Những đứa con của mẹ

Truyện ngắn của Thiên Di

Ơ xứ biển này, chẳng có gì hào phóng bằng gió và nắng. Nắng cáu kỉnh quanh năm. Gió sỗ sàng suốt tháng. Chỉ thế thôi mà mái nhà của bà Bảy đã bạc thếch. Một tối, trong căn nhà lá lụp xụp, dưới ngọn đèn dầu leo lét, sau khi lùa vội những hột cơm cuối cùng, Hai Hiền, con trai lớn của bà Bảy, buông một câu trống không:

- Mai con lên đồn!

Bà Bảy ngừng đũa, ngẩng lên nhìn Hai Hiền. Đầu đôi đũa trên tay bà dừng lại nơi dĩa cá kho:

- Được nhận liền sao?

- Trốn thì khó chứ xin làm thì dễ ợt! Đang thiếu một chân gác đồn mà!

Hai Hiền vừa trả lời vừa chống hai tay xuống nền nhà lấy thế đứng dậy rồi tiến về góc vách, chỗ cái bàn có dựng mấy chai nước nấu sẵn. Anh gỡ miếng giấy được gấp thành hình chóp nhọn đậy trên miệng chai để tránh cát, ngửa cổ tu ừng ực. Bóng Hai Hiền lắt lay trên vách. Đặt chai nước đã vơi nửa xuống bàn, Hai Hiền lại buông một câu trống không:

- Hình như lu gạo nhà mình sắp cạn rồi!

Nói xong, Hai Hiền ra sân trước, sau đó có tiếng võng đưa cọt kẹt. Mặt trời đã lặn từ lâu nhưng không gian vẫn hanh nồng nồng. Hai Hiền không nghe bà Bảy ờ”. Tiếng “ờ” nhỏ xíu. Buồn hiu! Ba Lành đón chén cơm không từ tay bà Bảy trong khi bà còn đang thần người nhìn ra sân trước. Chỉ nghe tiếng võng đưa nhưng bà đã có thể hình dung ra được nét mặt của Hai Hiền, cái nét bình thản và có phần lạnh nhạt. Cái thằng… thiệt tình… càng lớn càng lầm lì, đã hai mươi tám tuổi rồi mà chẳng đá động gì tới chuyện vợ con. Bà có sốt ruột thúc thì Hai Hiền lần lữa: “Từ từ đi má!”.

Chợt, bà giật mình. Ba Lành đang thúc tay bà ra hiệu đã bới xong chén cơm. Bà hờ hững:

- Để đó cho má!

Bà Bảy đưa tay chà chà chóp mũi! Trời hôm nay sao bức bối quá! Không gian cứ oi oi làm lòng dạ bà cũng bứt rứt không yên. Cuối cùng, Hai Hiền cũng được làm lính gác đồn như ý muốn của bà. Nhưng… sao bụng dạ bà lại cứ thấy buồn buồn. Ba Lành thấy bà thần người ra như thế lại thúc tay:

- Má ăn đi! Để hoài vầy, cơm nguội cá tanh, sao mà ăn?!

Tư Ngoan gắp cho bà Bảy miếng cá nục kho tiêu rồi bẻ cái đầu cá cho vào chén của mình. Bà Bảy nhìn Tư Ngoan một hồi rồi thẽ thọt:

- Thằng Hai tính vậy, mày thấy sao?

Tư Ngoan vẫn cắm cúi vào chén cơm. Trong tầm mắt anh vẫn còn hình ảnh đôi tay bà Bảy đang dẻ cá. Đôi tay nhăn, nổi đầy gân xanh. Người ta nói, đàn bà mà có đôi tay nổi gân xanh như thế thường khổ vì chồng con. Tư Ngoan mím môi cố giữ hạt cơm khỏi rớt rồi nhìn ra sân trước. Trời thâm thẫm đen. Cái hanh nồng nồng ùa vào nhà, quấn quýt. Trời đất hôm nay sao mà kỳ cục? Gió máy không biết trốn đi đâu. Không giống cái hôm giông bão ầm ầm, ông Bảy cùng Chẩn, chồng Ba Lành, theo tàu đi đánh cá. Tàu không về. Ông Bảy và Chẩn cũng không về. Hôm đó, Hai Hiền ôm bà Bảy, Tư Ngoan ôm Ba Lành, những tưởng có bao nhiêu nước mắt đổ hết vào biển cả. Bà Bảy thấu lắm nỗi đau mất mát, mà càng thấu thì càng sợ, càng sợ bà lại càng cố vun vén cho gia đình.

- Để con coi! 

Tư Ngoan chỉ nói thế, chứ “để coi” là biết coi làm sao?

 *

*    *

Mấy hôm sau, khi Bình Yên theo Ba Lành ra chợ, ngang qua đồn, Bình Yên thấy Hai Hiền đứng trên vọng gác, tay ôm súng, mặc áo rất ngộ. Vừa thấy cậu, Bình Yên đã nhảy cẫng:

- Má, cậu Hai kìa! Cậu Hai oách chưa kìa!

Ba Lành níu tay Bình Yên:

- Để cậu Hai gác! Đi đi con!

- Cậu Hai làm gì vậy má?

- Cậu làm lính!

- Lính gì má?

- Lính Quốc gia!

Lúc ấy, Bình Yên không thấy Ba Lành cúi mặt bối rối vì đứa trẻ năm tuổi này bận ngoái cổ nhìn cậu Hai “rất oách” trên vọng gác.

Từ ngày Hai Hiền trở thành “lính Quốc Gia”, nhà bà Bảy ít bị dòm ngó, vì chẳng ai đi hạch sách, tra xét bà Bảy hoàn toàn yên tâm phục vụ “phe ta”. Không như nhà bà Chi, chẳng sống yên được một ngày. Có lần, đang đêm đang hôm, tụi lính ập vào, dựng đầu cả nhà dậy. Đồ đạc trong nhà bị chúng lật tung. Rồi cả nhà bà Chi bước thấp bước cao líu ríu theo tụi lính về đồn. Tuy nhà bà Chi không thuộc diện “có vấn đề”, chắc chắn sẽ được thả nhưng với kiểu hành động “thà giết lầm còn hơn bỏ sót” của tụi lính thì sống kiểu “hai ngày ở nhà ba ngày ở đồn” như thế thì cực quá trời quá đất. Những lúc thấy nhà bà Chi như thế, bà Bảy lại đưa tay chận ngang ngực, lẩm bẩm: “May quá!”.

Nhưng ở đời, mấy ai rõ được ngay từ đầu những gì mình đang có là phúc hay là họa.

Một buổi tối, Hai Hiền không về nhà. Tư Ngoan cũng đi vắng. Bình Yên thấy bà ngoại hôm nay rất lạ. Lâu lâu cứ giở phên cửa ngó chừng chừng ra ngoài. Ba Lành ngồi bên bếp than đỏ lửa. Than hầm từ vỏ cây nên thi thoảng lại tí tách bắn ra những tia lửa nhỏ. Ấm nước đã sôi ùng ục mà Ba Lành cứ ngồi im re, mãi đến khi Bình Yên nhắc mới giật mình. Nhấc ấm nước xuống rồi, Ba Lành còn nhìn quanh rồi chặc lưỡi, cái chặc lưỡi y chang bà Bảy: “Nấu chi nhiều vậy trời? Có còn cái chai không nào để chứa nữa đâu!”.

Ngoài kia là đêm. Đêm yên tĩnh nên nghe tiếng gió lượn đầy. Nhà đã đóng cửa kín bưng mà không hiểu sao Bình Yên lại thấy ngọn lửa chỗ má nó ngồi cứ phập phà phập phù. Bà Bảy hết đến ngồi trên bộ ghế trước bàn thờ lại đứng lên đi tới đi lui. Bình Yên thấy bà ngoại cứ đi vòng vòng thì mắc cười lắm. Nó buột miệng:

- Nhìn ngoại ngộ ghê! Giống y chang con lật đật, má hén?!

