Người bạn đường nhỏ tuổi

Tôi đã làm đủ mọi điều cần thiết trước lúc chia tay người bạn đường nhỏ tuổi. Nhưng đến khi chiếc xe chuyển bánh tôi mới chợt nhớ mình quên hỏi tên cậu bé

Nghe NS Hùng Sơn đọc truyện:

Tôi phải cái tật đi đâu cũng sợ trễ. Mọi cuộc hẹn hò, họp hành tôi thường đến địa điểm trước giờ quy định độ mươi, mười lăm phút; đi tàu đi xe còn sớm hơn nhiều. Hôm nay cũng vậy. Chuyến xe đò từ thị xã lên miền ngược khởi hành lúc chín giờ, thì đúng tám giờ, tôi đã ra bến và lên xe ngồi thui thủi một mình. Bây giờ thì không trễ nữa rồi, nhưng tôi buồn và mong có một hành khách nào đó ra sơm sớm trò chuyện để giết thời gian.

Dăm phút sau, một cậu bé đen đúa, gầy nhom, mặc bộ áo quần cũ mèm, rộng thùng thình, đội mũ nan rách bươm, mang chiếc bị lác to đùng xăm xăm bước đến trước mặt mụ chủ xe, một phụ nữ chân tay béo có ngấn, mặt mày bặm trợn.

- Thưa cô- Cậu bé lễ phép- Cháu giờ chỉ có năm nghìn đồng. Cho cháu lên Cầu Đôi với số tiền đó, cô nhé?

- Sao? - Mụ chủ xe ngáp một cái to hết cỡ- Chỉ có năm nghìn đồng mà đòi đi xe lên Cầu Đôi hả? Mười lăm nghìn nghìn nhóc ạ. Không có thì biến!

- Nhưng cháu chỉ có ngần ấy. Hay là…

- Không hay dở gì sất. Chưa đủ thì ra phố móc túi ai đó cho đủ, rồi mai hẵng đi.

- Cháu có móc túi ai bao giờ đâu ạ. Hay là… cháu trả cô năm nghìn cả gán thêm đôi dép này nữa nhé. Cháu mới mua nó hôm qua với giá 26 nghìn đồng cơ.

- Mày vừa “đánh thó” ở một cửa hiệu giày dép nào đó phải không? Hừ hừ… Tao dại gì mà mua đôi dép của mày để mang tội oa trữ đồ ăn cắp!

Cậu bé nuốt nước bọt khan một cách ấm ức, lấy mu bàn tay day day cặp mắt. Một lát, cầm đôi dép nhựa màu nâu, cậu đi thẳng đến chỗ tôi ngồi, nói với giọng giật cục:

- Chú làm phúc… mua đôi… dép màu cho cháu với giá… chục nghìn… đi chú. Cháu phải về… quê bằng được… trong ngày… hôm nay, không… thì lỡ mất. Đây không… phải là… đồ ăn cắp đâu… chú tin cháu đi!

- Chú tin, chú tin! - Tôi nói vội và ra hiệu cho cậu bé đi đôi dép vào chân và lau khô nước mắt.

Cậu ta thuộc hạng người rất khó đoán tuổi. Căn cứ vào vóc dáng bé loắt choắt kia thì sẽ nghĩ cậu ta chỉ ở tuổi mười một, mười hai. Căn cứ vào khuôn mặt vêu vao dạn dày nắng gió kia thì cho cậu ta ở tuổi mười lăm, mười bẩy. Căn cứ vào cử chỉ, lời ăn tiếng nói trong lúc giao tiếp thì sẽ nghĩ cậu ta là người từng trải, tuổi còn lớn hơn. Hay đây thuộc trường hợp trẻ con khôn trước tuổi như nhiều người vẫn nói?

Tôi là một nhà văn nghèo kiết, ít khi trong túi có tiền. Rất may vừa rồi có một cái truyện ngắn đăng trên cuốn tạp chí Văn nghệ tỉnh nhà, lĩnh được năm chục nghìn đồng tiền nhuận bút. Tôi đã đánh suất cơm bụi mất chẵn chục nghìn. Mua vé xe về quê mất ba chục nghìn. Còn chục nghìn, tôi định về nộp cho vợ, để bà ta còn khoe với hàng xóm. Nhưng thôi, chuyện khoe khoang hết lần này đến lần khác. Sau khi chứng kiến cuộc trao đổi qua lại giữa cậu bé với mụ chủ xe, đặc biệt sau khi thấy cậu ta lấy mu bàn tay gạt nước mắt, thì tôi biết công việc cần làm ngay của mình lúc này là đưa 10 nghìn đồng cho cậu bé để cậu mua vé về quê, nếu không lương tâm tôi sẽ cắn rứt suốt đời.

- Cháu về nhà à?- Mua được vé xe cho cậu bé và dẫn cậu đến chỗ ngồi xong, tôi ôn tồn hỏi- Cháu ở làng nào trên đó?

- Làng Thọ Đơn ạ. Chú biết làng cháu chứ?

Làng Thọ Đơn thì tôi lạ gì. Đây là một làng nghề truyền thống. Người làng chuyên sản xuất các loại đồ gia dụng bằng mây, giang, tre, nứa, có mức thu nhập bình quân khá cao. Nhưng đó là chuyện của mươi, mười lăm năm trước. Ngày nay, những thứ ấy thị trường tiêu thụ không nhiều, hầu hết đã được thay thế bằng đồ nhựa vừa gọn nhẹ, vừa rẻ. Ruộng đất trong làng vừa ít, vừa xấu. Khi đói đầu gối cũng phải bò. Dăm bảy năm trở lại đây quá nửa số dân trong làng đành phụ nghiệp cha ông, tẩu tán vào Nam, ra Bắc kiếm kế sinh nhai. Trẻ con nghỉ học khá nhiều. Lắm đứa bỏ làng sống lang thang. Phải chăng cậu bé này là một trong số đó?

- Cháu đi đâu về? - Tôi lại hỏi.

- Thưa chú, cháu đi làm ăn ạ - Cậu bé đáp.

- Cụ thể là làm gì?

- Lung tung lắm. Khi thì… rửa chén bát ở hiệu ăn, nếu được người ta thuê. Họ trả công rẻ lắm chú ơi! Mỗi ngày phải làm đến mười bốn tiếng đồng hồ, mà chỉ nhận được hai chục nghìn đồng thôi. Mình không làm, họ thuê đứa khác, thời buổi mật ít ruồi nhiều mà!

- Ngoài rửa chén bát, cháu còn làm gì nữa không?

- Cháu đi đánh giầy. Làm việc này thu nhập cũng chẳng ăn thua. Được cái thoải mái hơn.

- Những hôm đi đánh giầy cháu ăn đâu, ngủ đâu?

Cậu bé vẻ ngượng nghịu, cựa mình liên tục trên ghế:

- Dạ, bạ đâu ăn đấy, bạ đâu ngủ đấy.

- Chắc cháu bỏ học lâu rồi nhỉ?

- Dạ, từ hồi ba cháu mới mất cơ.

- Trời, cháu đã mồ côi cha?

- Cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ. Mẹ cháu còn mất trước ba cháu bốn năm cơ.

Tôi bất giác thấy cay xè trong sống mũi.

- Vô tình chú đã gợi lại nỗi đau của cháu.

- Không sao đâu ạ. Cháu chịu đựng quen rồi mà - Cậu bé nói tỉnh queo, rồi quay sang nhìn tôi. - Chú là thầy giáo, phải không ạ?

- Trước đây chú có làm nghề dạy học, nhưng giải nghệ lâu rồi.

- Biết ngay mà! Chỉ có những thầy giáo mới tốt thế thôi. À, đố chú nhé. Chú có nhớ hôm nay là ngày gì không?... Hihi… chịu chưa? Ngày Nhà giáo Việt Nam đó.

“Ừ nhỉ, hôm nay là ngày hai mươi tháng mười một”, tôi lẩm nhẩm và thấy ngượng với cậu bé.

