Sống ở đời
Truyện ngắn của Vũ Đảm
Trời mưa, kéo theo cái lành lạnh làm Đầm thấy buồn quá, mà một tháng ba mươi ngày thì có mấy ngày Đầm không buồn!
Sáng nay vợ gã đi chợ từ lúc trời còn tối om sau khi đã nấu xong nồi cơm cho chồng con. Nói là đi chợ cho sang chứ thật ra là vợ Đầm đi đồng nát, mang soong, ấm mới đi bán hoặc đổi cho thiên hạ. Công việc này trước đây là của Đầm nhưng khi nghe đám bạn thích ăn không ngồi rồi chế diễu:" Mày trông trí thức thế mà phải đi làm cái thằng đồng nát, đầu đường, xó chợ ấy à!", thế là Đầm bỏ nghề. Vợ chồng Đầm có bốn đứa con, ba cô con gái đầu và một thằng cu nối dõi tông đường nhất thiết phải có, với bốn sào ruộng, không đủ ăn, Đầm bỏ nghề đồng nát thế nên vợ gã phải kế nghiệp chồng để duy trì cái gia đình vốn không mấy bình yên vì Đầm lúc nào cũng dọa bỏ vợ, bỏ nhà đi biệt xứ!
Buồn, thì Đầm chỉ có mỗi cách giải buồn duy nhất là rủ thêm mấy người bạn cùng hội cùng thuyền đến nhà để uống trà, hút thuốc lào vặt và tào lao, phét lác. Sáng nay có vẻ khá hơn, Đầm bớt được mấy ngàn vợ đưa để mua thức ăn, mua hẳn một chai rượu và mấy gói lạc rang ở quán bà Ky về thết bạn.
- Này, hôm qua lại một vụ nổ bom ở Bátđa làm mấy chục người chết!- Bính mập lên tiếng.
- Còn chết nữa, phải tớ là Thủ tướng Irắc thì chỉ trong vòng hai tuần, tớ sẽ dẹp yên ngay- Thọ gù đáp lời.
- Keng! Nào 50% !- Đầm cụng ly.
- Hôm qua đọc báo lại thấy tham nhũng mấy chục triệu "đôna" ở ngành dầu hoả, cánh ta có đạp xe đi đồng nát mọt đít cả năm cũng không bằng một bữa nhậu của chúng nó!- Tảo có chứng bệnh hôi nách kinh niên than vãn.
- Phải tôi mà lên làm Bộ trưởng chống tham nhũng thì không cần một năm, bố bảo chúng nó cũng không dám tham nhũng!- Thọ gù hùng hồn tuyên bố.
Bốn kẻ đang khoác lác thì ngoài ngõ có tiếng còi ô tô, cửa xe mở, hai vợ chồng dắt hai đứa con đi vào. Đầm chạy ra, chưa kịp nhận ra khách thì người đàn ông đã thốt lên:
- Đầm phải không? Tao- Kiên còi đây mà!
- á, à dạo này béo quá nhận không ra là phải.
Kiên giới thiệu vợ con với Đầm, Đầm giới thiệu với đám bạn nhậu, Kiên ở tận xã Đoài, là bạn thân hồi học cấp ba của Đầm. Kiên mỉm cười gật đầu chào mọi người, nói nhân tiện nghỉ hè cho các con về quê chơi, tranh thủ ghé thăm Đầm, người ngày xưa đã từng bẻ đôi củ khoai lang luộc cho Kiên ăn lót dạ mỗi sáng đến trường.
Đã gần mười năm nay không gặp lại Đầm, Kiên thấy Đầm già đi nhiều quá, cứ như Đầm đã ở cái tuổi năm mươi chứ không phải ba chín như Kiên. Cả cái ngôi nhà mà vợ chồng Đầm đang ở cũng già nua, tường tróc vữa, mái ngói trên nóc có mấy hòn bị xô lệch, những giọt nước đang thi nhau nhỏ tí tách xuống chiếc thau nhôm đặt dưới nền nhà. Đầm sai đứa con lớn đi đánh lại đám cốc chén cáu vàng, pha nước mời vợ chồng Kiên. Sực nhớ ra anh lái xe, Đầm nói:
- Lái xe đâu, sao mày không bảo vào đây uống nước?
- Tao tự lái lấy, cái xe này tao mới mua để mỗi khi về quê cho tiện, còn đi công tác đã có xe cơ quan.
- Mày mua được cả ô tô?
- Cũng phải vay mượn thêm chút ít.
Nghe Kiên nói, tự nhiên sự vồ vập của Đầm biến mất, thay vào đó là sự ngượng ngập về cái nghèo của mình. Suốt nửa tiếng chuyện trò, chỉ độc Kiên hỏi, Đầm trả lời mà không mấy khi Đầm hỏi. Kiên bảo Đầm nên sửa chữa lại nhà kẻo mùa mưa bão sắp đến, nếu có thiếu Kiên sẽ giúp đỡ. Đầm phẩy tay bảo chuyện vặt, chẳng qua là Đầm bận quá nên chưa có thời gian sửa!
Đầm mời vợ chồng Kiên ở lại ăn cơm trưa, vừa lúc ấy điện thoại di động của Kiên đổ chuông, công ty có việc gấp, Kiên phải về giải quyết. Thấy gia cảnh Đầm khó khăn, Kiên mời Đầm lên nhà chơi, đến thăm công ty của Kiên, nếu Đầm ưng thuận, Kiên sẽ bố trí cho Đầm một chân ở phòng hành chính. Đầm xua tay:
- Ồ không không, lên chơi thì được chứ làm thì không, chả nói dấu gì mày, sắp tới thôn đang cơ cấu tao lên làm trưởng thôn, vả lại tao đi thì con cái ở nhà ai dạy?
- Thế làm trưởng thôn bây giờ có lương không hay chỉ được cấp thóc như ngày xưa?
- Có chứ, cũng được mấy trăm ngàn, nhưng cái quan trọng là có cơ hội để thăng tiến trên xã.
- Thế thì chúc mày sớm trở thành chủ tịch xã!
Kiên ghi số điện thoại di động và nhà riêng cho Đầm, hẹn khi nào lên chơi điện cho Kiên ra bến xe đón. Vợ chồng Kiên đi rồi, những người bạn tâm đầu ý hợp của Đầm nhao lên bình phẩm.
Thọ gù bảo:
- Cái thằng" Lợn cưới áo mới" ấy nó đến cốt để khoe cái ô tô chứ chả tốt gì với ông đâu. Phải tôi mà là nó, tôi đã trả ơn ông mấy chục triệu!
Bính mập bảo:
- Bọn nhà giàu nó coi người như rơm rác, không chơi được đâu!
Tảo hôi nách bảo:
- Tướng ấy thì tài cán gì, chắc giỏi luồn cúi nên được cất nhắc rồi tham nhũng, đục khoét của dân nên mới giàu có. Quên cái loại bạn ấy đi, kẻo có ngày mang tiếng!
Đầm chẳng nói gì, chỉ uống rượu và thở dài. Đầm đã không định lên nhà Kiên chơi nhưng hôm sau bị bố đẻ đến nhà giáo huấn cho một trận về tội lười biếng, không chịu làm ăn, suốt ngày tụ tập rượu chè nên Đầm uất ức lắm, quyết định lên nhà Kiên mấy hôm cho khuây khỏa.
Nhà Kiên ở ngoại ô, một ngôi nhà được xây theo kiểu kiến trúc Pháp, có vườn, có gara để ô tô. Kiên dẫn Đầm đi các phòng giới thiệu, đến phòng cuối cùng, Kiên bảo:
- Đây là phòng khách, vệ sinh khép kín ở góc kia. Đây là điều khiển tivi, còn đây là điều khiển đầu vidiô, mày nghỉ ngơi một lúc rồi vào tắm rửa đi, trưa nay mày đi ăn cơm khách với tao luôn.
Không biết cách mở máy điều hòa, Đầm bật quạt máy vù vù, lúc sau đi vào phòng tắm. Trông thấy cái bồn tắm trắng tinh, Đầm sờ sờ, nắn nắn, loay hoay một lúc rồi cũng mở được vòi nước. Đầm tắm xong, Kiên vào bảo quần áo cứ để đấy, tối bà xã về đưa vào máy giặt một thể.
- Cái bồn tắm phòng khách, tao vừa lắp, những hơn chục triệu cơ đấy, mày tắm đấy có thoải mái không?- Kiên hỏi.
- Những hơn chục triệu?- Đầm há mồm liên tưởng đến cái giếng nhà mình, vì không có nhà tắm nên chỉ Đầm và con cái còn tắm được ban ngày chứ vợ Đầm mỗi khi tắm phải chờ đến khi trời tối hẳn. Nhiều đêm trăng sáng, vợ Đầm phải xách nước ra vườn chuối tắm.
- Nghe quảng cáo là sản phẩm mới của Nhật, ngâm mình trong nước ấm có khả năng chữa được bệnh đau nửa đầu nên tao mua về dùng thử.
Trưa, Kiên lái xe riêng chở Đầm lên Hồ Tây, vào một quán ở ven hồ, đã có bốn người khách đang đợi Kiên. Bữa ăn có bia Tiger, có tôm luộc, cá hấp, chim quay, nem cuốn, toàn những món đặc sản mà ở quê chưa một lần Đầm được nếm nhưng Đầm ăn, Đầm uống nhỏ nhẹ lắm. Giá như bữa ăn là ở quê, không phải với Kiên cùng những vị khách thắt càvạt mà với Bính mập, Tảo hôi nách, Thọ gù thì có lẽ Đầm đã chén đến no say. Gần hai giờ chiều, Kiên đưa Đầm về nhà, dặn Đầm vào phòng khách ngủ, đọc báo hoặc mở ti vi, băng ra xem, Kiên đi họp khoảng bốn giờ sẽ về.Trước khi đi, Kiên không quên mở máy điều hoà cho Đầm.
Giờ này nếu ở quê, Đầm đang gáy khò khò trên chiếc võng mắc ở hai cây mít bên bờ ao để hưởng gió mát rượi từ mặt ao thốc lên thế mà lúc này đây nằm trong căn phòng có máy điều hoà, Đầm lại không tài nào nhắm mắt được. Cứ nghĩ đến cảnh giàu sang, phú quí của Kiên, Đầm lại thở dài. Đầm vớ tờ báo ở đầu giường, liếc qua vài dòng rồi ném xuống nền nhà. Đầm mở ti vi lên xem, chiếc ti vi màn hình 24 inh to và nét quá, chả bù cho chiếc ti vi Samsung 14 inh cũ kỹ ở nhà mà hễ cứ xem được mười lăm, hai mươi phút lại tắt ngóm cả hình lẫn tiếng, khi ấy Đầm lại phải chạy lại vả một cái thật lực vào vỏ, nó mới hiện hình, lên tiếng.
- Đêm qua, một chiếc xe hơi chở thuốc nổ đã nổ tung tại trung tâm thủ đô Bátđa... Lại khủng bố, Đầm tắt ti vi, ngồi dậy lấy nước lọc tu ừng ực. Đầm mở cửa đi ra ngoài, ngắm nghía ngôi biệt thự của Kiên, chốc chốc tiếng thở dài lại phát ra từ lồng ngực lép kẹp của Đầm. Đầm đi sang phòng đứa con trai của Kiên đang học bài, nói có chìa khoá cổng cho Đầm mượn mở cổng đi ra dạo quanh ngắm phố phường. Đầm đi ra đường, thơ thẩn vài vòng rồi tạt vào cái quán nước cạnh nhà Kiên hỏi xem có điếu hút thuốc lào không? Bà bán quán lắc đầu, mời Đầm vào uống nước. Đầm gọi một ly trà đá, vừa uống vừa nhìn về phía nhà Kiên. Bà bán quán trông thấy Đầm có vẻ nhếch nhách, hỏi:
- Anh đến thông nhà vệ sinh hay làm cỏ cho nhà anh Kiên à?
- Không, cháu ở quê lên.
- Ra là người nhà, nhà anh Kiên giám đốc giàu nhất khu này đấy nhưng sống cũng tình cảm lắm chứ không vác cái mặt lên như mấy ông cán bộ khác.
Càng nghe bà bán nước kể về sự giàu sang, lòng tốt của Kiên, Đầm càng thấy buồn. Bỗng Đầm đứng phắt dậy, quên cả trả tiền nước làm bà bán quán phải gọi giật lại, Đầm đỏ mặt xin lỗi. Trả tiền xong, Đầm đi về nhà Kiên, xin con trai Kiên tờ giấy, hý hoáy ghi mấy chữ cho Kiên, nói rằng Đầm vừa điện về cho ông anh họ làm Phó chủ tịch xã, ông bảo phải về ngay để họp cơ cấu nhân sự trưởng thôn, nếu không phe cánh họ Trần đang lăm le đưa người của họ vào.
Đầm ra bến xe, kịp đi chuyến vét về quê. Ba đứa con đã đi ngủ, đứa lớn đang thái bèo lợn, vợ Đầm cũng vừa đi cân hàng về. Thấy Đầm về, vợ Đầm ngạc nhiên:
- Sao bảo anh lên Hà Nội chơi với anh Kiên mấy ngày mới về cơ mà?
- Thời gian đâu mà chơi mấy ngày- Đầm hầm hầm đi vào trong nhà, thấy cái sọt đựng soong ấm để ngay giữa nhà, Đầm cáu tiết đá đánh xoảng một cái:
- Nhà chứ có phải cái chuồng lợn đâu mà để bừa bãi thế này!
Vợ Đầm chạy vội vào thu dọn, thấy chiếc ấm mới bẹp dúm, vợ Đầm giận lắm nhưng không dám nói ra mồm. Bê cái sọt vào góc buồng, vợ Đầm ra thì thào vào tai con gái, nó dừng tay thái bèo, đi vào lễ phép:
- Bố ăn gì chưa để con dọn cơm cho bố?
- Không cơm với cháo gì hết, để cho tao yên!
Từ đấy vợ con Đầm không một tiếng nói, không một tiếng động nào cốt giữ yên tĩnh để cho Đầm được yên, được ngủ nhưng mà Đầm lại không tài nào ngủ được. Đầm nghĩ đến cái ô tô con của Kiên có màu nâu thẫm, trị giá bằng mấy chục cái dinh cơ nhà của mình; cái bồn tắm bằng cả cái bếp nhà mình. Đang lan man nghĩ thì Đầm thấy bụng đau đau, Đầm lật đầu giường, xé miếng giấy báo đi ra nhà xí ở góc vườn. Đầm mở cái cửa gỗ mối mọt lom khom bước vào, mùi thối xộc lên làm Đầm váng vất cả đầu óc. Rồi Đầm lại nghĩ đến cái bệ vệ sinh ở phòng khách nhà Kiên, nó trắng tinh, thơm tho, có vòi xịt, có giấy mềm để dùng, có xà phòng thơm để rửa tay. Đầm ngồi, dễ có đến mười lăm phút nhưng vẫn không thấy ra, Đầm vo viên miếng giấy báo ném bộp vào cánh cửa.
Đầm quay về giường, trằn trọc, lăn trái, lăn phải, nằm sấp, nằm nghiêng, đã thế cái đói lại mỗi lúc một trỗi dậy, khiến Đầm lại càng khó ngủ. Quãng một, hai giờ sáng, đói quá, Đầm không chịu nổi đành trở dậy mò xuống bếp vét cơm nguội ăn, nhờ thế Đầm mới thiếp đi được.
Khi Đầm tỉnh dậy thì vợ đã đi đồng nát, nhìn thấy đứa con gái thứ ba mặt mũi lem nhem, Đầm quát lên:
- Bẩn tưởi thế này à? Nợ đời!
Đứa con gái đầu lòng vội chạy vào dắt đứa em ra giếng nước rửa mặt, rồi nó quay vào nhà, lấy ra ít tiền đưa cho bố:
- Bố ơi! mẹ bảo bố mệt, bố đạp xe ra chợ ăn phở hay cháo lòng cho lại người.
Nín nhịn và chiều chồng, ấy là đức tính mà vợ Đầm có được và luôn luôn duy trì để gìn giữ mái ấm gia đình, không phải cho mình mà cho bốn đứa con. Vợ Đầm tuy chỉ mới học hết cấp hai nhưng lại hiểu được mình nhan sắc bình thường, gia đình lại nghèo, lấy được chồng, muốn giữ được cha cho những đứa con thì chỉ có cách nín nhịn và chiều chồng. Nếu không chỉ cần sểnh ra một tý là đám cave ở mấy quán Karaoke ngoài chợ làng quyến rũ, không bị đổ bệnh HIV như anh Tào, ông Nhị thì cũng tan nát gia đình.
Quả nhiên khi nghe đứa con lớn nói, cơn bực tức trong Đầm dịu đi, gã cầm tiền đi ra chợ tạt vào quán cháo lòng tiết canh của chị Mành, gã gọi một đĩa lòng lợn, một ngàn rượu, ngồi nhâm nhi, suy ngẫm sự đời. Gã thấy buồn đời quá, gã cùng tuổi, cùng học với Kiên thế mà phải sống ở quê nghèo với cô vợ vừa già vừa xấu. Còn Kiên đã lùn, lại còn đen cháy thế nhưng được sống trong giàu sang với cô vợ trắng trẻo, xinh xắn. Giá như hồi ấy gã quyết tâm theo đuổi con đường học hành; giá như gã đi thoát ly thì có lẽ bây giờ gã còn hơn cả Kiên!
Ngồi một mình mãi cũng chán, Đầm trả tiền, đi về nhà Thọ gù. Nhà Thọ gù ở cuối làng, Thọ gù sống một mình trong ngôi nhà tranh, vách đất, bố mẹ đều đã chết, có hai người chị gái thì đều lấy chồng xa. Năm hai lăm tuổi, Thọ gù cưới được cô vợ khá xinh nhưng sau khi biết đứa con trong bụng vợ không phải là con mình nên Thọ gù đuổi vợ ra khỏi nhà, từ đấy Thọ gù sống một mình. Thọ gù cũng chỉ có một sào ruộng, vì không có sức khoẻ nên đành cho người ta cấy thuê, mỗi vụ được trả năm mươi cân thóc. Dĩ nhiên với số thóc này, sống trong sáu tháng, ăn cháo cũng chẳng đủ nên Thọ gù kiếm ăn bằng cái nghề độc nhất vô nhị, ấy là nghề xu nịnh! Thời buổi này, chẳng cứ gì quan to, quan bé, kẻ sĩ, người giàu có mà ngay cả những kẻ bần cố nông thất học, nghèo khó cũng thích được khen, được nịnh thành ra Thọ gù sống an nhàn mà vẫn có kẻ vui vẻ cho ăn, cho uống, nhiều khi lại cơm gà, cá gỡ hẳn hoi! Nhưng cũng phải công nhận một điều là Thọ gù rất có năng khiếu trong việc nịnh người, rõ biết làThọ gù bốc thơm mình đấy nhưng không những không làm cho người ta ngượng mà còn làm cho người ta lâng lâng, sung sướng. Thì đấy ngay cả đến ông Mậy, Phó chủ tịch huyện trong một lần về thăm xã, vì ăn nhậu nhiều nên khuôn mặt của ông bèn bẹt như tảng thịt lợn nhưng khi nghe Thọ gù bảo:" Ông có khuôn mặt của quý tướng, chỉ kẻ sĩ mới nhận ra được", lập tức Thọ gù được ông Mậy vào thăm nhà và tặng quà như đối với một người có công với nước! Thậm chí Thọ gù còn được ông Mậy vỗ vai:" Cậu giống như Tể tướng Lưu gù đang chiếu trên phim!". Sau đợt ấy, những chức sắc ở xã xem ra cũng nể Thọ gù lắm!
Với Đầm thì Thọ gù là bạn chí cốt, không một cuộc rượu nào mà Đầm không mời Thọ gù và cũng không một lời mời nào mà Thọ gù từ chối. Vừa nhìn thấy Đầm bước vào, Thọ gù đã đánh tiếng:
- Thế nào, kẻ sĩ không chơi được với bọn nhà giàu trưởng giả nên phải chuồn vội phải không?
- Không, thằng ấy nó rất tử tế, chỉ có điều...Đầm cũng chẳng biết nói thế nào nữa nên đành lấp lửng. Thọ gù quay giọng:
- Thì bạn thân mà lại, nhưng ông là thảo dân quen sống thanh tao nơi thôn giã, như con đại bàng thích tung mình trong trời xanh, sao có thể chịu nhốt trong bốn bức tường nơi phố phường!
Được ví với đại bàng, tuy lòng dạ đang buồn chán nhưng Đầm thấy như được an ủi. Thọ gù tiếp tụ rót vào tai Đầm những lời có cánh, nghe êm ái đến nỗi trước khi ra về, trong túi còn mấy ngàn, Đầm rút nốt cho Thọ gù.
Cơm trưa xong, Đầm lại ra chiếc võng mắc bên bờ ao ngủ đến tận chiều.Tỉnh dậy, Đầm ủ rũ, phờ phạc như kẻ thất tình. Rồi Đầm mắc thứ bệnh quái lạ, ăn kém, ngủ kém, chỉ thở dài là nhiều. Người Đầm cứ héo hon, vàng vọt. Đi lên bệnh viện đa khoa tỉnh khám, bác sĩ bảo Đầm bị suy nhược tinh thần, phải uống thuốc an thần, thuốc ngủ nhưng cũng chẳng khỏi. Vợ Đầm sang mãi tận huyện bên cắt thuốc đông y của cụ lang Tỉnh có tiếng nhưng cũng chẳng ăn thua. Đầm chỉ còn húp được nước cháo, ngay cả đến tiếng thở dài như là biểu hiện của sự sống ở Đầm cũng chẳng ra hơi. Cái chết đang đến từng ngày với Đầm. Một người làng đi làm cửu vạn ở Hà Nội đến nhà mách vợ Đầm, ở chỗ anh trọ có ông thầy xem bói hay lắm, thử lên đấy xem và nhờ ông cúng bái cho. Vợ Đầm tất tả lên Hà Nội tìm đến nhà thầy, thầy phán mồ mả tổ tiên bị động, phải cúng lễ, chi phí hết ba triệu. Vợ Đầm thất kinh van nài nhà đến một trăm ngàn kiếm còn không ra, lấy đâu ra ba triệu? Thầy bảo thầy có thương tình lắm cũng phải mất hai triệu. Đang lúc hoang mang thì may sao vợ Đầm sực nhớ đến mảnh giấy ghi số điện thoại của Kiên liền gọi đến để vay tiền. Nhận được điện, Kiên đến ngay, nghe vợ Đầm kể lại việc Đầm bị bệnh đang nằm chờ chết, Kiên kinh ngạc :
- Sao bảo Đầm lên làm trưởng thôn rồi cơ mà?
- Trưởng thôn nào?- Đến lượt vợ Đầm ngạc nhiên.
- Thì chính Đầm bỏ về ngay để bầu trưởng thôn đó thôi?
Đến lúc này thì vợ Đầm đã hiểu, mếu máo nói với Kiên, đấy chẳng qua là Đầm sĩ diện thế thôi chứ người như Đầm suốt ngày chỉ tụ tập với đám người thích ăn không ngồi rồi, phét lác thì ai người ta bầu!
- Thế Đầm đổ bệnh lâu chưa?
- Từ ngày ở nhà anh về, suốt ngày thở dài kêu chán đời. Hễ em đi chợ thì không sao còn về nhà là phải nghe đay nghiến: Đời tôi khổ vì cô. Nếu ngày ấy cô đừng sang nhà tôi chăm mẹ tôi ốm thì tôi đã thoát ly, đã giàu có, vợ đẹp con khôn như thằng Kiên!
Vậy là đã rõ, Kiên kéo vợ Đầm ra ngoài xì xầm vào tai vợ Đầm không phải cúng bái gì nữa, hãy quay ngay về nhà, cứ thế, cứ thế. Kiên đưa vợ Đầm ra bến xe, dúi vào tay vợ Đầm mấy trăm ngàn rồi phóng xe ra chỗ bán quần áo cũ ở vỉa hè mua một bộ . Kiên về nhà dặn dò vợ. Ngay chiều ấy Kiên về quê Đầm trong bộ quần áo nhàu nát, tóc tai bơ phờ. Kiên đi vào nhà Đầm, đến bên giường Đầm, nước mắt ứa ra khi thấy thân hình Đầm chỉ còn da bọc xương.
- Đầm ơi! Đầm ơi!- Kiên lay gọi Đầm, mãi lâu sau mới thấy Đầm tỉnh lại. Kiên nắm chặt bàn tay gầy guộc của Đầm thổn thức:
- Đầm ơi, tao bị trắng tay rồi, thật ra ngôi biệt thự, xe ô tô là do tao tham ô mà có chứ không phải do công sức làm ra. Thanh tra đã phát hiện ra, tao phải bán hết đi để bồi thường, lại còn phải chạy vạy cả trăm triệu mới không bị vào tù. Bây giờ tao không còn một tất đất cắm dùi, giá tao cứ sống nghèo mà thanh bạch như mày thì hạnh phúc biết bao.Tao đang định về nhà mày tá túc một thời gian rồi đưa vợ con vào vùng kinh tế mới trong Nam, nào ngờ mày lại cũng ra nông nỗi này.
- Cái gì? Tham ô? Trắng tay?- Đầm thều thào. Kiên gật đầu. Thật kỳ lạ, như từ cõi chết trở về, Đầm từ từ ngồi dậy, chấm chấm những giọt nước mắt trên má Kiên, rồi xoa xoa vào tay Kiên như muốn an ủi Kiên đừng quá buồn đau mà sinh bệnh tật.
Vợ Đầm thấy chồng tự ngồi dậy được, lại còn cố sức an ủi Kiên thì mừng lắm, chạy vội xuống bếp múc ngay một bát cháo gà mang lên cho chồng. Đầm ra hiệu múc thêm bát nữa cho Kiên. Nhìn Kiên ăn ngấu nghiến, Đầm nghĩ chắc mấy hôm nay Kiên chưa có miếng gì vào bụng. Thật khổ cho Kiên quen ăn cao lương mỹ vị rồi, giờ ăn khổ sao chịu được!
- Mày cũng ăn đi chứ!- Kiên giục Đầm, Đầm cầm thìa xúc cháo ăn ngon lành như chưa từng ăn cháo gà bao giờ. Mồ hôi đùn ra trên mặt Đầm, Đầm thấy nhẹ nhõm cả người.
Sức khoẻ Đầm hồi phục rất nhanh, cứ như Đầm uống được thần dược. Còn Kiên thì lại ủ rũ như gà mắc bệnh cúm, chốc chốc Kiên lại thở dài than thở:
- Giá mà tao cứ sống bần hàn nhưng thanh bạch như mày thì hạnh phúc biết bao!
Khi ấy Đầm lại an ủi Kiên:
- Thôi đừng lo nghĩ nữa, ở quê đất cát mày đã nhượng lại hết cho họ hàng, nếu vào Nam sống không được thì cứ quay về đây, đất nhà tao còn rộng, dựng tạm cái nhà cho vợ con có chỗ chui ra chui vào.
Gần một tuần sống ở nhà Đầm, Đầm tuy còn gầy nhưng sức khoẻ đã hồi phục, Kiên xin phép Đầm về quê vợ để chuẩn bị đón vợ con vào Nam! Lúc tiễn Kiên ra ngõ, Đầm nắm chặt tay Kiên dặn dò:
- Chỗ bạn bè thân thiết đừng khách khí, nếu vào Nam sống không được cứ đưa vợ con về đây.
Kiên có vẻ xúc động lắm, miệng bảo luôn mấy câu:
- Cám ơn mày, chúng mình cùng cảnh nghèo, cùng cảnh nghèo.../.