Bà Bảy phì cười, nụ cười méo xẹo, Ba Lành nghiêm mặt, nạt:

- Hỗn! Ai dạy con nói bà ngoại kiểu đó! Vòng tay xin lỗi ngoại mau!

Bình Yên hết hồn. Nó nhận ra vẻ gay gắt trong lời nói của má Lành. Nó líu ríu làm theo. Bà Bảy cười hiền, vuốt má Bình Yên:

- Ừm! Được rồi! Con đi ngủ đi!

Bình Yên ngoan ngoãn leo lên giường. Đang thiu thiu thì Bình Yên giật thót người bởi tiếng chó sủa vang dậy, rồi tiếng súng, tiếng bước chân chạy bình bịch. Bà Bảy giật mình, buông cái thoi và cuộn cước dùng để vá lưới xuống đất cái “cạch”. Ba Lành bỏ luôn cái quạt lá đang phe phẩy cho Bình Yên, xốc nó dậy rồi choàng tay ôm luôn bà Bảy vào lòng. Năm phút sau, tất cả lại rơi thinh lặng. Đêm vẫn đầy tiếng gió. Đêm ấy, Bình Yên còn quá bé nên không cảm được cái im lặng đó rợn người đến như thế nào. Một lát sau, Bình Yên lại thiu thiu ngủ. Trong giấc mơ, nó nghe tiếng phên cửa được giở lên và tiếng bà ngoại nó thì thào:

- Sao rồi?

Không có tiếng trả lời. Liền sau, nó lại nghe có tiếng rên khẽ:

- Trời ơi! Máu!

*

*    *

Buổi sáng, Hai Hiền về. Cả người khét lẹt mùi thuốc súng. Bình Yên theo sau cậu Hai hít hà. Nó thấy mùi của cậu không giống trước nữa, nhưng khác chỗ nào, nó không rõ. Vừa về tới nhà, Hai Hiền đi xăm xăm vô buồng, vừa thấy Tư Ngoan nằm thiêm thiếp với cánh tay loang máu đỏ, Hai Hiền đứng sững. Anh cứ đứng bất động như thế cho đến khi có tiếng Ba Lành:

- Anh Hai mới về?!

Hai Hiền giật mình. Suýt chút là hất đổ chén cháo nóng hổi trên tay Ba Lành. Hai Hiền liếc nhanh rồi vừa lách người ra khỏi buồng:

- Mày vô cho nó ăn đi! Quậy cả đêm, chắc mệt đứt hơi rồi!

Hai Hiền vừa mắc cái áo lên móc thì bà Bảy tan chợ về. Hôm nay, bà Bảy về sớm. Vừa vào tới nhà, bà thẫn thờ gỡ cái nón lá trên đầu:

- Chết rồi!

- Ai hả má? – Ba Lành hỏi vọng ra từ buồng của Tư Ngoan.

- Thằng Vĩnh! – Hai Hiền trả lời thay bà Bảy nhưng không hiểu sao giọng anh nghèn nghẹn – Nó chết trên tay con!

Bên kia buồng, Tư Ngoan đang há miệng nhận từng muỗng cháo từ tay Ba Lành, nghe thế thì phững ra. Ba Lành nhìn thấy, ái ngại hỏi:

- Thằng Vĩnh là bạn mày phải không Út?

Tư Ngoan quay mặt vô vách buồng, gật nhẹ. Trong đầu anh chợt hiện ra những ánh chớp của lửa đạn và những gương mặt mập mờ trong đêm. Trong đêm, làm sao người ta có thể phân biệt được bạn hay thù?

Giọng bà Bảy vẫn đều đều ở gian ngoài:

- Tự nhiên, má thấy lo! Hay là đi chỗ khác sống!

 - Ở đâu cũng vậy thôi má ơi! Đang đánh nhau mà! – Ba Lành vừa bước ra khỏi buồng vừa nói.