Mấy hàng ghế phía trước, hành khách đã ngồi kín chỗ từ lúc nào. Tôi cùng cậu bé giúp hai cụ già gác mấy thứ đồ đạc lỉnh kỉnh lên sàn vừa xong thì chiếc xe nổi còi bim bim, rồi rù rì chuyển bánh. Sau cửa kính, cậu bé hồn nhiên vẫy chào mấy đứa bạn cùng trang lứa làm nghề bán quạt giấy, bán bánh mỳ, bán đồ chơi trẻ con… qua lại lăng xăng dưới sân.

Ra khỏi bến đỗ, chiếc xe rẽ phải và bắt đầu tăng tốc. Những cửa hàng ăn uống, cắt tóc tắm gội, những cửa hàng bán hoa quả, vải vóc, giầy dép, thuốc men… thoắt hiện ra, thoắt lùi lại phía sau. Người bạn đường nhỏ tuổi của tôi chỉ chỉ trỏ trỏ, nói tri trô một mình, mặt mày rạng rỡ hẳn, khác xa vẻ suy tư của cậu bé “già trước tuổi” lúc nãy. Thậm chí cậu ta còn hát khe khẽ, đập tay lên thành ghế điểm nhịp một cách say sưa. Bị nhiễm phải tính hồn nhiên trong sáng của cậu ta, tôi cũng ê a hát theo, khiến mấy cụ già ngồi phía trước cười rổn rảng.

- Bỗng dưng mình lại có được một người bạn đường tâm đắc. - Tôi vỗ vào vai cậu bé, cười hà hà. - Cu này, cháu có việc gì gấp lắm ngoài quê mà phải về nhà ngay cho được trong ngày hôm nay thế?

- Vì nếu không về kịp hôm nay thì không thăm được thầy học đúng ngày Nhà giáo Việt Nam, thưa chú- Cậu bé đáp.

- À ra thế. Nhưng cháu bỏ học lâu rồi cơ mà?

- Bỏ học thì bỏ học nhưng vẫn cứ đến thăm thầy giáo chứ?... Nói vậy thôi, cháu cố sống cố chết về quê cho kịp hôm nay chẳng phải để thăm thầy giáo của cháu đâu, mà là thăm cụ Lương Trọng Đệ, thầy giáo của ba cháu cơ. Thầy Đệ nay đã gần chín chục. Lại cụt một tay. Lại ở một mình.

- Tội nhỉ. Vợ con cụ đâu?

- Chết hết trong một lần máy bay Mỹ ném bom!- Cậu bé nuốt khan nước bọt, giọng chùng xuống- Theo nhiều cô bác trong làng kể lại, thì hồi đó, thầy Đệ dạy giỏi có tiếng. Tuy chỉ là giáo viên cấp một nhưng cụ hiểu rộng biết nhiều, thông thạo cả chữ Tây lãn chữ Hán, mọi chuyện trên trời lẫn dưới đất giảng giải đâu ra đấy. Nhờ thế học trò thầy thi tốt nghiệp bao giờ cũng đỗ cao nhất huyện. Tài thật chú nhỉ?

- Với một giáo viên cấp một mà thông thạo cả chữ Tây lẫn chữ Hán thì đáng nể thật! Tài thật!

- Đó mới nói về cái “tài”, cái “đức” của cụ còn “siêu” hơn cơ. Nhờ thế mà từ phụ huynh, học sinh đến bà con trong xóm ngoài làng tất tần tật đều kính yêu cụ. Thì đây, cháu kể mấy ví dụ thế này, rồi từ đó chú luận xem có phải thầy giáo Đệ là người có đạo đức thuộc loại “tuyệt chiêu” không nhé?

- Cháu cứ nói tự nhiên đi.

- Ví dụ thứ nhất- Cậu bé chìa ra một ngón tay- Với các học trò kém, tiếp thu tại lớp không kịp chúng bạn, thầy Đệ kèm cặp cho chúng học thêm vào ban đêm ở nhà riêng. Thầy dạy thêm hết năm này qua năm khác mà chẳng hề lấy một đồng tiền công hay nhận một chút lễ vật nào của bất kỳ ai. Không những thế, trò nào quá nghèo, còn được thầy cho tiền để mua sách vở bút mực. Chẳng bù cho nhiều cô giáo thầy giáo ngày nay mở lớp dạy thêm vô tội vạ để móc tiền học trò. Đứa học trò nhà nghèo, hoặc vì sao đó mà không đi học thêm, thì họ tìm cách trù úm. Cháu nói thế, đúng không chú?

