Sinh trong tù

Truyện ngắn của Phạm Duy Tương

Xuân Bình được sinh ra trong nhà tù. Điều này, cả thị trấn nghèo này ai cũng đã biết, từ ông già bà lão cho đến đứa trẻ con. Thuở đó đất nước còn chiến tranh, mẹ của Xuân Bình hoạt động cách mạng, đang mang thai Xuân Bình thì bị địch bắt, giam vào nhà tù và sinh Xuân Bình trong đó.

Sinh trong nhà tù khổ sở muôn bề bởi nơi đó không phải dành cho phụ nữ làm nơi sinh đẻ, cái gì cũng thiếu kể cả không khí, Xuân Bình sống sót được là nhờ các nữ tù, bạn của mẹ Xuân Bình che chở. Mạng sống của Xuân Bình có thể nói là kết quả của tình đồng chí không đo đếm được, không lời nào tả xiết, cái tình sâu nặng được thử thách trần trụi, quyết liệt ở nơi địa ngục trần gian.  

Nhiều người bây giờ thường hay than thở: Con người sống với nhau nghĩa tình sâu nặng, quên mình vì nhau, vì tương lai như những người tham gia cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc dường như không còn nữa. Ý trách móc thời kinh tế thị trường hiện nay, con người sống quá coi trọng lợi ích vật chất, lợi ích cá nhân, lợi ích trước mắt. 

Nên mỗi dịp lễ tết hay kỷ niệm ngày truyền thống nào đó, mẹ của Xuân Bình và các bạn tù của bà thường được mời kể chuyện, ôn lại thời hào hùng đầy ân nghĩa. Trong đó không bao giờ quên chuyện sinh ra, chở che, nuôi dưỡng Xuân Bình trong tù. Kể ở trường học, ở cơ quan, ở hội trường, ở nhà hát, ở đài phát thanh và truyền hình, kể bằng cách đứng nói hoặc dưới hình thức ngồi bàn “giao lưu với nhân chứng lịch sử”, rồi trả lời phỏng vấn của các nhà báo, nhà văn. Một năm có rất nhiều dịp người ta mời các bà lên kể, suốt hơn ba mươi năm tính từ ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, không ai thống kê nổi, câu chuyện Xuân Bình sinh ra trong nhà tù đã được kể, được viết bao nhiêu lần. Cả thị trấn nghèo này đều biết chuyện Xuân Bình sinh ra trong nhà tù là vì thế, từ ông già bà lão cho đến trẻ con, có thể còn nhiều người ở ngoài thị trấn cũng biết vì báo chí và đài phát thanh, truyền hình phát rộng rãi. 

Theo các lời kể, đêm hôm ấy, trời đất bình yên, không mưa không gió. Bên ngoài khá yên lặng, đám lính canh ngục ngồi đâu đó, chúng không gây sự với người tù như nhiều đêm khác. Trong xà lim, trên nền xi măng lạnh, mẹ Xuân Bình trở dạ. Bà lên cơn đau bụng lâm râm từ chập tối, đến tầm chín hay mười giờ thì đau dữ dội. Chị em bạn tù chung phòng bật dậy cả, xúm lại cuống quít lấy ra mấy thứ chuẩn bị mấy hôm trước: Mớ áo quần rách đã giặt sạch, ca nước, chiếc cật nứa để cắt rốn và đoạn chỉ để buộc rốn trẻ sơ sinh. Mấy bà đã qua sinh nở có kinh nghiệm chỉ cho mấy cô chưa chồng làm thứ nọ thứ kia. Phòng giam tối đen nhưng các bà đã quen sống trong đêm tối nên làm khá chính xác, trật tự, không rối ren, cuống quít. Tuy nhiên, mẹ Xuân Bình đau vật vã cả tiếng đồng hồ vẫn không sinh. Bao trùm không khí lo âu. Một bà lớn tuổi bảo đập cửa để đòi đưa lên bệnh xá của trại giam. Và lại dặn, khi đưa sản phụ đi thì phải đi theo mấy người để chăm sóc và bảo vệ đứa trẻ mới sinh. 

Xuân Bình sinh ra trong đêm ấy, ở bệnh xá trại giam, nặng đến ba ký sáu. Ngay sáng hôm sau, tin vui lan truyền xôn xao khắp các phòng giam. Người sống ngoài trại giam được ăn uống đầy đủ đẻ con ba ký sáu đã không nhiều, mang thai sống trong trại giam thiếu thốn đủ bề mà đẻ con ba ký sáu quả là điều kỳ diệu. Bạn tù thay nhau lên bệnh xá chăm sóc mẹ con Xuân Bình, các phòng giam có đường, sữa từ gia đình bên ngoài gửi vào đều góp lại dành cho mẹ con Xuân Bình. Ở bệnh xá được hai ngày, các bạn tù của mẹ Xuân Bình lại đòi đưa trở về phòng giam: Họ sợ để ở bệnh xá không thể trông coi kỹ càng, dễ bị kẻ xấu hại đứa bé. Tên Xuân Bình cũng được các bạn tù của mẹ Xuân Bình đặt cho, thể hiện niềm mong ước tương lai của đứa bé là mùa xuân hòa bình.

Dân gian có câu, một miếng khi đói bằng một gói khi no. Một miếng ngon ở trong tù đôi khi phải đánh đổi cả mạng sống, vậy mà người ta vẫn sẵn sàng nhường cho mẹ con Xuân Bình. Ở trong phòng giam tối tăm chật hẹp, có một chỗ nằm gần cửa sổ được thở không khí tương đối trong lành, bình thường dành cho người bị tra tấn tàn nhẫn hoặc người già yếu bệnh tật, bấy giờ ưu tiên cho mẹ con Xuân Bình. Bạn tù còn thay nhau quạt cho mẹ con Xuân Bình những hôm nóng bức. Việc bú mớm của Xuân Bình, việc đi vệ sinh của Xuân Bình trong căn phòng chật hẹp gây ra nhiều phiền phức nhưng không ai lấy làm khó chịu, ngược lại thảy đều vui vẻ được lo toan cho đứa bé sơ sinh. Khó kể hết tình cảm cao quý, trong sáng của bạn tù dành cho mẹ con Xuân Bình, thực sự ai cũng nâng niu Xuân Bình như thể con ruột của mình. Gần một năm sau, Hiệp định Pa-ri ký kết, mẹ con Xuân Bình được trao trả đầu tiên, hôm chia tay bịn rịn nhiều người đã khóc, nhiều người cứ ôm lấy Xuân Bình hôn hít vuốt ve không muốn rời. Có người thốt lên: “Không biết rồi có gặp lại cục cưng này nữa không?”. 

Những chuyện ấy kể lên trong thời gian mới hòa bình, nghe vô cùng xúc động. Hòa bình là niềm vui chung lớn lao khiến mọi hy sinh, mất mát, thiệt thòi, ân nghĩa để làm nên hòa bình trở thành của chung, như là máu thịt trong mỗi con người, tươi rói hạnh phúc và tự hào. Xuân Bình vào nhà trẻ được các cô giáo âu yếm nhiều hơn như muốn bù đắp những thiệt thòi Xuân Bình phải chịu đựng lúc mới ra đời. Có bà mẹ thấy con mình bị Xuân Bình giằng mất cái kẹo, con mình xông vào nắm áo Xuân Bình muốn đòi lại, bà mẹ trẻ đã khuyên can con mình: “Thôi mà, nhường cho bạn ấy đi, mẹ sẽ cho con cái khác”. 

Xuân Bình lớn lên trong sự cảm thông, ưu ái của cả xã hội, học xong phổ thông, học tiếp đại học, tốt nghiệp đi làm cán bộ nhà nước, lấy vợ sinh con. Và vẫn ở chung với mẹ. Cha của Xuân Bình đã qua đời khi Xuân Bình đang học đại học, sau mấy năm nghỉ hưu. Bây giờ, trong căn nhà hai tầng ấm cúng do vợ chồng Xuân Bình mới xây lên có mẹ Xuân Bình, vợ chồng Xuân Bình và đứa con của vợ chồng Xuân Bình. Vợ Xuân Bình là giáo viên, hiền thục, đảm đang, sống hiếu thảo với mẹ chồng. Còn Xuân Bình, có lúc vui bạn vui bè đã tuyên bố: “Thà bỏ vợ chứ không bao giờ bỏ mẹ, bởi bỏ vợ này có thể lấy vợ khác còn mẹ đẻ thì chỉ có một mà thôi!”. Hiển nhiên, đó chỉ là một lời tuyên bố, thói quen của cán bộ nhà nước khi thỏa mãn thường hào phóng lời tuyên bố hơn cả tổng thống các cường quốc, nhưng nếu bỏ qua sự hào phóng ấy thì có thể thấy Xuân Bình đang có một gia đình hạnh phúc. Quả là gia đình Xuân Bình đang có nhiều thứ mà một gia đình bình thường khác không có.  

Nhưng Xuân Bình cũng đang phải chịu đựng một thứ mà người bình thường khác không phải chịu đựng: Bị xã hội nhắc lại quá nhiều chuyện được đẻ ra trong tù. Cái sự đẻ Xuân Bình trong tù, nuôi nấng cưu mang Xuân Bình sống sót qua chốn lao tù là kết quả vĩ đại của những tấm lòng, một chiến công hiển hách bậc nhất trong mọi chiến công hiển hách mà người phụ nữ đi qua chiến tranh có thể lập được, tuy nhiên đối với Xuân Bình thì chẳng qua cũng là sự lọt lòng mẹ mà thôi. Thời gian ấy, Xuân Bình chưa ý thức được điều gì cả, cuộc sống của Xuân Bình chỉ là ăn và uống, chơi và khóc, thức và ngủ, rồi ỉa và đái. Kể lại chuyện của thời gian ấy, với Xuân Bình là kể về những hành vi sinh lý tự nhiên để tồn tại ấy. Không thật vẻ vang lắm! Với Xuân Bình và vợ con Xuân Bình cũng như cơ quan của Xuân Bình, làm sao có giá trị bằng những việc Xuân Bình đang làm hôm nay? Cứ kể đi kể lại việc Xuân Bình ăn và uống, chơi và khóc, thức và ngủ, rồi ỉa và đái thì tựa như xúc phạm Xuân Bình vậy, ấy là Xuân Bình nghĩ thế. Xuân Bình đã cảm thấy khó chịu, thậm chí phản ứng khi nghe ai đó, đương không nhắc chuyện Xuân Bình sinh ra trong tù. Cách đây mấy năm, dịp kỷ niệm ngày giải phóng, có một nhà báo đến phỏng vấn Xuân Bình để viết tấm gương thành đạt, chẳng biết vô tình hay cố ý, mấy lần nhắc chuyện Xuân Bình sinh ra trong nhà tù, Xuân Bình nổi nóng đuổi thẳng cẳng. “Từ nay, ông đừng gặp tôi nữa nhé!”, đang vui vẻ cười nói, Xuân Bình chợt đỏ mặt tía tai nói như vậy. Anh nhà báo lủi thủi ra về mà không hiểu đầu cua tai nheo làm sao cả. 

Thế rồi, mẹ Xuân Bình cho hay, ngày Quốc khánh tới nơi, các bà bạn tù của mẹ sẽ họp mặt tại nhà Xuân Bình. Xuân Bình bất ngờ, há hốc miệng một hồi mới hiểu mẹ vừa nói gì. Trước nay những dịp lễ lớn, các bà cựu tù chính trị được mời dự mít tinh, họp mặt nọ kia, mấy chục năm đã thành quen, có năm gần ngày lễ lớn mà chưa thấy giấy mời gửi đến là bồn chồn nhắc, nay các bà tập họp về nhà Xuân Bình thì lạ quá. Xuân Bình buột miệng:

- Thế mẹ và các dì không đi dự lễ như mọi năm nữa sao?

- Thôi con ạ - Mẹ Xuân Bình ôn tồn trả lời – Mẹ và các dì già rồi, bảy tám mươi cả rồi, bệnh tật đã rề rề, đến nơi đông người mệt lắm. Mẹ cố mời các dì đến nhà ta một lần khi còn đông đủ, mấy năm trước nhà cửa chật chội, đến không biết ngồi vào đâu nên chưa mời được. Nay nhà cửa đã rộng rãi. Mẹ mời cả một số dì ở xa, từ ngày giải phóng đến giờ chưa gặp lại con lần nào, các dì cũng đang muốn nhìn mặt con.

Xuân Bình giật mình khi tưởng tượng cuộc gặp mặt như vậy, thế nào cũng lại nhắc đến chuyện sinh Xuân Bình ở trong tù. Đang lắng nghe mẹ nói, mặt Xuân Bình xị xuống. Xuân Bình cười như mếu:

- Rồi nhà ta lại tha hồ nghe chuyện ngày xửa ngày xưa của các dì.

Mẹ Xuân Bình ngước mắt nhìn Xuân Bình nhưng ánh mắt của bà vội lảng tránh, nhìn xa xôi ra sân.

- Thì mẹ và các dì là người của ngày xưa, không nói chuyện ngày xưa biết nói chuyện gì? Mẹ cho con biết trước như thế để con bàn với vợ của con chuẩn bị đón tiếp.

Xuân Bình thở dài, chào mẹ đi làm. Buổi tối, vợ đi dạy về, Xuân Bình thuật lại lời của mẹ. Vợ Xuân Bình hồ hởi:

- Được gặp đông đủ các dì thì vui quá.

Xuân Bình chép miệng:

- Đương nhiên là vui nhưng anh sợ các dì lại đem chuyện anh sinh ra trong tù nói tới nói lui.

Vợ Xuân Bình cười:

- Các dì nhắc lại có sao đâu, càng vui chứ anh.

- Em thật không hiểu gì cả - Xuân Bình trách vợ - Chuyện liên quan đến anh ở trong tù thì có cái gì ngoài chuyện ăn và uống, chơi và khóc, thức và ngủ, rồi ỉa và đái?

Vợ Xuân Bình chột dạ:

- Xin lỗi anh, em vô tâm không nghĩ tới. Chuyện ấy mà cứ nói đi nói lại hoài thì nghe cũng ngán thật.

Xuân Bình thấy vợ xin lỗi liền đấu dịu:

- Thực ra với anh cũng không có chuyện gì lớn cả đâu, được sinh ra như thế thì kể lại như thế, nói hoài thích thì nghe không thích thì thôi. Nhưng còn con của chúng ta, nó hơn mười tuổi rồi, chẳng lẽ chuyện về cha của nó chỉ có bấy nhiêu và cứ nghe bấy nhiêu? Cha của nó cứ sơ sinh mãi, kỳ cục quá phải không em?

Vợ Xuân Bình ra chiều nghĩ ngợi. Im lặng một lúc, Xuân Bình nói:

- Nên đến ngày ấy, chúng ta chuẩn bị tiệc và tiếp các dì thật chu đáo. Tới giờ đón con ở trường học thì em đưa con sang bên ngoại để con nó khỏi phải nghe những chuyện về cha của nó ăn và uống, chơi và khóc, thức và ngủ, rồi ỉa và đái nhé.

Vợ Xuân Bình gật đầu vâng dạ. 

Cuộc gặp mặt của các bà cựu tù chính trị rất cảm động. Có bà đến từ sớm, có bà đến khi mâm tiệc đã bày ra. Tất cả đã già yếu, da nhăn nheo, tóc bạc xác xơ, nhiều người đi đứng khó khăn, nói cười móm mém. Thời gian và những đau khổ của cuộc đời đã tàn phá cơ thể họ, một thời xuân sắc hừng hực lửa chiến đấu nay chỉ còn những hình bóng héo hon, tàn tạ, những bàn tay gầy trơ xương, những khuôn mặt chằng chịt nếp nhăn thê thảm. Nhưng gặp nhau, họ vồn vã tay bắt mặt mừng, ôm nhau, hỏi thăm nhau tíu tít như còn trẻ trung.

