Những người đàn bà trên sông
Truyện ngắn của Nguyễn Quốc Hùng
Tiếng máy hút bùn chạy phình phình suốt ngày đêm khác nào có chiếc pít tông nén không khí vào đầy chật hai tai, khiến cho trong đầu như có đàn kiến chạy bão. Tiếng bùn phun lên bãi rào rào như mưa. Hút lên rồi chả mấy lại bị bồi lại. Nước sông đỏ quạch phù sa, khác nào chậu nước rửa bút của ông hoạ sĩ lười thay nước thỉnh thoảng vẫn về đầu nhà Mưa ngồi vẽ...
Năm nào cũng hai tháng phải vật lộn với một công việc vô vọng là hút bùn để cho những con tầu đại dương khổng lồ cập cảng an toàn. Cũng như những gia đình trong xóm hoang bờ sông này, có muốn chuyển đến nơi yên tĩnh hơn cũng không thể. Làm gì có tiền. Ngày còn bé, mỗi khi nhìn ánh đèn rực rỡ bên kia sông Mưa hay hỏi ông: “Khi nào nhà mình chuyển sang bên kia sông?”. Ông trả lời: “Khi nào cháu làm ra nhiều tiền”. “Nhiều là bao nhiêu?”. Ông không trả lời, mắt nhìn chăm chắm như muốn sắt màn đêm đặc quánh trước cửa nhà.
Bao lâu nữa đây, bùn sẽ tràn tới xóm này? Mưa lo lắng nhìn dòng nước bùn đang sủi sùng sục ngoài bãi, tự tìm câu trả lời. Đất bây giờ không thể thích đâu ở đấy như ngày ông mới ra đây khai đường mở đất, biến một khoảnh bãi hoang bờ sông trở thành xóm. Tất cả đều nằm trong quản lý của pháp luật. Không có tiền chuyển nhà thì phải đắp đê ngăn vậy thôi. Ông buông lời dửng dưng.
Ông già rồi, chấp nhận số phận? Mưa càng thêm lo lắng, nhà chỉ còn mình Mưa xoay xoả mà lưng vốn có được là bao.
Ngày xưa, nhà ông ở bên kia sông. Các cô, các bác có gia đình riêng đòi chia tài sản nhưng không ai chịu nuôi mẹ Mưa bị ngớ ngẩn do bệnh viêm màng não gây nên. Ông giận, đưa mẹ Mưa sang bên này dựng lều sinh sống để cho các con thấy xấu hổ với thiên hạ mà nghĩ lại. Đất nhiễm mặn, ông xin đất ở trong làng về tôn cao lên để trồng rau. Đến lúc những ngọn rau muống biển bò quay ra khỏi vườn là lúc đất đã thuần. Thân hình ông trở nên sắt seo, dai ngoách như cọng rau muống biển. Nhưng không một người con nào nghĩ tới cha và đứa cháu nhỏ của mình đang sống buồn tủi bên này sông.
Đắp đê ngăn liệu có được, nhà lại chỉ có hai ông cháu? - Mưa muốn hỏi nhưng sợ ông thương cháu mà làm thì sức khoẻ sao còn chịu được. Mỗi năm hai tháng, giấc ngủ đến với Mưa hàng đêm như thể ánh sáng đèn nhấp nháy do dây dẫn bị mô ve đến tức mắt. Mưa trở dậy, không biết đã mấy giờ, không biết mình ngủ được bao lâu.
Phía cửa sông, những tia sáng dần loang ra từ sau những khối mây nặng nề như những nan của chiếc quạt bị rách tướp tơ phần giấy bồi. Năm giờ. Ánh sáng ban ngày còn yếu nhợt nhưng cũng đủ dìm thứ bóng đêm quánh đặc như miếng thạch đen chìm dần xuống lòng sông, đủ cho Mưa nhìn rõ mọi thứ để chuẩn bị hàng cho buổi chợ.
Tiếng máy hút bùn phậm phạch đang tan loãng cùng bóng đêm.
Có tiếng chân thì thụt trong bùn.
Tối qua ông đi cắm lưới tới chín giờ mới về, đêm dậy từ khi nào mà giờ đã dọn xong. Có lẽ ông phải kéo nặng, bước chân vọng ra từ sau những gốc sú chút choét như tiếng rút nút cao su. Mưa bỏ thúng vải quả xuống bờ, chạy xuống giúp ông. Những dây muống biển quấn lấy chân. Những ngọn rau muống biển èo uột cố sức ngoi lên chỗ đất khô để sống. Lạ thế, chỗ có nước thì èo uột, chỗ cằn khô thì đua nhau bung ra những búp hoa tím dại.
- Hôm nay bọn cá úc vỡ tổ hay sao, vào nhiều thế - Ông dừng lại, tay chống vào gốc sú, nói trong hơi thở hổn hển.
- Ông ngoài bảy mươi rồi mà cứ lọ mọ đêm hôm bên bờ sông, tối như bưng thế nhìn thấy gì đâu, ngộ nhỡ có ngày xẩy chân thì biết làm sao.
Ông thanh minh:
- Lựa ánh đèn bên kia hắt sang, ông nhìn rõ lắm. Mùa này con nước giật xuống chậm, không dọn lưới nhanh chốc nữa tầu cao tốc chạy qua cuốn trôi hết.
Mưa nhìn sang bên kia sông. Ánh điện chói loà khi đêm trên những con tầu biển khổng lồ giờ chỉ còn nhấp nhóe những đốm vàng héo. Có tiếng lõm bõm của mái chèo khuấy nước.
- Ông cháu làm gì mà đứng như ngây như dại thế hả! Chả trách con mẹ mày bị dở người - Những người đàn bà trên thuyền mủng chào ông cháu Mưa.
Mưa nhìn sang ông. Những dòng mồ hôi chảy tràn từ chân tóc xuống hõm má. Lần đầu tiên Mưa nhìn thấy mồ hôi của ông. Ông phải mệt lắm. Mưa muốn khóc, một phần thương ông, một phần thấy tủi thân. Mưa chưa được nhìn mặt mẹ lấy một lần, thế mà những người đàn bà trong xóm cứ lấy mẹ Mưa ra để rủa.
Họ là những mụ đàn bà của xóm hoang bờ sông. Những mụ đàn bà gầy, đen sắt như thanh củi sú ngâm bùn. Những mụ đàn bà gò má thì cao lùm lũm như cái mả tròn, kéo hõm mắt và hõm má trũng xuống thành hang thành hốc. Các gã đàn ông trong xóm nói đùa, một người nằm ngửa lên đổ nước vào đấy thì chống khát cho cả thuyền một ngày. Nước da mụ nào cũng như váng dầu loang trên mặt sông. Những mụ đàn bà đi kiếm tiền, trở về từ nơi ánh sáng chói loà của những con tầu bên kia sông.
Những mụ đàn bà khuân những thứ mua được hồi đêm lên bờ. Mấy chục thanh gỗ kê, vài cuộn cáp, lặt vặt ít đai sắt, tất cả là thứ kê lót, chằng buộc hàng hoá trên tầu mua lại của công nhân bốc xếp làm ca đêm tháo ra.
Những gã đàn ông, chồng của những mụ đàn bà, trở dậy sau giấc ngủ sặc mùi bùn, lội xuống mép nước phụ giúp đưa đống đồ phế thải lên. Những dòng bùn chảy buồn dưới bắp chân chẳng khiến họ lo lắng.
- Rình mò cả đêm chỉ mua được thế này thôi à?
- Còn thuyền của cái Lan nữa kia.
Rự ngửa cong người lên như con cá khô, ráng sức khoát mái chèo để đưa chiếc thuyền mủng chở nặng mấp mé mặt nước vào bờ. Cô Lan ngồi đằng mũi, rũ rĩ như cành rong héo.
- Hai đứa mày liều lắm, có ngày bảo vệ quật cho gãy xương.
Một thuyền đầy phân bón rời. Đêm qua Lan cùng Rự nhẩy lên xúc trộm trên bãi cảng. Rự hồ hởi:
- Em ngồi văn phòng khuân từng xe lớn xe bé của cải của xí nghiệp đổ về nhà mình thì gọi là bớt xén của công, làm anh lãnh đạo mấy đời ăn không hết của vắt từ mồ hôi của công nhân thì gọi là tham ô, còn thằng công nhân lấm đít có lấy dù nhỏ như cái móng thì gọi là thằng ăn cắp, hôm nay kiếm được thuyền đầy mang tiếng nhục cho đã.
Những lời hằn học này của Rự chính là lá đơn xin nhập cư vào xóm hoang bờ sông này gần một năm trước. Những người đàn bà ở xóm hoang bờ sông hàng đêm gần Rự nhiều hơn là gần chồng. Khi tiếng điện thoại trong túi quần reo giẫy lên là lúc Rự biến thành con gọng vó lướt trên mặt sông, tới từng con tầu để đón hàng của những người đàn bà quăng xuống.
- Một thuyền này bán được bao nhiêu? - Mưa hỏi.
- Một triệu.
- Thế cơ à! Bao nhiêu thuyền thế này mua được nhà bên phố?
- Khùng điên giống con mẹ mày. Ông có bao nhiêu cá úc đổ hết ra, tí nữa mua nải chuối, ít nghệ về om, làm bữa rượu thật phê, ngủ cho đã.
Những con cá úc vàng như nghệ, oằn người quẫy.
Ông biết, thể nào những gã đàn ông cũng trả cho mớ cá xông xênh nhưng ông vẫn không vui. Ngày xưa ông cũng đã là công nhân bốc xếp bến cảng bên kia.
Mưa xếp xong hàng lên mủng, chuẩn bị đẩy ra khỏi bờ. Có tiếng ông hoạ sĩ cười trên bờ khiến Mưa dừng lại nhìn lên.
- Xin lỗi các bà, cho tôi cái ký hoạ về những đường gân, múi bắp ở chân các bà bện vít như thanh thép xoắn, đầu các bà đội thúng phân bón nghiêng như tháp piza mà không thể đổ, nhá!
- Ông phải gió à, sáng sớm đã mò sang đây rình.
- Không rình sao tìm được cái đẹp. À này cô Lan, chốc nữa làm mẫu cho tôi bức nuy được không?
Mọi người cười ngả nghiêng. Tiếng cười như tiếng ho sặc nước.
- Nuy là khoả thân chứ gì, ai chả biết mà phải nói khó. Cái Mưa kia kìa, tóc xanh, môi đỏ, hoa hậu bám gấu váy cho nó sao ông không vẽ?
Ông hoạ sĩ cười hềnh hệch, vô tâm.
Lan quyệt mồ hôi ngang mắt, giọng gào gạo như cạo thép gỉ:
- Được rồi, để tôi ngủ một giấc đã, cả ngày cả đêm qua chưa được ngả lưng. Mà cũng phải chờ cái Mưa đi chợ về. Nó phải ngồi với tôi, không thì lại bảo tôi làm gì khuất tất, muốn trở lại đường cũ.
- Gớm, nước thì cạn, bùn thì hôi mà cứ như là suối mơ!
Mưa vừa cởi xong dây buộc thì Rự đã đến cạnh, choãi chân đẩy hộ chiếc thuyền mủng ra khỏi mép bùn. Mồ hôi trên lưng Rự trớt qua lần da tay của Mưa trơn nhầy nhẫy. Mưa nhẩy lên mủng, oải lưng chèo. Khoảng tay dính mồ hôi của Rự lành lạnh. Rự là gã đàn ông chưa vợ duy nhất ở xóm này.
Mưa đưa mủng qua chỗ máy hút bùn. Mấy công nhân ngồi trên đường ống hút đánh răng, gọi:
- Vào xem có thịt tươi cho bữa sáng không nào!
Mưa quay mủng hướng sang bên kia sông. Vết mồ hôi của Rự trên tay, Mưa thấy nhớt nhèo như mảng bọt trên miệng của những công nhân máy hút. Rờn rợn. Mưa cúi xuống vớt nước rửa. Gió thổi lật nón.
Ngoài cửa sông, ánh sáng bỗng bừng lên. Đám mây bị chẻ làm đôi bởi một vệt sáng loà, thẳng như thanh gươm phán, treo lơ lửng ngang cửa sông. Những nan quạt khi nãy giờ bị đẩy lên cao và được những vẩy mây ánh hồng kết thành chiếc quạt hoàn chỉnh. Hôm nay trời sẽ nắng, nóng.
Tiếng máy tầu cao tốc ùng ục như mũi khoan sục xuống lòng sông. Mũi khoan lao về phía Mưa, những dải sóng sủi bọt kéo thành vệt dài như đuôi sao chổi.
Mưa xoay mủng cắt ngang sóng, ghìm chặt mái chèo. Sóng ào tới, đẩy mủng của Mưa nhồi lên cao như chiếc lá phơ phất rồi tức khắc kéo tụt xuống như đá tảng rơi xuống hoẳm. Những ánh mây hồng trên nền trời rơi lả tả như đèn chùm trước mắt Mưa. Ngày xưa, không ai dậy mà mẹ Mưa chèo thuyền giỏi lắm. Khi mẹ đi thuyền, không ai cho rằng mẹ là người mất trí. Có lẽ mẹ đã nhìn thấy những vẩy mây ánh hồng thế này cho nên mới có Mưa trên đời!
Những người công nhân bụi đen xi măng bám vào người như thể bức tượng đồng hun dở, dồn ra mép xà lan chờ mủng của Mưa cập vào. Những hạt xi măng rơi tả tơi từ trên tay xuống lòng cốc. Nhưng cái lạnh của bia và cái nóng trong ruột gặp nhau tức khắc trở thành thuốc sát khuẩn, mấy mươi năm hoà đủ thứ hoá chất qua cảng với nước uống có sao đâu, có khi là miễn dịch, thêm khoẻ. Đó là triết lý của những người công nhân bốc xếp.
- Em có bán bia đểu bọn anh cũng uống hết, chỉ cần tê cuống họng và ngồi ngắm em thì khác nào nằm phòng lạnh với mỹ nhân.
Ví von khập khễnh như thằng què.
Thứ mồ hôi thẫm đẫm hơi chua của men quây chặt lấy Mưa. Thứ mồ hôi của những gã đàn ông thèm thuồng. Giống như mồ hôi của Rự. Dinh dính. Đang sống bên phố lại muốn dọn sang xóm hoang bờ sông. Chẳng lẽ Rự cũng tự ái giống ông. Chả phải, chỉ có ông là một.
Những thuỷ thủ nước ngoài đứng trên boong tầu gọi mua hàng.
Những gã thuỷ thủ nước da như mặt sắt mục, ngây ngô nhìn Mưa vặn lưng vác bao rau leo lên cầu thang. Cầu thang tầu dựng đứng, đung đưa như chiếc xích đu.
Viên cửa khẩu đứng chặn ở cửa ca bin, nhìn như xoáy vào bộ ngực căng tròn của Mưa đang tranh nhau phập phồng như trẻ con bóp nghịch quả bóng bay. Anh ta lật khăn bịt mặt của Mưa. Anh ta tìm được điều gì trên khuôn mặt Mưa mà nhếch môi cười, ra điều kiện:
- Cho vào trong nhưng nhanh lên đấy!
Viên cửa khẩu dễ tính, để Mưa vào ca bin tầu. Mưa vác bó rau đi theo tay thuỷ thủ. Hắn có bước đi dệnh dạng như đang tập đi. Lần đầu tiên Mưa được vào trong ca bin tầu, nơi có máy phát để sinh ra những ánh sáng rực rỡ hàng đêm. Hành lang tầu thấp, hẹp, sâu hun hút như đi trong đường hầm. Lạnh. Tiếng máy tầu rậm rình như giàn trống gõ sát bên tai, còn khó chịu hơn tiếng máy hút bùn bên kia sông. Nhà bếp khai nồng do bí không khí. Tay thuỷ thủ chỉ cho Mưa vứt bao rau lên chiếc bàn mặt phủ i nốc lỗ chỗ những vết mốc bẩn. Hắn móc tiền trả. Những đồng đô la cáu bẩn, dinh dính trên đầu ngón tay. Mưa đếm tiền xong, lịch sự cúi đầu chào hắn như động tác của những cô gái Nhật Bản trên phim vẫn làm. Tay thuỷ thủ thích chí nhe răng cười, lấy hai tay vỗ vỗ vào nhau, gật đầu ra hiệu. Mưa không hiểu. Hắn rút một tờ đô la lên vẫy vẫy. Mưa biết hắn muốn gì rồi. Tờ một trăm đô của gã thuỷ thủ quệt qua má Mưa man mát, buồn buồn. Một trăm đô, hơn cả một thuyền phân bón của Rự mà lại không bị đe doạ sẽ gẫy xương. Giá như có cô Lan ở đây! Mưa đã biết mùi mồ hôi của đàn ông thế nào đâu. Mùi mô hôi của gã thuỷ thủ khen khét, lờm lợm trong cổ. Tịt mũi không thể thở được, Mưa lùi ra cửa. Hắn túm tay Mưa kéo lại. Chiếc khăn bịt trên mặt Mưa rơi xuống. Hắn nhìn sững sờ, vội rút thêm mấy tờ đô la nữa. Gia tài của hai ông cháu liệu có bằng tập tiền trong tay hắn. Giá mà có cô Lan ở đây! Hắn bất ngờ nhào lên, kéo Mưa lại rồi hai bàn tay bấu chặt lấy hai bầu vú của Mưa. Gã đàn ông thèm thuồng. Da thịt, hơi nóng của đàn ông lần đầu tiên bấu chặt lấy phần buồn buồn, nhạy cảm đàn bà của Mưa. Mưa hoảng sợ, vùng chạy.
Không khí nóng ngoài boong tầu xổ oà xuống người khiến Mưa thấy ngứa râm ran như bị đàn rĩn bu vào đốt.
- Mặt đỏ thế.
Tiếng của viên cửa khẩu nhẽo như bùn sau lưng.
- Này, đứng lại!
Tiếng viên cửa khẩu đanh như tiếng thép luyện.
- Dạ!
- Ngoan nhỉ! Định cứ thế mà xuống à!
- Có mấy mớ rau, lãi được bao nhiêu đâu.
- Mặt đỏ cứ như lần đầu thế kia mà ít à!
Đôi mắt của viên cửa khẩu nhỏ, kéo thành vệt dài ngang mặt, ánh mắt lạnh lùng. Hắn sành sỏi lắm. Còn Mưa, ngày mấy lần qua sông, nếu không biết bơi thì có ngày chết chìm. Mưa hít sâu lấy lại bình tĩnh. Bầu vú vẫn còn đau vết bấu của bàn tay gã thuỷ thủ. Đành chịu tiếng nhơ để lần sau còn được lên tầu nước ngoài. Đành nhận cái thực là mớ rau bán giá gấp mười lần, chứ cái tiếng ở đời của những người như Mưa có sẵn rồi, chối cũng chẳng ai tin. Thứ triết lý của Rự giờ mới thấy đúng.
Cầu thang tầu dốc đứng, đung đưa như chiếc xích đu.
Con tầu cao tốc chạy chuyến về. Những ô kính lấp lánh phản chiếu. Ánh sáng mang bảy sắc cầu vồng. Những chiếc xà lan chở quá tải, sóng đánh phủ qua mặt boong, lầm lũi như chiếc tầu ngầm rẽ nước, hồng hộc đùn ra những đụn khói khét lẹt.
Mặt sông bạc trắng, sủi bọt như nồi nước đang sôi.
Mưa xiết chặt dây buộc thuyền vào gốc sú, bàn tay rát như phải bỏng vì phải gắng sức vật lộn với những con sóng để sang sông. Mùi cá úc xáo chuối tanh nồng. Những gã đàn ông không biết cách nấu. Họ đã có rượu để giải tanh. Và mồ hôi của những gã đàn ông cũng tiết ra thứ mùi tanh tanh. Mưa đưa cánh tay khi sáng dính mồ hôi của Rự lên ngửi. Mồ hôi của Mưa tanh tanh, giống mồ hôi của những người đàn bà xóm hoang bờ sông.
Tiếng máy hút bùn rèn rẹt như gió thổi ngang bãi sú.
Ông hoạ sĩ lấy mũ lau thứ mồ hôi bị nhiễm mùi tanh của món cá úc vừa thưởng thức cùng với những người đàn ông trong xóm, hỏi cô Lan:
- Cái Mưa về chưa?
- Chờ nó ăn cơm xong đã. Ông có nghỉ trưa vào giường em mà nghỉ.
- Món cá úc rán không kỹ ăn tanh nhưng thế lại hay. Bùi bùi, ngầy ngậy. Đang hứng, làm việc luôn thôi, sợ chiều muộn không xong. Cái Mưa có mệt thì nằm ngang cửa mà ngủ, để cho người ta nhìn thấy.
- Cháu không ngủ!
Vẽ khoả thân thế nào, Mưa háo hức, không muốn ngủ để biết.
- Cô cởi quần áo ra, ngồi xuống chỗ này xem nào.
Ông hoạ sĩ kê ghế, kéo tay cô Lan ngồi xuống, nheo mắt nhìn quanh xem độ sáng.
- Ông phải gió à, cởi quần áo làm gì?
- Vẽ khoả thân không cởi ra thì vẽ làm sao!
- Sao bảo nghệ sĩ khéo tưởng tượng lắm mà. Thế cởi hết à?
- Ừ!
Cô Lan không ngượng ngập, cởi tuột quần áo. Mưa đỏ mặt, quay nhìn ra ngoài, bụm miệng cười.
- Sáng bán hết rau không mà về sớm thế? - Cô Lan hỏi Mưa.
- Dạ, hết. Nhưng ...! Ngày xưa ... mỗi lần cô đi khách được bao nhiêu?
- Khốn nạn! Mày vào ca bin tầu phải không?
- Ngồi yên, Tôi thấy nó không phải đứa thế đâu. Bỏ cái bộ mặt hằm hè kia đi!
- Sao cô biết?
Mưa quay lại theo bản tính của đứa trẻ hay cãi, vênh mặt lên hỏi cấm cảu. Khiếp! Người gì mà đếm được từng cái xương sườn. Xương sườn hay là những vết lằn nổi cục ngang người thế kia. Mưa nhướn mắt lên nhìn.
- Mấy thằng bảo vệ lấy sắt sáu quật đấy.
- Ai bảo cô ăn cắp.
Mưa nghiêng đầu nhìn xem ông hoạ sĩ vẽ gì. Toàn màu xám chì. Ông dùng chiếc bút vẽ đầu toè như chiếc chổi cùn, di màu đen vào chỗ nổi nhum nhúm trên ngực. Đôi vú của cô Lan. Khiếp! Như hai quả cau non bị héo!
Mưa không dám nhìn thẳng mà hiếng mắt nhìn trộm về bộ ngực của cô Lan để đối chiếu giữa bức vẽ và hình thật. Hai đầu vú dúm như túm vải đen buộc đùm.
- Mày nhìn gì tao!
- Dạ! Không!
- Bị những thằng đàn ông bóp như vắt giẻ lau, giờ mới khô như xơ mướp thế đấy.
Khiếp!
Bất giác Mưa hít một hơi thật sâu. Vết tay bóp của gã thuỷ thủ cồm cộm đau. Mưa đưa giấu ngón tay lên bóp nhẹ vào đầu vú mình. Buồn. Tê dại.
Ngoài đường có tiếng xe bò lăn bánh lịch kịch.
Rự đang kéo xe cải tiến đầy đất về làm thay đổi dòng chảy của bùn. Giống ông ngày xưa, người sắt seo, đỏ tía như nhánh rau muống biển.
- Thằng Rự định xây lô cốt ở nhà ông cháu cái Mưa đấy à? - Ông hoạ sĩ hỏi.
- Ngữ nó mà lấy được cháu tôi. Ông chưa vợ, có dám lấy cháu em không? Hai chú cháu chỉ khéo tưởng tượng, hợp nhau thế.
- Cô...!
- Sao? Cháu có dám lấy chú không?
Cô Lan cười. Ông hoạ sĩ cười.
Rự xoài rạp người kéo chiếc xe vượt qua mô đất. Mồ hôi của anh ta như keo, chảy nhầy nhẫy trên lưng. Những dòng mồ hôi thõng thượt trên mặt ông hoạ sĩ. Vất vả thế! Mưa liếc mắt nhìn cô Lan. Da khô, đen. Ui chao, miếng da vùng bụng dưới dau dúm như da xác ướp được đựng trong vùng xương nổi khoanh như cái chậu! Đúng như tên gọi của nó, xương chậu. Tại sao cô Lan lại không có con? Cô ấy cũng đã từng có chồng. Ông hoạ sĩ vung tay quyệt một đường sơn. Vùng bụng của cô Lan trên bức tranh cong như chữ C. Bất giác Mưa luồn tay xuống bóp vùng bụng tận sâu phía dưới. Cồm cộm. Cơ thể tại sao lại loang chảy, nhũn nhẽo không cử động được thế này?
Ánh mắt của viên cửa khẩu sành sỏi lắm, biết định giá về sắc đẹp của Mưa.
Lớp da bụng dưới của cô Lan rùng rình chuyển động bởi ánh mắt của ông hoạ sĩ nhìn chăm chú vào đó.
Những gợn sóng trên mặt sông lấp lánh ánh sáng bạc như một ngọn lửa đang được nhen, để đốt cả nền trời thành màu vàng rực rỡ. Ông hoạ sĩ buông bút, nhìn ra.
- Hôm nay tạm thời thế này, mai vẽ tiếp.
- Còn sớm.
Ông hoạ sĩ thở dài, nuối tiếc.
- Cái đẹp nó qua nhanh lắm. Tôi thanh toán tiền công cho cô đây.
- Ông phải gió, công xá gì. Bốn mấy tuổi đời mới được anh đàn ông ngẩn ngơ ngắm mình, có khi em phải trả công cho ông.
- Thế bức này tôi bán được hàng triệu đô thì sao. Mưa, nhìn xem có đẹp không?
- Chú vẽ gì thế?
- Tôi không hỏi là vẽ gì mà nghĩ thế nào?
- Trông cứ như những mảnh sắt phế liệu ghép lại, nhất là cái bụng hình chữ C kia kìa.
- Giỏi!
- Tôi đã bảo, hai chú cháu khéo tưởng tượng mà, hợp nhau lắm. Cái đẹp của em còn bán được đắt thế cơ à? Thế thì đưa tiền cho cái Mưa. Tao cho mày để dành đến khi lấy chồng.
Bóng ông hoạ sĩ nhoè dần vào bức màn chiều vàng như lụa.
Có điện thoại gọi về, hàng mua được nhiều, cho thuyền sang. Nước xuống kiệt, những người đàn bà trong xóm hoang bờ sông xì xọp lội bùn đẩy thuyền mủng ra.
Bóng những người đàn bà đắm vào ánh vàng rực rỡ.
Những ngọn rau muống biển nghếch đầu qua bờ rào, nhìn vào vườn nhà Mưa thăm dò.
Nhưng rồi đêm cũng bắt đầu xây thành đắp luỹ trước mắt Mưa. Lừng lững một khối đen chụp xuống xóm hoang bờ sông. Tiếng máy hút bùn trở nên trầm, nặng hơn ban ngày. Không biết ông đi bỏ lưới từ lúc nào. Mưa căng mắt nhìn nhóng qua những bụi sú tùm hụp như người sợ bóng tối ngồi co sát lại nhau. Ngoài mép nước, có chiếc mủng của ai còn chưa sang sông? Có người! Hai bóng người quấn chặt vào nhau, đen trùi trũi như gốc sú ngâm bùn.
Tiếng điện thoại di động bất thần reo lên. Nhỏ thôi, nhưng đủ đanh để xuyên qua tiếng phình phình dầy đặc của máy hút bùn đến tới tận chỗ Mưa.
Hai bóng đen trên mủng tách nhau ra. Một người xoải lưng chèo. Chiếc mủng lao nhanh như con gọng vó lướt trên mặt sông.
Liệu sáng mai cô Lan có về cùng với một thuyền mủng đầy phân bón. Bao nhiêu thuyền như thế thì mua đủ nhà bên kia sông nhỉ?
Ánh điện bên kia sông sáng lòa.
Ngày xưa, mẹ cái Mưa đẹp lắm - Cô Lan hay kể - Giống cái Mưa bây giờ. Có thế mới khối thằng mê. Nó mê cái đẹp, quên cả cái ngớ ngẩn của mẹ mày, thế mới có mày ở đời. Cũng lạ, ngớ ngẩn gì mà khi đẻ mày trên thuyền, mưa như đổ nước, mẹ mày ướt như lội sông mà mày khô nguyên, còn dặn tao đặt tên mày là Mưa…
Bất giác Mưa nhìn xuống ngực. Cảm giác vẫn còn nhói đau…/.