Nữ văn sĩ Đoàn Lê: “Tình riêng bỏ chợ, tình người đa đoan”
VOV.VN - Nổi danh đa tài, từ thơ, điện ảnh, hội hoạ đến văn xuôi, lĩnh vực nào Đoàn Lê cũng có thành tựu, nhất là trong sáng tác văn xuôi.
Chị còn được biết nhiều qua bài thơ “Cho một ngày sinh” của em gái là nhà thơ Đoàn Thị Tảo viết tặng: “Ngày chị sinh trời cho làm thơ…/Vấn vương với tơ trời/Tình riêng bỏ chợ, tình người đa đoan”.
“Cô Kiều” của Điện ảnh khoá I
Đoàn Lê sinh năm 1943 tại Hải Phòng, là con một cụ đồ nho có nghề thuốc gia truyền. Cụ đồ muốn hướng cho con gái nối nghề tổ. Nhưng từ tuổi hoa niên, Đoàn Lê đã là hoa khôi của thành phố Cảng, lại giàu mộng ước, yêu văn chương nghệ thuật. Nhiều thanh niên đất Cảng theo đuổi Đoàn Lê, và rồi cũng có một mối tình sét đánh. Mối tình đến nhanh như sấm sét, và cũng tan biến nhanh như sấm sét, để lại trong Đoàn Lê một nỗi buồn mênh mông. May sao, “trời cho làm thơ” và Đoàn Lê lấy thơ để làm bớt nỗi buồn. Hồi là nữ sinh lớp 9, Đoàn Lê đã bắt đầu có thơ đăng trên báo chí.
Nữ văn sĩ Đoàn Lê
Biết không theo nghề thuốc là trái ý cha mẹ, nhưng tâm hồn đầy mơ mộng và ý chí muốn bay nhảy, năm 17 tuổi, Đoàn Lê trốn lên Hà Nội thi vào trường Điện ảnh, đã trúng tuyển khoá I (1959-1962). Là sinh viên trường Điện ảnh, nhưng năm 18 tuổi, chị lại nổi tiếng với bài thơ “Bói hoa” đăng trên báo Văn nghệ, được nhiều người chép chuyền tay nhau. Sau bài thơ “Bói hoa”, Đoàn Lê viết văn xuôi. Những “Đôi mắt hoa nhài”, “Trương Viên”, “Cây xoan” lần lượt ra đời và được đăng trên hai tờ báo danh tiếng là Văn nghệ và Đại đoàn kết. Đạo diễn, NSND Hải Ninh từng kể: Ngày còn trẻ, Đoàn Lê da trắng bóc, thanh mảnh, bạn bè gọi là “cô Kiều của Điện ảnh khoá I”, bởi giỏi cả văn, thơ và hội hoạ.
Tài hoa là vậy nhưng “cô Kiều” lại long đong nhất trong các nữ diễn viên Điện ảnh khoá I. Tốt nghiệp, Đoàn Lê về làm việc tại Hãng phim truyện Việt Nam, nhưng hầu như chỉ được phân các vai phụ, vai chính duy nhất là vai cô giáo Hồng Vân trong bộ phim truyện “Quyển vở sang trang”.
Bén duyên văn chương
Năm 1967, Đoàn Lê lấy chồng, rồi sinh con. Chồng chị cũng là người cùng nghề nên việc con cái, nhà cửa Đoàn Lê gánh cả. Rời khu tập thể của xưởng phim, chị dọn về sống ở quê chồng, làng Lủ, ngoại thành Hà Nội. Từ đó lên xưởng phim mười mấy cây số, suốt mười mấy năm trời, bất kể mưa hay nắng, ngày đông cũng như hè, ngày ngày cùng với chiếc xe đạp, chị chở tình yêu điện ảnh cùng cậu con trai nhỏ …
Mỗi lần xưởng phim truyện Việt Nam, nơi chị làm việc, dựng phim nào, Đoàn Lê cũng phải đi cùng đoàn, không được phân vai thì làm đủ việc vặt. Với tình yêu nghệ thuật, chị như chú ong thợ miệt mài làm việc chỉ mong được đóng góp cho điện ảnh. Đầu những năm 70, chị được chuyển sang bộ phận thiết kế mĩ thuật. Trường quay thực hiện các bộ phim đều cần những phông vẽ lớn thay cho cảnh thật. Đoàn Lê thường phải đứng trên giàn giáo cao, tay cầm chiếc máy phun màu nặng 5kg để vẽ những cảnh bầu trời, đồng lúa mênh mông hay những ngôi nhà nhấp nhô của thành phố… Yêu điện ảnh đến si mê là thế, vậy mà cuối cùng chị quyết định chia tay với điện ảnh. Ngày chị đăng ký thi vào trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, nhiều người vừa mừng, vừa lo. Rồi chị xoay ra viết bài cho các báo. Những tưởng sẽ gắn với nghiệp làm phóng viên báo Lao động, nhưng Xưởng phim lại buộc chị phải quay về.
Ca khúc "Chị tôi"
Đoàn Lê bắt đầu viết kịch bản, hơn nữa còn âm thầm chuẩn bị để sau này sẽ trở thành đạo diễn. Những kịch bản điện ảnh của chị gây được ấn tượng tốt cho công chúng, đó là các phim “Bình minh xôn xao”, “Cha và con”. Trong đó, nổi tiếng nhất là “Làng Vũ Đại ngày ấy” (chuyển thể từ truyện ngắn của nhà văn Nam Cao). Nhưng viết văn mới thực sự là cái nghiệp của đời chị. Năm 1988, Đoàn Lê công bố tiểu thuyết “Cuốn gia phả để lại” được bạn đọc và nhiều bạn văn khen ngợi. Cả một hệ thống nhân vật khá chằng chịt được tổ chức rất khéo léo, tự nhiên, tạo nên vẻ đẹp chỉnh thể của tiểu thuyết; lại được diễn đạt bằng thứ ngôn ngữ dịu dàng, tinh tế, nhiều khi hóm hỉnh, lịch lãm. Nhân vật trong “Cuốn gia phả để lại” không chỉ là những số phận đơn lẻ, mà là loại “nhân vật tập thể”, ở đây là cả một dòng họ, mà hiển hiện rất sống động. Và cuốn tiểu thuyết đầu tay đã giúp chị dành giải thưởng của Hội Nhà văn 1989-1990.
Chị chia sẻ: “ Những năm tháng về sống ở quê chồng, biết bao buồn, vui chị đã nếm trải. Đó chính là nguồn cảm hứng sáng tác không chỉ trong “Cuốn gia phả để lại”, mà cả trong nhiều truyện ngắn và tiểu thuyết viết những năm sau này, với cái tên là xóm Chùa. Hàng loạt những tác phẩm của Đoàn Lê lần lượt ra đời: tiểu thuyết “Người đẹp và đức vua” (1991), tập truyện “Thành hoàng làng xổ số” (1992), tiểu thuyết “Lão già tâm thần” (1993). Nổi trội trong văn chương của chị vẫn là những chuyện đời, chuyện nhân tình thế thái ở cái làng ven đô mà chị gọi là xóm Chùa: “Đất xóm Chùa”, “Nghĩa địa xóm Chùa”, “Trinh tiết xóm Chùa”, “Người đẹp xóm Chùa”, “Giường đôi xóm Chùa”… Những truyện về xóm Chùa đó, là đời sống nhiều tầng nhiều vẻ ở một vùng quê, từ “Cuốn gia phả để lại”, cứ dài sâu thêm mãi… Đời văn có cái duyên phận lạ lùng, nên Đoàn Lê đã tạo nên một xóm Chùa trong văn học Việt Nam hiện đại. Mỗi cuốn sách chị xuất bản, không chỉ được bạn đọc trong nước đón nhận mà còn được dịch giả chuyển ngữ, “xuất khẩu” ra nước ngoài. Độc giả nhiều nước đọc văn Đoàn Lê, và họ được biết, ở Việt Nam có một xóm Chùa!
Dù viết văn, làm thơ nhưng chị không quên mối lương duyên dang dở với hội hoạ. Những lúc rảnh rỗi, chị lại vẽ. Ai biết chị thời đó cũng đều nghĩ chị vẽ để giải khuây nhưng đùng một cái, Đoàn Lê mở triển lãm. Một lần nữa, công chúng lại được biết đến Đoàn Lê với tư cách là hoạ sĩ.
Năm 1998, Đoàn Lê nghỉ hưu, và hết sức bất ngờ, chị dứt khỏi làng Lủ, về Đồ Sơn, cùng em gái Đoàn Thị Tảo mua hai căn nhà, cách bãi biển vài trăm mét. Tạo dựng nơi ăn chốn ở mới và tiếp tục viết văn và vẽ. Năm 2006, chị đoạt Giải thưởng của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam về văn xuôi, như một chút phần thưởng dành cho chị sau biết bao trắc trở trên con đường nghệ thuật.
Những tưởng niềm vui với nghệ thuật sẽ xoá đi những khoảng tối trong cuộc đời của người con gái tài sắc nhưng chị lại một lần nữa phải nếm trải nỗi đau mất mát. Tháng 3/2008, người con trai duy nhất của chị lâm bệnh hiểm nghèo, qua đời ở tuổi 37. Và văn chương, hội hoạ lại giúp chị vượt qua nỗi đau. Năm 2010, chị xuất bản tiểu thuyết “Tiền định”.
Hè năm nay, chị lại tạm biệt Đồ Sơn lên đường cùng đoàn làm phim làm bộ phim về bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dường như với chị, điện ảnh chưa bao giờ hết duyên./.