- Ba Hồng đây phải không?

- Dạ, chị Tư Hà. Chà, tóc chị bạc trắng hết rồi chị Tư ơi.

- Thì tóc mày có thua gì.

- Tui bảy lăm rồi chị Tư à. Còn chị Tư tám mấy rồi?

- Tám hai.

- Con cháu làm gì cả rồi?

- Hai thằng làm việc còn một thằng làm ruộng. Con út đi dạy.

- Ôi, chị Năm Thao, từ ngày ra tù em mới gặp lại chị?

- Ờ, cái mặt Sáu Hoa mày thì tao gặp hoài trên ti vi. Còn làm việc hay đã nghỉ?

- Nghỉ lâu rồi chị ơi, em sáu mấy rồi ...

- Kiếm ông nào chưa hay vẫn một mình?

- Em chỉ chờ kiếm ông bốn dài hai ngắn chị à. 

Họ vồn vã hỏi thăm nhau, nước mắt sụt sùi. Khi ra khỏi nhà tù, hòa bình người làm việc nọ người làm việc kia, người sướng người khổ, người hạnh phúc đủ đầy người bất hạnh đeo đẳng, nhưng rồi đã nhiều năm họ nghỉ hưu, sống với tuổi già bệnh tật, nay gặp lại nhau thảy như sống lại thời trẻ trung, vô tư. Sau hồi thăm hỏi nhau, mọi người ngồi lắng lại và đều nhắc đến Xuân Bình, thi nhau kể chuyện về Xuân Bình. Lúc các bà mới đến, vợ chồng Xuân Bình đã ra chào, song lúc đó các bà đầu gật mà mắt còn mải nhướng về nhau, nhìn ngắm nhau, hỏi han nhau, sau giây phút say sưa gặp lại bạn cũ, tâm trí họ mới thực sự quay về với Xuân Bình.

Một bà nói:

- Ừ, cái đêm hôm ấy…

Xuân Bình trong bếp nghe thế, nói nhỏ vào tai vợ:

- Em chuẩn bị nghe nhé: Đêm hôm ấy, trời đất bình yên, không mưa không gió. Bên ngoài khá yên lặng, đám lính canh ngục ngồi đâu đó, chúng không gây sự với người tù như nhiều đêm khác. Trong xà lim, trên nền xi mặng lạnh, mẹ Xuân Bình trở dạ…

Bên ngoài, các bà nói y như thế thật. Quả là một câu chuyện đã được thuộc lòng! Một bà khác tiếp lời:

- Tôi vẫn nhớ, Xuân Bình sinh ra trong đêm ấy…

Trong bếp, Xuân Bình lại nói nhỏ vào tai vợ:

- Sinh ra trong đêm ấy, ở bệnh xá trại giam, nặng đến ba ký sáu. Ngay sáng hôm sau, tin vui lan truyền xôn xao khắp các phòng giam, người sống bình thường được ăn uống đầy đủ đẻ con ba ký sau đã không nhiều, mang thai sống trong trại giam thiếu thốn đủ bề mà đẻ con ba ký sáu quả là điều kỳ diệu.

Vợ Xuân Bình phì cười, đấm vào lưng chồng:

- Anh cũng một vừa hai phải thôi, để các dì trò chuyện…

Có tiếng một bà nói to:

- Xuân Bình đâu rồi, ra cho các dì nhìn mặt cái coi…

Xuân Bình vội lau tay qua loa vào chiếc khăn, chạy ra khoanh tay thanh minh:

- Dạ, lúc nãy cháu đã chào các dì rồi. Cháu đang chuẩn bị bữa tiệc đãi các dì, không mấy khi các dì đến đông vui như thế này.

- Ờ, to khỏe heng. Làm ăn thế nào cháu?

- Dạ, cũng cơm cháo qua ngày ạ - Xuân Bình tươi tắn trả lời.

- Cháo của các anh các chị bây giờ là cháo bào ngư, sò huyết đấy - Một bà nói vui.

Tất cả cười vui vẻ. 

Các bà hỏi dăm ba câu thì hết chuyện. Không ai hỏi thêm gì nữa mà đều im lặng, có vẻ ngại ngùng, Xuân Bình liền xin phép trở vào bếp. Khi Xuân Bình đi rồi, câu chuyện giữa các bà lại sôi nổi. Giữa các bà và Xuân Bình, dù có chung nhiều tháng ngày dữ dội, đã trở thành kỷ niệm khắc sâu vào tâm khảm, không thể nào quên, nhưng giữa họ vẫn là hai thế hệ. Thật khó vượt qua khoảng cách thế hệ như vượt qua một ngọn núi, một dòng sông, thậm chí một bãi chông mìn.

Cuối buổi tiệc, vợ Xuân Bình xin phép đi đón con ở trường học, các bà không ai ngăn cản. Vợ Xuân Bình đi rất lâu chưa quay lại, song các bà hầu như không ai để ý đến điều đó. Xuân Bình sắp sẵn câu trả lời nếu có bà nào phát hiện ra sự chậm trễ không bình thường của vợ Xuân Bình nhưng không bà nào phát hiện ra cả, hoặc có phát hiện ra nhưng không hỏi, nên Xuân Bình không phải trả lời. Các bà ăn uống chân tình, thoải mái, khi chiều tà, tạm biệt nhau ra về.

Xuân Bình dọn mâm bát, rửa sạch sẽ, cất gọn gàng đâu vào đó thì trời đã tối hẳn nhưng vợ và con vẫn chưa về. Mẹ Xuân Bình đi ra đi vào, sốt ruột:

- Vợ con sao đi đón con mãi chưa về?

Xuân Bình nhanh nhảu trả lời:

- Con vừa gọi điện, vợ con ghé qua bên ngoại có việc gì đó. 

Lúc ấy trời chợt nổi gió, thổi xào xạc ngọn cây ngoài sân. Gió mỗi lúc một mạnh, chẳng mấy chốc nghe vun vút ngọn cây, đập phần phật đầu hồi nhà, ngoài đường có tiếng đổ vỡ.  “Chắc sắp có giông”, mẹ Xuân Bình lẩm bẩm rồi ngồi vào bàn và gọi Xuân Bình lên nói chuyện. Nét mặt của mẹ Xuân Bình lúc ấy rất nghiêm trang, sự nghiêm trang với suy nghĩ gì đó trong lòng chứ không phải vì giông gió ngoài trời, có vẻ như mẹ Xuân Bình còn không để ý đến trời đang chuyển giông gió. Mẹ Xuân Bình ngồi im lặng chờ Xuân Bình lên, già yếu co ro nhưng dáng vẻ bình thản.

- Con ngồi xuống đây - Mẹ Xuân Bình chỉ chiếc ghế đối diện, giọng nhẹ nhàng - Hôm nay, mẹ muốn kể cho con nghe chuyện con sinh ra trong nhà tù…

Xuân Bình phì cười, cắt ngang lời mẹ:

- Chuyện ấy mẹ kể nhiều lần rồi mà. Thôi, hôm nay mẹ tiếp khách suốt ngày đã mệt, mẹ cần đi nghỉ sớm.

- Mẹ chưa mệt, chưa cần nghỉ vội.

Xuân Bình cảm thấy có điều bất thường, thấy phải buộc mẹ đi nghỉ bằng được, nên kiếm cớ thoái thác:

- Cho con chạy đi đón vợ con cái đã.

Nhưng mẹ Xuân Bình tỏ thái độ kiên quyết hiếm thấy:

- Không nên ra ngoài trời giông gió đêm hôm. Để vợ con ở bên ngoại có sao đâu. Con hãy nghe mẹ kể chuyện này. Cái đêm mẹ sinh con ra trong tù cũng giông gió như đêm nay…

- Sao? - Xuân Bình ngạc nhiên - Con vẫn nghe mẹ và các dì kể đêm hôm ấy, trời đất bình yên, không mưa không gió mà?