Tôi cảm thấy rồm rộm trên da mặt khi bất đắc dĩ phải gật đầu công nhận cậu bé nói đúng.

- Ví dụ thứ hai- Cậu bé chìa thêm một ngón tay, rồi lại tiếp với vẻ suy tư như ông cụ non- Chuyện này xảy ra hồi máy bay Mỹ mới ra bắn phá miền Bắc. Buổi học sáng hôm đó mới bắt đầu một lúc thì máy bay đã ập đến ném bom. Lũ học trò, ai còn bình tĩnh thì nghe theo sự điều khiển của thầy Đệ mà chạy ra nơi ẩn nấp. Khốn nỗi phần đông thì hoặc nằm bẹp tại chỗ, hoặc chạy lớ ngớ, khóc như ri, khiến thầy phải lao qua lao lại nhiều bận để đưa hết bọn họ xuống hầm. Người học trò cuối cùng được đưa đến nơi an toàn, thì một quả bom nổ kề miệng hầm, phạt mất của thầy một cánh tay. Chú có biết người học trò cuối cùng ấy là ai không?... Là ba cháu… ba cháu, chú ạ. Là ba cháu…

Cậu bé lại nuốt khan nước bọt, nhìn xa xôi. Tôi đọc được rất nhiều điều trong cặp mắt vừa trong sáng hồn nhiên vừa đăm chiêu từng trải đó, và nghĩ cách lái câu chuyện qua hướng khác…

- Hoá ra ba cháu lấy vợ cũng muộn nhỉ?

- Muộn. Bốn tám tuổi, ba cháu mới lấy vợ, năm mốt tuổi mới sinh con, mà chỉ sinh một mình cháu thôi. Nghe đâu, trước đó ba cháu không muốn lập gia đình đâu.

- Sao vậy?- Tôi ngạc nhiên hỏi.

- Ba cháu tưởng mình bị nhiễm phải chất độc màu da cam. Chẳng là… ba cháu có mấy năm đánh Mỹ ở chiến trường Khu Năm, nơi tụi Mỹ rải rất nhiều thứ đó. Hơn nữa, bao nhiên đồng đội của ba cháu hồi đó sống sót trở về, sau này lấy vợ sinh con toàn những đứa con bị tật, nên ba cháu càng sợ. May nhờ thầy giáo Đệ khuyên giải mãi, ba cháu mới “liều một phen” nên mới có cháu được chứ…

- Chắc ba cháu quý thầy Đệ lắm nhỉ?

- Khỏi phải nói- Cậu bé gần như chồm lên- Với ba cháu, thầy Đệ là mẫu mực tất cả mọi thứ để mình học tập. Viết chữ đẹp như thầy Đệ. Đi đứng khoan thai như thầy Đệ. Sống có nghĩa có tình như thầy Đệ … như thầy Đệ,  như thầy Đệ tất tần tật. Như thầy Đệ là tốt, là đúng, là hay; không như thầy Đệ là xấu, là sai, là dở, vậy thôi.

Bỗng nhiên cậu bé liếc nhìn tôi vẻ nghi ngại. Nhưng nhận được cái gật gù cổ vũ của tôi, cậu lại tiếp tục tri trô:

- Chú này, nghe bà con cô bác kể lại, thì hồi còn học cấp một, ba cháu bám thầy Đệ dai như đỉa. Thế nhưng thầy chẳng những không bực mình chút nào mà còn thích thú nữa cơ. Lớn lên, đi học xa nhà, rồi đi bộ đội, kể cả thời gian chiến đấu trong Nam, bất cứ hoàn cảnh nào, ba cháu cũng gửi được thư về báo cáo thành tích học tập, đánh giặc với thầy. Sau ngày giải ngũ trở về quê, ba cháu chăm nom săn sóc thầy như con cái đối với cha mẹ. Hằng năm, đến ngày 20 tháng 11, thế nào ba cháu cũng có quà đem biếu thầy. Quà nhỏ thôi, nhưng của ít lòng nhiều phải không chú?

- Phải rồi! Thầy nào trò ấy. Ba cháu cũng biết ăn biết ở như thầy Đệ rồi đó.

- Cảm ơn chú đã nghĩ tốt về cha cháu- Cậu bé ngã hẳn vào tôi, giọng gần như thì thào- Sau ngày ba cháu mất, thầy giáo có sự hụt hẫng sao đó. Nom buồn buồn là… Hằng năm đến ngày 20 tháng 11, thấy các thầy các cô “đương chức đương quyền” có học trò đến thăm hỏi lũ lượt ra vào, còn nhà mình vắng tanh vắng ngắt, thầy Đệ tủi thân lắm thì phải, ra bờ ao bó gối ngồi một mình ủ rũ, nom tội lắm chú ơi. Vì thế mà… vì thế mà mà…

- Mà sao cháu? - Tôi sốt ruột hỏi, và cậu bé cười buồn.

- Vì thế mà… qua đầu năm nay, khi đã tự mình kiếm đủ bát cơm ăn, cháu tự nhủ: từ rày, hằng năm vào dịp ngày Nhà giáo Việt Nam, dù đi đâu, ở đâu, mình cũng phải thay cha mình kiếm chút quà mọn mang về biếu thầy, kẻo tội.

- Không ngờ cháu tôi đã biết suy nghĩ sâu sắc đến thế!

- Tập dần đi là vừa, chú ạ! Chú xem, cháu có món quà nhỏ đem về biếu thầy giáo Đệ đây này.

Lục trong bị lác, cậu bé lấy ra một bọc giấy báo dày cộp, to bằng chiếc ghế đòn, đặt vào tay tôi. Tôi cẩn thận bóc lớp giấy để lộ ra một chiếc áo ấm màu mận chín, còn thơm mùi long não.

- Cháu mua hết bao nhiêu? - Tôi hỏi.

- Năm trăm hai chục ngàn đồng. Áo “phao” Đức chính hãng, cháu phải dành dụm cả chín tháng trời mới mua được nó đó.

Tôi lại thấy cay cay trong sống mũi vì xúc động. Với một đứa trẻ côi cút ngần ấy tuổi đầu, “bạ đâu ăn đấy, bạ đâu ngủ đấy”, kiếm sống bằng nghề đánh giầy hoặc rửa chén bát thuê cho các hiệu ăn, thu nhập vài chục nghìn đồng một ngày, vậy mà dám bỏ ra một lúc hơn nửa triệu đồng mua quà biếu thầy học của cha mình nhân ngày Nhà giáo, thì quả là một điều làm cho người lớn nào cũng phải suy nghĩ.

- Cầu Đôi sắp đến rồi! Ai xuống Cầu Đôi chuẩn bị! - Chợt tiếng the thé làm tôi giật mình.

Gói lại chiếc áo ấm, bỏ vào bị lác, tôi nhắc cậu bé đội mũ, đi dép. Tôi dẫn cậu ra cửa, và khi xe dừng lại, tôi dắt cậu xuống đất. Tôi bảo cậu cài cúc áo kẻo trời se lạnh. Nghĩa là tôi đã làm đủ mọi điều cần thiết trước lúc chia tay người bạn đường nhỏ tuổi. Nhưng đến khi chiếc xe bóp còi bim bim rù rì chuyển bánh và đã đi xa một quãng, tôi mới chợt nhớ mình quên một việc quan trọng là chưa biết họ tên cậu bé- “Cháu tên gì cháu ơi!”- Tôi gào lên…

Nhưng không kịp nữa rồi! Trả lời tôi chỉ có tiếng còi xe và tiếng cười nhạo của mụ chủ xe mặt mày bặm trợn, chân tay béo có ngấn…/.

Quảng Hoà 21/8/2009

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên