Nhà văn Đỗ Bích Thuý ra mắt tiểu thuyết “Cửa hiệu giặt là”
VOV.VN - Trong cuốn tiểu thuyết mới này, nữ nhà văn vốn được biết tới với nhiều tác phẩm về miền núi đã viết về cuộc sống ở Hà Nội
Cuốn tiểu thuyết như những trang nhật ký chụp lại vài lát cắt trong cuộc sống của những người dân nơi góc phố nhỏ, nó tự nhiên diễn ra mà không chọn lựa thời điểm. "Cửa hiệu giặt là" khắc họa một Hà Nội rất quen, với những âm thanh, hình ảnh có thể nhận ra ở bất kỳ góc phố nào. Đó là bức họa về
Chia sẻ với bạn đọc về cuốn tiểu thuyết, Đỗ Bích Thúy cho biết, đây là cuốn tiểu thuyết mà chị viết luôn, không có đề cương. Những câu chuyện trong sách bắt đầu từ cuộc sống thường nhật diễn ra ở một góc phố Hà Nội, nơi vợ chồng chị có một cửa hiệu giặt là. “Tôi đã có những ngày được sống như thế, ở một cái góc nhỏ bé của Hà Nội mà cái xưa và cái nay đang còn đan xen, trộn lẫn, cùng tồn tại. Đã sinh con, đã nuôi con lớn, đã cùng gia đình chồng duy trì một cuộc sống bình yên; đã vượt qua cái cảm giác lạc lõng, thấy Hà Nội chỉ là một chốn dừng chân tạm thời… để đến lúc cảm thấy một Hà Nội thật thân thương, ấm áp, dễ chịu; một Hà Nội thực sự có tâm hồn, có cảm xúc, có sự run rẩy như những cơn gió cuối thu lướt qua tán lá; một Hà Nội mà ở đó có những cuộc đời bình dị được trôi đi với tận cùng vui buồn, sướng khổ…”
Đến dự buổi ra mắt sách, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh cho rằng: Đỗ Bích Thúy đã viết được cuốn sách hay về Hà Nội. Ông chia sẻ: “Đỗ Bích Thúy xuất hiện với truyện về miền núi Hà Giang rất gây ấn tượng. Khi nghe tin Thúy chuyển về Hà Nội, tôi rất tiếc... Nhưng đến cuốn này cho thấy cô thích ứng rất nhanh với Hà Nội. Cảm nhận của tôi về cuốn sách là sự yêu đời. Thuý viết, tôi đọc từng chữ một, đọc hết cuốn sách mà không bỏ qua. Thuý rất hóm hỉnh, rất tếu! Tôi già rồi mà đọc có những đoạn bật cười khúc khích..."
Đỗ Bích Thúy tâm sự, chị chủ ý khắc họa các nhân vật trong truyện đều đáng yêu. Thúy nghĩ rằng, được sinh ra trên thế gian đã là hạnh phúc rồi! Dù ai đó có khó khăn đến đâu, bất hạnh đến đâu, thì cũng vẫn sẽ tìm thấy tình yêu ở cuộc sống này. Những trang viết của Thúy thể hiện điều đó, vươn tới những tình cảm tốt đẹp, sự an ủi, thương yêu…
“Đỗ Bích Thúy rất mạnh về chi tiết khi cấu dựng những trang văn xuôi dù ở bất cứ thể loại nào từ tạp văn tới truyện ngắn và lần này, ưu điểm đó thêm một lần bộc lộ rất rõ trong cuốn tiểu thuyết thứ ba “Cửa hiệu giặt là”.
Những trang sách được viết từ sự quan sát tinh tế, giàu trực cảm đã làm nên bức tranh chữ hấp dẫn bạn đọc có khi là những điều lặt vặt, có khi là tiếng cười giễu cợt… tạo nên một tiểu thuyết khá sinh động về đời sống đô thị hôm nay”.
_Nhà văn Nguyễn Văn Thọ_
“Rời rạc, đó là cảm giác khi đọc một vài chương đầu của tiểu thuyết “Cửa hiệu giặt là”. Nó như là một thư ghi chép hàng ngày (nhật ký), đôi chỗ như phóng sự điều tra, có lúc lại như tản văn… Nhưng đọc hết thì lại thấy những cận cảnh, những mảnh vỡ đời người được ghép lại một cách khá khéo léo, đến mức không nhìn thấy những vết ghép nối. Chắc phải có một chất keo đặc biệt nào đó kết dính những phần tưởng như rời rạc ấy. Tôi cho rằng đó là keo đời, chất keo được kết tinh từ nhựa đời, nhựa đời lại được chiết xuất từ tình đời, tình đời lại sinh ra từ tình người chăng?!"
_Nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng_
"Cảm xúc khi đọc cuốn sách là vừa lạ vừa quen. Lạ không gian phố xá, giọng văn hoạt kê, rất “đời”.
Còn cái quen là vẫn gặp những thân phận đàn bà trong văn Đỗ Bích Thúy, những thân phận đau khổ, buồn phiền, già nua, cáu bẳn…; vẫn là cái tình của người viết, của nhà văn, của tấm lòng bao dung nhân hậu và thảo thơm, là sự rưng rưng xúc cảm…"
_ Nhà văn Hoàng Đăng Khoa_
Những cuốn sách đã xuất bản:
-Tiểu thuyết Bóng của cây sồi, Cánh chim kiêu hãnh
-Truyện ngắn: Sau những mùa trăng, Tiếng đàn môi sau bờ rào đá; Những buồi chiều ngang qua cuộc đời, Ký ức đôi guốc đỏ, Mèo đen, Đàn bà đẹp
-Tản văn: Trên căn gác áp mái, Đến độ hoa vàng
- Truyện vừa: Người đàn bà miền núi
-Truyện thiếu nhi: Em Béo và Hội cầu vồng