Hai Hiền nhìn bà Bảy, khi ánh mắt chạm phải nếp nhăn trên mặt bà, tự dưng anh thấy xa xót. Cả cuộc đời của bà, hình như chưa bao giờ được thanh thản ngồi ngắm trời, ngắm đất.

- Bữa nay bán được không má?

Bà Bảy se sẽ lắc, bà ngoảnh đầu gọi với xuống nhà dưới:

- Lành, đem mấy con cá đi muối mắm dùm má đi con! 

Vừa thấy Ba Lành, Hai Hiền hỏi trống không:

- Nhà còn gạo không?

- Cũng sắp hết rồi!

- Ừa! - Hai Hiền cúi xuống, cầm tay bà Bảy, anh cảm nhận rõ những đường gân nham nhám trong tay. Anh cũng không hiểu sao đôi tay này càng ngày càng gầy. Anh nói mà cứ như là không nói với ai vậy – Không sao, cũng sắp tới ngày nhận lương rồi! 

Trong buồng, Bình Yên đang ngồi với Tư Ngoan “cho cậu Út đỡ buồn”. Nó thấy cậu Út quay mặt vô vách. Bình Yên ngồi ở đầu giường, liếc mắt nhìn sang, thấy trái khế nơi cuống họng cậu cứ đưa lên đưa xuống liên tục.

*

*   *

Sau dạo đó, Hai Hiền và Tư Ngoan ít khi nhìn nhau. Muốn nói với nhau cái gì lại thông qua Bình Yên. “Bình Yên, nói cậu Út, chiều ở nhà sửa cái vách sau bếp, hở họng hở hầu hết rồi mà cứ để vậy à?”. “Bình Yên, kêu cậu Hai mua cho bà ngoại chai dầu xanh, ngoại hết dầu rồi mà cứ tiếc tiền không chịu mua!”… Bình Yên ngạc nhiên lắm. Vì nó thấy mỗi lần hai cậu dặn nó, đều nói rất to. Nó không cần nói lại ý của cậu này thì cậu kia đã nghe rõ mồn một rồi. Nhưng Bình Yên cũng không băn khoăn nhiều vì nó thích việc chạy từ nhà trước ra nhà sau rồi lon ton từ nhà sau ra nhà trước. Đối với Bình Yên, việc truyền tin qua lại cho hai cậu là một trò chơi vô cùng mới mẻ và thú vị.

Mỗi đêm, khi tiếng chó sủa vang, tiếng chân chạy lịch bịch và tiếng súng nổ liên tràng, Ba Lành thường vòng tay ôm bà Bảy và Bình Yên cho đến khi đêm trở về cái yên tĩnh vốn có của nó. Ngày mai, thể nào khi bà Bảy về nhà sau buổi chợ, hờ hững buông cái nón xuống nền nhà, bà sẽ nói: “Chết rồi!”. Cái giọng nói câu “Chết rồi!” của bà Bảy càng ngày càng nhẹ, cứ như cái “chết rồi” ấy được biết trước và rất đỗi bình thường. Bình thường như bàn tay ngửa rồi úp. Giọng bà bật ra, nhẹ hều.

Mỗi lần như thế, Ba Lành lại hỏi; “Ai hả má?!’. Có khi, Hai Hiền vừa nhìn ra trước cửa vừa trả lời. Có khi, Tư Ngoan nhìn ra cửa sau vừa nói. Thi thoảng, Bình Yên còn nghe cậu Hai nó chép miệng: “Nó mới cưới vợ xong!” hay tiếng cậu Tư thở dài: “Má thằng đó lụm cụm lắm rồi ! Tội gì đâu, đầu bạc khóc tiễn đầu xanh!”…

*

*   *

Cứ tưởng chuyện “đầu bạc khóc tiễn đầu xanh” là chuyện ở nhà “người ta”, xa lạ với chuyện “nhà mình” lắm. Vậy mà… trong cái ngày gió thổi từng đợt tanh nồng, bà Bảy và Bình Yên ôm xác Ba Lành khóc hù hụ. Ba Lành chết khi mới hai mươi sáu, cái tuổi đương xanh, xanh mướt. Nỗi đau róng riết đó như vắt kiệt hết nước mắt của cả đời bà Bảy. Hôm đó, Hai Hiền và Tư Ngoan chết điếng bên gốc dương. Hai Hiền cứ nhìn chăm chăm vào đôi bàn tay run rẩy của chính mình còn Tư Ngoan thì bấu chặt xuống thảm lá dương khô trải dày dưới đất. Hai người không khóc. Không khóc mới đáng sợ vì khi ấy nỗi đau chìm vào bên trong. Mưng mủ. Buốt đến tận xương, tận óc, tận tim!

Sáng nay, Hai Hiền tham gia bố ráp.

Sáng nay, Tư Ngoan bị bố ráp.

Hai Hiền là lính quốc gia

Tư Ngoan là du kích. Ba Lành chết giữa cuộc càn.

Bà Bảy thương đứa con gái yểu mệnh. Nhưng biểu bà căm thù kẻ đã giết con mình thì bà phải căm thù như thế nào đây? Dẫu rằng viên đạn giết chết Ba Lành không bay ra từ súng của Hai Hiền nhưng nó cũng là lính phía bên kia. Cái chết của Ba Lành đến dễ và nhanh như bàn tay ngửa rồi lại úp. Cái chết nhẹ hều! Bà Bảy đau lắm! Nỗi đau trong lòng bà chính là sự cộng hưởng giữa hối hận, mất mát, dằn vặt và bất lực. Chính bà, chứ không phải là ai khác, đã chỉ đường cho hai đứa con trai: “Muốn được sống yên lành cả ngày và đêm, giữa lính Cộng Hòa và Việt Cộng thì thằng Hai đi theo lính Cộng Hòa, thằng Tư đi theo Việt Cộng!” Làm sao thằng này che được đạn cho thằng kia? Bà đã tính lầm rồi chăng?

*

*    *

Vừa chôn cất Ba Lành xong, trên đầu còn chít khăn trắng, Tư Ngoan đã đưa cho Hai Hiền sợi dây:

- Anh Hai tự trói hay em phải trói?

Hai Hiền nhìn sững em trai mình:

- Mày bắt tao thiệt sao út?

Bà Bảy níu tay Tư Ngoan:

- Mày làm gì vậy út? Nhà có ba anh em, con Ba mới mất, giờ mày lại đòi bắt thằng Hai. Mày muốn nhà này phải tan đàn sẻ nghé hả út? Ngày trước, vì tao muốn cả nhà được sống yên ổn, có được cái ăn, cái mặc… giữa thời buổi loạn lạc mới cho hai đứa đi hai đường. Tao tưởng thế thì cả nhà được bình yên. Tao già mà tao dại, tao ngu. Lỗi là lỗi của tao. Mày muốn bắt thì bắt tao đi út.

Tư Ngoan mím chặt môi:

- Má! Má thương con, má hiểu cho con! Má cũng biết câu “quân pháp bất vị thân” mà má. Mình đã sai rồi, không lẽ cứ để sai mãi sao? Con chỉ đưa anh Hai đi cải tạo thôi mà! Rồi anh Hai sẽ được thả, rồi có cuộc sống mới, tốt hơn!

Bà Bảy gào lên:

- Cái gì pháp, cái gì thân, tao không biết. Tao cũng không cần cái “tốt hơn” sau này, tao chỉ cần cái yên ổn bây giờ! Út ơi! Mày tha cho anh mày đi Út! Mày biết anh mày đi làm lính cũng chỉ vì muốn nhà mình không bị tụi nó dòm ngó, làm khó dễ để tụi bay có cơ mà đi về, mà hoạt động thôi. Mày biết mà…

- Con biết… Nhưng mà má ơi, con không thể làm khác! Đó là lệnh, là quy tắc!

Hai Hiền cười khỉnh:

- Quy tắc? Quy tắc con mẹ gì? Mày khác quá, út à! Khi má cho tau đi gác đồn, sao mày không dở cái qui tắc đó ra mà ngăn cản luôn đi? Đợi tới hồi này mới dở qui tắc ra mà hành tau?

- Anh Hai đừng nói vậy! Chính anh cũng khác trước mà! Anh đừng nghĩ cho mình hoài, anh nên tập nghĩ đến người khác đi! Em mong anh Hai hiểu em. Em làm vậy là tốt cho anh Hai thôi!

- Vậy ý mày nói tao nghĩ cho bản thân, cho gia đình là sai hả?

Tốt cho tao? – Hai Hiền lại cười khỉnh - Mày thì biết con khỉ gì mà bày đặt nói là muốn tốt cho tao? Mày biết bây giờ cái gì là tốt đối với tao không? Muốn tốt cho tao thì mày hãy để tao ở nhà với má đi!

Lần đầu tiên, Bình Yên thấy Hai Hiền nổi giận, đôi mắt long lên, dữ tợn. Bình Yên sợ hãi níu lấy vạt áo bà Bảy. Bà Bảy vẫn tha thiết:

- Thằng Hai nó làm vậy là vì nhà mình mà Út! Con tha cho nó đi út! 

Tư Ngoan mím môi muốn bật máu:

- Má tha lỗi cho con! Anh Hai tha lỗi cho em! Không thể làm khác được, má à!

Hai Hiền gật gật đầu:

- Được rồi! Nói nhiều với mày chỉ tổ uổng nước miếng! – Hai Hiền chìa tay ra – Mày trói đi, còng đi, thực hiện cái quy tắc gì đó của mày đi! – Rồi Hai Hiền quay qua bà Bảy – Con đi, nay mai con về, mà đừng lo mà bịnh!

Sau ngày đưa Hai Hiền đi một tháng, Tư Ngoan về báo cho bà Bảy biết rằng, Cách Mạng đã thành công. Khi ấy, bà chỉ hỏi: “Vậy là yên ổn hả? Vậy là thằng Hai sắp được thả hả? Nó hứa với tao nay mai nó về mà!”.

Đúng là Hai Hiền đã hứa “nay mai về” nhưng cái ngày “nay mai’ của anh kéo dài đến mấy năm trời. Lẽ ra, lính lác như Hai Hiền thì thời hạn cải tạo dài lắm chỉ một năm nhưng cái tính ương bướng, ngang ngạnh đã ăn sâu vào máu. Những hành động chống đối của Hai Hiền đã làm thời  gian cải tạo dài thêm ra. Chỉ tội cho bà Bảy, mỗi tháng lại bị thóc bị gạo, bị đùm bị túm lên trại. Có lần, Tư Ngoan theo bà Bảy lên thăm thì bị Hai Hiền đuổi về. Bình Yên cũng theo bà ngoại đi thăm cậu mấy lần nhưng không hiểu sao mỗi lần nhìn thấy Bình Yên là cậu Hai lại quay đi. Bình Yên đem thắc mắc này hỏi bà Bảy:

- Cậu Hai không còn thương con nữa hả ngoại?

- Sao lại không thương?

- Vậy sao cậu không nhìn con, không nựng con nữa?

Bà Bảy nhìn Bình Yên, những đứa trẻ như nó thường rất nhạy cảm, bà ôm Bình Yên vào lòng, nghe tiếng mình chát ngắt:

- Vì con giống mẹ quá!

Ngày ấy, Bình Yên không hiểu “vì sao giống mẹ quá” lại không được cậu thương. Sau này, khi hiểu chuyện, Bình Yên mới biết, mỗi lần nhìn thấy Bình Yên, hình ảnh đứa em gái đầm đìa trong vũng máu lại hiện lên rõ mồn một, hình ảnh ấy cứ chèn ngang trái tim khiến hai cậu nghẹt thở.

*

*    *

Mỗi chiều, khi nằm trên võng đưa cọt kẹt, bà Bảy lại nhìn ra biển, thở dài thườn thượt. Có lần, Bình Yên nghe bà thì thầm một mình: “Ông ơi! Tui phải làm sao đây!”.

