay tôi viết.
I
Thiêm và Mơ thong thả bước trên con đường chạy dọc bờ con kinh xáng. Trời đã về chiều… hàng cây điều đổ bóng xuống mặt nước. Xa ngoài đồng, nắng vẫn trang trải trên thảm lúa.Bộ quần áo bệnh viện rộng thùng thình trên người Thiêm. Nước da đen xạm của người lính miền Đông đã phôi phai bớt sau hơn ba tháng Thiêm nằm bệnh viện. Gương mặt anh vẫn tái xanh. Hai mí mắt vẫn trĩu nặng. Mái tóc hớt cao làm cho anh có vẻ gầy ốm. Người ta chỉ có nhận ra vẻ hoạt bát của anh ở cái miệng rộng hay cười.Còn Mơ, cô không có một vẻ đẹp sắc xảo, nhưng ưa nhìn. Một cặp mắt mở to, trong sáng. Một sống mũi thẳng và cái miệng nhỏ có cặp môi tươi tắn. Chiếc áo bơ-lu trắng, tuy rộng vẫn không che dấu được một thân hình tròn lẳng khỏe mạnh.Họ đi bên nhau đã lâu. Chuyện dường như đã vãn. Im lặng làm bước chân của họ dù rất nhẹ vẫn nghe rõ mồn một. Gần đến cuối quãng đường, Mơ mới chợt hỏi:
- Hồi trưa, anh Thiêm lại lên bác sĩ Khoa, phải không?
- Ừ! - Anh vẫn đòi về đơn vị sao?
- Thì Mơ biểu anh nên về đâu bây giờ? Xa anh em lâu quá rồi.
Mơ không trả lời. Cô đưa mắt đuổi theo mấy con cò trắng phau đang xải cánh ngoài cánh đồng ruộng tít tắp. Ngoài đó vẫn còn nắng. Không hiểu sao, Mơ chợt cảm thấy xốn xang.Thiêm nhập ngũ khá muộn. Khi đơn vị anh bay tới Đà Nẳng thì Sài Gòn đã giải phóng. Dạo đó, bạn bè đã có người trêu, gọi anh là: “Lính đi nhặt đồ hộp”. Thiêm chưa kịp buồn thì được lệnh hành quân tiếp lên miệt biên giới Tây Ninh này. Anh trở thành lính miền Đông. Khẩu súng trên tay anh không thừa. Suốt ba năm chốt trụ biên giới với những cuộc đọ sức với kẻ thù mới đủ để anh tung hoành ngang dọc. Căm-Pu-Chia giải phóng, biên giới tạm yên, nhưng vẫn chưa hết những cuộc đụng đầu. Rừng đang yên lặng bỗng rộ lên một tràng súng, có khi chỉ đôi ba tiếng. Giữa trảng cỏ mênh mông, đầy gió, bỗng đột ngột chỉ xuất hiện vài cái bóng và sau đó là lựu đạn nổ. Sáng sớm, giữa trưa, chiều hôm, đêm khuya… Không gian một vùng biên giới lúc nào cũng căng như một sợi dây đàn. Ba tháng trước đây, đơn vị Thiêm đã có một trận đụng đầu như thế. Chúng nó ào lên chốt vào lúc giữa khuya. Trận chiến đấu kéo dài không lâu. Nhưng nó kết thúc vào lúc nào Thiêm không biết. Anh chỉ kịp nhận biết mình bị thương bởi một trái M79 nổ gần. Lúc tỉnh lại, anh mơ hồ nhận ra một vùng sáng đục của một căn phòng không rộng lắm. Anh gắng mở mắt. Một bàn tay đặt rất nhẹ lên vai anh, một giọng nói rất khẽ:
- Anh nằm yên nhen! Cử động mạnh nguy hiểm lắm đó!
Anh ráng đưa tay nắm lấy bàn tay đang đặt trên vai mình. Anh bắt gặp một cặp mắt trong suốt, dịu dàng nhìn vào mắt anh. Anh khó nhọc hỏi:
- Tôi … đang ở đâu thế này?
Cô gái trả lời:
- Đây là Quân y viện Tây Ninh! Đừng động mạnh nhen anh!
Từ hôm đó anh bắt đầu được nghe cô gái nói. Những lời khuyên của cô trở nên quá quen thuộc với anh. Ban đầu, anh nhắm mắt mà nghe lời. Nhưng những ngày sau đó, mỗi lần nghe lời khuyên là mỗi lần Thiêm chán nản. Lại thêm sự chăm sóc của cô nữa, khi thì cô bắt anh thay chiếc áo vừa mới dây một chút bụi bẩn, khi thì buộc anh đi cắt tóc, lúc thì mang kéo tới tận đầu giường cắt móng tay cho anh. Tới cả miếng cơm, miếng cháo, cô cũng bắt anh ăn một cách cẩn thận, ngồi canh cho đến tận miếng cuối cùng. Đã có lần anh bảo cô: "Khổ quá, tôi có phải con nít đâu?…”. Vậy mà cô ấy chỉ cười. Nhất là khi anh đã bắt đầu bình phục, chân tay nhúc nhắc được, đầu óc tỉnh táo hơn, anh càng khó chịu với sự chăm sóc quá tỷ mỷ ấy. Cho tới một hôm, không chịu được nữa, anh đã gắt lên:
- Xin cô để cho tôi yên. Sống gì mà cứ như tù giam lỏng thế này. Mặc xác tôi. Nếu chết, tôi đã chết ở chiến trường rồi!...
Cô gái đứng ngẩn ra nhìn anh. Cô không cười được nữa. Môi cô mím chặt. Nước mắt ấp lấy cặp mí, mòng mọng. Cô nhìn anh một lát rồi quay đi. Anh bạn giường bên nhìn anh chằm chằm. Cô gái đi khuất, anh ta la lên:
- Ông kỳ cục thấy mẹ… Ông có quyền gì mà la người ta. Những lúc ông nằm chết giấc ra đó, giường cứt, chiếu đái, người ta phải lo, sao ông không dậy mà la hét. Người ta phải chăm ông như chăm trẻ sanh non tháng ấy, thế mà… hừ, kỳ cục …Thiêm hối hận. Anh chờ cô gái ấy đến. Nhưng suốt buổi chiều ấy, cô không tới. Hai ba hôm sau cô cũng không tới. Sự vắng mặt của cô gái làm Thiêm càng thêm áy náy. Thay cô là một cô gái khác, thấp, tròn, như hạt mít. Vừa đủ một tuần, cô gái lại xuất hiện. Cô tới bên anh, giọng nói nhẹ như gió thoảng:
- Anh Thiêm! Anh bớt nhiều rồi chớ!
Thiêm trả lời, ngượng ngập:
- Cám ơn Mơ. Tôi có khá hơn chút ít.
Cô lại dẹp cái giừơng cho anh, vuốt lại cái gối cho phẳng, xếp lại mấy thứ chai, lọ ở chiếc bàn sắt trắng muốt. Bàn tay cô thoăn thoắt. Mấy lần hắng giọng, mãi Thiêm mới hỏi được một câu:
- Cô Mơ… cô vẫn còn giận tôi…
- Hả! anh nói sao? –Cô gái nhìn anh đầy vẻ ngạc nhiên – Mà em biết giận anh cái gì chớ?
Ngừng một chút, mơ tiếp:
- Em biết lắm chớ! Các anh đang chiến đấu, đang hoạt động. Bây giờ phải nằm bó chết vậy… khó chịu lắm…
Thiêm nhìn Mơ. Một lời nói đó của Mơ thôi đủ an ủi anh. Mơ vẫn nói như giải thích:
- Mấy hôm rồi má em bịnh. Em về qua nhà được mấy ngày. Buổi chiều ấy qua đi rất nhanh. Rồi thêm nhiều buổi chiều như thế. Không hiểu bằng con đường nào mà Mơ biết rất nhiều chuyện về anh, về cả những trận đánh có một, không hai của đời anh ngoài mặt trận. Chắc là từ những bài báo về các trận đánh trên biên giới có anh tham dự. Qua Mơ, anh là một bệnh nhân đặc biệt. Khi anh bất tỉnh các bác sỹ vẫn phải tiến hành mổ, lấy mãnh M79 trong phổi anh ra. Nhưng đường chuyển thương quá xa, anh bị viêm nặng nên đã bị cắt đi tới hai phần ba một bên phổi trái. Mơ được phân công đặc cách săn sóc anh. Mơ không kể, tự Thiêm cũng có thể hình dung được những nỗi vất vả của Mơ. Những cơn mê sảng, anh có Mơ bên cạnh. Vậy mà có lúc anh đã… Biết vậy, từ đó anh răm rấp nghe theo Mơ. Những lúc vết thương đau lại đột ngột, nghe Mơ, anh có thể nằm bất động ba, bốn giờ liền. Những lúc sốt cao, nghe Mơ, anh tựa vai Mơ ngồi cho đến sáng. Những lúc Thiêm buồn vì phải nằm chết một chỗ, Mơ thủ thỉ kể chuyện Thiêm nghe. Qua đó anh biết, quê Mơ ở dưới Trảng Bàng. Mảnh đất một thời anh dũng đánh Mỹ. Ơ đó, mỗi gốc cây, mỗi ngõ xóm, mỗi căn nhà đến tận bây giờ vẫn còn những kỷ niệm của những ngày chiến đấu xưa. Mơ hẹn Thiêm có việc về quê sẽ đưa Thiêm đến địa đạo, sẽ chui xuống đó để hiểu thêm Củ Chi. Anh trai cả của Mơ đã hy sinh từ ngày đánh Mỹ. Má Mơ, còn có Mơ và một đứa em trai, thì cả hai chị em đều tại ngũ. Ngày Mơ tình nguyện nhập ngũ, cơ quan quân sự huyện không chấp nhận vì em trai Mơ đã nhập ngũ trước đó rồi. Má Mơ đã đưa Mơ lên tận huyện giao thẳng cho anh sỹ quan tuyển quân và chao chát nói: “Bay có quyền gì mà ngăn cản nó chứ. Tao già, nhưng tao còn tự lo được. Nó lớn nó phải lo nghĩa vụ của nó. Bay phải để cho nó đi…"
Mơ được đi. Nhưng trên vẫn nghĩ tới người mẹ liệt sĩ nên điều động Mơ về quân y viện tỉnh, cho học lớp y tá… Hiểu thêm về Mơ, Thiêm bỗng thấy xuất hiện trong mình một cảm giác là lạ. Trống trải khi vắng Mơ. Xốn xang khi Mơ tới. Đôi lúc anh thấy giật mình vì những suy nghĩ bạo dạn về Mơ. Khỏe dần, những buổi chiều trong phòng điều trị được thay bằng những chiều đi dạo dọc bờ kinh. Đã có một lần, Thiêm hỏi Mơ, giọng nhẹ lâng:
- Mơ… con đường này dẫn mình đi tới đâu? Mơ…
- Có hơn hai cây số thôi mà, anh Thiêm …
- Không… là tôi… tôi muốn hỏi…
Bữa đó, Thiêm đã đứng dừng lại, nhìn Mơ, Mơ ngẩng mặt nhìn lên. Nơi đứng lại đó có một cây xoài đang mùa trổ bông. Những chùm bông xoài sai chi chít nổi bật giữa tàn lá xanh mướt. Mỗi làn gió nhẹ thoảng qua, những cành bông bé xíu lẹ làng rớt xuống… Mơ yên lặng để mặc những cánh bông đó đậu nhẹ xuống mặt mình. Mơ cười, không nói thêm một lời… Vẫn có những chiều hôm hai người đi với nhau như thế. Và như thành thói quen, cứ đến gốc xoài đó, họ dừng lại. Dưới chân họ, thảm bông xoài mỗi ngày một dầy hơn, báo hiệu trên đầu họ sắp tới mùa cây đơm trái. Ba tháng qua đi. Hôm nay, họ lại đi với nhau trên con đường quen thuộc. Tới gốc xoài, hai người lại đứng lại bên nhau. Mơ hỏi Thiêm.
- Bác sỹ Khoa nói sao anh?
Thiêm với tay ngắt một lá xoài và xoay xoay trên đầu ngón tay:
- Có lẽ không lâu nữa đâu, anh sẽ được trở về đơn vị. Anh nhìn vào mắt Mơ.
Có một nét buồn thoáng qua trong cặp mắt mở to ấy. Anh bỗng thấy thương thương cô gái ấy bấy lâu nay gần anh. Anh buông chiếc lá xoài và nắm lấy tay Mơ:
- Sẽ còn gặp lại nhau mà Mơ… biết đâu, rồi đây…
Mơ cũng nhìn anh, lắc đầu. Chắc Mơ đoán được suy nghĩ của anh, cô nói khẽ:
- Đừng, đừng nghĩ vậy nghen… anh Thiêm. Mơ rút tay về và chợt hỏi tiếp:
- Em hỏi thiệt, anh Thiêm đừng giận nghen, anh Thiêm?
- Mơ cứ hỏi.
- Có phải … đã có lần anh … yêu rồi, phải không?
- Sao Mơ hỏi vậy?- Đừng trách Mơ mà tội nghiệp. Hổm rày, phơi lại ba lô cho anh, Mơ thấy trong đó có một gói nhỏ. Anh gói kỹ lắm. Bên ngoài anh ghi dòng chữ: "Những lá thư không bao giờ đọc lại “. Mơ nghĩ, nhất định đó là thư của phụ nữ… Nên Mơ mới hỏi…
Thiêm không trả lời Mơ. Mơ đã gợi cho Thiêm nhớ tới một người. Một người mà mỗi lần nhớ tới là anh nuối tiếc. Một sự nuối tiếc muộn màng. Lát sau, Thiêm nói với Mơ, chậm rãi:
- Đúng thế… đã có lần, Mơ ạ! Cho đến bây giờ… À thôi, ta quay về kẻo muộn giờ. Mơ để anh nhớ lại thật kỹ, rồi anh sẽ kể Mơ nghe…
Biết kể cho Mơ nghe từ đâu? Từ đất quê miền Bắc xa xôi kia chăng? Hay là kể về con suối, đến mùa hoa kim anh nở trắng bờ, nơi có chiếc cầu treo lắt lẻo bắc qua, mà ngày nhỏ Thiêm và Ngọc, đứa học buổi sáng lớp trên, đứa học buổi chiều lớp dưới, đứa đi, đứa về thường vẫn gặp nhau? Hay là kể về những chiều râm ran tiếng nguyện cầu, những tiếng tróng trầm trầm báo ngày lễ trọng của sứ đạo Chợ Chu, nơi có nhà hai đứa ở hai đầu sân nhà thờ, ngày nào cũng gặp nhau trên chiếc chiếu dành cho lũ trẻ con ngồi xếp bằng đọc kinh theo người lớn. Hay là kể về ngày Thiêm nhập ngũ, Ngọc đã đến, giúp đám bạn con trai nồi cơm, chảo rau cho bữa liên hoan và bẽn lẽn cười khi nghe các bạn ghép đôi tên hai người, để thỉnh thoảng lại nhìn Thiêm, cái nhìn rất riêng đủ cho hai ngưới hiểu.
Bắt đầu một tình cảm dành riêng cho nhau, giống như bất cứ một cảm tình của những cặp gái trai ở thôn quê, khi đã trải qua những năm tháng gần gũi từ thuở chăn trâu, cắt cỏ, lội rừng hái củi, từ buổi đến trường, đến những ngày lội đồng bắt cua, rồi thân rồi… yêu, mà vẫn chưa thể nói gì cùng nhau.
Hôm ấy, dù ngồi cùng mâm cơm với bạn bè, nhưng Ngọc không ăn một miếng nào. Lúc chia tay, Ngọc đặt vào tay Thiêm một chiếc khăn tay trắng muốt, một tấm ảnh nhỏ, kèm theo một lời ngắn ngủi: "Anh cứ đi đi, em sẽ…".
Có nên kể cho Mơ nghe về những ngày ấy không? Hay là kể về những bức thư đã vượt cả ngàn cây số đến với Thiêm những bức thư không hề có dấu chấm, dấu phẩy, Thiêm cứ phải ngắt câu lấy mà vẫn như bị đuối hơi: "Anh thân yêu - Em quyết định nhập ngũ - xóm mình, bọn con gái xin đi nhiều lắm – cái Thông – nhà bác Xam đi đợt trước rồi – em cũng sẽ đi – màu xanh áo lính sẽ làm em gần gũi anh hơn – thương anh hơn – yêu anh hơn – cuộc sống ấy…".
Không, nếu kể thế thì dài lắm… Vậy thì bắc đầu từ đâu được.Trên giừơng bệnh, Thiêm vắt tay lên trán, khuya rồi. Xung quanh bạn bè đã ngủ cả. Bệnh viện yên ắng hẳn. Anh đèn ngoài hiên hắt vào làm mọi thứ trong phòng điều trị trắng đục, nhờ nhờ. Mọi khi, giờ này Mơ sẽ đến. Nếu hôm nay Mơ đến, Mơ lại trách anh vì sao không ngủ. Nhưng dù Mơ có trách thì anh cũng không làm sao ngủ được trong đêm nay. Anh đang nhớ, nhớ rõ mồn một, một khuôn mặt đôn hậu, cặp mắt hơi hiếng, cặp môi dầy, ít cười… Phải rồi, Thiêm sẽ kể Mơ nghe, kể như thế này…
*
**
Thiêm đi tìm Ngọc…Rẽ vào con đường đi qua khu Giao Tế, dọc miết theo bờ một con sông, Thiêm tìm ra chiếc cầu phao sang núi Hột. Lại mất gần nữa giờ nữa đạp xe trên con đường xóc nảy người. Thiêm đến được một trạm gác đơn sơ, có một cây tre nhỏ chắn ngang đường. Đó là trường lái xe quân khu M. Anh nhờ chiến sĩ cảnh vệ gọi điện vào gặp Ngọc. Lát sao, một cô gái cao lớn chạy ra. Vừa trông thấy anh, cô gái reo lên:
- Anh Thiêm, anh là anh Thiêm có phải không?
Cô quên cả chào anh chiến sĩ cảnh vệ mà chạy tuột ra chỗ Thiêm đứng:
- Ngọc đi vắng… ứ! Anh không được buồn. Trưa nay nó sẽ về...
Cô ngoắt lại nói với chiến sĩ cảnh vệ:
Anh ơi, đây là anh Thiêm, người… của Ngọc đó. Để anh ấy vào chổ bọn em chờ Ngọc, nhé… Chiến sĩ cảnh vệ bật cười vì lối báo cáo nửa điều lệnh, nửa dân thường của cô gái và gật đầu đồng ý. Dù hơi thất vọng vì vắng Ngọc nhưng Thiêm rất vui vì sự đón tiếp hồn nhiên của cô gái. Vừa tới trước một dãy nhà lợp lá cọ với những bức tường đất mộc, thì bốn năm cô gái nữa ùa ra đón anh. Một cô đón tay anh chiếc xe đạp kèm theo một câu đùa:
- Thế nào, xe long hết ốc chưa, anh Thiêm
Những câu đùa khác lập tức rộ lên:
- Không lo đâu anh Thiêm, đã có cái Ngọc nó căn chỉnh hộ...
- Anh Thiêm thật đúng là: "mấy núi cũng trèo” nhé!
- Ăn hết cơm thôi tụi bay. Hôm nay cái Ngọc chẳng ăn cũng no rồi!
Thiêm bị bất ngờ, lúng túng chẳng trả lời ai trước, ai sau. Anh chỉ còn biết cười trừ. Dãy nhà dành cho tiểu đội con gái có khác chút ít ở những chùm hoa cắm ở đầu giừơng , những bức tranh cắt từ hoạ báo, hoặc tranh những đứa trẻ con bụ bẫm, ngộ nghĩnh treo trên tường. Một chiếc bàn con kê ở giữa nhà được đặt cách có một bình hoa tươi rói. Cô gái ra đón anh vẫn là người mau miệng nhất nói với anh:
- Anh cứ tự nhiên như ở nhà. Ngọc ở đây với tụi em nhưng lại thuộc tiểu đội lái xe bên hậu cần. Hôm nay nó đi Định Hoá chở lá. Chỉ trưa là nó về. Em là Thắng, “Thắng kều”. Em chả cao mà. Con bé dắt xe cho anh là cái Thuỷ “tròn”. Con bé ngơ ngơ kia là cái Nghiệp… Chúng em bên nuôi quân. Binh chủng xoong, chảo, ấy mà…
Thiêm mau mắn làm quen với tất cả các cô gái. Ngọc được lòng tất cả mọi người, hay bởi giống bất cứ một đơn vị bộ đội nào, một người có khách tất cả cùng đón. Câu chuyện của các cô gái cứ xoắn lấy Ngọc. Vắng Ngọc, nhưng Thiêm được biết bao nhiêu điều về Ngọc. Anh biết Ngọc bây giờ cao lớn, cao lớn không thua gì cái cô “Thắng kều” kia. Anh biết Ngọc trước cũng ở bên nuôi quân. Ngày nào Ngọc cũng giành lấy việc gánh cơm ra bãi tập lái xe cho anh em. Ở đấy, Ngọc leo lên xe, tò mò học lái. Các thầy giáo thấy Ngọc ham mê cũng chỉ bảo tận tình. Ngọc xin lái kiểm tra.
Tết nguyên đán trước có chuyến hàng lá dong trên Đình Cả. Anh em lái xe, người đi dã ngoại, người đi phép vắng. Tiểu đoàn gọi Ngọc, cử thêm một học sinh đi theo. Ngọc đưa xe đi và về an toàn. Từ đó, Ngọc sang tiểu đội lái xe hậu cần. Ngọc nói với bạn bè: "Tao sẽ lái xe cho thật giỏi để xin vào trong Nam, lái xe đi khắp trong đó tìm xem ông Thiêm nhà tao ông ấy nầm bẹp chỗ nào mà cấm thư từ gì cho tao cả.” Bạn bè Ngọc cho Thiêm biết: Ngọc rất hay kể về Thiêm, ngày nào cũng kể. Ngọc đang yêu…
Các cô gái sau ít phút huyên náo đã túa đi. Chỉ còn Thắng ở nhà với Thiêm. Thắng bảo anh:
- Anh Thiêm, anh ra đầu giường cái Ngọc mà xem…
Không khác các bạn bao nhiêu. Một chiếc giường con. Một chiếc giá có chiếc ba lô xếp gọn gàng, vuông vắn. Chiếc chăn đơn xếp thẳng nếp. Đôi dép nhựa để bằng bặn dưới gậm giường. Thiêm đứng lặng đi bên chiếc giường giản dị của Ngọc.
- Anh không thấy gì sao? Tiếng Thắng làm Thiêm giật mình.
Anh lúng túng:
- Không … không Thắng ạ!
Thắng tới bên anh:
- Đây này…
Một tờ báo dán ở đầu giường. Một giòng chữ đậm chạy ngang tờ báo. Viết về anh. Đúng rồi, bài báo ấy viết về anh và trận đánh có một không hai của anh ở biên giới. “Ngọc ơi. Hôm ấy, tụi lính áo đen từ bên kia biên giới đã tràn sang. Chúng nó mê muội lăn tới với một sự hằn thù dân tộc độc địa không biết bởi ai đã tạo dựng lên. Chốt Phước Tân chỉ còn có năm anh em. Năm anh em đấu lưng vào nhau mà chống lại những trận tấn công ào ạt của chúng. Anh được phân công một mô đất. Mô đất ấy đã nhàu nát vì đạn cày xới. Một đám cỏ xanh còn rơi rớt lại cũng đã xơ xác lá.
Nhiệm vụ của anh là không cho bất cứ đứa nào đạp chân lên mô đất trước mặt. Năm sáu cái xác áo đen đã gục ngã ở đó. Nơi ấy thành điểm đích của những viên đạn của anh. Nếu chúng nó vượt qua được mô đất ấy, tức là khởi đầu của chết chóc. Sẽ có lửa cháy trong các làng mạc. Sẽ là lưỡi lê xọc qua ngực các cụ già. Sẽ là các bàn tay man rợ xé đôi các em nhỏ. Sẽ là những lưỡi dao bén ngọt mổ bụng, xẻo vú phụ nữ, sẽ là lưỡi cuốc, lưỡi búa đập vào gáy con người.
Và anh … nếu chúng nó đạp chân được lên mô đất đó tức là anh sẽ không tồn tại nữa. Anh không thể chịu được sự vô lý đó, nên mũi súng của anh cứ găm vào mô đất có khóm cỏ xanh xơ xác đó. Dẫu là trước lúc vào mặt trận anh đã có dặn em đừng đợi chờ gì người ra mặt trận, nhưng lúc đó anh không thể chết. Vì chính lúc đó, anh yêu em đến vô cùng. Chúng nó không thể giết được anh, khi trong anh đang sống vẹn nguyên tình yêu của em. Ba ngày trời, mô đất ấy còn, mà chúng nó phải rút quân. Nên hôm nay anh đã trở về…”
Thiêm nhớ về trận đánh hôm nào. Bên anh, Thắng nói như tâm sự:
- Ngọc nó không có tấm ảnh nào của anh.Hôm đọc bài báo này nó khóc. Hồi đó, em chẳng hiểu vì sao nó khóc. Bây giờ, khi em đã có một người để em nhớ, thì … em hiểu. Nó dán bài báo này lên đầu giường. Một lần, lơ đễnh, em treo chiếc áo lên đó, nó giận em mất mấy ngày liền.
Có tiếng còi xe. Thắng lắng nghe rồi lắc đầu:
- Không phải Ngọc!
Một chiếc xe từ từ vào sân. Thắng chạy ra gọi vang lên:
- Anh Trung ơi, anh Trung. Cái Ngọc về tới đâu rồi…
Một giọng nói rất khô, át cả tiếng xe đang chạy rù rì:
- Còn lâu! Không ai tham lam như nó. Còn nằm bết ở đằng sau đó. Chất được lá rồi còn ấn thêm một lô, một lốc củi nữa. Chờ sốt cả ruột! Mà cơm nước gì chưa? Đói lắm rồi đây…
Thắng gọi xuống nhà bếp sắp cơm cho anh lái xe rồi quay vào nói với Thiêm.
- Nó thế đấy anh Thiêm. Rồi lát về đói mềm người cho mà xem.
Thiêm bồn chồn lo cho Ngọc. Không biết sẽ có chuyện gì trên chặng đường trên năm chục cây số kia. Nắng trưa đã xế, Thiêm càng thêm lo. Ngọc ơi, chắc em không thể ngờ được anh đang đợi em ở đây. Thiêm bồn chồn. Nỗi bồn chồn lây cả sang các bạn của Ngọc. Bữa cơm dọn ra, mỗi người chỉ xới một, hai lưng bát chiếu lệ. Khi bóng nắng đã đổ dài mới chợt nghe tiếng còi xe lanh lảnh ngoài cổng. Lần này, Thắng reo to:
- Ngọc về đó, anh Thiêm. Nghe tiếng còi xe của nó là biết ngay. Một dài, hai ngắn… không lẫn vào đâu được. Anh không được ra nhé. Để em cho nó một trận.Một chiếc xe mô nô từ từ vào sân. Chiếc xe nhuốm đầy bụi đỏ, vặn mình trườn qua mấy ổ gà hằn những vệt bánh xe. Một hồi còi nữa thúc lên. Tiếng phanh hơi xì mạnh. Chiếc xe nép gọn vào góc sân. Cửa xe mở rồi xập mạnh. Tiếng Ngọc vang lên:
- Thắng! Cơm cho tao, tao đói chết đi được rồi đây.
- Ai bảo về muộn. Tao ngỡ tướng nào bắt mất mày rồi đấy!
- Bắt bớ gì? Xe hỏng. Cái ông Trung chết tiệt. Hôm qua tao nhờ xem lại cho tao cái hộp số… Mà quỷ tha ma bắt mày đi. Tính tao hay quên, nhờ mày bao nhiêu lần mà cấm có nhắc tao. Quên tiệt bộ đồ nghề ở nhà. Khỉ thế. Lên được cái đèo “ba mốt” là liệt. Chờ mãi mới gặp được ông “gin khơ” đi qua…
Thắng cười:
- Thảo nào. Người mày lem luốc thế kia. Ông Thiêm mà gặp mày lúc này, ông ấy chê chết đó!
- Chê hả? Chê thì cho ông ấy nếm “ma-ni-ven…”
Thiêm xốn xang. Tim anh đập rộn lên, mặt nóng bừng. Thắng cười nắc nẻ. Ngọc bật cười theo. Tiếng cười mỗi lúc một lại gần anh. Anh không nén được nữa, vội chạy ra:
- Ngọc!
Ngọc đứng sững lại. Lát sau mới thốt ra được:
- Anh!
Rồi Ngọc cứ đứng thế nhìn anh, mắt không hề chớp. Một bàn tay dơ lên gãi má. Một vệt dầu đen quệt nhẹ lên đấy. Thắng cười vang, nghịch ngợm đấm nhẹ mấy cái vào lưng Ngọc rồi chạy ào xuống bếp, để mặc hai người đứng lặng nhìn nhau.
*
**
Bạn bè của Ngọc dành những phút cuối cùng của buổi chiều cho hai người. Hai người đưa nhau đi dạo trên một sườn đồi lúp súp sim mua. Hoa mua đã nở tím sườn đồi. Những chùm quả sim non đã sai líu ríu ở các kẻ lá. Lớp cỏ non xanh rờn phủ nhẹ lên lớp sỏi cơm. Nắng đã nhạt. Gió thổi mát rượi. Mái tóc mới gội bằng cây bồ bồ của Ngọc xỏa ra, bay lất phất. Hương bồ bồ tỏa ra từ mái tóc ấy thơm dìu dịu.Đi đã khá lâu mà Ngọc không nói gì. Khuôn mặt đầy đặn với cặp mắt hơi hiếng của Ngọc trở nên trang nghiêm lạ lùng. Cặp môi dầy, trễ xuống như hờn giận. Khi tới được đỉnh đồi, Ngọc mới hỏi Thiêm:
- Bao giờ anh đi, anh Thiêm.
- Vài hôm nữa, Ngọc ạ!
Ngọc thở dài:
- Hôm nay, anh ở đây với tụi em. Rồi mai anh đi đi…
Thiêm dừng lại, nhìn Ngọc:
- Sao thế, Ngọc.
Ngọc sẽ sàng nói:
- Anh đi … và đừng quay lại đây nữa…
- Ngọc! Em nói gì mà lạ thế.
Ngọc cười, một nụ cười buồn rười rượi:
- Có gì mà lạ … anh!
Như người bị choáng, Thiêm không nói được một lời. Còn Ngọc, Ngọc nói rành rẽ từng lời một, như đã được chuẩn bị từ lâu.
- Chúng ta xa nhau ba năm rồi, phải không anh. Năm đầu, anh còn thư cho em. Lúc lên biên giới Tây – Nam, anh bặt tin luôn. Em thì chờ đợi. Còn anh thì… Anh còn nhớ thư cuối cùng anh viết cho em không? “Nơi anh đến, chiến sự đang ác liệt. Đừng đợi chờ gì người ra trận. Anh không dám hẹn ngày trở về. Chúc em hạnh phúc…”. Thế rồi biền biệt. Anh Thiêm, anh tưởng ai ra mặt trận rồi cũng hy sinh cả hay sao? Anh muốn hy sinh tình yêu trước khi hy sinh tính mạng chăng? Trời ơi! Em đã nói với bạn bè rằng? Em chỉ yêu có một lần. Mấy năm qua, vắng anh, có người tìm đến em, hứa hẹn đủ điều. Nhưng bên em chỉ có anh. Em chờ và em yêu … Em cắt bài báo viết về anh dán lên đầu giường, không phải em khoe với bạn bè về chiến công của anh. Em cần dòng chữ ghi đủ tên anh trong đó. Bao ngày tháng đợi chờ em mới có được dòng tên đó, em không dám so sánh sự chờ đợi với sự hy sinh ngoài mặt trận. Nhưng anh không được quên rằng chờ đợi cũng là một sự hy sinh. Hôm nay, anh về đây, mai anh lại ra mặt trận, anh lại thư về: “…đừng đợi chờ gì người ra mặt trận…” Rồi anh có cần biết gì đến những chờ đợi của người ở nhà…
Thiêm nghe, miệng anh đắng ngắt. Trận đánh trước kia lại thoáng hiện ra trong anh. Hôm đó, đã có lúc anh chợt nghĩ: “Có chết cũng chết tại trận địa. Duy chỉ với Ngọc… Nhưng không sao, mình đã khuyên Ngọc đừng chờ gì… “Lúc đó, anh cảm thấy trong lòng thanh thản. Anh có biết đâu rằng, chính lúc đó, Ngọc cháy lòng chờ đợi tin anh. Thắng chạy ào ra đón Thiêm và Ngọc:
- A! Anh chị ăn mảnh hả?… ớ… làm sao mày lại khóc… Ngọc?
- Thắng!… anh ấy… lại vào mặt trận…
- Thì anh ấy đã vào mặt trận… mày có khóc đâu?
*
**
- Đó là lần cuối cùng tôi gặp Ngọc, Mơ ạ!- Thiêm tiếp tục câu chuyện. Hoa xoài vẫn rụng lả tả trên đầu hai người. Vào lúc đó, Mơ bảo tôi còn làm gì được nữa? Thanh minh chăng? Có gì để mà thanh minh? Xin lỗi ư? Không đủ. Một sống, một chết với kẻ thù còn có người biết đến để mà viết lên mặt báo. Còn sự chờ đợi của Ngọc kia, lấy gì mà đo tính được.
Mấy năm trời đằng đẵng Ngọc mong mỏi chờ tin của tôi. Vậy mà tôi… tôi ngỡ mình cao thượng. Tôi cho rằng mình dám hy sinh. Không ngờ… tôi đã vô tình xem thường sự hy sinh của Ngọc. Tôi trở lại Tây Ninh với những trận đánh dằng dai kiểu khác. Vật kỷ niệm duy nhất tôi mang theo là những lá thư của Ngọc. Nhưng tôi không dám đọc lại những lá thư ấy nữa. Thực tình, tôi tự thấy… tôi chắc, Ngọc chẳng thể tha thứ cho tôi, nên tôi lại không viết thư cho Ngọc. Tôi biết, tôi không thể tránh được một lần thanh minh. Mà dù có thanh minh thế nào đi nữa cũng không xoá lấp được mặc cảm nơi Ngọc với mấy năm đợi chờ kia…
Hơn một năm nữa lại qua rồi. Trước lúc bị thương, tôi có gặp Vinh, em trai của Ngọc đang trên đường hành quân sang giúp bạn. Tôi được biết Ngọc vẫn đang ở đơn vị cũ. Vẫn lái chiếc xe mô nô. Tôi có dò hỏi Vinh, nhưng không thấy Ngọc nhắc gì về tôi nữa… Thế đấy, Mơ…
Mơ im lặng nghe Thiêm kể. Mắt Mơ lại dõi nhìn ra ngoài đồng xa, nơi có những con cò trắng phau đậu xuống, bay lên. Mơ nhắc.
- Ta về thôi, anh Thiêm! Mai sớm…. em ra bến xe…
- Sao? Mơ đi đâu? - Em về dưới nhà ít bữa…
Thiêm bước nhẹ bên Mơ. Anh băn khoăn nghĩ: không hiểu câu chuyện về Ngọc để lại cho Mơ suy nghĩ gì. Có cái gì trong câu chuyện có thể làm cho Mơ buồn anh?
Sáng hôm sau, không thấy Mơ đến phòng điều trị của Thiêm nữa. Có lẽ Mơ về dưới quê thiệt. Gần tháng trời, vào những buổi chiều Thiêm đi dạo một mình trên con đường ven bờ kinh quen thuộc. Anh dò hỏi tin Mơ qua cô y tá mập tròn như hạt mít, cô ta chỉ cười, vẻ bí mật. Con đường trở nên quá vắng vẻ đối với Thiêm. Đến bên gốc xoài, anh dừng lại. Đã hết mùa bông xoài nở. Trong kẻ lá xanh non đã thấy nhú ra những trái xoài non, bụ bẫm. Bây giờ, anh mới chợt thấy gốc xoài xù xì quá. Những lớp cành đan vào nhau, cong queo, khúc khuỷu. Thiêm nhớ Mơ. Có thực một lần nữa anh yêu? Sao Mơ lại vội vàng xa anh ngay sau câu chuyện về Ngọc. Mơ em, sao em lại trách quá khứ?…
Sáng nay, cũng như bao sáng khác. Bao giờ bắt đầu cũng là chim sẻ ríu rít gọi nhau trong các hốc cột, rồi rủ nhau từng đàn, từng lũ bay vù vù khắp sân bệnh viện. Một làn gió sớm thổi lùa vào các ô cửa sổ. Nắng sớm chói chang hắt chéo vào phòng, đậu lên nền gạch bông sáng lắp lóa. Thiêm từ từ mở mắt. Anh rất quen những buổi sớm thế này với Mơ. Mọi khi, giờ này Mơ sẽ bước vào. Mơ sẽ thức anh dậy, đưa anh ra lan can, đứng ngắm những bồn bông trước mặt và hít thở không khí trong lành buổi sớm. Dạo này, Thiêm không ra đấy nữa. Anh nằm, chờ kẻng báo giờ ăn sáng rồi mới dậy. Hôm nay, cũng vậy, anh chờ đến giờ đó.
Bỗng cánh cửa xịch mở. Cô y tá béo tròn như hạt mít đến. Vừa bước vào cô đã nói ngay với anh:
- Anh Thiêm, anh ra ngoài phòng khách đi. Có người chờ anh ở ngoải. Mà lẹ lên nhen, sắp tới giờ ăn sớm mai rồi đó!…
Thiêm ngỡ ngàng. Ai vậy. Từ ngày nằm viện, anh giấu biệt không hề cho ai biết mình bị thương. À phải rồi, anh em cùng đơn vị tới chớ ai nữa. Anh mặc vội quần áo, bước vội ra khỏi cửa, tắt vội qua sân bệnh viện. May quá. Tụi nó tới, mình sẽ biết đích xác địa điểm đóng quân, nay mai ra viện, khỏi phải tìm.Thiêm đi nhanh về phía nhà khách. Anh bước lên thềm, mở cửa. Anh đừng phắt lại. Người anh nóng ran lên, cái nóng lan cả lên mặt. Giọng anh thảng thốt:
- Ngọc!
Đúng, trước mặt anh là Ngọc. Khoẻ mạnh trong bộ quân phục còn mới. Chiếc mũ mềm có ngôi sao lấp lánh. Bím tóc dài đã kẹp gọn thả hai bên vành mũ. Ngọc nhìn anh bằng đôi mắt đằm thắm nhưng giận hờn. Ngọc mấp máy môi:
- Vâng… anh!
Thiêm tới bên bàn, ngồi xuống và vẫn chưa hết ngỡ ngàng vì sự xuất hiện của Ngọc. Và, anh cũng không làm sao tránh được cặp mắt giận hờn nơi Ngọc.
- Anh… em phải đi tìm… Sao anh vẫn cứ thế? – Ngọc nói, giọng trách móc.
Thiêm hỏi Ngọc:
- Sao Ngọc biết anh ở đây? Ngọc kéo chiếc túi mang theo. Cô lục lọi trong đó một lát rồi đưa cho Thiêm một bì thư, có đóng con dấu bảo đảm. Ngọc lẳng lặng đưa cho Thiêm những dòng chữ đầu tiên đập vào mắt Thiêm:“Chị Ngọc thân mến! Em là Mơ ở Viện Quân y Tây Ninh…”
Thiêm muốn kêu lên một tiếng, nhưng cổ anh nghẹn cứng lại. Bức thư rung rung trên tay Thiêm. Anh cúi xuống, đọc tiếp: “Chị Ngọc ơi!Em đã được nghe anh Thiêm của chị, kể về chị. Em đã làm một việc mà anh Thiêm không biết: mở gói thơ của chị, tìm địa chỉ và viết cho chị thơ này. Em nghĩ: chị vẫn còn yêu ảnh và ảnh cũng rất yêu chị. Có phải thế không chị? Em tin, nhận được thơ này thế nào chị cũng tìm tới ảnh. Hai người làm sao sống thiếu nhau được. Chị tới với ảnh đi …”
Thiêm đọc ngốn ngấu từng chữ một. Ngọc ngồi yên lặng theo dõi ánh mắt của Thiêm đang lướt trên trang giấy: “Bây giờ, xin phép chị cho em nói đôi lời với anh Thiêm. Anh Thiêm! Anh còn nhớ cây xoài mà chúng ta vẫn đứng không? Em đố anh biết, vì sao khi hoa xoài rụng lại báo hiệu một mùa cho trái, mà lại là thứ trái bầu bầu xinh xinh, để khi xuân qua, hè tới sẽ có những trái vàng ươm, chua chua, ngọt ngọt dễ thèm…? Tạm biệt anh, anh hiểu cho Mơ nhen!”
Thiêm xếp lại bức thư. Ngọc nhìn vào bàn tay Thiêm đang vuốt vuốt lá thư:
- Anh Thiêm, anh đi tìm Mơ về đây cho em.
- Mơ về dưới nhà rồi, Ngọc ạ.
- Không đúng! Mơ đang ở đâu đó quanh chúng ta đây thôi. Anh đi tìm cô ấy cho em. Cô ấy cũng là phụ nữ … mà anh có hiểu gì phụ nữ đâu? Đọc thư em biết, cô ấy cũng… Đi tìm cô ấy đi, anh Thiêm.
II
Có gì phải viết thêm nữa không chị. Quả thật, đàn ông chúng tôi không thể hiểu hết về phụ nữ. Cũng như đến ngay cả các nhà bác học cũng không thể hiểu hết được tại sao hoa xoài lại trổ bông vào mùa khô, nắng nóng, và cây nhựa chuyển hóa ra sao để khi hoa xoài rụng xuống là cho ra đời những trái xoài non, tơ, bầu bầu, xinh xinh. Để rồi khi xuân qua hè tới sẽ có những trái xoài vàng ươm, có vị chua chua, ngọt ngọt dễ thèm!./.