Thổi hồn giá trị đương đại vào kho báu ca dao tục ngữ
VOV.VN - Với nỗ lực của những người tâm huyết, cộng với sức sáng tạo của giới trẻ ngày nay, ca dao đã khoác lên mình những giá trị mới để như mạch nguồn, nhựa sống nuôi dưỡng tâm hồn các thế hệ.
Tục ngữ ca dao là những di sản văn hóa quý báu, là sự kết tinh, là tri thức trí tuệ dân gian, được đúc kết từ đời này sang đời khác. Ca dao Việt Nam chứa đựng ý nghĩa nhân văn sâu sắc như những hạt ngọc lấp lánh trong kho báu dân gian. Tuy nhiên, có một định kiến rằng dường như những gì thuộc về vốn cổ truyền thống là không hiện đại và cũng vì thế, ca dao có vẻ không phù hợp với đời sống hội nhập quốc tế hiện đại ngày nay.
Vậy làm gì để ca dao tục ngữ tiếp tục tỏa sáng trong đời sống đương đại? Làm thế nào để sáng tạo mang thêm những giá trị thời đại trong ca dao tục ngữ mà không mất đi những giá trị văn hóa hồn cốt?
Giới trẻ có thờ ơ với ca dao?
Kết quả một cuộc khảo sát nho nhỏ của VOV2 thực hiện đối với lứa tuổi học sinh, sinh viên rằng có thích ca dao không? Câu trả lời nhận được khiến chúng ta phải suy nghĩ:
“Ngày trước cũng được học, nhưng mà giờ thì chẳng nhớ được câu nào cả. Thực sự em không thích ca dao, nó cứ cổ cổ thế nào ấy”.
“Em không thuộc câu ca dao nào cả, thuộc ca dao chỉ có người già thôi, chứ trẻ như bọn em mà thuộc ca dao có mà... người âm lịch”.
“Em thì cũng thích ca dao chút chút, nhưng mà thực sự là chỉ để làm văn thôi, chứ còn ứng dụng trong cuộc sống thì em cũng không biết thế nào. Với cả để mà người trẻ đọc ca dao nó cứ ngường ngượng thế nào ấy”.
Tuy nhiên, theo đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, người sáng lập dự án “In ca dao We trust” chúng ta không nên thấy đó là điều bi quan, bởi thực tế các bạn trẻ đã dự phần rất nhiều vào các công cuộc sáng tạo nói chung và mang thêm những giá trị mới cho ca dao nói riêng. Ví dụ gần đây đã có trào lưu “chế ca dao” hay đưa ca dao vào trong các tác phẩm nghệ thuật như Rap đã tạo những hiệu ứng tích cực.
“Đúng là trước khi tôi làm các chương trình, dự án có liên quan đến vốn cổ, trong đó có ca dao thì tôi cũng có suy nghĩ khá là giống với các bạn trong phần khảo sát của VOV2. Tôi cũng định kiến và có sự nghi ngờ như vậy, bởi vì tôi nhận ra rằng là tôi cũng không còn dùng ca dao tục ngữ trong đời sống hàng ngày nữa. Thế nhưng, khi thực sự làm việc cùng với các bạn trẻ thì tôi đã có suy nghĩ rất khác. Chính họ đã truyền cảm hứng cho tôi khi mà họ thực hành dựa trên vốn văn hóa cổ. Những bài Rap bùng nổ và tôi thấy thanh niên Rap hàng ngày những câu như thế ở ven đường, ở quán nước, quán cà phê... Và tôi thấy cách mà các bạn sử dụng ca dao tục ngữ trong đời sống nó đã có một sự cuốn hút hơn rất nhiều” – Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp đầy lạc quan.
Có nên làm mới ca dao?
Thế nhưng, liệu ca dao có lạc hậu và có nhất thiết phải làm mới trong đời sống đương đại hay không? Đó là một câu hỏi còn khá nhiều quan điểm khác nhau của giới chuyên môn.
Nhà văn, nhà báo Phong Điệp cho rằng: “Chúng ta đều biết ca dao là tài sản dân gian mà cha ông ta để lại, truyền miệng từ đời này qua đời khác. Kho tàng ấy nếu không có sự bổ sung, làm mới thì sẽ dần mai một. Chúng ta hoàn toàn có thể sáng tạo ca dao trong đời sống hiện đại. Tuy nhiên, việc sáng tạo không thể tùy tiện mà đòi hỏi sự tinh túy, chọn lọc”.
TS Vũ Dương Thúy Ngà, nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ VHTTDL cũng đồng tình rằng cần phải sáng tạo ca dao một cách có chọn lọc: “Chúng ta cần lưu ý là chỉ sáng tạo và làm mới đối với những câu tục ngữ ca dao mang những tư tưởng, những kinh nghiệm không còn phù hợp với cuộc sống hiện đại nữa. Dĩ nhiên, đối với những câu tục ngữ ca dao đã có giá trị vĩnh hằng thì chúng ta nên có những hình thức phổ biến rộng rãi”.
Vậy sáng tạo và làm mới như thế nào để ca dao có sức sống trong đời sống đương đại nhưng không mất đi hồn cốt?
Theo đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, đây là một câu hỏi vô cùng khó, nhưng không có cách nào khác là chúng ta phải “thử làm”.
“Đấy là lý do vì sao tôi bắt tay vào việc triển khai các dự án về bảo tồn và phát huy và giá trị của di sản văn hóa nói chung và ca dao nói riêng. Tôi nghĩ không phải tôi là người đầu tiên làm việc này, chắc chắn có rất nhiều người đã làm. Chúng ta đã có kho báu trong tay rồi thì dù có lo lắng nhưng cũng vẫn phải nghĩ cách để mà làm cho nó “sinh lời” chứ? Không lẽ cứ để đấy, nó sẽ hao hụt đi. Chúng ta phải thử” - Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp nhấn mạnh.
In ca dao We trust
Và một “phép thử” của đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, đó là thực hiện chương trình mang tên “In ca dao We trust”. Đây là một dự án của Trung tâm sản xuất và sáng tạo Ơ Kìa Hà Nội, kết hợp cùng tổ chức Wise (Sáng kiến hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và kinh doanh), nằm trong khuôn khổ dự án Investing in Women của chính phủ Úc, với mong muốn truyền tải và củng cố nhận thức về bất bình đẳng giới trong xã hội, cũng như làm đẹp thêm và phong phú thêm kho tàng ca dao tục ngữ bằng những thông điệp ý nghĩa.
Dự án sẽ tiến hành trong khoảng một năm, trong đó đáng chú ý là cuộc thi sáng tác ca dao với nhiều hình thức, cách tiếp cận mới với giới trẻ, đặc biệt là trên mạng xã hội facebook với từ khóa incadaowetrust. Mục tiêu của dự án là đem ca dao, đem tinh thần dân gian vào cuộc sống đương đại thông qua việc sáng tạo ra các câu ca dao tục ngữ mới, sáng tạo các bức tranh cổ động và làm phim để nâng cao nhận thức rất đương đại ngày hôm nay, đó là nhận thức về bình đẳng giới.
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cho hay: “Qua phép thử với “In ca dao We trust” đã mang lại những hiệu ứng không ngờ, giới trẻ đã có những sáng tạo không ngừng nghỉ, nghệ thuật không còn biên giới một cách cố định nữa. Ca dao, tục ngữ đã đi vào đời sống không phải chỉ bằng những câu nói mà mọi người nói ra, hoặc là được viết ra nữa. Nó đã được sử dụng một cách cực kỳ điệu nghệ trong rất nhiều các loại hình khác nhau, từ âm nhạc, điện ảnh, nhiếp ảnh đến cả đồ họa. Và nó đã tạo ra môi trường sống mới cho ca dao”.
Dù có trải qua những thăng trầm của lịch sử, những biến động của xã hội nhưng ca dao bằng cách này hay cách khác vẫn luôn có vị trí nhất định trong đời sống. Cách giáo dục chân thực, hỏm hỉnh bằng ca dao tục ngữ của cha ông ta đã tạo nên đời sống vật chất và tinh thần phong phú.
Trước đây, ca dao tục ngữ chủ yếu được truyền khẩu và ngày nay, với những ứng dụng của công nghệ được lưu truyền và lan tỏa dưới nhiều hình thức. Với nỗ lực của những người tâm huyết, cộng với sức sáng tạo của giới trẻ ngày nay, ca dao đã "khoác lên mình" những giá trị mới để như mạch nguồn, nhựa sống, nuôi dưỡng tâm hồn các thế hệ con cháu hôm nay và mai sau./.