Năm Bình Yên lên tám, Tư Ngoan đã xây cho bà Bảy căn nhà trên nền đất cũ. Một năm sau, Hai Hiền cũng được thả về. Sau bao năm gặp lại, ánh nhìn đầu tiên của Hai Hiền dành cho Tư Ngoan vẫn rất lạnh, lạnh băng. Bà Bảy ôm lấy Hai Hiền, hết rờ rẫm mặt lại rờ rẫm tay chân, đôi bàn tay vốn đầy gân xanh giờ càng thêm nhằng nhịt. Bà chửi:

- Cha mày, làm gì mà mày ốm quá vậy con?

Rồi bà thút thít khóc. Bình Yên thấy ngoại khóc, cũng mủi lòng khóc theo. Tư Ngoan khẽ khàng:

- Anh Hai! Giờ anh muốn làm gì? Hay để em kiếm cho anh một việc làm?

Hai Hiền cau mày:

- Không cần ông chủ tịch xã phải lo!

Nói xong, Hai Hiền bỏ ra nhà sau. Tư Ngoan nhìn theo một hồi thì lùi lũi ra nhà trước. Bình Yên ngồi cùng bà Bảy ở gian nhà giữa. Bình thường, chỉ cần nhảy bốn năm bước chân sáo là Bình Yên đã tót ra nhà trước hay nhà sau nhưng không hiểu sao hôm nay nó lại thấy nhà rộng thênh thênh. Giá như, lúc này, hai cậu coi nó là “cái đài truyền tin” cho hai cậu như ngày trước thì tốt biết mấy.

Từ ngày Hai Hiền về, mỗi đêm, trời đã khuya lơ khuya lắc mà bà Bảy còn cựa mình hoài. Mỗi lần Bình Yên giật mình thức giấc nó lại thấy vệt nước lấp lánh bò trên gương mặt nhăn nheo của bà ngoại. Nó nhoài người, dùng ngón tay nhỏ xíu lau cho bà, rồi vỗ vỗ vào lưng bà: - Ngoại ngủ đi! Đừng khóc! Con ma về bắt đó!

Nó dỗ thế nhưng chính nó lại là người co ro cúm rúm trong mền vì sợ ma còn bà ngoại nó lại ngồi im lìm trước bàn thờ. Không gian phăng phắc. Chỉ có tiếng gió u u thổi. Đốm nhang đỏ rực như chính khao khát trong lòng bà: “Tui phải làm sao đây ông? Má phải làm sao đây Lành? Sao mà ra nông nỗi này? Chẳng lẽ đến lúc tui gặp ông, má gặp con rồi cũng không được ăn bữa cơm vui vẻ, đủ đầy sao?”

*

*   *

Khi Bình Yên được mười bốn tuổi, một ngày, nó chạy lấp xấp trên cồn cát, hướng về bến tàu nơi Hai Hiền đang làm bốc vác mà gào toáng lên:

- Cậu Hai ơi! Ngoại bị té! Không biết có bị sao hông mà con kêu hoài, lay hoài mà ngoại không trả lời trả vốn gì hết!

Sau đó, nó lại hớt hải chạy lên Ủy ban xã gọi Tư Ngoan. Trời chang chang nắng. Nắng như rang. Bóng Tư Ngoan chạy trước, bóng Bình Yên chạy sau. Về đến cửa, hai cậu cháu đã thấy Hai Hiền đặt bà Bảy trên giường. Tư Ngoan gọi:

- Má sao rồi, anh Hai!

- Mày kêu xe đi út!

Tiếng “út” bật ra ngon ơ. Bật ra dễ dàng đến mức chính Hai Hiền cũng ngỡ ngàng. Tư Ngoan sững ra một lúc, con mắt hoe hoe đỏ. Hai Hiền hình như cũng đã nhận ra câu nói bất thường của mình, quay qua nhìn. Thật lâu. Có lẽ, Hai Hiền phát hiện gương mặt thằng em út đã nhiều vết nhăn. Tự dưng, có một cảm giác lạ lùng trỗi dậy. Hai Hiền lắc lắc đầu, cố xua đi. Anh cúi xuống bế xốc bà Bảy:

- Sao còn đứng đó! Mày ra kêu chiếc xe lam chở má lên trạm xá coi! Nhắm không xong thì kêu nó chở luôn lên bệnh viện huyện!

*

*   *

Bà Bảy nằm thiêm thiếp như thế cả tháng. Hai Hiền và Tư Ngoan thay phiên nhau trông.

Bệnh viện huyện cách biển khá xa nhưng không hiểu sao, Hai Hiền vẫn nghe được mùi của biển. Một ngày, khi đứng ngoài hành lang bệnh viện, có cơn gió ở đâu ùa tới, Hai Hiền ngửng mặt hít hít rồi nói trống không:

- Mùa này cá nục béo lắm!

- Ừa! Má thích ăn cá nục kho tiêu lắm!

- Ừa! Mà phải kho thật keo kìa!

- Cơm nóng mà ăn với cá nục kho keo thì hết nồi, anh Hai ha!

- Ừa!

- Chắc má không sao đâu!

- Ừa! Chắc không sao đâu!

- Xin lỗi! Hai anh có phải là người thân của bà Nguyễn Thị Bảy?

- Dạ!

- Hai anh vào gặp bà lần cuối đi!

Hai Hiền nghe chữ “lần cuối” thì tay chân bủn rủn. Bước đi trên đất bằng mà cứ chênh chao như đang đi ghe. Hai người chạy vào. Trên tấm drap trắng, bà Bảy đang thoi thóp thở, dáng bà nhỏ xíu, gầy tong như cành dương biển. Bà Bảy mở he hé mắt nhìn Hai Hiền và Tư Ngoan :

- Má! Con nè má! Má nhận ra con không má!

- Má thấy trong người sao rồi má? Má khỏe không má?

Bà Bảy cố nhướng mắt nhìn hai con. Bà muốn nói: “Má không sao, tụi mày đừng lo!” lắm nhưng quai hàm cứ cứng ngắc không mở ra được. Ngực của bà nghẹn cứng, cứ như bị mấy con sóng to đập vào. Gượng lắm, bà Bảy mới nhấc được cái tay lên. Bàn tay nổi đầy gân xanh. Bà run run lần tìm tay Hai Hiền rồi tay kia cầm lại cầm lấy tay Tư Ngoan mà đặt lên nhau. Môi bà nhúc nhích. Hai Hiền chồm người lên, ghé sát tai vào miệng bà:

- Má! Má muốn nói gì? Má nói đi! Con nghe nè má!

Môi bà Bảy vẫn nhúc nhích nhưng tuyệt nhiên chẳng có âm thanh nào phát ra.

Rồi, tay bà lạnh dần, buông lơi. Bà nhắm mắt.

Bình Yên đứng sững nơi cửa phòng bệnh. Nó đánh đổ luôn cái cà mèn cháo và túi đồ xuống đất. Nó ngoác miệng: “Ngoại ơi ngoại!” rồi nhào tới ôm lấy chân bà Bảy lắc lắc. Đôi vai nó run bần bật. Ngoại của nó đã về với ông, với ba má nó rồi.

Hai Hiền và Tư Ngoan phủ phục trên giường. Tiếng khóc rấm rứt xé lòng người: “Má ơi! Má!”…

*

*   *

Đêm đầy gió. Trong xóm có tiếng con nít khóc vang. Bình Yên chợt nhớ tới lời bà Bảy thì thầm trước bàn thờ má nó: “Ngày trước, sợ chị em tụi mày không yêu thương nhau, tao đã phơi khô nhau của mỗi đứa để dành. Khi sinh ra thằng Út, tao đốt ba cái nhau đó rồi đem hòa chung với nước cho tụi mày uống. Vậy mà… Lành à ! Nếu thằng Hai với thằng Tư mà nhìn lại nhau như trước. Tao có chết cũng không tiếc!”.

Đêm đầy gió.

Trước bàn thờ đỏ âm âm, Hai Hiền và Tư Ngoan đang gục đầu./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên