Người miệt vườn
Truyện ngắn của Thiên Phạm
Anh họ Đinh, chị họ Nguyễn. Nếu họ có con tên của chúng sẽ bắt đầu bằng Đinh - Nguyễn. Nếu con trai, nó sẽ có tên Đinh Nguyễn Kỹ bởi anh là sinh viên Bách Khoa.
Nếu con gái, chắc phải gọi là Đinh Nguyễn Mỹ bởi chị rất mê mỹ thuật, hội hoạ. Đơn giản là họ yêu nhau. Và phức tạp cũng bởi họ yêu nhau.Anh lên Sài Gòn học, chị ở lại quê nhà. Chị là giáo viên tiểu học, còn anh là sinh viên đại học, năm thứ ba. Vì một biến cố, anh lấy vợ khác, ở xa. Thay cho những cuối tháng về quê, anh chỉ gởi cho chị mấy dòng ngắn ngủi: “Anh ân hận. Xin lỗi em”.
Nước mắt tất nhiên tuôn. Tình yêu cố nhiên xóa. Nhưng cái gì có thể xoá được chứ đứa con trong bụng chị...
Anh đi, anh không biết những điều tiếng sẽ ập đến nhà chị. Chị ôm tất cả trong nỗi lặng câm. Người anh ruột của chị, sống cạnh nhà chị, đã có vợ nhưng không có con. Họ đỡ đần cho chị biết bao khổ nhọc.
Tóm lại, có ba người lớn đã ôm ấp, vỗ về, nuôi nấng một đứa bé không cha. Hóa ra nó có ba cha mẹ.
Ông bà ngoại qua đời, cay đắng vì đứa con gái chửa hoang. Làng nước nhìn vào gia đình chị, cười thì ít, mà thương thì nhiều. Cũng may, đứa bé lớn lên càng lớn càng xinh đẹp như mẹ nó; càng lớn càng học giỏi như ba nó. Nhưng ba nó đâu thì không ai biết. Tờ khai sinh của nó trống hoác một nỗi buồn tên cha. Con bé mỗi lần đi thi chuyển cấp, mỗi lần lục học bạ ra, thấy tờ khai sinh là âm thầm khóc. Mẹ chỉ nói với nó câu mơ hồ “Ba con chết rồi”. Nhưng có ai chết mà mất hẳn cái tên đâu? Mẹ nó họ Nguyễn. Vậy mà thay vì mang họ mẹ, nó lại có cái họ lạ lùng – Đinh Nguyễn Mỹ.
Một hôm cái tên ấy được đăng trên báo, phát hành khắp cả nước. Mỹ thi đậu thủ khoa trường đại học Bách Khoa. Mỹ chắc không hay ngoài cô, ngoài mẹ cô, ngoài cậu mợ thân thương vui mừng khi đọc được tên mình trên báo, còn có một người đàn ông khác đọc được cũng vui mừng không kém.
Người đàn ông thẫn thờ nhìn vào trong báo. Đúng là Đinh Nguyễn Mỹ. Đúng là tỉnh thành chỗ chị ở. Đúng là cách ngày ra đi của anh mười tám năm. Tờ báo rớt trên bàn làm việc của một giám đốc của một sở to đùng. Anh tạp vụ được lệnh liên lạc về xã X, huyện Y, tỉnh Z, tìm số điện thoại của chị. Và anh đã tìm ra.
Chuông điện thoại nhà chị reo. Chị đã đi dạy. Mỹ chắc đi chơi với bạn. Ông cậu từ nhà bên cạnh chạy sang.
Cậu Mỹ nhận ra anh. Cậu buồn nghèn nghẹn. Cậu bảo tối anh điện lại, gặp chị xem sao.
Tối đó, anh bận tiếp khách ở nhà hàng. Hồn anh cứ lảng đảng ở nơi khác.
“Mỹ không phải con anh!”, chị nói “Còn chuyện đi đứng ăn học ở Sài Gòn khỏi phiền anh vì có liên quan gì đến anh đâu mà phải bận lòng”. Chị tắt máy. Mười tám năm chị tưởng có thể viết đoạn kết câu chuyện theo ý mình.
Rồi chi cắt luôn đường dây điện thoại. Chị chỉ nói qua loa với con “Cỡ này bưu điện sửa đường dây nên máy hư hoài”. Rồi chị khóc.
Câu chuyện bị năm năm nữa chen vào. Anh đã thôi làm giám đốc vì dính vô mấy chuyện tham ô. Bà vợ đóng kịch ly dị với anh dễ né những săm soi của pháp luật. Giờ thành ly dị thật. Hai vợ chồng anh chỉ có một thằng con. Tên nó như một sự tình cờ – Đinh Nguyễn Kỹ. Gia đình anh xé đôi. Anh đi tù năm năm, Kỹ về bên mẹ - về bên có nhiều tiền.
Một hôm anh nhận được thiệp cưới của Mỹ, từ nơi rất xa mà rất quen. Người mời không phải chị, mà là cậu của Mỹ. Cậu viết nguệch ngoạc vào cuối thiệp mời. “Em nên về, cho Mỹ biết em!”.
Về lại nơi xưa, anh ở tạm bên nhà cậu của Mỹ. Chiều ấy, hai vợ chồng cậu lấy cớ sang đám cưới, bỏ anh chỏng chơ trong căn nhà lá đơn sơ. Chị sang rón rén như thuở nào. Vẫn cái khăn lông trắng cuốn một cục xà bông trầm, cái mùi anh rất thích. Chị nói sơ sài “Anh đi xa chắc mệt, ra sau tắm đi anh. Nước em mới gánh…”. Bóng chiều đổ xuống tim tím như một nổi buồn. Anh không nhìn thấy nước mắt trên má chị.
Sáng hôm sau, trong đám đưa dâu, mẹ cô dâu tươi cười rạng rỡ vì mừng cho con làm được điều hơn hẳn mình. Chị không khóc. Còn cha cô dâu lại khóc, lại ôm con gái. Không hiểu anh khóc cho ai.
Cậu và mợ nhìn anh chép miệng “Phải chi…”./.