Thủ tướng đến viếng và chia buồn với gia quyến nhà thơ Việt Phương
VOV.VN - Sáng 10/5, lễ viếng nhà thơ Việt Phương đã diễn ra tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, cùng nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã đến viếng và chia buồn cùng gia quyến nhà thơ Việt Phương.
Dòng người thương tiếc tiễn đưa nhà thơ Trần Việt Phương. |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ghi sổ tang, chia buồn cùng gia quyến: “Vô cùng thương tiếc đồng chí Trần Việt Phương, cán bộ lão thành cách mạng, người Đảng viên cộng sản trung kiên, nhà trí thức, nhà thơ, chuyên gia xuất sắc nhiều năm giúp việc trực tiếp cho các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta.
Trong suốt cuộc đời làm việc, đồng chí Việt Phương đã thể hiện rõ bản lĩnh của người cộng sản, luôn tận tụy, sáng tạo trong công việc, uyên thâm trong tư duy, nhân văn trong cuộc sống và quyết liệt trong đổi mới.
Xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến toàn thể gia quyến của đồng chí Trần Việt Phương”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến viếng và chia buồn cùng gia quyến nhà thơ Việt Phương. Ảnh: Tuổi Trẻ
Điếu văn do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đọc tại tang lễ nhà thơ Việt Phương có đoạn: “Với 90 năm tuổi đời, 71 năm tuổi Đảng, 73 năm cống hiến cho sự nghiệp giành độc lập, thống nhất và phát triển đất nước, đồng chí Việt Phương đã trực tiếp tham gia chiến đấu trong những năm đầu kháng chiến chống quân xâm lược...
Cả cuộc đời phục vụ Đảng, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, đồng chí Trần Việt Phương là tấm gương sáng về tinh thần học tập, tận tuỵ, sáng tạo, hết mình trong công việc với một tinh thần nhất quán.
Đến những năm cuối đời, dù không còn làm việc trong cơ quan nhà nước, đồng chí vẫn tiếp tục suy nghĩ đề xuất với các đồng chí lãnh đạo về việc đổi mới toàn diện và sâu sắc, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững...".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi sổ tang, chia buồn cùng gia quyến nhà thơ Việt Phương. |
Nhà văn Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội cũng có những chia sẻ xúc động về nhà thơ Việt Phương. Ông cho biết: “Việt Phương được nhiều người biết đến với danh xưng nhà thơ dù ông là một nhà chính trị. Ông đã đến với thơ và chính thơ đã giúp ông ở lại với cuộc đời. Nhờ thơ, vì thơ và bằng thơ, Việt Phương sẽ còn ở lại trong lịch sử văn học, đặc biệt với tập thơ Cửa mở ra đời năm 1970. Theo tôi, đó là một hiện tượng văn học của thời kỳ ấy. Đó là giá trị của một thái độ dám nói thẳng, nói thật. Người đọc đã ám ảnh, lay động và ngạc nhiên về cảm xúc và tư tưởng của ông trong những vần thơ ấy”.
Việt Phương viết Cửa mở năm 1970. Năm đó ông mới 42 tuổi. Và cho đến lúc nằm xuống ở tuổi gần 90, ông vẫn luôn nhất quán về cách nghĩ, cách cảm nhận.
Theo nhà văn Phạm Xuân Nguyên, Cửa mở là một tập thơ đồng vọng và là bài học cho những người cầm bút. Thơ phải đi với nhân dân, phải sống với nhân dân, hãy dám nói thẳng, sống thật, nhà thơ hông thể mũ ni che tai, ngoảnh mặt với nỗi đau của nhân dân mà phải dũng cảm để nói lên điều đó.
Ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó Trưởng Ban tổ chức Trung ương chia sẻ, nhà thơ Việt Phương là một người chân thành, chung thủy.
“Tôi còn giữ bút tích của Việt Phương khi ông tặng tôi cuốn sách Cửa mở. Trong đó ông viết “tình bạn, tình đồng chí và tình người”. Ba chữ ấy cũng nói lên đầy đủ về con người Việt Phương”.
Ông Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Việt Nam cũng cho biết: “Nhà thơ Việt Phương là một nhân cách, một trí tuệ, một tâm hồn lớn. Nhiều bài viết về Việt Phương trong thời gian gần đây đã chứng tỏ sự kính trọng của bạn bè, đồng nghiệp dành cho ông”.
Sau lễ truy điệu, đúng 13h30 phút ngày 10/5, lễ di quan nhà thơ Việt Phương được tiến hành, thi hài nhà thơ được hỏa táng tại đài hóa thân Hoàn Vũ, Hà Nội./.