- Đó là do ngày hòa bình, chuyện mẹ sinh con trong tù được nhiều người chú ý và có một ông cán bộ tuyên truyền bàn với mẹ và các bạn tù của mẹ là nên cho đêm ấy trời đất bình yên để ngụ ý nói lên sự sinh nở báo hiệu tương lai tốt đẹp của cách mạng. Còn sự thật, đêm sinh con ra trời chuyển giông gió lớn như đêm nay, mẹ đang rất đau mà cũng nghe được tiếng gió gào rú bên ngoài, có lúc đã sợ sập nhà. Các bạn tù của mẹ cũng lo lắng, hoang mang.

Giọng mẹ Xuân Bình đều đều. Bà ngồi co ro bên bàn, lại ngồi nghiêng, vai tựa vào bàn, hai tay đặt trên đầu gối, ánh mắt nhìn đâu đó vào xó tối góc nhà hay không nhìn gì cả, chỉ có giọng nói nhỏ, yếu nhưng rành mạch vang lên.

- Rồi mưa sầm sập như trút nước. Con ra đời, tiếng khóc bị mưa gió sầm sập át đi nhưng tiếng khóc của con khỏe lắm, mẹ vẫn nghe được. Con nặng ba ký sáu mà. Hồi đó ít người sinh con được lớn như vậy.

Có tiếng sấm vọng từ xa. Xuân Bình thấy cách cửa sổ đong đưa qua lại nhưng không dám đứng lên đi cài. Một sự thật bất ngờ hé mở làm nghẹt thở không khí trong căn nhà, khiến Xuân Bình hầu như không dám cử động.

- Mẹ mang thai con phải ở trong tù hơn bảy tháng mới sinh, khổ cực lắm nhưng sinh con ra vẫn lớn như thế, con có biết vì sao không? 

Mẹ Xuân Bình hỏi nhưng không nhìn Xuân Bình, ánh mắt vẫn gửi vào đâu đó trong bóng tối sâu thẳm ở xó nhà. Xuân Bình lấm lét nhìn mẹ, dường như mẹ hỏi không phải để Xuân Bình trả lời, nên môi Xuân Bình mấp máy mà không thành tiếng, linh cảm một điều nghiêm trọng sắp xảy ra, một sự thật khác ngoài sự thật vẫn được nói suốt hơn ba mươi năm qua sắp sửa được nói, và chắc chắn đây mới chính là sự thật. Chao ôi! Xuân Bình lạnh toát người, hơi lạnh từ trong người tràn ra, run lẩy bẩy, Xuân Bình vội đưa tay bíu vào mép bàn.

- Mẹ mang thai con và rất lo sợ ngày sẽ sinh con ra. Con biết sao không? Sợ có con, nếu giặc hành hạ con thì mẹ sẽ không chịu nổi, giặc hành hạ mẹ thì mẹ chịu được nhưng hành hạ con thì không chịu được. Mẹ biết chắc như vậy, mà không chịu đựng được thì sẽ khai ra đồng chí, đồng đội, khai ra cơ sở cách mạng, những nơi đã đùm bọc, nuôi dưỡng mẹ và các đồng chí của mẹ. Con hiểu chứ, tức là mẹ sẽ thành kẻ phản bội.

Mẹ Xuân Bình dừng lại, thở nặng nhọc. Dường như bà đã mất rất nhiều sức lực khi nói những điều vừa rồi. Bà nhắm mắt lại, không còn nhìn trừng trừng vào góc nhà nữa. Ngoài trời gió vẫn vần vũ ngọn cây, bắt đầu có tiếng mưa lắc rắc gõ mái tôn, lắc rắc thoáng qua như rảo nhẹ và ngừng lại. Giọng mẹ Xuân Bình tiếp tục cất lên nhưng bây giờ hạ xuống như thầm thì, như nói một mình, như nói với tâm tưởng, Xuân Bình phải rướn người trên bàn vươn về phía mẹ mới nghe rõ được.

- Đã đến lúc phải nói cho con biết điều này. Con ạ, mẹ đã định giấu kín trong bụng, chết mang đi, các dì bạn tù của mẹ nhiều người cũng khuyên mẹ như thế nhưng mẹ thấy không nói ra không được. Phải cho con biết tất cả sự thật. Lúc đó ở trong tù, mẹ mang thai con vừa mừng mà vừa lo, mừng vì có con nhưng lại lo ngày sinh con ra. Suy nghĩ nhiều đêm, khóc thầm nát ruột nát gan, cuối cùng mẹ đã đề nghị với các dì trong cấp ủy chi bộ Đảng nhà tù là kiếm cho mẹ các thứ thuốc phá thai.

Giọng mẹ Xuân Bình nghẹn lại, khản đặc:

- Con hiểu không con?

- Dạ, con hiểu ạ. Con hiểu ạ - Xuân Bình như đang nghẹt thở mà vẫn nhanh nhảu trả lời mẹ được như vậy. Thực ra Xuân Bình đang nghẹt thở vì nghĩ đến một hướng khác của câu chuyện, cái hướng Xuân Bình hình dung theo mấy cuốn tiểu thuyết chuyện tình ta ba tay tư, chuyện tình ngang trái éo le mà Xuân Bình đã đọc và đang lo sợ hướng đó, nên khi nghe mẹ nói ra những lời vừa nói thì Xuân Bình lại cảm thấy nhẹ nhõm nên trả lời mau lẹ. Thậm chí Xuân Bình còn rụt rè cười.

- Khi nghe mẹ đề xuất, chi bộ nhà tù lập tức nhóm họp - Mẹ Xuân Bình kể tiếp - tất cả phản đối con ạ, mọi người bảo sẵn sàng đem tính mạng bảo vệ cho con và như thực tế sau này là vậy. Nhưng lúc đó mẹ lại nghĩ, các dì khổ cực quá rồi, mẹ không thể bắt họ vì gia đình mình mà phải khổ thêm nữa. Vả lại, ngay bản thân các dì đang khó tự bảo vệ mình, làm sao bảo vệ con? Nên các dì ra sức động viên, thuyết phục mẹ thì mẹ càng kiên quyết bảo lưu ý kiến. Chi bộ họp mấy cuộc, về sau biểu quyết chấp thuận đề nghị của mẹ và cơ sở cách mạng bên ngoài nhà tù chuyển thuốc vào cho mẹ uống.

- Ôi, vậy sao con vẫn được sinh ra khỏe mạnh? - Xuân Bình buột miệng kêu lên.

Mẹ Xuân Bình mở mắt, từ hai hốc mắt sâu, từ đôi tròng đen đã bạc phếch vì khổ đau ứa ra hai giọt nước. Hai giọt nước to tròn long lanh ánh đèn, lăn xuống và biến mất giữa các nếp nhăn chằng chịt trên khuôn mặt. Mẹ Xuân Bình lụm cụm đưa ống tay áo lên chùi mắt. Ngoài trời lại có tiếng mưa lắc rắc gõ mái tôn. Giọng mẹ Xuân Bình nghẹn ngào:

- Con ơi, nhờ trời chi bộ biểu quyết để đánh lừa mẹ mà thôi. Sau mẹ mới biết, thuốc cơ sở cách mạng gửi vào cho mẹ đều là thuốc bổ. 

Xuân Bình từ lúc nào nước mắt đã tuôn trào ướt đầm đìa hai má. Đúng lúc, ngoài trời vang lên một tiếng sét và đèn trong nhà tắt ngấm. Tất cả chìm trong bóng đen và chợt lặng phắc. Không còn tiếng gió, không còn tiếng mưa rơi, dường như không còn cả hơi thở. Xuân Bình cuống quít đứng lên, quờ tay lần tìm mẹ. Bà vẫn ngồi co ro bên bàn. Trong bóng tối lặng yên, vang lên những tiếng thổn thức./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên