Suối xa
Chúng tôi ngồi trước tivi trong câu lạc bộ khoa A1 chuẩn bị xem buổi truyền hình trực tiếp lễ khởi công xây dựng một nhà máy thuỷ điện lớn ở phía Nam.
- Nghe đọc truyện đêm khuya
Nghe NSƯT Việt Hùng đọc truyện: |
Đó là mẫu số chung của sự tụ tập; còn riêng mỗi người lại chú tâm về một hướng khác, chờ đợi kết quả xét nghiệm, với ai đấy có thể là một kết cục, biết đâu sẽ là bi thảm đang mai phục phía trước. Hơn ba chục người đàn ông, ít tuổi hơn như tôi và Yêng cũng đã quá ngũ tuần, đều trải qua chiến tranh. Bây giờ người sốt rét tái phát, người viêm gan viêm mật, tiểu đường, cao huyết áp, người tim mạch trục trặc...; có người mắc chứng bệnh tên nghe dài dằng dặc mà rất đỗi mơ hồ. Giời đất bây giờ đẻ ra lắm thứ bệnh.
Cùng nhấp nhổm chờ xem tivi bên cạnh tôi có hai người đàn ông- một già một trẻ, chả biết công dân nước nào, chỉ thấy đều to vật vã và mắt xanh mũi lõ.
Yêng nhập viện sau tôi hai ngày. Bệnh đường ruột mạn tính, hắn bảo thế, hễ nhâm nhẩm đau là uống thuốc, đôi ba ngày thấy im ắng thì thôi. Nhưng ba tuần vừa rồi bị hành liên tục, thuốc thang liên tục và túc tắc tăng liều, rồi thay thuốc nội bằng ngoại dược mà cơn phẫn nộ của bụng dạ không chịu lùi, vợ con hắn xót ruột bèn gọi xe áp tải xuống bệnh viện.
Tôi và Yêng vốn bạn đồng ngũ. Sau ngày đất nước thống nhất, nghe nói hắn được trở về nơi hắn xung phong đi làm Giải phóng quân, mài ghế giảng đường đại học cho trót năm cuối. Ra trường, đi làm, lấy vợ, sinh con...Trí nhớ tốt và cái tài đạp rừng cắt góc phương vị theo bản đồ hồi ở bộ đội xem ra đắc dụng cho nghề săn tìm khoáng sản ẩn náu dưới lòng đất, nghĩa là cũng “du canh du cư”, nay đây mai đó, lại vẫn ngủ rừng cơm niêu nước suối. Bấy lâu nay chúng tôi chỉ loáng thoáng biết tin nhau qua Hoạt và mấy người bạn. Cuộc sống hiện tại sôi sùng sục, bận tối mặt vì cơm áo và trăm ngàn mối quan hệ mới, chả nên nặng lòng lắm với quá khứ làm gì. Giờ gặp lại lính cũ với nhau chuyện loanh quanh những đâu, rốt cuộc vẫn hút về một hướng- chuyện chiến trường, mà toàn chuyện vặt vãnh, ngồi đối ẩm hoặc tản bộ trong khuôn viên bệnh viện hồi lâu mới lẩn mẩn nhớ ra.
Tôi và Yêng có một chuyến đi cùng. Hắn phụ trách tổ trinh sát ba người cùng chúng tôi, hai lính công binh hợp thành một tiểu đội làm nhiệm vụ xoi đường cho trung đoàn Thăng Long sẵn sàng lật cánh xuống phía Nam. Nhờ cái tài trinh sát của hắn mà hơn hai trăm cây số đường rừng cả đi và về chúng tôi luồn lách ngon lành qua hàng chục chốt địch, ổ phục kích có lần tưởng đi đứt vì tao ngộ chiến với bọn thám báo đông hơn gấp bội. Vậy mà êm re. Kết thúc mĩ mãn chuyến xoi đường, tôi khao cả tiểu đội hai lon gạo dự trữ đã dư một năm. Gạo mốc, cơm hẩm và mẩu mắm kem nhỏ bằng ngón tay cái nấu nhộn nhạo với môn thục ám khói vì củi ướt, vậy mà cả năm thằng vừa xì xụp gắp gắp nhai nhai vừa hể hả khen ngon. Nhắc lại bữa cơm đêm ấy bỗng chạnh lòng thương mấy bà vợ đảm đang giỏi nấu nướng, luôn luôn đổi mới, món xào món nấu xênh xang nhộn nhịp mà những đức ông chồng phàm ăn dễ tính ngày nào đã rất hay chống đũa.
Hai tháng sau bữa tiệc môn thục ấy, trung đội của Yêng bị vây khốn suốt ba ngày, chết vãn, còn bảy mống đều không lành lặn. Nhận lệnh dẫn hai chục tay súng đi giải vây, tôi chọn quá nửa là súng chống tăng và bảo anh em túi áo, thắt lưng phải đầy nhóc lựu đạn. Chúng tôi luồn rừng vòng ra thật xa, ém sát phía sau đội hình cái lũ đang đắc thắng rồi bất ngờ đồng loạt khai hoả và một trận mưa thủ pháo. Cùng lúc hai chiếc xe tăng M41, một thằng thiết giáp bỗng chốc biến thành ba đống lửa lớn và toi mạng dư hai chục lính, đại đội hỗn hợp địch vỡ trận, chạy tá hoả.
Đấy, những chuyện vặt vãnh như thế ở chiến trường nhiều vô kể, bỗng dưng nhớ sao được.
Sau trận phá vây nọ, Yêng mất hút, hỏi mới biết hắn được cử đi tập huấn dài ngày ngoài hậu cứ gần đường dây 559.
Cuối năm tôi bị sốt rét quần đi quật lại đẫy ba tháng, may mà thoát nhưng người quắt đi, da sạm lại, là da trâu chết ngã nước chứ đâu phải da người.
Ra khỏi bệnh xá trung đoàn tôi được gọi lên sở chỉ huy và gặp Trần Tiến Hoạt, trung đội trưởng DKZ, cũng vừa thoát chết vì bom napan; hắn có vẻ chờ tôi trong lán chủ nhiệm chính trị trung đoàn. Thì ra tôi và hắn được cử đến trường quân chính mặt trận. Đều từ lính binh nhì ấm ớ mà ngoi lên đến trung đội trưởng, đi học là phải, học để mà làm quan và nhân thể đắp điếm thêm mấy kí lô thịt vào thân, vì dẫu sao trường quân chính đóng gần đường dây chiến lược, đỡ khốn khổ hơn.
Rời sở chỉ huy trung đoàn được một chặng, chúng tôi ớ người vì một nhiệm vụ bổ sung: Dẫn giải một tù binh Mỹ ra tuyến sau, hắn tên Jon Smit hay Tom Kery gì đấy. Anh trưởng tiểu ban địch vận trung đoàn bảo, bằng bất cứ giá nào các cậu cũng phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho nó, chính sách tù hàng binh các cậu biết rồi đấy, lơ mơ thì chết.
Khốn khổ khốn nạn thêm rồi đây, tôi và Hoạt làu bàu văng tục với gã mắt xanh mũi lõ. Hồi học phổ thông tôi xơi món Trung văn, Hoạt bảo hắn học tiếng Nga. Còn thằng giời đánh kia, tất nhiên không hề biết tiếng Việt.
Dù sao thì chúng tôi cũng vẫn phải đi. Trên đường đến trường, tôi gặp Yêng lần nữa, cho tới bây giờ.
*
Sáng nay một sêry bác sĩ sẽ thực hiện cuộc tổng kiểm tra lục phủ ngũ tạng của Yêng. Không được ăn sáng vì y lệnh và tối qua chuyện gẫu đến mười một giờ đêm, tiếp đó lại chúi mũi vào tivi hớn hở xem cuộc tỉ thí giữa Man xanh với Man đỏ trong khuôn khổ giải bóng ngoại hạng Anh, thế mà sáng nay hắn vẫn dậy sớm hơn tôi, vươn vai chạy nhẩy thậm thịch ngoài sân, miệng hô “một, hai...” tròn vành rõ tiếng, và cực chuẩn.
Vâm váp chắc lẳn như thế, da dẻ màu đồng hun như thế, cười nói giòn dã rổn rảng như thế, cả thanh và sắc đều ở cỡ tốp ten, viêm đường ruột tí ti, chắc hắn chẳng hề gì.
Chẳng hề chi, chắc thế, tôi nghĩ và hắn cũng chắc mẩm như thế. Thì kia, hắn vừa ra khỏi phòng X quang mỉm cười phẩy tay ra hiệu bảo tôi hắn còn đi tiếp; tất nhiên rồi, còn những năm phòng và năm ông bác sĩ chuyên khoa nữa kia mà.
Tôi bắt đầu chú ý hơn vào màn hình tivi. Lễ khởi công xây dựng nhà máy thuỷ điện nọ được phát sóng đan xen mấy phóng sự ngắn. Một trong những phóng sự như thế tôi nhận ra ngọn núi Ngọc ĐiBlốc cao ngất quanh năm mù xám những mây; dòng sông Đắc Linh trong vắt khi mùa khô, đỏ rực vào mùa mưa; thác Ya Rinh như một bình sâm banh khổng lồ vừa bật nút tung bọt đổ ngang trời, hầu như từ mọi góc nhìn bao giờ nó cũng làm ta sướng mắt bởi bảy sắc cầu vồng. Cảnh tư liệu quay ngay sau ngày hoà bình nên không khác mấy thời chiến tranh. Ôi chiến tranh, cái thời chúng tôi thuộc lòng bao nhiêu thứ: Sông suối núi đồi, hướng các trận địa pháo giặc cùng hàng trăm loài hoa lá cỏ cây củ quả..., có thể nhồi nhét vào bụng. Để không chết đói, không gục ngã. Để trở về...; thuộc hơn mấy xóm ngõ ao chuôm vườn tược làng mình.
Từ thác Ya Rinh ngược lên chừng hơn cây số tới chân núi Ngọc ĐiBlốc có một dòng suối rất đẹp; nó khởi nguồn từ phía tây len qua dẫy núi cao lượn xuống đổ vào dòng Đăk Linh. Dòng suối đó không có trong đoạn phim tư liệu trên nhưng thức dậy trong tôi một vùng kí ức, về một quãng đời đã trở nên xa xăm.
Tôi gặp Yêng lần cuối trên đỉnh Ngọc ĐiBlốc. Yêng trở về đơn vị một mình; còn chúng tôi ba người- tôi, Hoạt gã trung đội trưởng DKZ chân tay mặt mũi loang lổ sần sùi vì di ấn lửa napan và thằng tù mắt xanh mũi lõ nọ. Mặc dù trong hồ sơ hình như người ta ghi nó là Jon Smit hay Tom Kery, tôi và Hoạt thống nhất gọi nó là Jon cho gọn.
Đội hình hàng một, tôi và Hoạt, hai đứa thay nhau đi trước hoặc sau, còn thằng Jon luôn ở giữa, cứ bám theo đường dây Cánh Bắc tìm về trường. Nó, thằng Jon ấy, giặc lái máy bay, chuyên gia dội bom, bắn rốc- két, rải thảm hoá chất độc khai quang hay lính thám báo, hoặc cũng như chúng tôi, lính trực trận, anh trưởng tiểu ban địch vận trung đoàn không cho biết. Gì thì gì, nó là lính Mỹ, là kẻ thù, đương nhiên phải dè chừng mọi bất trắc, tôi bắt nó tháo giày, bịt mắt bằng dải băng mỏng, nghĩa là nó vẫn lờ mờ nhìn thấy đường mà bước, nhưng không thể chạy và dù có thoát khỏi tay chúng tôi cũng cóc biết đường nào mà lần và sẽ đói rã họng. Gạo lương khô mắm muối hăng gô dao găm bật lửa..., tất tật những thứ dùng để “ca cóng” nấu nướng và đôi giày của nó đều trên vai hai chúng tôi.
Đã sang mùa khô, leo núi mấy ngày liền, tất cả đã mệt nhoài. Thằng Jon thở hồng hộc, dù nó cao đến mét tám, nặng chừng chín chục kí, chỉ đeo một cái bòng nhỏ. Lắm lúc nó ỳ ra, ngồi bệt xuống đất, mắt rân rấn nước. Hôm giao nó cho chúng tôi, anh cán bộ địch vận bảo, thằng này là dân trốn quân dịch mà không thoát, yêu văn chương, mê nhất Hêminwây. Anh địch vận cả tin hay thằng Jon khai bậy lấy lòng. Mê “Ông già biển cả” gì nó, có mà sùng bái Jon Stenbeck thì có, cái thời lão nhà văn lừng danh này hùng hổ cùng lính và bom sang miền Nam và những bài báo sặc mùi hằn học kích động. Tôi làu bàu bảo Hoạt như thế nhưng hắn phớt lờ, cho thằng Jon được đi giày ở những đoạn đường lổn nhổn những đá là đá.
Khát kinh khủng. Chẳng bi đông nào còn nổi một giọt nước, mặc dù không đứa nào dại dột hễ cứ khan khát là uống. Sáng dậy đi được một chặng đường dài gần hai giờ liền mới nhấp giọng mà bây giờ đã hết sạch. Kinh nghiệm nhỏ này tôi đã bảo Jon, tất nhiên bằng thứ ngôn ngữ của tay chân mặt mũi vì hôm đầu xuất phát đi chưa kịp đổ mồ hôi nó đã nốc gần cạn bình nước.
Chặng đường buổi sáng toàn dốc, hết lên lại xuống. Rừng nguyên sinh đã chết từ lâu – vì lửa napan, vì bom đạn, vì hoá chất độc khai quang..., bao nhiêu cây cổ thụ cao lớn vòi vọi đã rụng trụi lá tróc vỏ trơ tấm thân tàn chết đứng giữa trời. Lác đác xung quanh đang thoi thóp mọc lên mấy vạt rừng lúp xúp chen lẫn cỏ tranh. Đất trơ những sỏi, đá và bụi. Không bói đâu ra một hốc đá, một vũng nước, một thứ dây rừng khả dĩ cho mấy giọt nước giải khát. Hoạt nhắc lại chuyện rừng mơ phía trước làm tứa nước miếng đoàn quân đã tả tơi vì bại trận, lử lả vì đói khát trong một dã sử Tầu. Tôi bảo chuyện đó đích thị chuyện bịa, cái mẹo vặt nọ chỉ lừa cổ họng được một lần, giúp người cả tin lê lết đi được một quãng ngắn mà thôi.
Bỗng nhiên trời vỡ oà trên đầu rồi chớp giật liên hồi kì trận dưới lòng thung. B52 chơi bom toạ độ rồi, tôi chưa kịp ra hiệu, cóc việc gì đâu, thằng Jon đã lao vào một gốc cây lớn. Đồ chết dấp, tất nhiên chả dính một mảnh gang nào, vì bom nổ cách chỗ chúng tôi phải hai ba trăm mét. Hốt hoảng lao đi tránh vai thằng Jon bị gốc cây táng cho một vố, lại nữa một nhánh cây nhiệt đới- loại thám báo bằng thiết bị điện tử chính hiệu USA đã vô tác dụng từ lâu, xỉa vào mạng sườn. May, thằng Hoạt khéo tay vô trùng, băng bó cho Jon rất nhanh. Tôi cũng mủi lòng đồng ý cho Jon được đi giày, nới lỏng hơn dây trói, và tạm thời cởi băng bịt mắt. Lần này Jon không khóc, đôi mắt xanh của nó chan chứa sự kinh hoàng, chen lẫn ngơ ngác. Vẫn bằng ngôn ngữ của tay chân điệu bộ, tôi chỉ vào gương mặt nham nhở đỏ tấy của Hoạt, vào cây nhiệt đới, vào những cánh rừng chết ngổn ngang xung quanh, vào đám lửa khói vẫn ngùn ngụt bốc lên dưới lòng thung, rằng tội của những thằng Jon chúng mày đấy. Nó hiểu, có lẽ thế, nó gật gù rồi đột nhiên mở miệng nói một tràng. Ôi cái vốn Trung văn nửa mùa của tôi và một bồ tiếng Nga của thằng Hoạt..., Nhưng nếu căn cứ vào ngữ điệu, vẻ mặt cau có và cái cách thằng Jon nói, cầm chắc nó bực bội xen lẫn ân hận.
Ân hận, bực bội, kính phục đồng thời từng có trong nó thì rõ rồi. Mấy đêm trước chút xíu nữa nó toi mạng. Chập choạng tối, chúng tôi chọn một khu rừng mới lác đác bị bom đạn, nấu ăn và ngủ lại. Việc mắc tăng võng thằng Jon vô cùng lóng ngóng, chứng tỏ nó không phải lính trận, cũng chả là thám báo biệt kích gì, nó chắc hẳn lính văn phòng, lính cậu hoặc chuyên gia ấn nút bom. Nấu nướng- chúng tôi, mắc tăng võng hầu nó cũng chúng tôi. Đành vậy chứ biết sao, chỉ thỉnh thoảng văng tục mắng nó vài câu cho bõ tức.
Đánh sạch một hăng gô cơm đầy, một phần lớn gói ruốc thịt tiêu chuẩn ưu tiên cho tù binh, Jon lên võng ngay và ngủ tức thì. Đã sang mùa khô, trời bỗng nhiên chuyển dạ ấm ách sấm và nhí nhách mưa, không khí dịu hẳn lại, giấc ngủ càng sâu nồng. Nó, thằng Jon ấy, ngáy vang như đàn trực thăng lượn lờ chuẩn bị đổ quân, làm sao biết một con rắn xanh, cũng một sản phẩm đặc hiệu Hoa Kỳ thả xuống chiến trường hòng tìm diệt Vici, đã cuộn mình trên mái tăng. Đúng lúc kẻ sát nhân khét tiếng rừng đại ngàn trườn xuống chuẩn bị phóng vào vòm ngực to bự đầy lông lá của Jon thì Hoạt tới. Rất may cho Jon, Hoạt vốn dĩ cực kì dị ứng với tiếng ngáy, lại nữa hắn nghiện ghi nhật kí và tập tọng làm thơ, nên chưa ngủ. Căn cốt trực giác nghệ sĩ mách bảo hay vì trách nhiệm tổ trưởng cần phải kiểm tra mà hắn ta tới chỗ Jon. Rất nhanh và cực kì chuẩn xác, vị tiến sĩ khoa học lịch sử quân sự tương lai túm chặt được tên đánh lén quay tít mù rồi quật nát nhừ trên đá.
Giờ thằng Jon cắm cúi bước, vết sưng tấy bầm tím ở vai và vết thương dài ở bắp tay phải khiến nó sầu não ủ dột hẳn. Dốc vẫn dốc thăm thẳm, mồ hôi túa ra nhễ nhại gặp gió khô và nóng hầm hập trộn cùng bụi táp vô luồn vào mọi ngõ ngách, đã khát khô cổ lại thêm ngứa ngáy cùng mình. Đành phải cố thôi. Mọi con đường đều chẳng dễ dàng và nhất là chúng đều không tự ngắn lại.
Rồi đỉnh dốc cuối cùng cũng hiện ra, là đỉnh Ngọ ĐiBlốc đây, sáng ngỡ ngàng trước mặt. Một phiến đá lớn trên đỉnh dốc, và trên đó một anh chàng Giải phóng quân, quần áo Tô Châu còn khá mới và sạch, mũ tai bèo che mặt, hình như anh ta đang ngủ.
Tôi hăm hở dấn bước. Thoắt cái, anh chàng tức thì trỗi dậy, né vào sau gốc cây, mũ tai bèo hất sau lưng, khẩu AK kẹp sườn, mũi súng thoạt đầu nhắm vô ngực tôi, rồi rê về sườn dốc, vào thằng Jon.
Tôi đứng sững rồi “a” lên:
- Yêng! Thì ra mày!
Yêng nhìn tôi. Đôi mắt và trí nhớ của tay trung đội trưởng trinh sát nổi danh Trung đoàn Thăng Long hướng vào tôi, lướt rất nhanh từ dưới lên, dừng lại nhiều giây vào khuôn mặt hốc hác và trên nữa, mái đầu lơ phơ mấy sợi tóc thảm hại của tôi.
- Nguyên! Thì ra...mày!- Yêng hạ súng bước tới, cười vang.
- Ừ, tao!
- Vậy mà cả lớp tập huấn đồn ầm lên...
- Toi rồi chứ gì!
- Ừ!
- Tao và Hoạt, cái thằng dùng DKZ nổi lửa chi viện cho trung đội mày hồi đánh Đăkpet ấy. Còn thằng Mẽo kia, tôi trỏ vào Jon, hai đứa tao phải hầu nó ra tới tận trường.
Bi đông nước của Yêng được chuyền tay nhau khắp lượt. Khát bỏng họng từ lâu, khỏi phải dài dòng về sự sung sướng của chúng tôi với những giọt nước lúc bấy giờ. Riêng với thằng Jon, có thể gọi đó là hạnh phúc, nhìn cái cách nó trịnh trọng nâng bi đông lên, nghiêng từng chút vào chiếc ca sắt, khuôn mặt âm u đặc trưng của bọn tù binh sáng lên thì biết!
Trong khi chúng tôi ngả nghiêng trên phiến đá hoặc dựa vào ba lô cho lại sức, thỉnh thoảng chiêu một hớp nước, Yêng lụi hụi thay băng vết thương nhỏ ở bắp chân đã gần khô miệng. Hắn bị thương trong trận đánh vừa rồi. Lữ đoàn kỵ binh không vận Mỹ nhảy cóc bằng trực thăng định đánh úp khu kho lương thực của mặt trận. Cả lớp tập huấn của Yêng toàn cán bộ cấp trung đội trở lên nghĩa là trăm phần biết choảng nhau có cỡ và một trung đoàn của đường dây 559 vây chặt, quật cho tơi tả. Nhà thơ của đại đội DKZ phỏng theo câu chuyện của Yêng dựng lại trận đọ súng, vẫn bằng kiểu khoa chân múa tay và vạch vạch xoá xoá những mũi tên trên đất cho thằng Jon. Nó chăm chú nghe, thỉnh thoảng gật gù ô kê ô cà ý chừng hiểu biết. Hết chuyện, đột nhiên Hoạt xuống tấn vung tay nhằm trúng huyệt chấn thuỷ của thằng Jon xoáy một cú như chớp, khiến nó bật ngửa dúi dụi vào gốc cây.
- Bọn Mẽo nhà mày liệu hồn!
Dĩ nhiên tiếng quát vang đanh của Hoạt thằng Jon chả biết môt tê gì, nhưng cú đấm dứ cực hiểm vừa chạm vào ngực áo thì đột ngột dừng lại, thì nó hiểu. Lồm cồm bò dậy nó bật cười ngô nghê.
Đã ngả sang chiều. Đến lúc phải chia tay, chúng tôi nhấp thêm chút nước nữa rồi trả bi đông cho Yêng. Cứ chiến đấu nữa đi, hắn bảo hắn còn nguyên một con rùa (một loại túi lính Mỹ chuyên đựng nước), còn đầy trong ba lô.
Hắn biết chặng đường chúng tôi vừa đi qua, tức chặng đường về trung đoàn của hắn sắp tới, sẽ khốn khổ khốn nạn vì nước.
Rời đỉnh Ngọc ĐiBlốc được mấy bước, Yêng “ới” tôi quay lại bảo:
- Cắt rừng mà đi cho nhanh. Hướng này, này...Độ nửa tiếng thì có suối. Một dòng suối cực đẹp đấy. Tao đã tắm táp giặt giũ đã đời.
Tắm, giặt..., biết rồi, quần áo đầu tóc lính trận mà sạch sẽ thế kia... Tôi nhìn cái túi vải bạt lính Mỹ chuyên đựng mìn clâymo, Yêng khoác chéo trước bụng. Tôi biết bao giờ trong cái túi chiến lợi phẩm đó của hắn cũng thường trực một tấm bản đồ, chí ít là mảnh lược đồ và một chiếc la bàn.
Tôi bảo:
- Bọn tao không thạo món cắt góc phương vị đi rừng như mày. Lạc thì chết. Với lại còn thằng Jon nữa...
- Thôi thì đành vậy. Đi theo đường giao liên lâu lắm.- Yêng nói và mủm mỉm cười. Chỉ mỉm cười thôi mà mặt mũi hắn đã sáng lên. Mẹ tôi có lần bảo những người như vậy thì tốt bụng, giời thường cho trường thọ.
Chúng tôi rời đỉnh Ngọc ĐiBlốc bằng đường mòn. Để tránh vách núi quá dốc, đường giao liên phải men theo bình độ, dích dắc trườn đi. Xuống dốc, rừng thoáng đãng hẳn vì cây cối chết đứng chết nằm ngổn ngang. Rõ ràng một trận huỷ diệt bằng B52 vừa dội xuống đây tuần trước.
Đã nghe xa xăm tiếng suối và hây hẩy gió, quá mệt và đói chúng tôi nhúc nhắc từng bước.
Thình lình giật lên một giàn tiểu liên cực nhanh. Rồi nhoáng nhoàng nổ đùng đùng mấy trái lựu đạn. Một tiếng la thất kinh rồi lịm dần thành những tiếng rên nho nhỏ. Sau đó mươi phút, tôi biết thằng Jon bị ăn đạn, một viên vào bắp tay phải. Núp sau những thân cây đổ chúng tôi nằm im. Năm bảy phút trôi qua. Rồi từ mấy tảng đá mấp mô chen lẫn cây cối tạp nham bên phải đường mòn, một, hai...và cuối cùng năm bóng áo rằn ri thận trọng nhô ra, lom khom dò dẫm bước, súng AR15 lăm lăm. Thêm hai trái lựu đạn nữa bay ra nổ đinh tai. Phía sau tôi, thằng Jon và Hoạt sau mấy cú giẫy đành đạch đã nín thít. Tôi điếng người lo thắt ruột, sau đó mới hay đó là cái mẹo của thằng Hoạt. Năm tên thám báo phởn chí ngỡ đối phương đi chầu giời hết; và dù không một chút ngu ngơ nào chúng cũng phải lần lượt trườn qua những xác cây đổ. Cần phải đếm xác Vici và thu súng ống lập công chứ. Mười mét, quá gần cho hai khẩu AK của tôi và Hoạt. Nhưng chỉ có ba thằng chết. Tôi vừa ốm dậy, tay và mắt chưa kịp hoàn nguyên độ chuẩn xác của một chiến binh thực thụ. Hai thằng thoát chết thoắt cái biến mất vào rừng. Dù biết chẳng mấy ăn thua, tôi cũng nghiêng súng lia theo thêm mấy điểm xạ, rồi trườn ra một quãng nghe ngóng, cảnh giới để Hoạt băng vết thương cho thằng Jon.
Hì hục chôn xong ba thằng biệt kích, đi tiếp, chừng hơn một tiếng sau mới gặp suối, hớn hở rời bỏ đường mòn, chúng tôi rẽ ngang tụt xuống mấy bước, ngả lưng vào ba lô ngắm suối.
Quả nhiên dòng suối rất đẹp. Nước trong vắt soi rõ một dòng cuội trắng xôn xao chảy. Từ hai sườn núi thỉnh thoảng trổ xuống một vạt cúc quì, giữa mùa khô đang độ mãn khai điệp với nắng chiều vàng rực. Không một tiếng bom, không một tiếng súng. Chỉ có tiếng nước chảy và gió lao xao cây lá.
Thằng Jon xăm xăm định lội xuống suối nhưng Hoạt đã ngăn lại. Phải, ngồi hóng gió cho ráo mồ hôi đã chứ.
Yêng, gã trung đội trưởng thính tai tinh mắt cắt góc đạp rừng bậc nhất Trung đoàn Thăng Long lừng danh đã múc nước chiêu đãi chúng tôi, đã giặt giũ tắm táp ở đoạn nào trên dòng suối này?
Quá đói và cực bẩn, chúng tôi sẽ làm như hắn, sẽ tắm giặt, nấu ăn và có thể ngủ qua đêm ở đây.
*
Bỏ dở chương trình truyền hình trực tiếp khá bắt mắt, tôi phải đi làm thuốc, xong việc ghé vào phòng bác sĩ trưởng khoa, tôi đã vào A1 điều trị vài lần nên quen, có thể nói là đã thân thân với ông; hồi trẻ ông ở Mặt trận miền Đông, là y sĩ.
- Cậu gì nhỉ..., ông cúi xuống tập hồ sơ bệnh án, Yêng...Hoàng Ngọc Yêng, bạn cậu à?
- Chúng tôi cùng trung đoàn hồi ở Tây Nguyên. Quen biết thôi, bây giờ mới gặp lại...
Tôi định nói thêm rằng thời gian quả thực là thứ củi lửa tốt làm đượm cái tình chưa thân cũng không sơ giữa hai chúng tôi bấy lâu, nhưng bác sỹ trưởng khoa đã cúi xuống bàn, lật đi lật lại tập hồ sơ bệnh án rồi ngẩng lên:
- Tim mạch của cậu có vấn đề, nhỏ thôi, đừng ngại. Nhưng nhân thể vào đây cần xem xét lại tất cả. Một cuộc tổng kiểm tra ấy mà.
Tôi vâng. Đang nghỉ chờ hưu chả thiếu chi thì giờ, tôi nghĩ và đột nhiên lờ mờ cảm thấy trong lời khuyên của bác sỹ trưởng khoa với tôi và tập hồ sơ trên bàn ông có điều gì đó liên quan đến anh bạn đồng ngũ của tôi.
Tôi dè dặt ướm lời:
- Yêng thế nào, bác sĩ, tôi muốn nói là kết quả các xét nghiệm sáng nay...
Gương mặt phúc hậu điềm tĩnh của bác sỹ dường như có chút xao động:
- Chúng tôi chưa dám chắc điều gì. Có lẽ... có lẽ cần phải làm lại một vài xét nghiệm chuyên sâu.
- Nhưng cậu ta chỉ bị đường ruột thôi mà...
- Đường ruột, ừ thì đường ruột, không sao. Nhưng chúng ta đều lính chiến trường. Hồi trẻ trai sung sức ngủ bờ ngủ bụi, bạ gì ăn nấy uống nấy... Như lão Jon này này...- bác sỹ trưởng khoa gõ gõ ngón tay vào một tập hồ sơ- lão dẫn con trai sang bảo là đi thăm lại chiến trường xưa. Chưa đi hết những nơi định đến, tuần trước bỗng thấy chán ăn kém ngủ liền vào đây. Tôi khuyên lão hãy dùng vé khứ hồi càng sớm càng tốt.
Jon nào nhỉ, tôi nhớ rồi, tôi vừa gặp lão trên hành lang vào đây và sáng nay cha con lão ngồi bên tôi cùng chờ xem tivi.
Đã đến lúc phải đứng lên hoặc chí ít phải chuyển hướng câu chuyện. Người điềm đạm và thận trọng như ông lại là bác sỹ trưởng khoa sẽ không nói hết những gì mình biết, khi chưa đúng lúc. Ông vừa rồi thậm chí đã nói hơi nhiều. Và ông sơ suất khi chìa tay ra tiễn khách, tôi đứng dậy với tay qua bàn đáp lễ, tôi đã nhìn thấy trong tập hồ sơ bệnh án của Yêng, phía trên chữ kí nền nã khoáng đạt của bác sỹ trưởng khoa, ở đúng cái dòng kết luận về bệnh tật một chữ kinh hoàng.
Thập thõm chông chênh bước trên hành lang phẳng phiu sạch sẽ đến gai người, tôi điểm qua bao nhiêu vùng đất tôi đã sống, đã đi qua hồi ở chiến trường. Cuối cùng hồn vía tôi dừng lại ở dòng suối nọ.
Chiều tối hôm đó chúng tôi đã chạy trốn nó. Chẳng nên dừng lại gần nơi vừa đụng độ toán biệt kích và để xổng mất hai tên chỉ là cái lẽ cỏn con, chúng tôi thiếu gì mẹo mực ở rừng. Khi quyết định sẽ nấu ăn tắm giặt và có thể sẽ ngủ quanh quất đâu đây bên dòng suối nọ, tôi khoác súng xăm xoi tìm tìm chỗ hạ trại, Hoạt vừa canh chừng thằng Jon vừa chuẩn bị củi lửa. Tôi trở lại đường giao liên. Tôi đã nhìn thấy dòng chữ kinh khủng ấy trên một thân cây lớn; chữ có lẽ được biết bằng mực Tầu chính hiệu, to và rất rõ ràng, bên dưới là một dòng tiếng Anh đồng nghĩa. Bên kia suối sát đường giao liên theo chiều ngược lại cũng có hai dòng chữ như vậy. Sự nguy hiểm của dòng suối ghê gớm đến mức anh em giao liên, những người xoi nên đường dây này phải ngả một cây gỗ cực to và rất dài làm cầu, có lan can hai bên thực vững chãi; chiếc cầu bắc rất cao, bằng vào kinh nghiệm ở rừng không đến nỗi tồi của tôi, dù mùa mưa lũ đến đâu còn lâu nước mới tràn qua được mặt cầu. Đang mùa khô như bây giờ mặt nước rộng chừng năm bảy thước, chỉ cần sải chân bước trên mấy tảng đá là qua lại suối dễ dàng.
Như vậy đấy. Nghĩa là đừng ai dại dột mà dính dáng dù chỉ tí ti đến dòng suối đẹp mã này.
Hai hăng gô cơm thằng Hoạt nấu dở đành phải quẳng tất xuống suối.
Đọc được lời ảnh báo trên cây, thằng Jon nhún vai lè lưỡi, run run từng bước qua cầu.
*
Buổi truyền hình trực tiếp lễ khởi công xây dựng nhà máy nọ đã kết thúc, để tạo nên khúc vĩ thanh xứng tầm, nhà đài phát tiếp chương trình văn nghệ đặc biệt về Tây Nguyên. Những bệnh nhân làm thuốc xong đã tụ tập trở lại xem. Tôi thì không, tôi đâu còn bụng dạ nào nữa.
Tôi phải đi tìm Yêng dù chưa biết gặp được hắn tôi sẽ nói gì. Hắn đã lặn ngụp, uống nước thoả thuê, thậm chí đã rửa vết thương ở dòng suối nọ. Chắc chắn là thế, bởi Yêng cắt rừng đi tắt nên không thể nhận được dòng chữ kinh hoàng kia.
Tôi và Hoạt và cái tay Jon Smít nọ đã chia nhau xơi trọn một bi đông nước lấy từ dòng suối ấy có bị ăn đòn như Yêng không?
Cha con lão Jon, không phải thằng Jon hay thằng Tom gì đấy ngày xưa, vì lão Jon tôi gặp sáng nay cao lớn hơn và bắp tay phải không hề có vết sẹo nào, đã rời khỏi bệnh viện. Chuyên viên địa chất cao cấp, cựu binh trinh sát giỏi giang một thời Hoàng Ngọc Yêng cũng biến đi đâu.
Tôi bấm máy gọi về nhà Trần Tiến Hoạt. Đầu dây bên kia là vợ hắn. Hắn ta vừa dự một cuộc hội thảo ở nước ngoài mới về ba hôm trước và đang ngây ngấy sốt. Tôi ngắc ngứ mãi mới nói được vài câu thăm hỏi thông thường với vợ bạn.
- Anh Nguyên... Xin lỗi, anh sao thế? Anh nói chuyện với nhà em nhé?
- Thôi...Để khi khác...
Tôi đáp cộc lốc rồi cúp máy. Đã nên nói với cậu chưa hả Hoạt? Ông tiến sỹ khoa học chuyên nghiên cứu lịch sử chiến tranh và quân đội còn nhớ dòng chữ bên suối dưới chân núi Ngọc ĐiBlốc ba mươi mấy năm trước không. Chúng ta một thời vô tư vô tâm lắm cậu ạ. Dòng chữ ấy hôm nay ngẫu nhiên tớ mới nhớ ra, nó được viết bằng hai thứ tiếng, tiếng Việt ta và thứ tiếng nơi cậu vừa từ đó trở về./.