Sau thành công, sách “1987” đã có phần 2
VOV.VN - Sau thành công của phần 1 với 8.000 bản in trong 1 tháng, phần 2 của cuốn "1987" tiếp nối trong dự án sách về tuổi 30 sắp ra mắt khán giả.
Sau thành công của cuốn sách “1987” với số lượng 8.000 bản qua ba lần in trong vòng một tháng, “1987+: 30 chưa phải là Tết” được coi là cuốn tiếp nối trong dự án sách về tuổi 30. Cuốn sách vẫn do nhà báo Nick M. chủ biên nhưng quy tụ nhóm tác giả mới hoàn toàn, trong đó có cả nhóm nhân vật sinh năm 1988 – những người bước qua cột mốc tuổi 30 trong năm 2018.
Chủ biên Nick M. |
Khác với hành trình thời gian 30 năm của cuốn đầu, “1987+: 30 chưa phải là Tết” sẽ là những câu chuyện về tuổi 30, về những suy tư, trăn trở khi đã “tam thập nhi lập”. Trải qua 30 năm, cuộc đời đã quật ngã họ nhiều lần, theo cách này hay cách khác. Nhưng tất cả đều đứng lên, làm chủ chính mình.
Trước tuổi 30, họ dành tất cả thời gian để khám phá thế giới. Khi bước sang tuổi 30, vùng đất mà họ muốn khai phá nhất chính là bản thân mình.
Họa sĩ Đặng Hồng Quân.
So với màu sắc trong trẻo, ngây thơ và nhiều hoài niệm của “1987”, cuốn sách lần này tiệm cận đến vấn đề xung đột thế hệ dường như rõ rệt hơn. Thế hệ mới đòi hỏi không gian riêng tư nhiều hơn, cho dù vẫn thích Tết cổ truyền, vẫn thấy đường dây gắn bó với quá khứ, với ông bà cha mẹ. Nhưng có lẽ họ sẽ là một trong vài thế hệ cuối cùng trước khi xã hội Việt Nam đánh dấu một giai đoạn là kết quả sinh ra hoàn toàn trong phạm vi ảnh hưởng của toàn cầu hóa. Nên ở những trang viết này, có sự bâng khuâng man mác, sự ngập ngừng về một đổi thay nền tảng mà công nghệ, thông tin và sự chuyển dịch nơi sinh sống đang cuốn phăng mọi người theo.
“1987+: 30 chưa phải là Tết” không dùng concept “ẩn danh” như “1987” mà sẽ là những câu chuyện, số phận của từng nhân vật. Chủ biên Nick M. cho biết: “Trước tuổi 30, chúng tôi ẩn mình vì chưa biết mình sẽ ra sao, trở thành người thế nào nhưng khi tới cột mốc này, chúng tôi muốn cả thế giới biết mình là ai. Vì thế nên ‘1987+: 30 chưa phải là Tết’ sẽ là những tâm tư cụ thể, những góc nhìn khác nhau về cuộc đời của rất nhiều nhân vật đang trải nghiệm độ tuổi 30”. Sách được chia làm hai phần, phần một là những câu chuyện của các tác giả sinh năm 1987, phần hai là những câu chuyện của thế hệ 1988.
Trang bìa cuốn sách "1987" phần 2. |
Cuốn sách còn nhắc tới Tết nguyên đán từ cổ truyền đến hiện đại và nhắc tới những câu hỏi muôn thưở trong ngày Tết: Bao giờ cưới? Bao giờ cho ăn kẹo? "Bao giờ mua nhà? Bao giờ mua xe?..". “1987+: 30 chưa phải là Tết” với 15 câu chuyện sẽ là câu trả lời dành cho những câu hỏi trên, qua suy nghĩ của những người trẻ hiện đại, đặc biệt là thế hệ 1987 và 1988.
“1987+: 30 chưa phải là Tết” có sự tham gia của họa sĩ Đặng Hồng Quân – người vừa ra mắt hai cuốn sách về ẩm thực có tên gọi “Lê la quà vặt” và “Ăn quà xuyên Việt” cùng nhà văn Trương Quý. Sinh năm 1988 nhưng học sớm một năm cùng thế hệ 1987, Đặng Hồng Quân cũng bước sang tuổi 30 trong năm 2018.
Anh tâm sự: “Với cá nhân tôi, tuổi 30 là một dấu mốc đặc biệt – không còn khờ dại nhưng chắc chắn chưa trở nên khôn ngoan hơn so với ai cả, tất cả chỉ vừa đủ để đi đến đâu cũng có thể kết bạn và ngồi xuống ăn uống bên nhau không suy nghĩ gì. Mơ ước của tôi là đến thêm nhiều vùng trên đất nước mình, kết thêm nhiều người bạn, được lê la quà vặt cùng ăn quà xuyên Việt thêm nhiều lần nữa”./.
Elly Trần lần đầu kể chuyện nghỉ học, tham gia showbiz trong “1987“